Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trên các thánh Tông Đồ và trên Giáo Hội sơ khai.
Biến cố này xảy ra năm mươi ngày tiếp theo sau biến cố Chúa Giêsu
sống lại (Trong ngôn ngữ tiếng Hy Lạp, pentêkostê có nghĩa là thứ năm
mươi). Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm nay vào
Chúa Nhật cuối tháng 5.
Biến cố ngày lễ Ngũ Tuần chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ với
biến cố lễ Chúa Phục Sinh và Chúa Lên Trời. Chịu chết để cứu độ nhân
loại (Thứ Sáu Tuần Thánh), sống lại (vào ngày Phục Sinh) và về cùng Chúa
Cha (Lên Trời), Đức Kitô phái Thánh Thần đến cho nhân loại (dịp lễ Ngũ
Tuần). Do đó, ngày lễ này khép lại Mùa Phục Sinh vốn được kéo dài trong
suốt bảy tuần lễ và cũng là sự đăng quang của Mùa Phục Sinh.
Vào ngày ấy, « các Tông Đồ đang hội họp cùng với nhau. Bỗng nhiên, từ
trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà,
nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi
lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn
Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh
Thần ban cho. (…) Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì
ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình » (Cv 2, 1-6).
Hơn nữa, đây cũng là dịp thực hiện lời hứa của Chúa Giêsu Phục Sinh
đối với các Tông Đồ vào thời điểm lên trời xảy ra mười ngày trước đó: «
Anh em sẽ lãnh nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ đến
trên anh em. Và anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem,
trong vùng Giuđê và Samari cho đến tận cùng bờ cõi trái đất ».
Thực tế cho thấy, các Tông Đồ khi nhận được sức mạnh của Thánh Thần
liền can đảm rời khỏi gian phòng mà trước đây họ tự giam hãm trong nỗi
sợ sệt. Ngay lập tức họ bắt đầu làm chứng cho Chúa Phục Sinh, rao giảng
giáo huấn của Ngài cho muôn dân và làm phép Rửa Tội. « Trong dịp lễ Ngũ
Tuần, Giáo Hội được khai sinh không do ý muốn của loài người, nhưng là
bởi sức mạnh của Thánh Thần ». Trong thực tế, tiếp theo biến cố này các
cộng đoàn tín hữu đầu tiên được ra đời, được củng cố, phát triển và lan
truyền rộng rãi.
Trình thuật trong sách Tông Đồ Công Vụ mang hàm ý: gió và lửa, cũng
như các trình thuật khác trong Kinh Thánh, biểu hiện sự hiện diện của
Thiên Chúa. Những lưỡi lửa chứng tỏ sự ngự xuống của Thánh Thần trên các
Tông Đồ. Và khả năng của họ làm cho tất cả những người nghe hiểu được
mà theo như bản văn liệt kê một cách rất cụ thể và chính xác rằng đây là
những người dân « Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia,
Pontô và Asia, có người là dân Physia, Pamphylia, Ai Cập, và những vùng
Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người
Do Thái cũng như người mới trở lại đạo; nào là người đảo Kêta hay người
Arập ». Hết thảy đều đều nghe các Tông Đồ rao giảng bằng tiếng bản xứ
của mình.
Cũng vậy, Tin Mừng có liên quan đến tất cả nhân loại, ơn Chúa Thánh
Thần cho phép các Tông Đồ đáp trả lời mời gọi của Chúa Phục Sinh: trở
nên những chứng nhân của Ngài cho đến « tận cùng trái đất ».
Cũng như các Tông Đồ, các Kitô hữu được mời gọi không được khép kín
nơi bản thân mình như người đứng bên ngoài cuộc sống và ở ngoài thế
giới, trái lại phải là những người công bố Tin Vui trong Phúc Âm một
cách mạch lạc và tự do. Bổn phận này được đặc biệt nhắc đến trong Công
Đồng Vatican II về vai trò của người giáo dân, cũng như trong tông huấn
Christideles laici của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ngày 30 tháng
12 năm 1998.
Nguồn mạch được tỏ hiện trong biến cố Lễ Ngũ Tuần, Bí Tích Thêm Sức
thường xuyên được cử hành trong dịp lễ này. Trong nghi thức, giám mục
đặt tay trên người lãnh nhận, cử chỉ biểu lộ ơn Chúa Thánh Thần. Ngày
nay, người lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức có thể là những thiếu niên cũng
như những người trưởng thành.
(Nguồn: La Pentecôte, fête de l’Esprit Saint et de l’Eglise)
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét