“Hoán cải có nghĩa là không đóng kín mình trong việc theo đuổi thành công, danh vọng và địa vị của mình, nhưng chắc chắn rằng mỗi ngày, trong những việc nhỏ bé, chân lý, đức tin vào Thiên Chúa và tình yêu trở thành điều quan trọng nhất.”
Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ mười bảy của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường Phaolô VI hôm thứ tư ngày13 tháng 2, 2013. Hôm nay ĐTC nói về Mùa Chay là Mùa để Thiên Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta.
Trước khi giảng bài Giáo Lý, ĐTC đã nói với các tín hữu hiện diện về việc từ nhiệm của ngài như sau:
Anh chị em thân mến,
Như anh chị em đã biết, (dân chúng hoan hô) cảm ơn sự thông cảm của anh chị em! – tôi đã quyết định rời chức vụ mà Chúa đã trao phó cho tôi ngày 19 tháng 4 năm 2005. Tôi đã hoàn toàn tự do làm điều này vì lợi ích của Hội Thánh, sau khi đã cầu nguyện tại lâu dài và đã xét mình trước mặt Thiên Chúa, nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, nhưng cũng ý thức rằng mình không còn khả năng để thi hành sứ vụ giáo hoàng với sức lực mà sứ vụ này đòi hỏi. Tôi đã được nâng đỡ và soi sáng bởi sự chắc chắn rằng Hội Thánh là của Đức Kitô. Người sẽ không bao giờ để cho Hội Thánh thiếu người hướng dẫn và chăm sóc. Cảm ơn tất cả anh chị em vì tình yêu và lời cầu nguyện mà anh chị em đã dành cho tôi. Cảm ơn anh chị em! Tôi cảm thấy hầu như khỏe mạnh trong những ngày này, là điều không dễ dàng đối với tôi, sức mạnh của lời cầu nguyện mà tình yêu của Hội Thánh, lời cầu nguyện của anh chị em đang đem đến cho tôi. Xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi, cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng tương lai. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta trong tương lai.
Tiếp theo là bài giáo lý về Mùa Chay:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta bắt đầu thời gian phụng vụ Mùa Chay, bốn mươi ngày chuẩn bị chúng ta cho việc cử hành Lễ Phục Sinh, là một thời gian dấn thân cụ thể trong hành trình tâm linh của chúng ta. Số bốn mươi xảy ra nhiều lần trong Thánh Kinh. Đặc biệt, như chúng ta biết, nó nhắc lại 40 năm mà dân Israel lang thang nơi hoang địa: một thời gian đào luyện lâu dài để trở thành dân Thiên Chúa, mà cũng là một khoảng thời gian khá dài trong đó việc cám dỗ trở nên bất trung với giao ước cùng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện. Bốn mươi cũng là số ngày mà ngôn sứ Êlia phải đi để đến núi của Thiên Chúa, núi Hôreb, cũng là thời gian mà Chúa Giêsu đã trải qua nơi hoang địa trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của Người, và ở đó Người đã bị ma quỷ cám dỗ. Trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn tập trung vào thời điểm này của cuộc đơi dương thế của Chúa, mà chúng ta sẽ đọc trong Tin Mừng của Chúa Nhật này.
Trước hết, hoang địa, nơi Chúa Giêsu đã lui về, là nơi của thinh lặng, của nghèo đói, ở đó con người bị tước đoạt mọi sự nâng đỡ vật chất, và phải đối diện với những vấn đề cơ bản của cuộc đời, là nơi họ được thúc đẩy để nghĩ về điều thiết yếu nhất và chính vì thế mà họ dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất. Nhưng hoang địa cũng là một nơi của sự chết, bởi vì ở đó không có nước nên không có sự sống, và là một nơi cô quạnh, nơi con người cảm thấy cơn cám dỗ mạnh hơn. Chúa Giêsu đi vào hoang địa, và ở đó Người bị cám dỗ rời bỏ con đường đã được Thiên Chúa Cha chỉ định để theo những con đường khác dễ dàng hơn và theo cách của thế gian (x. Lc 4:1-13). Như thế, Người gánh lấy những cám dỗ của chúng ta, gánh lấy sự thống khổ của chúng ta, để đánh bại Thần Dữ và mở cho chúng ta con đường hướng về Thiên Chúa, con đường hoán cải.
Suy niệm về những cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua nơi hoang địa là một lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta để trả lời một câu hỏi cơ bản: điều gì thật sự là quan trọng trong cuộc đời của tôi? Trong cám dỗ thứ nhất, quỷ đề nghị Chúa Giêsu biến đá thành bánh để thỏa mãn cơn đói. Chúa Giêsu trả lời rằng con người cũng sống bằng cơm bánh, nhưng không chỉ nhờ cơm bánh mà thôi: con người không thể được cứu độ nếu không có một câu trả lời cho cái đói chân lý, cái đói Thiên Chúa của mình (xem các câu 3-4). Trong cám dỗ thứ hai, quỷ đề nghị Chúa Giêsu con đường quyền lực: nó đưa Người lên nơi cao và hứa ban tặng cho Người quyền thống trị toàn thế giới, nhưng đó không phải là cách của Thiên Chúa: Chúa Giêsu biết rất rõ rằng điều cứu độ thế gian không phải là quyền lực trần thế, nhưng là quyền năng của Thánh Giá, của lòng khiêm nhường, của tình yêu (x. các câu 5-8). Trong cám dỗ thứ ba, quỷ đề nghị Chúa Giêsu gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem và được Thiên Chúa dùng các thiên sứ của Ngài mà cứu, nghĩa là làm một điều gì đó gợi cảm để thử thách Thiên Chúa; nhưng câu trả lời rằng Thiên Chúa không phải là một đối tượng để người ta có thể áp đặt những điều kiện của mình: Ngài là Chúa của tất cả (x. các câu 9-12). Điểm chính yếu của ba cám dỗ mà Chúa Giêsu phải trải qua là gì? Đó là đề nghị thao tác Thiên Chúa, sử dụng Ngài cho lợi ích riêng của mình, cho vinh quang và thành công của riêng mình. Vì vậy, điều chủ yếu là đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa, loại Ngài ra khỏi cuộc đời mình và làm cho Ngài có vẻ không cần thiết nữa. Như thế mỗi người nên tự hỏi: vai trò Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi là gì? Và Ngài là Chúa hay tôi là Chúa?
Thắng vượt cám dỗ đặt Thiên Chúa dưới mình và những tư lợi của mình, hoặc bỏ Ngài vào một xó xỉnh, và tự trở lại với một trật tự ưu tiên chính đáng, dành cho Thiên Chúa chỗ trọng nhất, là một con đường mà mọi Kitô hữu phải luôn luôn quay trở lại. “Hoán cải”, một lời mời gọi mà chúng ta sẽ nghe nhiều lần trong trong Mùa Chay, có nghĩa là theo Chúa Giêsu cách nào đó để Tin Mừng thành hướng viên dẫn cụ thể của cuộc đời chúng ta; có nghĩa là để cho Thiên Chúa biến đổi chúng ta, ngừng nghĩ rằng chính chúng ta là những người duy nhất xây dựng cuộc đời mình; có nghĩa là ý thức rằng chúng ta là những tạo vật, chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa, vào tình yêu của Ngài, và chỉ bằng cách “mất” sự sống của mình trong Ngài, chúng ta mới có thể có được nó. Điều này đòi buộc chúng ta phải chọn lựa theo ánh sáng Lời Chúa. Ngày nay, chúng ta không còn có thể là những Kitô hữu như một kết quả đơn thuần của việc sống trong một xã hội có gốc Kitô giáo nữa: ngay cả những người sinh ra từ một gia đình Kitô giáo và nhận được một sự giáo dục tôn giáo cũng phải canh tân sự lựa chọn là Kitô hữu của mình mỗi ngày, nghĩa là dành chỗ trọng nhất cho Thiên Chúa, trước những cám dỗ mà một nền văn hóa tục hóa không ngừng đề ra, trước lời bình phẩm của nhiều người đương thời cùa mình.
Thực ra, có rất nhiều thử thách mà xã hội hiện đại đưa ra cho các Kitô hữu, và chúng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và xã hội. Thật không dễ dàng để trung thành với hôn nhân Kitô giáo, để thực thi lòng thương xót trong cuộc sống thường nhật, để dành chỗ cho cầu nguyện và thinh lặng nội tâm; thật khó dễ dàng mà công khai chống lại những chọn lựa mà nhiều người coi là hiển nhiên như phá thai trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn, giết chết êm dịu trong trường hợp bệnh nặng, hay chọn lựa các phôi thai để ngăn ngừa các bệnh gia truyền. Cám dỗ gạt đức tin ra ngoài luôn luôn hiện diện và việc hoán cải trở nên một sự đáp trả dành cho Thiên Chúa, cần được xác nhận nhiều lần trong cuộc sống.
Có những gương sáng và những khích lệ trong những cuộc trở lại vĩ đại như của Thánh Phaolô trên đường đi Đamascô, hoặc của Thánh Augustinô, nhưng ngay trong thời đại chúng ta là thời đại mà ý nghĩa thánh thiêng bị lu mờ, ân sủng của Thiên Chúa vẫn hoạt động và thực hiện những công trình kỳ diệu trong cuộc đời của nhiều người. Chúa không bao giờ mệt mỏi gõ cửa của con người trong bối cảnh xã hội và văn hóa dường như bị nuốt trửng bởi việc tục hóa, như trường hợp [linh mục và khoa học gia] Chính Thống người Nga [tên là] Pavel Florensky. Sau khi được giáo dục hoàn toàn theo thuyết bất khả tri, đến độ ông cảm thấy hoàn toàn thù nghịch với giáo huấn tôn giáo được dạy trong trường học, khoa học gia Florensky thốt lên: “Không, người ta không thể sống mà không có Thiên Chúa”, và đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời, đến nỗi trở thành một tu sĩ.
Tôi cũng nghĩ đến nhân vật Etty Hillesum, một thiếu nữ Hà Lan gốc Do Thái đã chết trong trại tập trung Auschwitz. Lúc đầu cô sống xa Thiên Chúa, nhưng rồi cô khám phá ra Ngài khi nhìn sâu vào tận nội tâm của chính mình và viết: “Có một cái giếng rất sâu ở trong tôi. Và trong cái giếng ấy có Thiên Chúa. Đôi khi tôi thành công trong việc gặp Ngài, nhưng thường hơn thì đá cát che lấp cái giếng: khi ấy Thiên Chúa bị chôn vùi. Tôi lại cần phải đào Ngài lên” (Nhật ký, 97). Trong cuộc sống tản mác và bất ổn của cô, cô tìm lại được Thiên Chúa ở chính giữa thảm cảnh vĩ đại của cuộc diệt chủng Do thái (Shoah) của thế kỷ thứ hai mươi. Người thiếu nữ yếu ớt và bất mãn này đã được đức tin biến đổi thành một phụ nữ tràn đầy tình yêu và bình an nội tâm, cô có thể quả quyết rằng: “Tôi sống trong sự mật thiết không ngừng với Thiên Chúa”.
Khả năng để chống lại những lời tán tỉnh ý thức hệ trong thời đại mình, để lựa chọn tìm kiếm chân lý và mở lòng cho việc khám phá đức tin được chứng minh bởi một người phụ nữ khác trong thời đại chúng ta, là một người Mỹ, bà Dorothy Day. Trong cuốn tự truyện của mình, bà công khai thú nhận rằng đã rơi vào cám dỗ giải quyết mọi sự bằng chính trị, dính liền với đề nghị của chủ nghĩa Mácxit: “Tôi đã muốn đi với những người biểu tình, đi vào tù, viết, ảnh hưởng đến những người khác và để giấc mơ của tôi lại cho thế giới. Thật là tham vọng biết bao và tìm kiếm chính mình nhiều biết bao trong tất cả những điều đó!” Cuộc hành trình đức tin của bà, trong một môi trường cũng bị tục hóa, đặc biệt là khó khăn, nhưng ân sủng hoạt động luôn như nhau, như bà vạch ra: “Chắc chắn rằng tôi đã cảm thấy, mỗi ngày một nhiều hơn, nhu cầu đi đến nhà thờ, qùy gối và cúi đầu cầu nguyện. Người ta có thể nói đó là một trực giác mù quáng, bởi vì tôi đã không ý thức về điều tôi cầu nguyện. Nhưng tôi đã đi, tôi đã tự hội nhập vào bầu khí cầu nguyện…”. Thiên Chúa đã dẫn bà đến một gắn bó có ý thức với Hội Thánh, trong một cuộc sống tận hiến cho những người thiếu thốn.
Trong thời đại chúng ta có không ít những cuộc hoán cải được hiểu như việc trở lại của những người, sau một nền giáo dục Kitô giáo có lẽ hời hợt, đã từ bỏ đức tin nhiều năm và sau đó tái khám phá ra Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Trong Sách Khải Huyền, chúng ta đọc: “Này, Ta đứng trước cửa và gõ, nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ ăn tối với người ấy, và người ấy sẽ ăn tối với Ta” (3:20). Con người nội tâm của chúng ta phải tự chuẩn bị để được Thiên Chúa viếng thăm, và chính vì lý do này mà không nên để mình bị xâm chiếm bởi những ảo tưởng, những vẻ bề ngoài, những đồ vật vật chất.
Trong thời gian này của Mùa Chay, trong Năm Đức Tin, chúng ta hãy tái quyết tâm đi trên con đường hoán cải, để vượt qua khuynh hướng đóng chặt trong bản thân mình và thay vào đó dành chỗ cho Thiên Chúa, qua việc nhìn đến thực tại của mỗi ngày bằng đôi mắt của Ngài. Việc chọn lựa giữa giam hãm trong sự ích kỷ của mình và mở lòng ra cho tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, có thể nói là tương tự như chọn lựa giữa những điều khác nhau trong những cám dỗ của Chúa Giêsu: nghĩa là, giữa quyền lực của con người và tình yêu của Thánh Giá, giữa ơn cứu độ chỉ được nhìn dưới khía cạnh hạnh phúc về vật chất và ơn cứu độ như công trình của Thiên Chúa, là Đấng mà chúng ta dành cho chỗ cao trọng nhất trong cuộc đời mình. Hoán cải có nghĩa là không đóng kín mình trong việc theo đuổi thành công, danh vọng và địa vị của mình, nhưng chắc chắn rằng mỗi ngày, trong những việc nhỏ bé, chân lý, đức tin vào Thiên Chúa và tình yêu trở thành điều quan trọng nhất. Cám ơn anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét