29 tháng 11, 2013

Lễ Tạ Ơn


Tạ Ơn Trời, Tạ Ơn Người

Mỗi khi giao tiếp với người khác, một trong những tâm tình cao quý mà bất cứ ai trong chúng ta cũng quý mến trân trọng: Đó là tâm tình biết ơn. Biết ơn là bộc lộ tâm tình tri ân với vị ân nhân về những điều tốt lành mà mình đã lãnh nhận. Những điều tốt lành ấy gồm nhiều hình thức: Một cử chỉ thân ái, một lời khích lệ, một món quà tặng, một hành động nâng đỡ tinh thần hay vật chất, một hồng ân của Thượng Đế. Mỗi tặng vật luôn gói ghém một giá trị tinh thần. Nó là biểu tượng của Tình Thương. Nó mang ý nghĩa của sự cho đi phần nào chính bản thân ngời tặng. Thông thường những tâm tình biết ơn được thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ và hành động.

Biết ơn là một hành động văn minh cao quý chứng tỏ con người có giáo dục. Biết ơn là một cử chỉ lịch thiệp thể hiện sự kính trọng người khác, đặc biệt người ấy lại là vị ân nhân của mình. Vị ân nhân có khi không cần người thụ ân cám ơn. Nhưng bổn phận người mang ơn luôn luôn phải bày tỏ lòng biết ơn. Đó là quy luật và nguyên tắc xử thế trong cuộc sống. Trái lại, không gì xấu hổ, đáng chê trách bằng thái độ vô ơn của những người vô giáo dục, chỉ biết nhìn cái lợi trước mặt mà quên nhiệm vụ biết ơn của mình.

Hàng năm cứ vào cuối tháng 11 dương lịch, mọi người khắp nơi trên đất Mỹ đều hân hoan chào đón ngày Đại Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day). Đây là một Đại Lễ quan trọng mang nhiều ý nghĩa, được nhân dân Hoa Kỳ mừng trọng thể nhất mỗi năm. Đây là một Đại Lễ Đặc Biệt nói lên nét văn hóa của một dân tộc văn minh tiến bộ. Đây cũng là một Đại Lễ mang tính Truyền Thống Lịch Sử của nhân dân Hoa Kỳ, kỷ niệm ngày tổ tiên họ dâng lên Thượng Đế những tâm tình biết ơn sâu xa, khi bắt đầu đến định cư tại miền Đất Hứa này.

Vài Nét Lịch Sử Nguồn Gốc Đại Lễ Tạ Ơn

Nói về nguồn gốc lịch sử Đại Lễ Tạ Ơn, sử gia Robert J. Myers viết trong tác phẩm Celebrations: Cách đây trên ba thế kỷ, năm 1620, một nhóm người Anh thuộc Giáo phái ly khai Pilgrim đã quyết định dời bỏ quê hương, đi tìm định cư trên một vung đất mới để được tự do tôn giáo. Đoàn người lữ hành này gồm 101 người và 48 thủy thủ đã khởi hành ngày 16 tháng 9, 1620 trong một đêm mùa đông giá lạnh. Nhóm người viễn du hải hành mạo hiểm này đã kéo buồm dời hải cung Plymouth, Anh quốc, trên một con tàu nhỏ mang tên Mayflower, nay đã trở thành danh xưng gắn liền với lịch sử dân tộc Mỹ. Sau gần hai tháng lênh đênh trên biển cả, họ đã đặt chân đến bờ biển hoang vắng thuộc Vùng Cod (Cap Cod National Seashore), tiểu bang Massachusetts ngày 9 tháng 11, 1620. Thời gian ấy, miền đất mới này chỉ là một vùng hoang sơ, màu mỡ phì nhiêu nhưng chưa khai thác, do những bộ tộc người Da Đỏ chiếm lãnh.

Thời gian đầu, họ đã phải trải qua một mùa đông lạnh lẽo tại nơi đây. Lương thực cạn dần. Mùa trồng tỉa chưa bắt đầu. Đói rét, bệnh tật đã làm nhiều người ngã bệnh và qua đời! Đời sống cơ cực nhọc nhằn kéo dài, nhưng trong thâm tâm họ vẫn tin tưởng rằng chính Thượng Đế là Người đã hướng dẫn họ đến vùng Đất Hứa này. Sau đó nhóm di dân mới được những người bộ tộc Da Đỏ dạy cách sinh sống nơi miền đất lạ như trồng tỉa các loại hoa màu đậu bắp, khoai tây, chăn nuôi gia cầm hoặc vào rừng săn bắn thú ...

Không bao lâu với ruộng đồng màu mỡ phì nhiêu cộng sức lao động cần cù, họ đã thu hoạch được những vụ mùa bội thu, nhất là vào năm 1621, chỉ sau một năm đến định cư tại nơi đây. Với họ, vùng đất mới Bắc Mỹ này đã thực sự trở thành "Đất Hứa" khác nào Thượng Đế đã dẫn dắt dân tộc Do Thái xưa kia đến miền đất phì nhiêu của "sữa và mật ong" trong Kinh Thánh. Họ quyết định tổ chức những Ngày Lễ Hội Lớn để Tạ Ơn Thượng Đế. Họ mời nhau dự tiệc với những trái cây, những chú gà tây truyền thống và những buổi liên hoan khiêu vũ. Để thể hiện những tâm tình biết ơn, họ lựa chọn những trái cây tốt tươi, những súc vật béo tốt dâng lên Thượng Đế.

Theo sử gia Robert J. Myers, Đại Lễ Tạ Ơn đầu tiên được tổ chức năm 1621 tại Thành phố Plymouth, tiểu bang Massachusetts, kéo dài trong ba ngày, với duyệt binh, pháo bông và thao diễn quân sự. Tiếp theo là những bữa tiệc liên hoan, khiêu vũ, ca hát của những người di dân mới với những bộ tộc Da Đỏ. Những Đại Lễ Tạ Ơn Truyền Thống chỉ được chính thức thành lập sau đó 168 năm (1789 - 1621) dưới thời cố Tổng Thống George Washington (1732 - 1799). Ông được nhân dân Hoa Kỳ kính trọng và mến mộ như vị Cha Già của Dân Tộc, vì đã có công sáng lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Có thể nói, tất cả ý nghĩa trọng đại của Ngày Đại Lễ Tạ Ơn mà nhân dân Hoa Kỳ long trọng tổ chức bao đời nay, đã được công khai biểu lộ qua những lời tuyên bố lịch sử của Cố Tổng Thống George Washington vào năm 1789 sau đây: "Kể từ nay, tôi đã quyết định và lựa chọn ngày thứ Năm trong tuần lễ thứ Tư tháng 11 dương lịch hàng năm, để toàn thể nhân dân Hoa Kỳ, thuộc các tiểu bang: Dâng hiến, Phụng thờ và Tạ Ơn Thượng Đế Tối Cao. Chính Ngài là vị Đại ân Nhân của dân tộc ta. Chính Ngài là Đấng đã ban muôn điều tốt lành mà chúng ta đã có, đang có và sẽ có. Vì thế chúng ta hãy đồng tâm nhất trí dâng lên Thượng Đế tất cả tấm lòng tri ân chân thành của nhân dân ta. Nhờ sự bảo trợ và quan phòng của Ngài mà tổ tiên chúng ta đã đến được miền đất mới này, từ ngày khởi đầu cho đến ngày lập quốc. Chúng ta hãy cảm tạ Thượng Đế vì đất nước đã được thanh bình sau những ngày chinh chiến. Và hiện nay nhân dân đang được sống an bình trong một chế độ có hiến pháp và chính phủ, để duy trì hạnh phúc cho mọi người dân. Chúng ta hãy cảm tạ Thượng Đế vì sự tự do tôn giáo và nhân quyền đã được Ngài chúc phúc và bảo vệ. Sau cùng chúng ta hãy Tạ Ơn Thợng Đế vì muôn vàn ơn lành Ngài đã ban cho dân tộc chúng ta." (Xem Celebrations của Robert J. Myers, trg 2Ạ78).

Nghĩ Về Đại Lễ Tạ Ơn Và Tâm Tình Biết Ơn

Hàng năm mỗi lần nhân dân Hoa Kỳ hân hoan mừng Đại Lễ Tạ Ơn, thiết tưởng là một dịp thuận tiện để mọi người Việt Nam định cư tại đây, nhận định lại nhiệm vụ đối với đất nước mà chúng ta đang sinh sống cũng như cuộc sống chính mình. Từ Đại Lễ Tạ Ơn đầu tiên được chính thức thành lập đến nay, hàng năm nhân dân Hoa kỳ không bao giờ quên nhiệm vụ cảm tạ Thượng Đế đã hướng dẫn tổ tiên họ đến lập nghiệp tại Miền Đất Hứa trù phú phì nhiêu này. Tâm tình biết ơn Thượng Đế được công khai xác nhận trong một ngày Đại Lễ Quốc Gia phải chăng đó là một nét văn hóa đặc biệt, một truyền thống cao quý của nhân dân Hoa Kỳ. Vì có biết ơn Thượng Đế, con người mới biết ơn và làm ơn cho nhau. Có biết Tạ Ơn Trời, con người mới biết Tạ Ơn Người.

Ngày nay đọc lại những lời tuyên bố lịch sử của Cố Tổng Thống George Washington trong ngày Đại lễ Tạ Ơn đầu tiên năm 1789, cách đây 209 năm, có lẽ không ai trong chúng ta không cảm phục và ngưỡng mộ sự cao cả trong tư tưởng của ông. Chính những tư tưởng xuất chúng ấy đã trở thành nền tảng căn bản cho đời sống tự do dân chủ và lòng hào hiệp của họ. Chính những nhận định xác đáng về vị trí của họ với Thượng Đế, với tổ tiên, với mọi người, đã làm cho đất nước Hoa Kỳ trở thành một quốc gia hiếu khách đón tiếp mọi sắc dân, mọi chủng tộc đến lập nghiệp tại đây. Thượng Đế đã hướng dẫn tổ tiên họ đến đây, thì ngày nay đến lượt họ cũng mở rộng vòng tay đón tiếp các dân tộc khác. Do đó ngày nay không có một quốc gia nào, mà người dân trên khắp thế giới mong muốn được đến định cư bằng đất nước Hoa Kỳ. Không có quốc gia nào mà nền Dân Chủ Tự Do đã trở thành khuôn mẫu cho các nơi khác noi theo bằng chính thể Dân Chủ Hoa Kỳ. Phải chăng chính tâm tình biết ơn đã trở thành nền tảng xử thế cho đời sống của người dân trong khi giao tiếp với người khác.

Là những người Việt Nam, chúng ta hãy nhớ lại biến cố đau thương tháng Tư đen 1975 của dân tộc. Sau khi cộng sản xâm chiếm Miền Nam, mọi người đều hốt hoảng sợ hãi, vì những gì đen tối nhất đang đổ ập trên cuộc đời chúng ta. Không gia đình nào mà không có người phải đi vào ngục tù cải tạo hoặc bị cưỡng bách đến định cư tại vùng kinh tế mới! Chính trong những năm tháng đen tối ấy, hàng đoàn người đã bỏ lại tất cả để vượt biên với hy vọng lập nghiệp tại vùng đất mới. Hàng trăm ngàn người đã mất tích trong rừng sâu hoặc làm mồi cho cá mập. Những lúc lênh đênh trên Biển Đông hoặc băng rừng vượt suối, đối với mọi người được đến định cư tại Hoa Kỳ là một may mắn đặc biệt như đến Miền Đất Hứa trong Kinh Thánh Cựu Ước.

Giờ đây nhìn lại cuộc sống hiện tại, nhiều người không thể ngờ rằng, họ đã có tất cả những gì mà trước đây không bao giờ dám mơ ước. Đa số người Việt tại Hoa Kỳ đã có công ăn việc làm, nhà cửa, xe cộ, con cái khôn lớn thành đạt, hơn gấp nhiều lần trước đây tại quê nhà. Nhưng có bao giờ chúng ta biết cảm tạ Thượng Đế như nhân dân Hoa Kỳ hàng năm mừng Đại Lễ Tạ Ơn không? Có bao giờ chúng ta nhớ đến ngày đầu tiên đặt chân trên đất Mỹ để Tạ Ơn Thượng Đế, đồng thời cám ơn những vị ân nhân đã giúp đỡ mình trong những ngày đầu tiên bỡ ngỡ tại miền đất lạ này? Nếu có người nào nghĩ rằng họ không mang ơn ai, đặc biệt với Thượng Đế, thì đó là một lỗi lầm lớn, vì đời sống mỗi người đều có những liên đới chập chùng. Trong cuộc sống mỗi người, chúng ta thường chẳng cho đi bao nhiêu nhưng đã nhận lãnh quá nhiều. Nếu một ngày nào đó, đời ta không còn nhận được những sự cộng tác, những yêu thương, những giúp đỡ, những cung cấp phương tiện của bao người khác, lập tức ta sẽ trở thành bơ vơ, nghèo nàn, khốn khổ biết bao!

Từ vật chất đến tinh thần, cuộc đời mỗi người đều được xây dựng bằng biết bao công ơn đóng góp của bao người, nhất là sự quan phòng và bao hồng ân của Thượng Đế. Tiền bạc, quà tặng, ta có thể trả. Nhưng những ân tình thương mến làm sao có thể đáp đền?

Thượng Đế yêu thương chúng ta. Phải chăng đó là điệp khúc mà mỗi chúng ta hãy lập lại trong từng giây phút của cuộc sống, nhất là khi nhìn lại bao hồng ân Ngài đã ban. Mỗi chúng ta đều có một chương trình đặc biệt trong sự Quan Phòng của Ngài. Tất cả đều mang Dấu Ấn Tình Yêu của Thượng Đế. Tất cả đều là Hồng Ân của Ngài, nếu ta so sánh cuộc sống chúng ta với đồng bào ruột thịt trong nước đang sống trong thiếu thốn tất cả! Vậy còn gì thiết thực và xác đáng bằng tâm tình biết ơn mà mỗi người chúng ta dâng lên Thượng Đế trong Ngày Đại Lễ Tạ Ơn này.

Linh Mục Trần Quý Thiện

* * * * * *   * * * * * *

Không có nhận xét nào: