13 tháng 1, 2013

Cầu nguyện để có được sức sống mới


Tại sao cầu nguyện?
Cầu nguyện là phương cách để bày tỏ tình yêu. 
Theo kinh thánh, cầu nguyện có 4 hình thức khác nhau, đôi khi được gọi là bốn mục đích của cầu nguyện:
• thờ phượng: nhắm đến mầu nhiệm của vinh quang Thiên Chúa. Thánh Tô-ma Tông đồ đã phải quỳ xuống trước sự vinh quang của Chúa Giêsu và nói rằng, "Lậy Chúa là Thiên Chúa tôi!" (Gioan 20:28).
• thống hối: nhắm đến mầu nhiệm của lòng thương xót Thiên Chúa. Người thu thuế đứng ở đàng xa và cầu nguyện, "Lậy Thiên Chúa, xin thương xót tôi, là kẻ tội lỗi!" (Luca 18:13).
• cảm tạ: nhắm đến mầu nhiệm của sự thiện hảo Thiên Chúa. Ðức Giêsu đưa mắt nhìn lên trời và cảm tạ Chúa Cha trước khi cho đám đông ăn (Luca 9:16). 
• cầu xin: nhắm đến mầu nhiệm của sự lo lắng yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ðức Giêsu nói với các môn đệ, "Hãy xin, và con sẽ được nhận lãnh" (Luca 11:9).

Khung Cảnh Cầu Nguyện
Thánh Kinh đã thuật lại sự cầu nguyện của Chúa Giêsu trong 3 khung cảnh sau đây:
• riêng một mình (Mác-cô 1:35)
• với bạn hữu (Lu-ca 9:28)
• với cộng đồng (Lu-ca 4:16)
Cầu nguyện hằng ngày với Chúa cách riêng tư cũng quan trọng như ăn và ngủ. Cầu nguyện riêng tư là chìa khoá để mở cửa cho sự cầu nguyện trong cộng đồng, nhất là khi cộng đồng họp lại thờ lậy Chúa vào ngày Chúa nhật.

Tiến Trình Cầu Nguyện
Ðia điểm:  giúp ta dễ cầu nguyện: Chính Chúa Giêsu đã tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Kinh Thánh thuật lại việc Chúa "đi lên đồi để cầu nguyện" (Lu-ca 6:12). Và Kinh Thánh cũng nói về việc Ngài "đi ra khỏi thành phố đến một nơi tĩnh mịch và cầu nguyện ở đó" (Mác-cô 1:35).

Thời gian:  thuận tiện cho sư cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện sốt sắng cả hai lúc sáng tối. Chính Kinh Thánh ghi lại "Vào buổi sáng sớm hôm sau... Chúa Giêsu cầu nguyện" (Mác-cô 1:35). Và Kinh Thánh cũng ghi lại Chúa Giêsu "thức suốt đêm... cầu nguyện" (Lu-ca 6:12). 

Tư thế: giúp sự cầu nguyện được dễ dàng. Chúa Giêsu dùng nhiều tư thế vào nhiều lúc khác nhau. Kinh Thánh thuật lại rằng Chúa Giêsu "quỳ xuống và cầu nguyện" (Lu-ca 22:41). Cũng có lúc Chúa "sấp mình xuống đất và cầu nguyện" (Mát-thêu 2:39).

Những Hình Thức Cầu Nguyện
• Suy niệm (meditation): là sự cầu nguyện bằng trí óc, từ việc 1 sự việc hay 1 biến cố xảy ra
• Đối thoại: là sự cầu nguyện bằng con tim, nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
• Chiêm niệm (contemplation):  là sự cầu nguyện bằng linh hồn, lắng nghe tác động của Chúa Thánh Thần sâu thẳm trong con người của ta
Thường thường ba cách cầu nguyện này kết hợp chặt chẽ với nhau thành một nên nhiều lúc khó mà phân biệt được lúc nào cách này bắt đầu và cách khác chấm dứt.

Cách Cầu Nguyện
Chuẩn bị bao gồm hai phần.
Phần 1: liên quan đến việc thoải mái ba cơ phận trên cơ thể: trán, cằm và ngực. Chúng ta bắt đầu từ trán và giảm bớt căng thẳng ở đây. Sau đó chúng ta đi đến cằm. Cuối cùng chúng ta đi xuống vai và ngực.
Phần 2: liên quan đến việc điều hoà hơi thở theo một nhịp điệu và theo dõi nó cho tới khi chúng ta cảm thấy sự lắng đọng trong cơ thể. Khi tâm hồn chúng ta lắng đọng, chúng ta mới có thể hướng về Chúa Thánh Thần đang ngự ở trong ta (1 Cô-rin-tô 6:19) và bắt đầu cầu nguyện.

Có hai mô hình mà một số người cảm thấy giúp ích cho sự cầu nguyện.
• mô hình cuộc sống hằng ngày và • mô hình Kinh Thánh

Mô Hình Cuộc Sống Hằng Ngày 
Mô hình cuộc sống hằng ngày vừa giản dị và vừa tiện lợi. Nó rất thích hợp cho cầu nguyện lúc ban đêm. Khi chúng ta tìm được tư thế thoải mái. Chúng ta bắt đầu điều hoà hơi thở và để tâm hồn lắng đọng. Khi chúng ta cảm thấy sự bình an trong tâm hồn, chúng ta hướng về Chúa và bắt đầu cầu nguyện.
Mô hình cuộc sống hằng ngày dùng ưu điểm và khuyết điểm của một ngày để làm đề tài cầu nguyện. Cách thức này dùng cả ba kiểu cầu nguyện nói trên: suy niệm, đối thoại, và chiêm niệm.

Thí dụ, suy niệm ưu điểm trong ngày là chúng ta đã bình tĩnh trong một trường hợp gay cấn; tự hỏi chuyện gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta thiếu bình tĩnh. Hoặc xét xem làm thế nào để có thể bình tĩnh. Hoặc những lợi ích có được nhờ sự bình tĩnh. Ðối Thoại: Sau khi suy nghĩ về ưu điểm này, chúng ta bầy tỏ cảm tưởng của chúng ta với Chúa. Thí dụ chúng ta tâm sự với Chúa như sau: Lậy Chúa, Chúa biết tính nóng nẩy của con. Nhiều khi có những chuyện chẳng đáng gì cũng làm con nóng giận. Nhưng hôm nay Chúa đã giúp con được bình tĩnh trong một trường hợp khó khăn. Con cám ơn Chúa! Con không thể nào tự con làm được nếu không có sự giúp đỡ của Chúa. Chiêm Niệm: Sau khi đã bầy tỏ những cảm nghĩ của mình với Thiên Chúa, chúng ta để tâm hồn lắng đọng nghỉ ngơi trong sự hiện diện thần linh của Ngài. Sau đó, chúng ta lắng nghe tự đáy lòng mình bất cứ những gì mà Chúa Thánh Thần muốn nói với ta. Chúa Thánh Thần sẽ không nói với ta bằng "tiếng nói" mà chúng ta có thể nghe được bằng đôi tai. Chúa Thánh Thần sẽ nói với ta qua một phương cách rất tinh tế: sự rung động của con tim, một tư tưởng, một cảm hứng.

Mô Hình Kinh Thánh
Mô hình Kinh Thánh là một cách cầu nguyện bằng Kinh Thánh và rút tỉa từ lời Chúa những tư tưởng thâm sâu, rất tốt cho cầu nguyện vào buổi sáng. Nó dễ đánh động ta hơn khi đầu óc còn sảng khoái.
Cách thức cầu nguyện này rất đơn giản. Chúng ta mở Kinh Thánh tìm một đoạn văn mà chúng ta đã chọn trước. Sau đó chúng ta chuẩn bị cầu nguyện bằng phương thức: chọn một tư thế để thân thể được thoải mái, và điều hoà hơi thở cho đến khi tâm hồn ta lắng đọng. Sau đó chúng ta đọc một đoạn văn đã chọn. 
Thí dụ: Trong lúc Chúa Giêsu, đang dùng bữa ở nhà ông Mát-thêu, có nhiều người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến ngồi cùng bàn với Chúa và các môn đệ.
Thấy vậy, vài người Pha-ri-siêu nói với các môn đệ rằng:
"Tại sao Thầy các ông ngồi ăn với những người này?"
Nghe những lời ấy Chúa Giêsu trả lời rằng:
"Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ người đau ốm mới cần thôi."  
Mt 9:10-12

Suy Niệm:  Ðiều này liên quan đến việc suy nghĩ về hai câu hỏi: (1) Chúa Thánh Thần muốn nói gì với ta qua lời Chúa vừa đọc? và (2) chúng ta đáp ứng thế nào về những điều mà Chúa Thánh Thần muốn nói với ta? Điểm chính của đoạn văn này đã được Chúa Giêsu nêu ra: "Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ người đau ốm cần thôi." Ðiểm này cho ta thấy tại sao Chúa Giêsu tiếp nhận những người thu thuế và những người tội lỗi: họ cần thầy thuốc. Một cách áp dụng điểm này vào đời sống chúng ta có thể là: Chúng ta nên đến với Chúa như những người kể trên--vì biết rằng Chúa sẽ mở rộng vòng tay tiếp nhận chúng ta. Chính vì những người như chúng ta mà Chúa đến nơi trần gian này. 
Ðối thoại: Sau khi chúng ta thấy được cách áp dụng điểm này vào đời sống hằng ngày, chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, chúng ta nói:
Lậy Chúa Thánh Thần, xin giúp con thực sự thấy được chính mình. Xin giúp con thấy được sự bệnh hoạn trong con người của con và cần được Chúa chữa lành. Xin cho con can đảm đến với Chúa để được chữa lành qua bí tích Giải Tội, bí tích mà từ trước đến giờ con thường hay tránh né. Xin giúp con nhận thấy rằng qua bí tích này mà con được Chúa chữa lành, cũng như những người thu thuế và những người tội lỗi. 
Chiêm Niệm: Sau khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, chúng ta giữ thinh lặng và để tâm hồn chìm đắm trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúng ta lắng nghe những gì mà Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng nhiều khi Chúa Thánh Thần không trả lời chúng ta ngay tức thì. Nhưng Ngài sẽ nói với ta, ngoài giờ cầu nguyện, trong lúc bận rộn của một ngày.

Xin cho con nên người và nên thánh bằng việc siêng năng cầu nguyện mỗi ngày.

Không có nhận xét nào: