8 tháng 3, 2015

Người Cao Niên

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Những Người Cao Niên
“Một cộng đồng Kitô hữu, ở đó sự gần gũi và lòng rộng lượng không còn được coi là cần thiết thì sẽ đánh mất linh hồn của mình. Ở đâu không có sự tôn trọng những người cao niên thì ở đó cũng không có tương lai cho những người trẻ.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 4 tháng 3 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về giá trị của những người cao niên và chúng ta phải đối xử với họ ra sao.


Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Bài giáo lý hôm nay và thứ tư tuần tới, được dành riêng để bàn về những người cao niên, là ông bà, cô dì chú bác trong lãnh vực gia đình. Hôm nay chúng ta bàn về tình trạng bấp bênh hiện tại của những vị cao niên, và lần sau, tức là thứ tư tới, chúng ta sẽ suy nghĩ cách tích cực hơn, về ơn gọi hàm chứa trong lứa tuổi này của cuộc đời.

Nhờ những tiến bộ của y học, đời sống đã được kéo dài: nhưng xã hộiđã không “mở rộng ra” cho sự sống! Số người lớn tuổi đã gia tăng, nhưng xã hội của chúng ta không được tổ chức một cách đầy đủ để dành chỗ cho họ, với sự tôn trọng thích hợp và quan tâm cụ thể đến sự yếu đuối và phẩm giá của họ. Bao lâu chúng ta còn trẻ, chúng ta có khuynh hướng coi thường tuổi già, coi nó như một bệnh tật cần phải tránh né; rồi khi chúng ta về già, đặc biệt là nếu chúng ta nghèo khổ, nếu chúng ta chỉ đau yếu, chúng ta sẽ kinh nghiệm những thiếu sót của một xã hội được kế hoạch hoá dựa trên hiệu quả, mà kết cục là không đếm xỉa gì đến những người già. Và những người cao niên, là tài nguyên phong phú mà chúng ta không thể bỏ qua được.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi thăm một viện dưỡng lão, đã dùng những lời rõ ràng và tiên tri mà nói rằng: “Phẩm chất của một xã hội, tôi muốn nói về một nền văn minh, được đánh giá dựa trên cách người ta cư xử với những người già và chỗ đứng người ta dành cho họ trong cuộc sống chung” (ngày 12 tháng 11 năm 2012). Đó là sự thật, sự quan tâm đến những người cao niên tạo nên sự khác biệt của một nền văn minh. Trong nền văn minh này có sự chú tâm đến người già không? Có chỗ đứng nào cho người già không? Nếu có, nền văn minh này sẽ tiến lên vì nó tôn trọng sự khôn ngoan của những bậc lão thành. Trong một nền văn minh, mà ở đó không có chỗ cho người già, hoặc loại bỏ họ vì họ gây ra phiền phức thì xã hội mang trong mình vi khuẩn của sự chết.

Ở Tây phương, các học giả trình bày thế kỷ này như kỷ nguyên của những người già: số trẻ em giảm xuống, số người già gia tăng. Thực ra, sự mất cân bằng này chất vấn chúng ta, nó là một thách thức lớn cho xã hội đương thời. Tuy nhiên, một nền văn hóa vì lợi nhuận cũng khẳng định rằng người già là một gánh nặng, một “gánh nặng vô dụng.” Nó nghĩ rằng họ không những đã không sản xuất, mà còn là gánh nặng: tóm lại, kết quả của suy nghĩ như thế là gì? Cần phải khai trừ họ. Thật đáng buồn khi thấy người già bị loại bỏ, đó là một điều tồi tệ, một điều tội lỗi! Không ai dám công khai nói ra điều ấy, nhưng người ta đang làm điều ấy! Có một cái gì đê tiện trong việc nghiện ngập nền văn hóa loại bỏ này. Nhưng chúng ta đang có thói quen loại bỏ con người. Chúng ta muốn trút bỏ sợ hãi cao độ về sự yếu đuối và dễ bị tổn thương của mình; nhưng làm như vậy chúng ta làm gia tăng nơi người già nỗi đau buồn vì không được nâng đỡ và bị bỏ rơi.

Khi phục vụ ở Buenos Aires, tôi đã trực tiếp chứng kiến thực trạng này cùng vấn đề của nó: “Những người già bị bỏ rơi, và không những chỉ trong sự thiếu thốn về vật chất. Họ bị bỏ rơi trong sự ích kỷ không có khả năng chấp nhận giới hạn của họ, là điều phản ánh những giới hạn của chúng ta, trong nhiều khó khăn mà họ cần phải vượt qua để sống sót trong một nền văn minh không cho phép họ tham gia, nói lên tiếng nói của họ, mà cũng không được nhắc đến theo kiểu tiêu thụ chủ nghĩa mà theo đó “chỉ những người trẻ mới hữu dụng và có thể được hưởng thụ.” Tuy nhiên, đối với toàn thể xã hội, những vị cao niên phải là kho tồn trữ sự khôn ngoan của một dân tộc. Những bậc lão thành là kho tàng khôn ngoan của dân tộc chúng ta! Người ta ru ngủ lương tâm một cách dễ dàng biết bao khi không có tình yêu! (Chỉ có tình yêu mớicó thể cứu chúng ta, Vatican City 2013, tr. 83). Và nó xảy ra như thế. Tôi còn nhớ, khi đến thăm các viện dưỡng lão, tôi thường nói chuyện với mỗi người và nhiều lần tôi đã nghe thấy điều này: “Bà khoẻ không? Và con cái của bà?” – “Vâng, khoẻ” – “Bà có bao nhiêu con?” – “nhiều, nhiều lắm.” – “Họ có đến thăm bà không?” – “Có, có, chúng đến luôn, vâng, chúng có.” – “Lần cuối cùng họ đến là khi nào?” Tôi nhớ một bà lão nói với tôi, “Vâng, vào Lễ Giáng Sinh.” Chúng tôi ở đó vào tháng tám. Tám tháng mà không được con thăm viếng, bị bỏ rơi tám tháng! Điều này gọi là tội trọng, anh chị em có hiểu không? Khi tôi còn nhỏ, bà tôi thường kể cho chúng tôi một câu chuyện về một ông nội đã già, thường làm bẩn mình trong khi ăn uống vì không thể đưa muỗng canh vào miệng. Và người con trai, là người cha của gia đình, đã quyết định không cho cụ ăn chung cùng bàn ăn, nên ông kê một cái bàn nhỏ trong bếp, để không ai có thể nhìn thấy vì ông cụ ăn một mình. Như thế người cha sẽ không bị mất mặt khi có bạn bè đến dùng bữa trưa hoặc bữa tối. Một vài ngày sau đó, người cha về nhà và thấy con trai út của ông đang chơi với gỗ, một cái búa và ít đinh, nó đang làm một cái gì đó, ông hỏi: “Con đang làm gì đấy?” – “Thưa bố, con làm một cái bàn.” – “Tại sao lại một cái bàn?” – “Để khi bố về già, bố có thể ăn ở đó.” Trẻ em có ý thức hơn chúng ta nhiều!

Trong truyền thống của Hội Thánh có một kho tàng khôn ngoan đã luôn nâng đỡ một nền văn hóa gần gũi với người già, một khuynh hướng đồng hành cách trìu mến và đoàn kết ở đoạn đời cuối cùng này. Truyền thống này bắt nguồn từ Thánh Kinh, như được chứng thực, chẳng hạn theo cách diễn tả của Sách Huấn Ca: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp” (Hc 8:9).

Hội Thánh không thể và không muốn thích nghi với một não trạng thiếu bao dung, và còn hơn nữa, với một não trạng thờ ơ và khinh miệt đối với tuổi già. Chúng ta phải đánh thức ý thức tập thể về lòng biết ơn, sự đánh giá cao, hiếu khách, là những điều làm cho những vị cao niên cảm thấy họ là những phần tử sống động trong cộng đồng của mình.

Những người cao niên là những cụ ông và cụ bà, những người cha và người mẹ, đã đi trước khi chúng ta trên cùng con đường của chúng ta, trong nhà riêng của chúng ta, trong cuộc chiến đấu hàng ngày của chúng ta cho một cuộc sống xứng đáng. Họ là những cụ ông và cụ bà mà từ họ chúng ta đã nhận được rất nhiều. Người già không phải là người xa lạ. Người già là chúng ta: sớm hay muộn, nhưng không thể tránh được, dù chúng ta không nghĩ đến. Và nếu chúng ta không học cách đối xử tử tế với những người già, thì chúng ta cũng sẽ bị đối xử như vậy.

Tất cả những người già chúng tôi đều mong manh một chút. Tuy nhiên, có một số người, đặc biệt yếu đuối, nhiều người cô đơn và bị đánh dấu bằng bệnh tật. Một số người lệ thuộc vào sự chăm sóc cần thiết và chú ý của người khác. Chúng ta vì việc này mà lùi bước sao? Chúng ta sẽ bỏ mặc họ cho số phận của họ hay sao? Một xã hội không có sự gần gũi, ở đó sự cho không và tình thương mến không cần đáp trả – ngay cả giữa những người xa lạ – đang dần biến mất, là một xã hội xuy đồi. Hội Thánh, trung thành với Lời Chúa, không thể dung túng cho sự xuy đồi này. Một cộng đồng Kitô hữu, ở đó sự gần gũi và lòng rộng lượng không còn được coi là cần thiết thì sẽ đánh mất linh hồn của mình. Ở đâu không có sự tôn trọng những người cao niên thì ở đó cũng không có tương lai cho những người trẻ.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 

Không có nhận xét nào: