về Tông huấn “Niềm vui Tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Gia đình“Amoris Laetetia” (Niềm vui Tình yêu) ngày 08-04 vừa qua, dân Chúa khắp nơi trên thế giới đã nồng nhiệt đón nhận với niềm tin tưởng và hy vọng Tông huấn sẽ mang lại nhiều hoa trái cho hoạt động mục vụ của Giáo hội đối với gia đình.
Nhật báo Công giáo La Croix (Pháp) đã phỏng vấn ba nhà thần học châu Phi về những cảm nhận ban đầu khi đọc Tông huấn này.
Đức giám mục Nicolas Djomo
Ba vị được phỏng vấn gồm: Đức cha Nicolas Djomo, giám mục giáo phận Tshumbe, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Congo, Nghị phụ của hai Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình 2014 và 2015 tại Roma; cha Nathanaël Soëdé, giảng dạy tại Học viện Thừa sai Công giáo Abidjan (Bờ biển Ngà), Chủ tịch Hiệp hội Thần học châu Phi; và cha Mathieu Ndomba, dòng Tên, giảng dạy môn luân lý tại Học viện Dòng Tên Abidjan (Bờ biển Ngà).
Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn ba nhà thần học. Bài phỏng vấn do Loup Besmond thực hiện.
* * *
* Đức cha Nicolas Djomo: “Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta hãy theo đuổi công cuộc hội nhập văn hoá”
– Điểm nào trong Tông huấn đã gợi cho Đức cha ấn tượng sâu đậm nhất?
–Đức cha Nicolas Djomo: Trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha khuyến khích hãy có một nhận thức mới về thực trạng gia đình. Tại Thượng Hội đồng, nhiều giám mục châu Phi chúng tôi đã nhấn mạnh phải có một cách nhìn khác về kiểu hôn nhân châu Phi chúng tôi gọi là “hôn nhân qua các giai đoạn” – nghĩa là các nghi lễ kế tiếp nhau theo tập quán, theo phép đời và truyền thống tôn giáo – cũng như về tập quán của hồi môn và tục đa thê. Qua nhiều năm, Giáo hội tại châu Phi đã phát triển một nền mục vụ riêng thích ứng với thực tại địa phương.
Khi nhìn nhận những người đã quyết định chung sống với nhau, dù không có cưới hỏi, vẫn tạo nên một sự kết hợp có những giá trị tích cực, sẽ có được một cái nhìn khoan dung đối với tập quán hôn nhân qua các giai đoạn ở châu Phi. Vì thế, có thể coi mỗi giai đoạn của hôn nhân là một cách tiến dần đến hôn nhân bí tích. Hiếm có một văn kiện nào đề cập đến một lĩnh vực như tục đa thê. Đây chính là sự nhìn nhận rất mạnh mẽ đối với một vấn đề căn bản tại một số nước châu Phi.
– Đức cha sẽ thực thi Tông huấn ra sao?
–Đức cha Nicolas Djomo: Tông huấn khuyến khích chúng tôi tiếp tục công việc hội nhập văn hoá. Với tinh thần cởi mở, Đức Thánh Cha đã trao cho chúng ta nhiều khả năng linh hoạt hơn nhằm đầy mạnh việc đưa đức tin Kitô giáo hội nhập văn hoá tại các nước châu Phi. Bản thân việc nhập thể là đưa Chúa hội nhập vào văn hoá của thế giới của chúng ta. Tại giáo phận Tshumbe của tôi, vài tuần nữa sẽ khai mạc công nghị về gia đình, tôi sẽ dựa vào những định hướng của Tông huấn hậu Thượng Hội đồng.
* Cha Nathanaël Soëdé: “Châu Phi cần một Giáo hội phi tập trung hoá”
– Theo cha, đâu là những điểm nổi bật nhất trong Tông huấn của Đức Thánh Cha?
– Cha Nathanaël Soëdé: Đây là lần đầu tiên một tông huấn là thành quả của hai Thượng Hội đồng. Điểm đặc sắc đầu tiên là Đức Thánh Cha muốn dành thời giờ lắng nghe mọi hoàn cảnh mục vụ gia đình đang gặp phải.
Trước hết, lắng nghe là yếu tố trung tâm của Tông huấn này. Tông huấn chủ yếu xem xét những thành quả của hai Thượng Hội đồng cùng với đưa “thêm những suy nghĩ khác” nhằm mục đích mang lại và mời gọi mang lại “sự khích lệ, động viên đồng thời trợ giúp các gia đình”. Trong 309 chú thích tham khảo, có 183 trích dẫn từ hai Thượng Hội đồng (Relatio Synodi và Relatio finalis).
Ngay từ dòng đầu tiên, Tông huấn đã đề cao giá trị gia đình được nêu trong Kinh Thánh, sau đó trở đi trở lại điểm này qua việc làm nổi bật chiều kích nhân học và mối tương quan của gia đình với niềm hạnh phúc trong mặc khải Do Thái-Kitô giáo. Tôi đặc biệt chú ý đến việc Đức Thánh Cha nêu lên tầm quan trọng đối với phẩm giá, vẻ đẹp, sự mỏng giòn và niềm khao khát gia tăng sự sống đã được khắc ghi nơi trái tim gia đình đã được Chúa Kitô nhận lấy và hoàn thành khi sinh ra trong một gia đình ở Nazarét.
Tông huấn mang một cung giọng tích cực. Tông huấn hoà giải mọi luồng tư tưởng được nêu lên trong hai Thượng Hội đồng. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người chúng ta nhớ rằng “tất cả những tranh luận về giáo lý, luân lý hay mục vụ đều không thể giải quyết bằng cách lấy huấn quyền mà can thiệp”. Như vậy ngài chờ đợi các Hội đồng Giám mục quốc gia và khu vực đưa ra câu trả lời trước các vấn đề mục vụ gia đình đang đặt ra tại địa phương mình.
– Cha có cho rằng châu Phi dường như có những mối ưu tư riêng?
–Cha Nathanaël Soëdé: Nhìn chung đúng là như thế. Các giám mục châu Phi đã lên tiếng tại Hội nghị chuyên đề của Liên Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar, với chủ đề Gia đình, tương lai của chúng ta. Các ngài đã nhấn mạnh thực tế không thể tách hôn nhân khỏi gia đình: hai thuật ngữ này không thể tách rời nhau. Điều này đã có kết quả, bởi trong Tông huấn, Đức Thánh Cha không tách hai thuật ngữ này ra khỏi nhau.
Thật vui mừng khi thấy Đức Thánh Cha định nghĩa gia đình không chỉ có cha, mẹ và con cái, mà còn có các bậc phụ huynh như: bác chú cô dì, các anh chị em họ hàng. Vì vậy hôn nhân là một giao ước không chỉ kết hiệp vợ chồng mà còn nối kết họ hàng đôi bên: đó là vấn đề của gia đình mở rộng. Rõ ràng đây chính là những mối ưu tư và sự đóng góp của châu Phi tại Thượng Hội đồng.
Chính vì thế, trong Tông huấn này rõ ràng không có những giải pháp mục vụ duy nhất và phổ quát, không đếm xỉa đến những tình huống và bối cảnh khác nhau, áp dụng khắp nơi cho những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình và phụ nữ. Đức Thánh Cha cũng đã xem xét những mối ưu tư của châu Phi khi ngài tố cáo tình trạng các nước giàu bắt ép việc viện trợ phát triển phải chấp nhận các luật về tình dục, giới tính, v.v.
– Có thể áp dụng những gì từ Tông huấn vào mục vụ hiện nay tại châu Phi?
– Cha Nathanaël Soëdé: Giáo hội tại châu Phi được mời gọi hãy xem xét một cách thực tế những thách đố của Tin Mừng về gia đình mà xã hội hiện nay đang đặt ra cho mình. Giáo hội sẽ không chỉ phải loại bỏ lối “suy nghĩ một chiều” mà còn phải thực tế để nhận ra những vấn đề hôn nhân và gia đình đang đặt ra cho châu Phi. Vấn đề là không được chơi chính sách đà điểu để thấy ở châu Phi cũng chỉ có những mối ưu tư của phương Tây, cũng như được không tìm cách thoái thác rằng ở châu Phi hẳn cũng có những việc cấp bách khác, nhưng đều có trong Tông huấn cả rồi.
Quả thật, gia đình là nền tảng trong đời sống xã hội và Giáo hội tại châu Phi. Tuy nhiên không thể không đặt ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến những thay đổi hiện nay. Cần tìm hiểu Tông huấn để làm cho văn kiện này trở thành một cơ hội mang lại cho mục vụ hôn nhân và gia đình một vị trí xứng đáng.
Dưới ánh sáng của Tông huấn Niềm vui Tình yêu, vấn đề chủ yếu là hiểu và thực hiện những gì cần thiết nhằm mang lại một hình thức cụ thể và hữu hiệu cho việc phân quyền bổ ích của Giáo hội sẽ thúc đẩy những thay đổi cần thiết theo chiều hướng này. Việc Giáo hội phi tập trung hoá là điều cần thiết đối với châu Phi, để châu lục này và các vị mục tử của mình không trông chờ mọi tranh luận về giáo lý, luân lý hoặc mục vụ sẽ được Roma giải quyết.
* Cha Mathieu Ndomba: “Đức Thánh Cha cho phép hôn nhân Kitô giáo thực sự hội nhập văn hoá tại châu Phi”
– Theo cha, đâu là những điểm nổi bật nhất trong Tông huấn của Đức Thánh Cha?
– Cha Mathieu Ndomba: Điểm nổi bật nhất đối với tôi chính là Tông huấn nói về hoàn cảnh gia đình một cách thực tế, đồng thời là lôgích của lòng thương xót chi phối cách tiếp cận mục vụ của Tông huấn. Các văn kiện của Giáo hội thường tập trung vào việc đưa ra những chuẩn mực luân lý và các nguyên tắc đạo đức nhằm huấn luyện lương tâm tín hữu. Mặc dù cũng nhắc lại bản chất và lý tưởng của gia đình, nhưng mối quan tâm chính của Tông huấn Niềm vui Tình yêu, theo tôi, là vấn đề mục vụ. Tông huấn đã đưa tính chất mục vụ vào “lôgích của lòng thương xót” và sự đồng cảm.
– Cha có cho rằng châu Phi dường như có những mối ưu tư riêng?
–Cha Mathieu Ndomba: Mặc dù ở đâu trong thực tế các gia đình cũng đều gặp những khó khăn như nhau, nhưng cũng phải ghi nhận rằng mỗi châu lục lại có khó khăn riêng. Nên cũng dễ hiểu cả hai Thượng Hội đồng đều không thảo luận mọi khó khăn riêng. Những khó khăn riêng của châu Phi đã không khơi lên những cuộc tranh cãi nảy lửa trong hai Thượng Hội đồng. Chẳng hạn, vấn đề hôn nhân qua nhiều giai đoạn trong thực tế đều có trong tất cả các nền văn hoá tại châu Phi miền nam Sahara cũng như tục đa thê cũng không phải là đối tượng của những cuộc tranh luận lớn. Vì thế có thể hiểu được những vấn đề này đều không được khai triển rộng rãi trong Tông huấn. Tuy nhiên cách tiếp cận mục vụ được Tông huấn khai triển dã khiến Tông huấn trở thành một tin vui đối với mọi trường hợp phức tạp ở châu Phi. Bây giờ mọi gia đình rơi vào những hoàn cảnh này biết mình từ nay sẽ được các mục tử lắng nghe.
– Có thể áp dụng những gì từ Tông huấn vào mục vụ hiện nay tại châu Phi?
– Cha Mathieu Ndomba: Tông huấn Niềm vui Tình yêu mang lại nhiều định hướng mục vụ có thể áp dụng tại châu Phi. Chẳng hạn việc nhìn nhận “trong các nền văn hoá khác đều có hạt giống Lời Chúa” (Niềm vui Tình yêu, 77) và sự hiện diện “những yếu tố tích cực trong những hình thức hôn nhân của các truyền thống tôn giáo khác” (Niềm vui Tình yêu, 77) mang lại cơ hội thúc đẩy và suy nghĩ hơn nữa về việc hội nhập hôn nhân Kitô giáo vào văn hoá châu Phi. Các nhà luân lý học châu Phi đã làm được biết bao việc về vấn đề gia đình và hôn nhân. Nhưng những công trình này không phải lúc nào cũng đưa đến những thực hành mục vụ và phụng vụ cụ thể.
Tông huấn Niềm vui Tình yêu trao nhiều trách nhiệm cho các giám mục và các cha sở trong việc đồng hành, xem xét và giúp các gia đình hoà nhập. Trách nhiệm này có thể dẫn đến sự hội nhập đích thực hôn nhân Kitô giáo vào văn hoá châu Phi bằng cách kết hợp lý tưởng gia đình Kitô giáo và những yếu tố tích cực trong các hình thức hôn nhân của các truyền thống văn hoá tại châu Phi.
Tôi cũng nghĩ rằng Tông huấn này sẽ không chỉ mang lại sức sống cho mục vụ gia đình, mà trên hết còn mang lại những yếu tố cụ thể cho việc tổ chức mục vụ tại các giáo xứ và các giáo phận tại châu Phi.
– Theo cha, Tông huấn đưa đến sự thay đổi lớn nhất nào?
–Cha Mathieu Ndomba: Tôi không thấy Tông huấn Niềm vui Tình yêu đưa đến sự thay đổi chính yếu nào về giáo lý. Nếu phải nói đến thay đổi, có lẽ Tông huấn đưa đến sự thay đổi về thái độ qua lôgích của lòng thương xót và sự đồng cảm khi đồng hành, xem xét và giúp các gia đình hoà nhập. Như vậy, Tông huấn nhấn mạnh vào việc canh tân mục vụ về gia đình và hôn nhân.
Thành Thi chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét