“Điều cần thiết trước hết là điều sau đây: người cha phải hiện diện trong gia đình. Nghĩa là gần gũi vợ mình, để chia sẻ tất cả mọi sự, vui buồn, nhọc nhằn và hy vọng. Nghĩa là gần gũi con cái trong sự lớn lên của chúng.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 4 tháng 2 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về giá trị của sự hiện diện của người cha trong gia đình..
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn suy niệm về phần thứ nhì của hình ảnh người cha trong gia đình. Lần trước tôi đã nói về nguy cơ của sự “vắng mặt” của người cha, hôm nay tôi muốn nhìn đến khía cạnh khá tích cực. Ngay cả Thánh Giuse cũng đã bị cám dỗ rời bỏ Đức Mẹ Maria, khi ngài phát hiện ra rằng Mẹ đã mang thai; nhưng thiên sứ của Chúa đã can thiệp và mặc khải cho ngài về kế hoạch của Thiên Chúa cùng sứ vụ làm cha nuôi của ngài; và Thánh Giuse, người công chính, “đã đưa vợ về nhà mình” (Matthew 1:24) và trở thành người cha của gia đình Nazareth.
Mỗi gia đình cần một người cha. Hôm nay chúng ta chú tâm đến giá trị của người cha, và tôi muốn bắt đầu từ một số cách diễn tả được tìm thấy trong sách Châm Ngôn, những lời mà một người cha nói với con trai của mình: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan thì lòng cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực thì tâm hồn cha sẽ mừng rỡ hân hoan” (Cn 23:15-16). Không ai có thể diễn tả cách hay hơn sự hãnh diện và cảm xúc của một người cha ý thức rằng mình đã truyền cho con mình điều thực sự quan trọng trong cuộc đời, đó là một tâm hồn khôn ngoan. Người cha này không nói: “Cha hãnh diện về con vì con rất giống cha, vì con lặp lại những điều cha nói và những gì cha làm.” Không, ông không chỉ đơn thuần nói một điều gì đó. Ông nói với con ông một điều đó quan trọng hơn nhiều, mà chúng ta có thể giải thích thế này: “Cha sẽ rất vui mỗi khi thấy con hành động một cách khôn ngoan, và cha sẽ cảm đông mỗi khi cha nghe con nói trung thực. Đây là những gì cha muốn trao lại cho con, để nó có thể trở thành một điều của con: khuynh hướng cảm nhận và hành động, nói năng và phán đoán khôn ngoan và trung thực. Và để con có thể được như thế, cha đã dạy con những điều con không biết, cha đã sửa chữa những sai lầm mà con không nhìn thấy. Cha đã làm cho con cảm nhận được một tình thương sâu xa và kín đáo, là điều có thể con đã không nhận ra được một cách đầy đủ khi con còn trẻ và chưa chin chắn. Cha đã cho con một chứng từ về sự nghiêm nghị và cương quyết mà có thể con không hiểu được khi con chỉ muốn cha tán đồng và bênh vực con. Cha trước hết đã phải thử thách chính mình về sự khôn ngoan của tâm hồn, và đề cao cảnh giác về tình trạng tình cảm và bực bội thái quá của mình, để chịu đựng những hiểu lầm không thể tránh được và tìm những lời lẽ thích đáng hầu làm cho con hiểu cha. Giờ đây – người cha tiếp tục – khi cha thấy rằng con cố gắng làm như thế với con cái của con, và với mọi người, cha cảm động lắm. Cha sung sướng khi được làm cha của con. Vậy đó là những gì một người cha khôn ngoan nói, một người cha trưởng thành.
Một người cha biết rằng việc thông truyền di sản này đắt giá biết bao: cần biết bao gần gũi, biết bao dịu dàng và biết bao cương nghị. Nhưng ông nhận được sự an ủi và phần thưởng lớn lao biết mấy khi con cái trân quý di sản này! Đó là một niềm vui bù đắp lại tất cả mọi nhọc nhằn, vượt trên mọi sự hiểu lầm và chữa lành mọi vết thương.
Cho nên, điều cần thiết trước hết là điều sau đây: người cha phải hiện diện trong gia đình. Nghĩa là gần gũi vợ mình, để chia sẻ tất cả mọi sự, vui buồn, nhọc nhằn và hy vọng. Nghĩa là gần gũi con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng vui chơi cũng như khi chúng bận rộn, khi chúng vô tư cũng như khi chúng lo âu, khi chúng tỏ bày cũng như khi chúng im lặng, khi chúng dám mạo hiểm cũng như khi chúng sợ hãi, khi chúng đi một bước sai lầm và khi chúng lại tìm thấy đường đi. Người cha hiện diện, luôn luôn. Nhưng hiện diện không đồng nghĩa với kiểm soát! Bởi vì những người cha quá kiểm soát làm con cái nhụt khí, không để cho chúng lớn lên.
Tin Mừng nói với chúng ta về gương mẫu của Cha trên trời – mà Chúa Giêsu nói rằng là Đấng duy nhất thực sự có thể được gọi là “Người Cha Nhân Lành” (Mc 10:18). Mọi người đều biết dụ ngôn đặc biệt ấy được gọi là “Người Con Hoang Đàng”, hay đúng hơn là “Người Cha Nhân Hậu”, được tìm thấy trong chương 15 của Tin Mừng Thánh Luca (x. 15:11-32). Trong người cha đang đứng ở cửa chờ con mình trở về có biết bao nhiêu nhân phẩm và biết bao tình âu yếm! Các người cha phải kiên nhẫn. Nhiều khi không thể làm gì khác hơn là chờ đợi; cầu nguyện và chờ đợi với lòng kiên trì, ân cần, đại lượng và thương xót.
Một người cha tốt biết cách chờ đợi và tha thứ, từ tận đáy lòng mình. Đương nhiên là ông cũng biết sửa dạy cách cương nghị; không phải là một người cha yếu đuối, nuông chiều và tình cảm. Người cha biếtcách sửa trị mà không làm mất thể diện cũng là người cha biết bảo vệ không tiếc sức. Có lần, tôi đã nghe một người cha nói ở một cuộc họp hôn nhân rằng, “đôi khi tôi phải đánh con một chút…. nhưng không bao giờ đánh vào mặt và không làm mất thể diện nó.” Thật là đẹp biết bao! Ông ý thức về phẩm giá. Phải trừng phạt, nhưng phải đúng cách, và tiếp tục tiến bước.
Vì vậy, nếu có người nào có thể giải thích cách sâu sắc “Kinh Lạy Cha”, là kinh được Chúa Giêsu dạy, thì thực ra chỉ có những người đã từng sống tình phụ tử. Nếu không có ân sủng đến từ Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, những người cha sẽ mất can đảm, và bỏ cuộc. Nhưng con cái cần tìm được một người cha đang đợi chúng khi chúng thất bại trở về. Chúng sẽ tìm hết cách để không thừa nhận điều ấy, vì không muốn cho người khác thấy điều ấy, nhưng chúng cần chang; và không tìm ông trong các vết thương mở rộng và khó có thể chữa lành được của chúng.
Hội Thánh, Mẹ chúng ta, quyết tâm nâng đỡ, với tất cả sức mạnh của mình, sự có mặt tốt lành và đại lượng của các người cha trong các gia đình, bởi vì, như Thánh Giuse, đối với các thế hệ mới, họ là những người gíam hộ và trung gian không thể thay thế được của niềm tin vào sự tốt lành, công lý và sự bảo vệ của Thiên Chúa.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét