27 tháng 2, 2015

Bẩy nhân đức - bẩy đam mê


Khiêm nhường        ≠        Kiêu ngạo                     

Rộng rãi                  ≠        Hà tiện (nghĩa của từ chớ tham lam)
Giữ mình sạch sẻ   ≠        Dâm dục
Nhịn nhục               ≠        Hờn giận
Kiêng ăn                 ≠       mê ăn uống
Yêu người              ≠       Ghen ghét
Siêng năng việc đạo ≠     Lười biếng

 I. BẨY MỐI ĐAM MÊ

Nếu xét mình kĩ: chúng ta phải khiêm tốn nhận ra mình bị lôi cuốn bởi những đam mê dục vọng (1 Tx 4,5) gồm bẩy đam mê và chúng ta có bẩy nhân đức để vượt thắng nó:   

             Bẩy ĐAM MÊ                                         Bẩy NHÂN ĐỨC
1.1.  Mê trí mình (kiêu ngạo)                  ≠       khiêm nhường
1.2. Mê ý mình (nóng giận)                    ≠          hiền hậu
1.3. Mê của cải người (ghen tị)              ≠          bác ái
1.4. Mê của cải mình (ham tiền của)     ≠          quảng đại
1.5. Mê ăn uống (ham ăn uống)            ≠         sống chừng mực
1.6. Mê dâm dục (ham sắc dục)            ≠         trong sạch
1.7. Mê chơi (lười biếng)                       ≠         nhiệt thành

Bẩy đam mê dục vọng này quy về 7 mối tội đầu, 
7 mối tội đầu này quy về 3 mối là danh vọng, lợi lộc, và lạc thú

1. Danh vọng gồm có:  tội kiêu ngạo và tội nóng giận.
2. Lợi lộc gồm có : tội ghen tị và tội ham tiền của.
3. Lạc thú gồm có : tội ham ăn uống, tội ham sắc dục, và tội lười biếng.

NHÌN TRONG TIN MỪNG

I. MÊ TRÍ MÌNH (Kiêu ngạo)  ≠       khiêm nhường
1. Kiêu ngạo: Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi (Mt 6,2).
2. Khiêm nhường: Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người" (Ga 1,26-27).

II. MÊ Ý MÌNH (nóng giận)    ≠        hiền hậu
1. Nóng giận: Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: `Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ (Lc 15,25-28).
2. Hiền hậu: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29).

II. MÊ CỦA NGƯỜI (Ghen tị)  ≠        bác ái
1. Ghen tị: Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: "Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô?" Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người (Mt 27,11-18).
2. Bác ái: Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.Nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau (Ga 13,1.4).

III.  MÊ CỦA CẢI MÌNH (ham tiền của và hà tiện)     ≠        Quảng đại
1. Ham tiền của và hà tiện: Lạy thầy nhân lành tôi phải làm gì để được sống đời đời...."Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mt 19,16-22).
2. Quảng đại: Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8).

IV. MÊ ĂN UỐNG (ham ăn uống)  ≠      sống chừng mực
1. Ham ăn uống: Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: `Chủ ta còn lâu mới về', và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín (Lc 12,45-46).
2. Sống chừng mực: Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó (Mc 2,18-20).

V. MÊ DÂM DỤC (ham sắc dục)  ≠     trong sạch
1. Ham sắc dục: Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (Mt 5,27-28).
2. Trong sạch: Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu" (Mt 19,12).

VI. MÊ CHƠI (LƯỜI BIẾNG) ≠      nhiệt thành
1. Lười biếng: Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: "Còn lâu chủ ta mới về", thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: Ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng" (Mt 24,48-51).
2. Nhiệt thành: Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây". Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,22-23).

GIÁC QUAN LINH THÁNH
1. Giác quan linh thánh còn gọi là “trực giác siêu nhiên”(Pl 1,9): Giác quan linh thánh là một giác quan làm cho người ta hiểu được, đọc được Thánh Ý Chúa nói với chúng ta qua các dấu chỉ của thời đại (thời điềm), hoặc dấu chỉ của cuộc sống (hoàn cảnh, biến cố).
2. Giác quan linh thánh là ơn nhưng không : Thiên Chúa ban cho chúng ta do chúng ta cầu nguyện, cầu nguyện, và cầu nguyện.
3. Vì là ơn Chúa : Giác quan linh thánh không dựa vào các yếu tố hoặc khả năng của chúng ta như tuổi tác, học vấn, thông thái mà có.
3.1. Thánh Tiến sĩ Hội Thánh là thánh Têrêxa Hài đồng chết năm 24 tuổi, ít học.
3.2. Thánh Tiến sĩ Hội Thánh là thánh Catarina de Sienna chết năm 33 tuổi, gần như mù chữ.
Hai vị là những người linh hướng kiệt xuất cho các tâm hồn đến với các Ngài.
4. Kinh nghiệm của Thánh Biển Đức: Khi có một Thầy trong Dòng hỏi Thánh Biển Đức: “Thưa Cha, làm sao con biết được Ý Chúa ?”. Ngài trả lời: “Ai yêu mến Chúa nhiều, người ấy biết được ý Chúa”.

CHÌA KHOÁ ĐỂ ĐỌC Ý CHÚA
 Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh (1 Tx 4,3). 

1. Chìa khoá của thánh Phao-lô (mọi hoàn cảnh đều có Ý Chúa): “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về anh em trong Đức Ki-tô Giêsu” (1 Tx 5,18).

2. Chìa khoá của thánh Phê-rô (từ bỏ đam mê dục vọng mà sống thánh thiện):“Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1 Pr 1,14-15).

ĐỌC Ý CHÚA QUA CÁC BIẾN CỐ
1. Ý Chúa khi gặp những biến cố đau khổ:
-  Khi Chúa yêu thương đưa những biến cố đau khổ đến cho chúng ta thì ý Chúa muốn gì? (Chìa khoá của thánh Phao-lô)
- Ý Chúa muốn chúng ta từ bỏ những đam mê dục vọng mà sống đạo đức thánh thiện (Chìa khoá của thánh Phê-rô).
2. Xét mình không xét người: Để chúng ta thấy được Ý Chúa chúng ta đừng xét đoán hoặc đổ lỗi cho người này người kia, nhưng chúng ta chỉ xét mình và nhận ra đam mê của mình “nhìn thấy được” qua các biến cố. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3).

 NHÌN RA NHỮNG ĐAM MÊ QUA BIẾN CỐ
I. BẨY “ĐAM MÊ” TRONG VÀI THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ
 Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác (Rm 12,16-17).
+ tự cao tự đại,  ...cho mình là khôn ngoan (MÊ TRÍ MÌNH , kiêu ngạo)
+ lấy ác báo ác (MÊ Ý MÌNH, nóng giận)
2. Thư Ga-lát : “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19-21a).
+ dâm bôn, ô uế, phóng đãng (MÊ DÂM DỤC, ham sắc dục)
+ thờ quấy, phù phép (MÊ TRÍ MÌNH, kiêu ngạo)
+ hận thù, bất hoà, nóng giận (MÊ Ý MÌNH, nóng giận)
+ say sưa, chè chén (MÊ ĂN UỐNG, ham ăn uống)
+ ghen tuông, ... ganh tỵ (MÊ CỦA CẢI NGƯỜI, ghen tị)
3. Thư Cô-lô-sê : “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: Ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: Nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục” (Cl 3,5.8).
+ gian dâm, ô uế (MÊ DÂM DỤC, ham sắc dục).
+ và tham lam (MÊ CỦA CẢI MÌNH, ham tiền của và hà tiện).
+ giận dữ, nóng nảy (MÊ Ý MÌNH, nóng giận).
4. Thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca : “Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào” (2 Tx 3,11).
+ chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào.(MÊ CHƠI, lười biếng)

II. ĐỌC Ý CHÚA QUA NHỮNG ĐAM MÊ VÀ BIẾN CỐ
        Có những biến cố đem lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc, chúng ta cũng đọc được qua những biến cố này là tình yêu và sự quan phòng yêu thương của Chúa. Qua ơn lành của Chúa mà chúng ta nhận, chúng ta xác tín về tình yêu của Chúa Cha qua Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thần. Những biến cố này khơi dậy nơi chúng ta “những lời tạ ơn”  và mời gọi chúng ta “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Chúng ta sẽ học đọc những biến cố đem lại bình an hoặc hạnh phúc ở những Phần III, Chương 7.
        Trong những phần này chúng ta sẽ học đọc Thánh Ý Chúa qua những biến cố gây cho chúng ta đau khổ, vì đa số chúng ta thường gặp những biến cố này. Thiên Chúa cho phép những đau khổ xảy ra trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta thấy được những đam mê dục vọng của chúng ta trào ra khi gặp đau khổ qua các biến cố, những biến cố này thường làm chúng ta mất bình an và đau khổ. 
** Đau khổ giúp chúng ta học biết Thánh Ý Chúa: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 118,71).
** Đau khổ giúp chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi: “Ai chịu đau khổ trong thân xác thì đoạn tuyệt với tội lỗi” (x. 1 Pr 4,1).
** Đừng chiều theo những đam mê mà sống thánh thiện: “Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1 Pr 1,14-15).
1. Mê trí mình (kiêu ngạo)
-  Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình kiêu ngạo (x. Mc 7,22).
-. Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê trí mình” (x. Ga 5,38), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống khiêm nhường (x. Mt 12,29).
2. Mê ý mình (nóng giận)
-. Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình nóng giận (x. 1 Cr 13,5).
-  Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê ý mình”  (x. Lc 15,25-30), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống hiền hậu (x. Mt 12,29).
3. Mê của cải người (ghen tị)
-. Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình ghen tị (x. Mt 27,18).
- . Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê của cải người” (x. Ga 12,1-8), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống bác ái (x. Gl 5,22).
4. Mê của cải mình (ham tiền của hoặc hà tiện)
-  Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình ham tiền của hoặc hà tiện (x. 1 Tm 6,10).
-  Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê của cải mình” (x. Lc 12,13-21), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống quảng đại  (x. 2 Cr 9,5).
5. Mê ăn uống (ham an uống)
-  Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình ham ăn uống  (x. Lc 12,45).
- Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê ăn uống”  (x. Rm 6,10), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống chừng mực (x. Tt 2,12).
6. Mê dâm dục (ham sắc dục)
- Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình ham sắc dục  (x. Mt 5,28).
-  Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê dâm dục” (x. Gl 5,19), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống trong sạch (x. 1 Tm 5,22).
7. Mê chơi (lười biếng)
-  Qua một biến cố xảy ra, chúng ta thấy mình lười biếng (x. Mt 25,26).
-  Ý Chúa muốn chúng ta “đừng chiều theo những đam mê chơi”  (x. Lc 15, 13), mà sống thánh thiện trong cách ăn nết ở là sống nhiệt thành (x. Rm 12,11).
  
Nguồn: http://ditimchanly.org

Không có nhận xét nào: