– Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn báo Thập Giá
Đức Phanxicô vừa có buổi phỏng vấn dài dành cho nhật báo công giáo Pháp Thập Giá (La Croix). Ngài nói về nhiều đề tài như di dân, thị trường, chủ trương laicité, phúc âm hóa.
Về di dân, chiến tranh và chậm phát triển
Khi được hỏi về việc liệu châu Âu có đủ khả năng để đón quá nhiều người nhập cư hay không, Đức Phanxicô trả lời:
‘Đây là một vấn đề trách nhiệm và công bằng, bởi người ta không thể mở toang cửa một cách vô lý được. Tuy nhiên, vấn đề sâu hơn là tại sao hiện nay có quá nhiều di dân. Các vấn đề ban đầu chính là chiến tranh ở Trung Đông và châu Phi, cũng như sự chậm phát triển của lục địa Phi châu gây nên nạn đói. Nếu có chiến tranh, là bởi có sản xuất vũ khí, mà sản xuất vũ khí còn có thể biện minh bằng các mục đích tự vệ, nhưng trên hết, có những lái buôn vũ khí. Nếu quá nhiều người thất nghiệp, là bởi thiếu đầu tư để đem lại công ăn việc làm, mà châu Phi đang rất cần điều này.’
Một thị trường hoàn toàn tự do không hiệu quả
‘Xét rộng hơn nữa, điều này dấy lên chất vấn về hệ thống kinh tế thế giới đã suy đồi chạy theo ngẫu tượng tiền bạc. Đại đa số tài sản của nhân loại nằm trong tay một nhóm thiểu số. Một thị trường hoàn toàn tự do không hiệu quả. Thị trường tự nó là tốt, nhưng chúng cũng cần đến một trục bản lề, một bên thứ ba, hay một nhà nước để điều hành và cân bằng cho nó. Nói cách khác, cần phải có một nền kinh tế thị trường xã hội.
Những người nhập cư phải được hội nhập chứ không phải ‘bị quy vào hạng thấp kém’
‘Trở lại vấn đề di dân, hình thức đón tiếp tồi tệ nhất là ‘quy họ vào hạng thấp kém’ Chúng ta phải hội nhập họ. Ở Brussels, các tay khủng bố là người Bỉ, con cái những người nhập cư phải lớn lên trong những ghetto (từ này lấy từ bối cảnh lịch sử là những khu ở tập trung của người Do Thái, những người bị kỳ thị, bị xem là thấp kém, không được hội nhập vào xã hội). Ở Luân Đôn, thị trưởng mới (Sadiq Khan, con trai của một người Hồi giáo Pakistan) đã tuyên thệ ở nhà thờ chính tòa và chắc chắn sẽ gặp mặt nữ hoàng. Điều này cho thấy châu Âu cần phải tái khám phá khả năng dung nạp của mình. Ngày nay, sự dung nạp này còn cần thiết hơn nữa, khi người ta chăm chăm tìm kiếm phúc lợi ích kỷ cho mình, khi châu Âu đang chịu vấn đề suy giảm trầm trọng tỷ suất sinh.
Nỗi sợ Hồi giáo xâm lấn
‘Ngày nay, cha không nghĩ có nỗi sợ đối với Hồi giáo, nhưng là sợ ISIS và chiến tranh chinh phạt của nó, một thứ phần nào rút ra từ Hồi giáo. Sự thật là tư tưởng chinh phục truyền đời trong linh hồn của Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng có thể diễn giải sự chinh phục như thế trong Phúc âm theo thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đến với mọi dân nước. Trước chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, tốt hơn chúng ta nên tự chất vấn bản thân về cách thức truyền bá hình mẫu dân chủ quá phương Tây đến các quốc gia như Iraq, nơi chính phủ trước đây vẫn còn rất mạnh. Hay ở Libya, nơi vẫn còn cấu trúc bộ lạc. Chúng ta không thể tiến tới mà không xét đến những nền văn hóa này. Ở Libya người ta kháo nhau, ‘Trước đây chúng cha có một Gaddafi, giờ lại có đến 50.’ Đến tận cùng, chung sống giữa Kitô hữu và người Hồi giáo vẫn là điều khả dĩ. Cha đến từ một đất nước mọi người sống chung tốt đẹp với nhau.’
Chủ trương laicité và tôn giáo ở nơi công cộng
Đức Giáo hoàng cũng trả lời câu hỏi về hình mẫu ‘laicité’ của Pháp (tách riêng nhà nước và giáo hội.)
‘Nhà nước phải mang tính thế tục. Các nhà nước theo một tôn giáo độc quyền thường kết cục xấu. Điều này đi ngược lại xu hướng lịch sử. Cha tin rằng một phiên bản laicité đi kèm với pháp chế vững vàng bảo vệ tự do tôn giáo, sẽ là một bộ khung tốt đẹp để tiến tới. Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa với cùng phẩm giá con người. Tuy nhiên, tất cả mọi người phải có tự do để thể hiện đức tin của mình. Nếu một phụ nữ Hồi giáo muốn đeo mạng che mặt, thì cô ấy phải được làm thế. Tương tự như nếu một người Công giáo muốn đeo thánh giá vậy. Mọi người phải được tự do để tuyên xưng đức tin của mình, gna giữa nền văn hóa của mình. Lời phê bình nhẹ nhàng nhất mà cha muốn nói với nước Pháp về vấn đề này, đó là tinh thần laicité quá đáng. Nó xuất hiện khi người ta xem các tôn giáo như là một tiểu-văn hóa hơn là một nền văn hóa hoàn toàn triển nở với quyền của mình. Cha sợ rằng cách tiếp cận này, vốn truyền lại từ thời đại Ánh sáng, nó vẫn tiếp tục tồn tại. Nước Pháp cần phải có một bước tiến về vấn đề này để chấp nhận rằng mọi người đều có quyền lợi cởi mở với sự siêu việt.’
Pháp chế và quyền phản kháng theo lương tâm
Khi được hỏi người Công giáo sẽ bảo vệ niềm tin của mình cách nào trước những luật mới kiểu như luật cho trợ tử chủ động và quan hệ hôn nhân, Đức Phanxicô trả lời:
‘Điều này tùy theo Nghị viện thảo luận, lập luận, giải thích, lý luận. Đây là cách xã hội phát triển. Tuy nhiên, một khi luật được áp dụng, thì nhà nước cũng phải tôn trọng lương tâm của mọi người. Quyền phản kháng theo lương tâm phải được nhìn nhận trong cơ cấu pháp chế, bởi đó là quyền con người. Một công chức cũng là một con người. Nhà nước cũng phải cân nhắc những phê phán. Đó mới là laicité đích thực. Bạn không thể gạt một bên các lập luận của người Công giáo bằng một câu đơn giản ‘họ nói như linh mục vậy.’ Không, thật sự là họ nói dựa trên suy tư Kitô giáo mà nước Pháp đã phát triển.’
Giáo dân, chủ nghĩa giáo quyền và cộng đoàn Lefebvre
‘Về chuyện thiếu linh mục, chúng ta có thể xem tấm gương của Triều Tiên, một quốc gia được phúc âm hóa trong suốt hai trăm năm nhờ tay giáo dân. Vậy nên, không nhất thiết phải có linh mục để phúc âm hóa. Phép rửa cha cho chúng ta sức mạnh để phúc âm hóa rồi.’
‘Nếu lòng mộ đạo bình dân mạnh, thì chính xác là bởi các khởi xướng của giáo dân không bị giáo quyền hóa. Giáo sỹ không hiểu được điều này.
‘Bernard Fellay là một con người có thể đối thoại. Những người thuộc cộng đoàn Lefebvre là người Công giáo đang trên đường đến hiệp thông trọn vẹn. Công đồng Vatican II có các giá trị nhất định. Chúng ta phải tiến tới một cách chậm rãi và kiên nhẫn.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét