Ước chi mỗi khi lần đọc kinh mân côi, chúng ta biết nhìn ngắm tấm gương khiêm nhường sâu thẳm của Chúa Giê-su.
Trong những lần hiện ra, Mẹ Maria thường
cầm tràng hạt trên tay. Khi hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Mẹ còn lần hạt
với ba trẻ tại đó. Đức Giáo Hoàng JP II cũng như nhiều vị giáo hoàng
khác rất siêng năng lần hạt và kêu gọi tín hữu năm châu sốt sắng lần hạt
hằng ngày. Như thế, Mẹ Maria cũng như Hội Thánh luôn khuyến khích chúng
ta lần hạt vì Kinh Mân Côi là một phương thế giúp cho người ta nên
thánh.
Nhưng để cho kinh Mân Côi thực sự là một phương thế giúp ta nên
thánh, thì chỉ đọc suông ngoài miệng không đủ, mà cần phải suy niệm
trong lòng, cần phải chiêm ngắm và noi theo gương lành của Chúa Giê-su
và Mẹ Maria được gợi lên trong Kinh Mân Côi.
Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm lòng khiêm nhường sâu thẳm của Ngôi Hai Thiên Chúa qua Kinh Mân Côi.
Gương khiêm nhường của Ngôi Hai Thiên Chúa nổi bật trong những phần suy gẫm sau đây:
Gẫm thứ nhất năm sự vui: Ngay khi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ,
Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng cao sang quyền phép đã chấp nhận hóa thân
thành một phôi thai nhỏ, chỉ bằng hạt cát thôi, nằm trong tử cung của Mẹ
Maria để chờ ngày được sinh ra làm người. Một Thiên Chúa cao sang là
Chúa Tể trời đất mà lại hạ mình đến thế thì chúng ta là ai mà dám nhắc
mình lên cao!
Gẫm thứ ba năm sự vui: Khi Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su trong hang đá,
Thiên Chúa Ngôi Hai là Vua Trời đầy quyền uy phép tắc hiển trị trên các
tầng trời đã chấp nhận chọn hang bò lừa làm nơi nương náu, chọn máng súc
vật làm nôi để đến ở cùng nhân loại. Hạ mình và khiêm nhường như vậy
là hết mức, không thể hạ mình sâu hơn được nữa.
Gẫm thứ nhất trong năm sự sáng, Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông
Gio-đan: Chúa Giê-su là Thiên Chúa hoàn toàn vô tội, ngàn trùng chí
thánh, vậy mà Ngài chấp nhận hòa mình với những người tội lỗi bên bờ
sông Gio-đan, xếp hàng đứng chung với những người tội lỗi, những tay đâm
thuê chém mướn, những cô gái điếm, những gã côn đồ… để chờ đến phiên
mình bước xuống dòng sông Gio-đan, cúi mình xuống để cho Gioan làm phép
rửa cho. Đấng không hề biết tội là gì lại khiêm nhường cúi mình nhận
tội, còn loài người tội lỗi thì cứ cho mình vô tội và tìm mọi cách trút
tội lên đầu người khác.
Và đặc biệt là trong năm sự thương, chúng ta thấy nổi lên hình ảnh
Chúa Giê-su quá đỗi khiêm nhường khi Ngài tự xóa mình đi, trở thành tên
tử tội, để cho người ta hành hạ Ngài đủ cách cho đến chết.
Chúa Giê-su chịu đánh đòn: Chúa tốt lành thánh thiện vô cùng nhưng
lại bị đưa ra tòa xét xử như một tên gian phi, bị vu cáo, bị khạc nhổ
vào mặt, bị đánh đòn rách nát thịt da mà vẫn khiêm nhường chịu đựng
chẳng hé môi kêu trách hay phản kháng.
Chúa Giê-su chịu đội mão gai. Thay vì đội mão triều thiên vinh hiển
của các bậc vua chúa cao sang, Chúa Giê-su chịu đội vòng gai nhọn đâm
sâu vào đầu, để cho người ta sỉ nhục nhạo cười mà không hận thù hay oán
trách. Khiêm nhường hạ mình đến thế thật là hết mức.
Chúa Giê-su vác thập giá: Là Chúa Tể trời đất, lẽ ra Chúa Giê-su bắt
mọi người quy phục mình, nhưng trái lại, trên chặng đường thương khó,
Chúa để cho quân lính chế ngự Ngài, bắt Ngài vác thập giá lảo đảo tiến
lên pháp trường theo lệnh truyền và những lời quát tháo của những tên
lính hung hăng. Chúa Tể trời đất đã khiêm nhường chịu thua hết thảy mọi
người và để mặc cho người ta hành hạ.
Chúa chết trên thập giá: Cuối cùng, tuy là Chúa Tể càn khôn, Chúa
chịu để cho quân lính lột áo ra, đóng đinh tay chân Ngài vào thập giá và
bị treo thân trên thập giá giữa hai tên đạo tặc, chia chung án chết với
những kẻ côn đồ. Dù bị hành hạ đến mức nào đi nữa, Chúa Giê-su vẫn
khiêm nhường chịu mọi nhục hình cho đến chết.
Kiêu ngạo là đầu mối, là nguồn mạch phát sinh nhiều tội lỗi, là một
trong bảy mối tội đầu; còn khiêm nhường là nhân đức cao vời và là liều
thuốc thần diệu cứu con người khỏi kiêu căng tự mãn.
Ước chi mỗi khi lần đọc kinh mân
côi, chúng ta biết nhìn ngắm tấm gương khiêm nhường sâu thẳm của Chúa
Giê-su, học sống khiêm nhường như Chúa để nhờ đó, chúng ta triệt bỏ được
tính kiêu căng và làm cho đời sống của mình trở nên cao đẹp và giống
Chúa hơn.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét