7 tháng 10, 2014

Bảy Bài Học từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô


Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta cùng bước đi với Ngài trong hành trình đàm luận về đức tin. Lời nói và hành động của Ngài gợi hứng cho chúng ta bước đi theo Đức Kitô cách giản dị và tràn đầy niềm tin (Joan McKamey)
Thế kỷ thứ nhất của người Do Thái, thế kỷ thứ 13 của người Ý, và thế kỷ thứ 21 của người Argentina, giữa những niên đại này có những điểm gì chung? Các vị sống vào những thời này là Đức Giêsu Nazaret, thánh Phanxicô Assisi, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô; điểm chung của các vị này là sứ điệp của các ngài đã toả sáng trên những nền văn hoá vào những thời kỳ khác nhau. Khi chọn Thánh Phanxicô làm gương mẫu cho cuộc sống của mình, vị tân Giáo Hoàng đã nói: “Đối với tôi, thánh Phanxicô là con người nghèo khó, con người hoà bình, con người yêu mến và bảo vệ các tạo vật. Về phần mình, Thánh Phanxicô lại hướng về Đức Giêsu, Đấng đã nói: “ Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: Là anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Chúng ta cùng tìm hiểu bảy bài học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong năm thứ nhất triều đại của ngài, đồng thời tìm hiểu tại sao các hành động của ngài lại thôi thúc chúng ta sống cách trọn vẹn hơn tư cách người môn đệ Đức Giêsu.
1. Lắng nghe (cầu nguyện)
Lời đầu tiên Đức Giáo Hoàng ngỏ với công chúng là: “chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau… chúng ta cùng cầu nguyện cho toàn thế giới…Tôi xin anh chị em cầu xin Chúa chúc lành cho tôi”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi đầu một ngày mới của mình bằng việc cầu nguyện. Ngài nói: “ mỗi sáng tôi đọc các giờ kinh phụng vụ. Tôi thích cầu nguyện bằng các thánh vịnh. Sau đó, tôi dâng lễ, rồi lần chuỗi Mân Côi. Điều tôi thật sự ưa thích vào ban chiều là Chầu Thánh Thể, mặc dù đôi lúc có chia trí và suy nghĩ về những điều khác, thậm chí ngủ gật…Tôi ở trước Thánh Thể một giờ để thờ lạy. Tôi cũng thường cầu nguyện trong tâm trí ngay cả khi chờ nha sĩ hay những lúc khác trong ngày. Tôi thường tự hỏi mình: “tôi đã làm gì cho Đức Kitô? Hiện tôi đang làm gì cho Đức Kitô? Tôi sẽ làm gì cho Đức Kitô?
Suy nghĩ: Tôi có lắng nghe khi cầu nguyện? Làm sao tôi có thể đưa việc cầu nguyện vào nhịp sống của tôi?
2. Tính giản dị
Đúng như tên gọi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn lối sống giản dị. Khi còn là Hồng Y coi sóc Tổng Giáo Phận Buenos Aires, người thường xử dụng xe buýt hay xe điện và sống trong một căn hộ đơn giản. Làm Giáo Hoàng, ngài sử dụng chiếc xe hơi cũ hiệu Ford và mặc áo chùng trắng dài giản dị. Việc ngài cho ngưng chức một Giám Mục người Đức, người đã chi 42,5 triệu Mỹ kim để sửa nhà (trong đó 20,500 cho phòng tắm) cho thấy một đường hướng mà các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải nhắm tới.
Khi chọn sống trong khu nhà khách Vatican, Đức Giáo Hoàng giải thích: “Tôi cần cộng đoàn… tôi cần sống với người khác”. Rõ ràng là đối với Đức Giáo Hoàng, dân chúng quan trọng hơn là không gian riêng tư mà điện Giáo Hoàng đem lại cho ngài, và ngài coi việc sở hữu vật chất là điều mau qua.
Suy nghĩ: Làm thế nào tôi có thể sống cách giản dị hơn?
3. Tái tập trung
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời chúng ta suy nghĩ cách rộng hơn. Khi được hỏi về vấn đề đồng tính, ngài trả lời: “Tôi là ai mà xét xử? Nếu người đồng tính là người có ý hướng tốt và đang kiếm tìm Thiên Chúa, thì tôi không thể là người xét xử.” Một số suy nghĩ của ngài gợi lên sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội. Quả vậy, ngài nói: “Giáo huấn của Giáo Hội thật rõ ràng và tôi là một người con của Giáo Hội, nhưng không cần thiết lúc nào cũng bàn đến các vấn nạn này (Phụ nữ làm linh mục, phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính, ngừa thai)… Điều quan trọng nhất là phải luôn công bố: Đức Giêsu đã cứu thoát bạn.”
Khi kêu gọi “lòng thương xót vượt trên tất cả”, ngài nói về tình trạng tội lỗi của mình: “Tôi bị các tù nhân thu hút; tôi cũng là người như họ.” Vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ngài đã rửa chân cho 12 tù nhân đang bị giam giữ (trong đó có hai phụ nữ và hai người theo Hồi Giáo), ngài đã cử hành Thánh Lễ với các tù nhân người Argentina, đã gặp gỡ các tù nhân tại Sardinia và Rio. Khi diễn tả Giáo Hội như một “bệnh viện tại chiến trường”, nơi mà dân chúng tìm đến để được chăm sóc với tình thương cảm, ngài kêu mời các linh mục hãy lãnh đạo với khuôn mặt nhân từ của Đức Kitô. Không chuyển dịch ranh giới giữa đúng và sai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta, thay vì xét xử, hãy chia sẻ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Suy nghĩ: Các phán đoán nào giúp tôi giữ được tâm tình thương xót trong ý nghĩ, lời nói hay hành động?
4. Cam kết
Đức Giáo Hoàng Phanxicô với nụ cười tự nhiên, với tâm tình khiêm tốn, và mong ước sống hoà đồng với chúng ta. Trong khi rất bận rộn với việc lãnh đạo Giáo Hội, ngài vẫn dành thời gian cho dân chúng, những người làm nên giáo hội. Chúng ta thấy ngài đã chen vào chụp hình với khách thăm viếng Vatican và mời cậu bé bị bệnh Down cùng lên xe với ngài. Khi bị kẹt xe trên đường đến tham dự nghi lễ trong đại hội giới trẻ tại Rio, ngài hạ cửa kính xe và chào đón đám đông dân chúng đang tụ họp bên đường. Ngài nói: “Tôi muốn nhìn thấy mỗi người, từng người một, muốn giao tiếp cá nhân với bất cứ ai đang đứng trước mặt tôi.”
Vị Tổng Giám Muc đặc trách văn phòng lo việc bác ái tại Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng nói với tôi: “Cha có thể bán đi bàn giấy, cha không cần nó…Cha cần phải bước ra ngoài và tìm gặp người nghèo. Vị Tổng Giám Mục này giải thích thêm: “Điều này có nghĩa là sống với dân chúng, chia sẻ cuộc sống của họ dù chỉ 15 hay 30 phút, hoặc một giờ.” Ngài cũng kể về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi còn là Hồng Y tại Buenos Aires, “đã muốn ra khỏi nhà vào ban đêm, không chỉ để gặp gỡ dân chúng, nói chuyện với họ, hay mua cho họ chút gì để ăn…Ngài còn muốn ăn uống với họ… Đó là điều ngài muốn tôi làm.” Còn chúng ta!
Suy nghĩ: Mỗi ngày tôi có dành thời gian cho những người tôi gặp không? Làm sao tôi có thể ra khỏi nhu cầu riêng của mình?
5. An ủi
Chúng ta sẽ nhớ mãi hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm hôn một người có khuôn mặt bị biến dạng. Trên mạng Twitter, ngài thường đưa ra những lời cầu nguyện hay những lời mời gọi: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết ra khỏi chính mình”. “Xin dạy chúng con dám bước ra đường phố và bày tỏ tình yêu của Chúa”. “Lòng bác ái chân thực đòi phải can đảm: xin giúp con biết vượt qua nỗi sợ đôi tay bị vấy bẩn để giúp đỡ những ai đang cần”.
Khi ôm hôn người bị bệnh phong, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vượt lên khỏi điều bên ngoài để chạm tới tâm hồn. Ngài nói: “Chúng ta phải luôn quý trọng con người… Trong cuộc sống, Thiên Chúa đồng hành với con người và chúng ta phải đồng hành với họ, khởi đi từ tình trạng của họ. Cần phải đồng hành với họ trong tâm tình thương cảm.
Suy nghĩ: Đâu là những nỗi sợ tôi cần phải vượt qua để trở nên người biết xót thương?
6. Thách đố
Trong khi Đức Giáo Hoàng đem lại những phản ứng tích cực và được giới báo chí theo dõi, ngài không hề sợ phải thách thức tình trạng hiện tại. Ngài đã khởi xướng việc canh tân giáo triều và điều tra ngân hàng Vatican. Ngài đã bổ nhiệm một uỷ ban mới để nghiên cứu về vấn đề lạm dụng tình dục, chuyển những mối quan tâm về những thách đố theo phương diện luât pháp sang việc ngăn ngừa việc lạm dụng cũng như chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân và gia đình của họ. Ngài nói Giáo Hội phải loại bỏ khỏi chính mình thói hào nhoáng, kiêu ngạo và khoe mẽ.
Các cơ cấu ngoài Giáo Hội cũng không tránh khỏi sự giám sát của ngài. Ngài phê bình chủ nghĩa tư bản và thuyết toàn cầu hoá đang góp phần gia tăng khoảng cách phân biệt giữa “người có” và “người không có”. Ngài đặt câu hỏi: “Tại sao khi mà một người già vô gia cư bị chết trong cảnh cùng cực lại chẳng là một điều lạ, trong khi thị trường chứng khoán sụt hai điểm lại là một điều mới? Ngài nói về vị thế của mình: “ Giáo Hoàng yêu mến từng người, cả người giàu lẫn người nghèo: Ngài buộc phải nhân danh Đức Kitô mà nhắc nhở mọi người rằng người giàu phải giúp đỡ người nghèo, phải tôn trọng và nâng đỡ người nghèo.”
Ngài nhìn nhận rằng chính ngài và Giáo Hội có trách nhiệm phải “làm giảm bớt những nguyên do có tính cơ cấu gây nên sự nghèo túng.” Tuy nhiên, nghèo túng không chỉ là mối quan tâm duy nhất của ngài. Ngài đã tổ chức các buổi canh thức cầu nguyện cho hoà bình, kêu mời thực hiện ngày ăn chay, và yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột tại Syria. Ngài cũng đưa ra những hoạt động liên quan đến môi trường, mời gọi các nhà lãnh đạo tài chính và các chính trị gia phải “bảo vệ các tạo vật”. Ngài đưa ra những tuyên bố về đề tài công lý và thôi thúc chúng ta cũng làm như vậy.
Suy nghĩ: Tôi có thể làm gì để đấu tranh chống lại tình trạng bất công trong cộng đoàn của tôi, trong quốc gia và thế giới?
7. Hãy vui lên!
Đức Giáo Hoàng Phanxicô có sức hấp dẫn đặt biệt vì ngài cũng là một con người như chúng ta. Thay vì ngồi trên ngai, ngài đã dành thời giờ đi tìm gặp những người sống gần bên cống rãnh. Khi ngài nghiêm túc nhận trách nhiệm của mình như một người con của Thiên Chúa, môn đệ Chúa Kitô và người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, vì vậy ngài tìm thấy niềm vui khi được làm người và chia sẻ những khoảnh khắc cụ thể của đời sống với những người khác. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, ngài viết: “Mối nguy hại lớn nhất của thế giới ngày nay, bị chủ nghĩa hưởng thụ thống lĩnh, chính là tình trạng cô độc và đau khổ, xuất phát từ một trái tim tự mãn nhưng tham lam, từ việc theo đuổi đến điên dại và từ một lương tâm chai đá” (x. số 2).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là người thờ ơ! Ngài đón nhận những niềm vui và những nỗi ngạc nhiên từ cuộc sống, giống hệt như cậu bé đã gặp ngài trên khán đài, ôm lấy chân ngài, rồi ngồi lên trên ghế của ngài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nỗ lực hoạt động vì một “tình yêu hoàn hảo”, thứ tình yêu “loại trừ sợ hãi” (1 Ga 4, 18), và “thà rằng tin vào Thiên Chúa còn hơn là sống với chứng từ dễ tan vỡ như bong bóng.”
Suy nghĩ: Tôi có phải là người thờ ơ hay không? Tôi được mời gọi đi đến đâu để tìm kiếm và làm lan toả niềm vui?
Kết luận: Khi tạp chí Time bình chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Nhân Vật của Năm 2013, bà Nancy Gibbs viết: “Trong một quãng thời gian ngắn ngủi, cả một đám đông thính giả trên toàn thế giới đã bày tỏ niềm khao khát muốn bước theo ngài.” Ngài đưa “giáo triều ra khỏi dinh thự và đưa vào đường phố, cam kết đưa Giáo Hội rộng lớn nhất của thế giới đối diện với những nhu cầu sâu xa nhất của thế giới này, và làm cân bằng giữa phán quyết và lòng thương xót.” Chúng ta hãy bước theo sự lãnh đạo của ngài.
Chuyển dịch
G. Nguyễn Cao Luật op

Không có nhận xét nào: