29 tháng 8, 2013

Hãy yêu đi

THÁNH AUGUSTINÔ: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm” 

Ký giả Di Renzo Allegri phỏng vấn Cha Vittorino Grossi trong khi truyền hình Italia trình chiếu bộ phim truyện về vị thánh Giám mục thành Híppô.




Cha Vittorino Grossi, tu sĩ dòng thánh Augustinô, thần học gia, cây bút và chủ nhiệm của Tạp chí Studi Patristici Augustinianum, thành viên của ủy ban Khoa học lịch sử, giáo sư bộ môn Giáo phụ học ở Đại học Giáo hoàng Lateranô và Viện Giáo phụ học Augustinianum, đã cống hiến thời gian nghiên cứu về cuộc đời của thánh tiến sĩ thành Híppô. Cha đã trả lời cuộc phỏng vấn một số chi tiết trong cuộc đời của Augustinô, những chi tiết chưa được công bố bởi vì hầu như không có mặt trong các tiểu sử chính thức.
Cha Vittorino: Trong phim truyện Thánh Augustinô của đạo diễn Christiane Duguay, Augustinô khi còn trẻ đã có một đứa con trai với nàng hầu người Ethiopia. Nàng đã sống như thê thiếp của anh trong một thời gian và sau đó anh đã ra đi vì sự nghiệp của Giáo Hội. Câu chuyện này được hầu hết sách vở nói tới nhưng không đúng với sự thật. Khi còn trẻ, Augustinô có một người con trai, nhưng không phải với một nữ tì. Người con gái mà chàng đã phải lòng thì “rất đặc biệt”. Vì tình yêu với người con gái đó mà Augustinô đã thay đổi lối sống riêng của mình một cách sâu xa. Tiếc rằng tình yêu cao cả đó đã không bao giờ dẫn đến cuộc hôn nhân hợp thức.
- Tại sao?
Đây chính là truyện ly kỳ và bí ẩn mà những nhà viết tiểu sử không bao giờ thành công làm sáng tỏ. Tuy nhiên khi nghiên cứu tỉ mỉ, tận dụng tất cả những chỗ mà Augustinô nhấn mạnh trong các bút tích về những sự kiện trong đời tư của ngài, ta có thể tái lập lại câu chuyện hết sức hấp dẫn, lãng mạn, đẹp xinh, mặc dù kết thúc câu chuyện có vẻ buồn buồn dưới cặp mắt của nhân loại.
- Câu chuyện được kể như thế nào?
Augustino đã từng có một tuổi thanh xuân lầm lạc. Chính anh kể trong sách Tự Thuật của mình rằng có một thời anh là một tay phóng đãng náo động: anh yêu thích các buổi lễ hội, lạc thú, cuộc đời tươi đẹp, phụ nữ, tính dục, dâm đãng, trò chơi, bè bạn đồi trụy. Cung cách sống này thể hiện anh là một hạng người khuấy động vì không thực hiện nổi những giấc mơ riêng tư.
Anh thuộc về một gia đình có những điều kiện kinh tế khiêm tốn. Cha anh, ông Patriziô, cố vấn thành thị, được giao trách vụ thu thuế, nhưng Tagaste là một trung tâm nhỏ bé và công việc đó thu nhập được ít. Mẹ của anh là bà Mônica, một tín hữu và phụ nữ đạo hạnh (sau này được phong thánh) đã dành cho đứa con nhỏ sự giáo dục tôn giáo, mà Augustinô đã hoàn toàn quên lãng trong tuổi thiếu niên.
Là con cả trong gia đình có ba người con, Augustinô là đứa con trai rất thông minh. Cậu luôn luôn ở trong số những đứa học sinh khá nhất trường. Cậu yêu thích văn chương, đặc biệt là thơ ca. Cậu học thuộc lòng các tác phẩm của nhà thơ Virgilio và khi ngâm bài Eneide (Aeneis), cậu diễn cảm đến rơi nước mắt. Cậu mơ ước đi tới Cartagine để tiếp tục các môn học và trở thành một nhà tu từ học nổi tiếng, tức là nhà văn học. Nhưng gia đình đã không có những phương tiện tài chánh cần thiết. Vì thế khi kết thúc các trường học địa phương, cậu cảm thấy chán chường, thất vọng. Mỗi ngày vào giờ giấc nhất định, cậu leo lên ngọn đồi nhỏ và hướng nhìn về Cartagine mà mơ mộng. Vì buồn phiền và thất vọng, trong một thời gian cậu buông mình cho mọi tật xấu: quậy phá, cãi cọ, cờ bạc, ăn trộm, nhiễu sách con gái, kể cả bạn gái và mẹ của mình. Cậu trở thành một xì-căng-đan làm cho mẹ mình khóc lóc đau khổ.
Một người bạn của gia đình là Romaniano, rất giàu có và yêu quý Augustinô. Ông tìm cách lôi kéo anh ra khỏi tình trạng đó bằng cách cho anh một việc làm là dạy học cho con cái của ông. Augustinô nói: “Cháu sẽ chấp nhận công việc này chỉ khi nào bác trả trước cho cháu tiền lương một năm”, và Romaniano đã chấp thuận. Nhưng Augustinô bỏ tiền đầy túi rồi biến mất. Trốn khỏi nhà, anh đi tới Cartagine, và với số tiền của Romanianô, anh ghi danh vào một Đại học thời đó.
- Anh đã thay đổi cuộc đời?
Không phải ngay lập tức. Cartagine là một thành phố đồi bại, đầy những trò tiêu khiển dưới mọi hình thức. Augustinô cảm thấy rất là thoải mái. Là người hướng ngoại, đẹp trai, hấp dẫn, có học, biết làm thơ, anh lập tức trở thành “ông hoàng” của các cuộc lễ hội và là thần tượng của các cô gái. Nhưng sau đó anh gặp một thiếu nữ bí ẩn và đã thay đổi cuộc đời.
- Người ta biết được gì về thiếu nữ đó?
Rất ít. Thậm chí cả tên gọi của cô cũng không ai biết, nhưng cô không phải là một nữ tỳ. Như chính Augustinô thuật lại, anh gặp cô trong một cộng đồng Kitô hữu và chi tiết này vô cùng quan trọng để hiểu thiếu nữ đó là ai. Vào thời ấy, phụ nữ được tham dự những cuộc họp mặt cộng đồng Kitô hữu chỉ khi nào có bố mẹ hay chồng mình dẫn đi, và không ai có thể hàn huyên với họ được. Tuy nhiên, cũng có ba “bậc” phụ nữ được trân trọng trong cơ chế xã hội và phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi, đó là các “bà góa”, “nữ phó tế” và “trinh nữ thánh hiến”. Các bà góa và nữ phó tế là phụ nữ có tuổi. Trái lại các “trinh nữ thánh hiến” có thể còn rất trẻ và chọn con đường dâng hiến cuộc đời cho Đức Kitô qua một lễ nghi thánh hiến. Họ là những thiếu nữ tốt nhất trong cộng đồng, giàu có về các phẩm chất nhân bản và trí tuệ. Những điều này cho phép chúng ta nghĩ rằng Augustinô đã yêu một trong những cô bé này và đã bị quyến rũ bằng một sự hấp dẫn mãnh liệt không thể cưỡng lại được. Người con gái đã mang thai và đã đến sống chung với anh và gây ra một xì-căng-đan lớn. Nhưng mà tình yêu của họ sâu sắc và cao cả đã khơi dậy sự biến đổi mạnh mẽ trong cuộc đời của Augustinô. Đối với anh, nàng là sự cứu độ, là khởi đầu cho cuộc hoán cải sau này của anh. Nhưng mà anh không thể hợp thức hóa mối qua hệ đó bằng cuộc hôn nhân. Ngày ấy, sau chiếu chỉ Constantinô năm 312 và dưới thời hoàng đế Giustinianô, có những luật của Giáo hội được bộ luật dân sự tiếp nhận. Một trong những luật đó nhắm đến các “trinh nữ thánh hiến”. Họ không thể nào được phép rời bỏ bậc sống của mình, và vì thế không bao giờ được phép kết hôn cách hợp pháp.
- Augustinô và người tình đã sống như thế nào?
Như hai nhân tình. Vào thời đó sống như tình nhân ngoài hôn phối là một tình trạng được người đời khoan nhượng chấp nhận. Sau khi hoàn tất các môn học, Augustinô trở về quê hương Tagaste với nàng và đứa con trai, mang tên là Adeodato, nghĩa là “thiên ân”. Anh muốn mở một trường học ở đây nhưng không có đủ phương tiện. Gia đình anh đã không giúp anh. Mẹ Monica thì coi anh như kẻ “phạm sự thánh” bởi vì đã chung sống với một “trinh nữ thánh hiến” và bà không muốn chứa chấp anh trong nhà mình. Thế là ông Romanianô lại đến giúp anh. Ông cho anh vay mượn một khoản tiền lớn và với số tiền ấy, Augustinô đã mở được trường học.
Nhưng ở Tagaste anh không thấy tốt đẹp. Học trò của anh không chịu đóng học phí. Vì thế Augustinô quay trở lại Cartagine và mở một trường khác. Nhưng ở Cartagine anh cũng không gặp may, cho nên anh chuyển tới Rôma, trong lúc đó vẫn tiếp tục học hỏi và nghiên cứu. Anh khao khát chân lý, và vì cuộc tìm kiếm đó, anh đã dần dần gắn bó với các hệ tư tưởng và trào lưu triết học và tôn giáo của thời đại: từ chủ nghĩa Duy Vật tới chủ nghĩa Khắc Kỷ, từ phong trào của những người theo thuyết Plato tới lạc thuyết Pêlagiô và Manikê. Những người theo thuyết Manikê đã hiểu chàng trai này thông minh và giỏi giang như thế nào. Họ có nhiều ảnh hưởng trong chính trị và quyết định đánh giá khả năng của anh. Qua trung gian Simmacô, thủ phủ thành Rôma, họ đề cử Augustinô vào chức giáo sư Tu từ học (hùng biện) của thành Milan, một vị trí có uy tín rất lớn, bởi vì Milan trở thành trung tâm chính thức của Hoàng Đế. Việc đề cử đã được chấp nhận. Vào năm 384, khi Augustinô mới được 30 tuổi, anh được bổ nhiệm giữ chức “Viện trưởng hoàng đế” và đã chuyển nhà về Milan cùng với gia đình.
Thánh Ambrosiô lúc đó là giám mục Milan. Augustinô rất kính trọng ngài và bắt đầu đến nghe những bài giảng của ngài vì “lý do thẩm mỹ” như chính ngài đã viết như vậy, nghĩa là vì Ambrosiô là một người có học thức và tinh tế. Trong những bài giảng đó Augustinô đã tìm thấy Chân lý mà bao năm anh theo đuổi. Thiên Chúa bắt đầu bộc lộ chính mình cho anh và tâm hồn anh bị nung nấu. Anh ghi danh vào nhóm các dự tòng và chuẩn bị lãnh nhận phép Thánh Tẩy vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh năm 387, từ tay thánh Ambrosiô. Nhưng ngay lập tức nổi lên một trở ngại lớn.
Giáo Hội buộc các dự tòng phải chỉnh đốn lại cuộc đời của họ trước khi lãnh nhận Phép Rửa. Ai có tình nhân thì phải chia tay. Ai đang chung sống với người khác thì phải kết hôn. Một số tác giả viết về cuộc đời thánh Augustinô khẳng định rằng khi ngài quyết định chịu Phép Rửa, ngài liền đuổi cô bạn đời của mình ra khỏi nhà mà chỉ giữ lại đứa con trai lúc đó được 15 tuổi. Nhưng có lẽ lối trình bày này không có tài liệu làm bằng chứng và không đúng với sự thật con người của Augustinô. Thực ra, Augustinô rất yêu người con gái đã chung sống với anh suốt hơn 14 năm trường, và chính vì người ấy mà anh đã làm lại cuộc đời. Trong cuốn Tự Thuật ngài kể lại rằng trong ngần ấy năm trường, anh không bao giờ phản bội nàng. Điều đó minh chứng tình yêu thực sự của anh dành cho nàng, và vì thế anh không bao giờ từ bỏ nàng bằng cách ấy. Vào thời gian chuẩn bị lãnh Bí tích, Augustinô tuyệt đối không nghĩ đến chuyện gánh vác sự nghiệp của Giáo Hội để mà từ chối cuộc hôn nhân. Vì thế không có lý do nào hợp tình hợp lý giải thích tại sao anh không phải cưới mẹ của đứa trẻ làm vợ.
Tôi nghĩ Augustinô đã không cưới người bạn đời của mình làm vợ bởi vì “anh không thể”. Anh không thể bởi vì luật pháp không cho phép cưới một “trinh nữ thánh hiến” làm vợ. Thế thì anh phải bảo cô ấy đi chứ? Nhưng chỉ nghĩ đến điều đó mà thôi cũng đủ làm cho anh chết điếng cả người vì rất đau khổ. Vì thế chính nàng, người phụ nữ chung tình đó mới có thể giải quyết được vấn đề: phải hy sinh chính bản thân mình. Thật vậy, nàng đã trở về Rôma, bỏ lại Augustinô và đứa con trai. Đây là một cuộc chia ly đớn đau tột cùng, như chính ngài về sau thú nhận là không bao giờ quên được người phụ nữ đó. Mẹ của anh, bà Mônica, tìm cách an ủi anh mà vô ích, liền giới thiệu cho anh nhiều phụ nữ khác có địa vị tốt nhất, để mong anh có thể làm lại cuộc đời, nhưng anh luôn từ chối. Anh là một người có uy tín nổi bật ở Milan và nhiều gia đình giỏi giang khác đã ao ước kết nghĩa chân tình với anh. Nhưng Augustinô luôn luôn yêu mẹ của Adeodato và từ chối mọi đề nghị.
-  Anh đã làm gì sau khi chịu Phép Thánh Tẩy?
Anh từ bỏ chức viện trưởng hoàng đế bởi vì không thấy tốt đẹp trong môi trường đó. Anh quyết định trở về Tagaste và cống hiến cuộc đời cho việc học hành, cầu nguyện cùng với mẹ và các bạn hữu. Anh bỏ Milan và tới Civitavecchia để lên thuyền hướng về Phi Châu. Nhưng tại Civitavecchia bà Mônica ngã bệnh và qua đời. Bấy giờ Augustinô chuyển đến Rôma và dừng ở đó 8 tháng. Ngài bị cuốn hút bởi những cộng đoàn đan tu đang lan rộng, và ngài cũng muốn biết điều đó. Đó là những cộng đoàn khao khát cuộc sống giống như các Kitô hữu tiên khởi.
Vào năm 388 ngài trở về Tagaste, bán đi một số của cải mình rồi phân phát số tiền thu được cho người nghèo. Sau đó ngài cùng với một ít bạn hữu rút vào miền ngoại thành. Lý tưởng sống của ngài là sống ẩn dật trong cầu nguyện và học hành. Các bạn hữu cũng chia sẻ với ngài lý tưởng đó. Nhưng Augustinô rất nổi tiếng ở Tagaste. Mọi người đều ngưỡng mộ sự thanh lịch, lòng nhân hậu, khôn ngoan của ngài và mỗi ngày nhiều người tuôn đến gặp ngài để xin những lời khuyên, xin ân huệ, sự giúp đỡ. Còn ngài không thể nói lời từ chối với họ. Đời sống học hành và cầu nguyện của ngài tiếp tục bị khuấy rầy. Thế là ngài quyết định bỏ Tagaste mà chuyển tới một thành thị tên là Híppô ở gần biển Địa Trung Hải, tức là miền Annaba hiện nay. Nhưng nhiều người cũng biết được danh tiếng của ngài. Một ngày nọ ngài bước vào nhà thờ Híppô khi đang diễn ra một cuộc hội họp. Đức cha Valeriô giám mục giáo phận lúc ấy đã già đang nói với các tín hữu về nhu cầu cần có một linh mục để giúp đỡ ngài. Các tín hữu vừa nhìn thấy Augustinô liền bắt đầu nhiệt liệt xướng tên ngài, còn ngài thì cười giễu họ vì không bao giờ nghĩ đến làm linh mục. Nhưng tiếng của dân là tiếng của Chúa “vox populi vox Dei”. Đức giám mục liền gọi ngài đến và nói rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa và không thể từ chối. Vì vậy Augustinô bị truyền chức linh mục.
Augustinô đã hiểu ra rằng việc tuyển chọn đó rất tuyệt. Cha tổ chức các hoạt động tôn giáo tại Híppô và những vùng phụ cận, làm nở rộ những hoa trái phi thường của đức tin, công ăn việc làm và học hành. Tất cả mọi người đều chạy đến nghe những lời giảng dạy của  ngài. Nhờ Augustinô mà thành Híppô trở thành điểm quy chiếu của các Giáo hội Phi Châu. Giám mục Valeriô sợ rằng Augustinô sẽ được mời đến Tòa giám mục khác, ngài liền truyền chức giám mục cho cha Augustinô và bổ nhiệm làm người kế vị. Lễ phong chức diễn ra vào năm 396, và như vậy Augustinô không còn rời khỏi Híppô nữa.
- Augustinô qua đời năm 430, như vậy ngài giữ chức giám mục rất lâu.
Kéo dài được 34 năm, một thời gian lâu dài và dày đặc các hoạt động. Augustinô đã cống hiến tâm hồn và thân xác của mình cho sứ vụ mới của ngài. Ngài là một vị mục tử ân cần, chú ý đến nhu cầu của các tín hữu, nhất là những người nghèo khổ, thấp hèn và đau yếu. Ngài quan tâm nhiều đến việc rao giảng, cho dù đòi hỏi nhiều hy sinh, bởi vì ngài bị bệnh phổi và nói là một cực hình. Ngài cũng thường xuyên đi giảng ở những địa phương khác và ở Cartagine nữa. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc viết lách. Nơi nào ngài không đến được bằng lời nói thì ngài đến bằng ngòi bút. Tại Híppô ngài cũng thực hiện được một phòng Lab tuyệt vời dành cho những thính giả. Có nhiều người khác cùng làm việc với ngài và ghi chú tất cả những điều thốt ra từ miệng ngài: trò chuyện, tranh luận, đối thoại, bài giảng … và sắp xếp lại những ghi chép đó thành một hình thức hoàn chỉnh. Augustinô biên soạn lại những sản phẩm đó thành sách và các khảo luận. Một số người khác thì copy và gửi đi cho các nhà thờ, các giám mục và những người xin trợ giúp và cần lời khuyên. Ngài bị bệnh mất ngủ nhưng không kêu ca, bởi vì nhờ đó ngài có thể trải qua nhiều đêm tối bằng viết lách. Sản phẩm văn chương mà Augustinô để lại cho chúng ta thì vô lường và ngày hôm nay vẫn còn là kho tàng phi thường của sự “khôn ngoan” về thần học, thần bí, triết học cho các học giả của mọi giới, kể cả Đức giáo hoàng nữa.
- Augustinô qua đời khi nào?
Vào đêm ngày 28 rạng ngày 29 tháng 8 năm 430 khi ngài được 76 tuổi. Ngài bị cơn sốt hành hạ và sau cơn bệnh ngắn ngủi, ngài được về trời. Thi thể ngài được chôn cất tại Híppô. Sau đó được chuyển về Sardegna và Pavia, ngày nay vẫn còn ở trong nhà thờ Thánh Phêrô trong Bầu Trời Vàng (Chiesa di San Pietro in Ciel d’oro). 
- Đọc những sách vở và chứng từ của những người biết ngài, ta có thể mô tả những nét thể lý của thánh Augustinô thế nào?
Vâng có một số dữ kiện và dấu hiệu cho phép chúng ta phác họa nên hình ảnh có thể đáng tin cậy về ngài. Ngài không cao lắm. Tất cả những người La Mã ngày xưa đều có chiều cao trung bình. Trong hang toại đạo, khi nào thấy những bộ xương người cao, thì đó không phải là bộ xương của người La Mã. Có một lá thư của thánh Augustinô giúp chúng ta kết luận ngài có độ cao trung bình. Một thiếu phụ người La Mã có một cậu con trai được thánh hiến chức phó tế. Bà liền mua cho con một cái áo mới. Nhưng vì người con đó qua đời, nên bà đem chiếc áo đẹp ấy mà tặng cho Augustinô. Thánh nhân cám ơn món quà đó nhưng nói với bà: “Tôi không thể mặc được vì đối với tôi nó dài quá”. Từ chi tiết này ta có thể suy ra rằng Augustinô nhỏ và thấp hơn người La Mã bình thường của thời đó. Ngài cao khoảng 1m60. Ngài thuộc về một dân tộc bờ biển Địa Trung Hải, và vì thế có những đặc tính thể lý như người Algeria hiện nay: nước da ngăm ngăm và tóc đen.
-  Tính tình của ngài thế nào?
Ngài là típ người nhã nhặn, lịch thiệp, tế nhị, cần tình cảm. Ngài luôn ước ao có bạn bè ở chung quanh mình, kể cả người già, và ngài đau khổ khi phải xa lìa họ. Chính ngài nói về mình: “Tôi thuộc loại người có tâm tính lịch thiệp”. Ngài rất dễ thương và mọi người đều muốn ở với ngài. Ngài thừa hưởng cái quý phái từ bẩm sinh. Lúc còn trẻ, ngài có lui tới các bạn bè mất dạy, nhưng không bao giờ tiếp cận với thói tục tĩu, thô lỗ, bạo động như chúng. Ngài lúc nào cũng muốn thanh lịch, tao nhã. Ngài là một diễn giả tinh tế và say mê với các bài diễn từ của mình.
Augustinô đã sống cách chúng ta 1600 năm, nhưng tưởng như là con người của thời đại. Ngài biết hết những khó khăn gây phiền muộn con người ngày nay. Trước khi gặp được Chúa và sống cho Chúa, ngài là nạn nhân của những đam mê thao túng. Ngài tìm kiếm chân lý, nhưng lại qua con đường xa rời đức tin Kitô giáo mà ngài đã đón nhận nơi mẹ mình ngày từ thời thơ bé. Có một lúc nào đó thời ngài đã trở thành kẻ thù của đạo Kitô mà ngài cho là lầm lạc. Sau đó ngài hoán cải và trót cả cuộc đời trở thành một môn sinh say yêu nồng nàn Đức Giêsu và người đam mê loan truyền Tin Mừng.
Nt. Maria Đinh Thị Sáng OP
Thánh Augustinô - Tiến sĩ Hội Thánh, một vị thánh tài giỏi. Ngài đã từng làm nở rộ những hoa trái phi thường của đức tin, công ăn việc làm và học hành.  Cuộc đời của Ngài rất sống động và gần gũi nên đã củng cố đức tin cho tôi rất nhiều, khi ai đó hỏi tôi: tại sao tin vào Thiên Chúa. Vâng, kiến thức của tôi có là gì đâu để mà lý luận; nên tôi tin  đức tin của Hội thánh truyền day. Chuyện của Thánh Nhân là gương sáng hoán cải cho tôi, cho những ai đang sống trong lầm lạc sớm quay về với Thiên Chúa. Xin mượn lời Thánh Nhân: "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con."

Không có nhận xét nào: