“Làm việc từ thiện có nghĩa là có lòng thương xót,” trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt ngày thứ bảy Năm Thánh Lòng Thương Xót 9 tháng 4-2016, Đức Phanxicô dành trọn buổi giáo lý để nói về tương quan giữa làm việc từ thiện và lòng thương xót.
“Anh chị em hãy dạy con cái mình làm việc từ thiện, dạy các con quảng đại với những gì mình có”, Đức Phanxicô xin như trên, ngài giải thích: “Chữ ‘aumône’ là một chữ trong từ vựng Hy Lạp, có nghĩa là có ‘lòng thương xót’ (aumône tiếng Việt thường hay gọi là của bố thí, nhưng chữ bố thí nghe không được tôn trọng người nhận cho mấy, nên chúng tôi xin dịch là làm việc từ thiện).”
Sau khi đưa ra một ví dụ làm việc từ thiện trong gia đình, Đức Phanxicô nói thêm: “Điều này bao gồm cả người nghèo. Tôi phải chịu thiếu một cái gì đó để tôi cho bạn. Tôi nói với các bậc cha mẹ: Hãy dạy con cái mình làm việc từ thiện, dạy con cái quảng đại với những gì mình có.”
Nguyên văn bài giáo lý sáng thứ bảy 9 tháng 4-2016
Anh chị em thân mến!
Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy một khía cạnh thiết yếu của lòng thương xót: làm việc từ thiện. Làm việc từ thiện có vẻ như làm một cái gì đơn giản, nhưng chúng ta phải chú ý, đừng đem nó ra khỏi ý nghĩa mà nó mang. Đúng vậy, chữ “làm việc từ thiện” là từ một chữ trong từ vựng Hy Lạp có nghĩa là “lòng thương xót”. Như thế làm việc từ thiện phải mang ý nghĩa phong phú của tinh thần thương xót. Cũng như lòng thương xót có cả ngàn con đường đi, ngàn cách thức làm, thì làm việc từ thiện cũng diễn tả qua nhiều cách để an ủi các khó khăn của người đang thiếu thốn.
Bổn phận giúp người nghèo là một bổn phận có từ xưa trong Thánh Kinh. Hy sinh và giúp người nghèo là hai bổn phận mà một tu sĩ phải giữ. Cựu Ước có những trang rất quan trọng mà Chúa đặc biệt đòi hỏi phải chú ý đến người nghèo, chẳng hạn người bần cùng, người khách lạ, các trẻ em mồ côi, các bà góa. Trong Thánh Kinh luôn có điệp khúc lặp đi lặp lại: người đang thiếu thốn, bà góa, người khách lạ, người xa lạ, trẻ mồ côi…, nó đã trở thành điệp khúc. Vì Thiên Chúa muốn dân của mình săn sóc đến anh em mình; đúng hơn tôi muốn noi họ thật sự ở trọng tâm sứ điệp: khen ngợi Chúa bằng của vật hy sinh, khen ngợi Chúa bằng làm việc từ thiện.
Với đòi hỏi phải nhớ đến họ, chính xác với lời chỉ dẫn: “Anh em phải cho họ cách rộng rãi và khi cho thì đừng miễn cưỡng” (Đnl 15, 10). Điều này có nghĩa đức ái đòi hỏi trên tất cả phải có niềm vui nội tâm. Dâng tặng lòng thương xót không thể là một gánh nặng, một sự chán nản phải làm cho nhanh để cất gánh nặng. Biết bao nhiêu người đã viện đủ lý do để không cho người nghèo, họ nói: “Nhưng người này sẽ như thế nào? Tôi cho họ để họ đi mua rượu uống say sưa sao?” “Nhưng nếu người đó say, thì vì người đó không có con đường nào khác! Còn mình, mình làm gì để che giấu, để không ai thấy… và mình là quan tòa của người khốn khổ đi xin đồng tiền để mua rượu sao?”
Tôi thích nhắc lại đoạn ông Tôbia, sau khi nhận một số tiền lớn, đã gọi con trai mình đến để dạy con: “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo” (…) Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. (Tb 4,7-8). Đó là những lời nói rất khôn ngoan giúp chúng ta hiểu giá trị của việc làm từ thiện.
Như chúng ta đã nghe, Chúa Giêsu đã để lại bài giảng không thể lẫn tránh được. Trước hết, Ngài xin chúng ta đừng làm việc từ thiện để được khen, được ngưỡng mộ vì lòng quảng đại của mình: phải làm thế nào để tay mặt làm, tay trái không biết (Mt 6,3). Không phải bề ngoài là đáng kể, nhưng là khả năng có thể ngừng lại để nhìn thẳng vào mắt người đang xin mình. Mỗi người chúng ta tự vấn: “Tôi có thể ngừng lại để nhìn thẳng vào mắt người đang xin mình giúp đỡ không? Tôi làm được không? Từ thiện không phải nơi đồng tiền mình vội vàng cho, không ngừng lại một giây, không nhìn vào mắt người nhận, không nói chuyện với họ để hiểu họ đang cần gì. Cùng một lúc, chúng ta có thể phân biệt được người nghèo và các hình thức ăn xin khác nhau, mà nhiều lúc đó không phải là giúp người nghèo thật sự. Tóm lại, làm việc từ thiện là một hành vi yêu thương, hướng thẳng đến người mình gặp; đó là chân thành chú ý đến người xin mình giúp, kín đáo làm mà chỉ có Chúa thấy và hiểu giá trị của việc mình làm.
Làm việc từ thiện là làm một cái gì mang tính hy sinh. Tôi còn nhớ một bà mẹ có ba người con trong độ tuổi sáu, năm và ba hay nhỏ hơn. Bà luôn dạy con mình phải làm việc từ thiện với những ai đến xin mình. Một hôm, chúng đang ăn, mỗi đứa ăn một miếng thịt sườn nướng. Có người gõ cửa. Đứa lớn nhất ra mở cửa, nó nói với mẹ: “Mẹ, có một người nghèo xin mình ăn. Bà mẹ hỏi, ‘Các con làm gì bây giờ?’. Tất cả đều trả lời, ‘cho họ ăn!’ – Vậy, các con mỗi đứa lấy một nửa phần ăn của mình, rồi mình làm hai miếng bánh mì kẹp thịt. – Ồ không! Mẹ, không được! – Sao lại không? Nếu các con cho cái gì của các con, thì phải cho cái đáng giá.” Như vậy là cùng với người nghèo. Tôi chịu thiếu một cái gì đó của tôi để tôi cho. Tôi thường hay nói với các cha mẹ: “Hãy dạy con cái mình làm việc từ thiện, dạy các con quảng đại với những gì mình có.
Khi đó chúng ta lấy lời của Thánh Phaolô làm lời của mình: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng, phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế và phải nhớ Lời Chúa Giêsu dạy: ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’” (Cv 20, 35; cf. 2 Co 9,7).
Xin cám ơn anh chị em!
Marta An Nguyễn chuyển dịch (theo phanxico.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét