17 tháng 2, 2018

CHIẾN THẮNG MA QUỶ



HIỆP SỐNG TIN MỪNG: St 9,8-15 ; 1 Pr 3,18-22 ; Mc 1,12-15
CN I MÙA CHAY B
1-the-temptation-of-christ-james-anderson1. TIN MỪNG: Mc 1,12-15.
(12) Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (16) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

2. Ý CHÍNH:
Sau khi được tấn phong làm Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), Đức Giê-su đã được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ thử thách cám dỗ và Người đã dùng vú khí Lời Chúa để chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ. Đến khi Gio-an Tẩy Giả bị bắt, thì Đức Giê-su mới bắt đầu thi hành sứ mạng Thiên Sai, bằng việc Người đi khắp miền Ga-li-lê để kêu gọi người ta ăn năn sám hối tội lỗi và tin vào Tin Mừng Nước Thiên Chúa do Người sắp thiết lập.

3. CHÚ THÍCH:
- C 12-13: + Thần Khí liền đẩy Người: Khi chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su đã được Thánh Thần lấy hình chim câu đậu xuống trên mình, để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Thiên Sai. Từ đây Người luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hành động mà việc đầu tiên là vào trong sa mạc ăn chay cầu nguyện và chiến thắng ma quỷ cám dỗ. + Vào hoang địa (sa mạc): Khi giải thoát con cháu Gia-cóp khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, Đức Chúa đã đưa họ “vào sa mạc” 40 năm, để ký một giao ước công nhận họ là dân riêng của Người, thanh luyện họ khỏi tội tôn thờ tà thần. Đây cũng là thời gian thử thách lòng trung tín của họ đối với Người. Đến thời các ngôn sứ, Hô-sê đã diễn tả đúng ý nghĩa của sa mạc khi ông trình bày Đức Chúa yêu thương dân Ít-ra-en giống như một người chồng yêu vợ, đã dẫn đưa dân này vào sa mạc để sống thân mật với Người (x. Hs 2,16). + Đức Giê-su “vào sa mạc”: Sau khi được công nhận là Con Yêu Dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha và được đầy Thần Khí, Đức Giê-su đã được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc, để sống thân tình với Chúa Cha bằng việc cầu nguyện và ăn chay suốt 40 ngày. Đây cũng là thời gian Người chịu ma quỉ thử thách. Nhờ luôn chọn làm theo lời Chúa Cha, Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan cám dỗ, và chứng minh lòng trung thành với sứ mạng Thiên Sai được Cha trao phó. + Bốn mươi ngày: Con số 40 tượng trưng cho một thời gian dài. Chẳng hạn: Trong Đại Hồng Thủy, ông No-e đã mở cửa sổ tàu sau khi nước rút được 40 ngày (x. St 8,6); Trong cuộc Xuất Hành, Mô-sê đã lên núi tiếp xúc với Đức Chúa suốt 40 ngày đêm (x. Xh 34,28); Dân Ít-ra-en phải lưu lạc trong sa mạc suốt 40 năm trường (x. Ds 14,34); Vua Đa-vít đã cai trị trong thời gian 40 năm (x 2 Sm 5,4); Ngôn sứ Ê-li-a đã chạy trốn lên núi Khô-rếp mất 40 ngày đêm (x. 1V 19,8); Đức Giê-su đã vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày (x. Mc 1,13). + Xa-tan: Xa-tan nghĩa là “kẻ thù”, “kẻ chống đối”, hay còn được gọi là “ma quỉ” hay Di-a-bo-los nghĩa là “kẻ kiện cáo”, “kẻ vu khống”. Đây là nhân vật vô hình có hai hoạt động là: nhập vào một người để bắt họ nói hay làm theo ý của nó và cám dỗ, xúi giục họ phạm tội chống lại Thiên Chúa. + Cám dỗ: Cơn cám dỗ của ma quỉ gồm 3 giai đoạn như sau: Một là gợi lên trong đầu người ta một hình ảnh hợp với nhu cầu của họ. Hai là làm cho người ta vui thích với hình ảnh ấy hoặc ước muốn làm điều xấu xa. Ba là người bị cám dỗ sẽ quyết định chiều theo hay không theo sự xúi giục của ma quỉ. Quyết định làm theo ma quỉ là đã phạm tội. Đối với Đức Giê-su, Xa-tan chỉ có thể cám dỗ ở giai đoạn thứ nhất, nghĩa là gợi lên trong tâm trí Người một tư tưởng hay một hình ảnh phù hợp với nhu cầu. + Sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người: Đức Giê-su đã chiến thắng cơn thử thách cám dỗ của Xa-tan. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng ấy là Người đã được Thiên Chúa che chở để sống hòa hợp với dã thú và còn được các thiên thần đến hầu hạ phục vụ (x. Tv 91,11-13). Đây là quang cảnh của thời Thiên Sai: một thời kỳ thái bình và đầy tình yêu thương huynh đệ, trong đó mọi loài vật sẽ sống hòa hợp với nhau và sẽ không có chỗ cho sự ganh ghét hận thù nhau (x. Is 11,6-9 ; 65,25).

- C 14-15: + Sau khi Gio-an bị nộp: Việc Gio-an bị bắt nói lên sứ mạng của ông là tiền sứ hay tiền hô của Đấng Thiên Sai đã chấm dứt, để chuyển sang thời kỳ Đức Giê-su thực hiện ơn cứu độ. + Ga-li-lê: Ga-li-lê là miền Bắc nước Do Thái, nơi đây có nhiều dân ngoại sống lẫn lộn với dân Do Thái. Đức Giê-su đã bỏ miền Giu-đê đến Ga-li-lê để bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. + Lời rao giảng của Đức Giê-su: được tóm kết trong 3 tư tưởng sau: Một là: Thời kỳ đã mãn: Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ là thời hiện tại và thời cánh chung. Giờ đây Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã kết thúc để bắt đầu một thời kỳ mới cánh chung, trong đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Hai là: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến Vương Quyền của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en là dân riêng của Người (x. Is 43,15 ; Tv 47,3). Từ đó, dân Ít-ra-en luôn trông chờ Thiên Chúa sẽ sớm thiết lập Vương Quyền của Người. Giờ đây, Đức Giê-su đã khẳng định rằng: Nơi Người, Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Ba là: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối hay Mê-ta-noi-a, một từ Hy lạp có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, Sám Hối chính là thay đổi hướng đi, triệt để từ bỏ tội lỗi để quay về với Giao Ước, và bước vào một đời sống mới. Ngoài ta còn phải tin vào Tin Mừng Đức Giê-su rao giảng nữa.


4. CÂU HỎI: 
1) Trong cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã hành động theo sự thôi thúc hướng dẫn của ai? 
2) Thời kỳ Xuất Hành. Đức Chúa đã hạ lệnh cho Mô-sê đưa dân Do thái vượt qua biển Đỏ vào trong sa mạc suốt thời gian 40 năm để làm chi? Còn Đức Giê-su được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc làm gì? 
3) Đức Giê-su đã dùng phương thế thiêng liêng nào để chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ? 
4) Hãy kể một số sự kiện trong Thánh Kinh có liên quan đến con số 40? 
5) Xa-tan là ai? 
6) Ma quỷ thường cám dỗ người ta qua mấy giai đoạn? 
7) Sau khi chiến thắng ma quỷ, Đức Giê-su đã làm gì để mặc khải các đặc điểm về thời Thiên Sai mà Người muốn thiết lập? 
8) Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa từ lúc nào? 
9) Ga-li-lê là miền đất có đặc điểm thế nào? 
10) Nội dung những lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm gọn trong ba điều chính yếu nào? 
11) Sám hối nghĩa là gì?
LM ĐAN VINH- HHTM

Không có nhận xét nào: