5 tháng 6, 2016

"…SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU"

Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới 
(Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)
Ngày 31 tháng năm là ngày lễ Đức Maria đi thăm viếng bà chị họ Elisabeth, một biến cố rất dễ thương, mang tính nhân bản và chuyển tải cho chúng ta nhiều ý nghĩa giáo dục. 


Khi đi thăm bà chị họ, Đức Maria không chỉ đơn thuần thực hiện một cuộc viếng thăm xã giao hay nhằm nâng đỡ khích lệ, nhưng Mẹ còn lưu lại để phục vụ người chị họ lớn tuổi trong những ngày sinh nở. Đây là một hành động tế nhị, tình cảm và hy sinh trong khiêm tốn, hẳn những ai trải qua cuộc vượt cạn đều thấu hiểu việc này. Hành động này còn quảng đại và cao cả hơn khi chính Đức Maria cũng đang mang thai, đang trong thời kỳ cũng cần được nâng đỡ và chia sẻ. Nhưng bất chấp tình trạng của mình, Đức Maria mau mắn đến miền núi đồi phía nam, Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, còn dịch là “đon đả đi lên miền sơn cước”, để chia sẻ tình thương. (Lc 1, 39 tt.)

Bên cạnh và vượt lên trên những ý nghĩa cao đẹp về tình người, Đức Tin cho ta thấy sứ mạng của Đức Maria còn lớn lao hơn thế nữa, vì không chỉ là mang thai một sinh linh bé nhỏ, nhưng Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng của mình. không đơn thuần là một người trẻ mang thai đến thăm và giúp đỡ một người lớn tuổi mang thai, mà Đức Maria mang Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế cho bà chị họ Elisabeth của Mẹ khiến hài nhi trong lòng dạ bà Elisabeth nhảy mừng vì được gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Đón nhận Chúa và mang Chúa đến cho mọi người là sứ điệp của cuộc thăm viếng trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Hội Thánh Công Giáo hiện nay trong ánh sáng của các văn kiện Tòa Thánh: Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng… Biến Cố Đức Mria đi thăm viếng Bà Elisabeth trở thành một chứng từ minh nhiên về sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Lễ Đức Mẹ đi viếng năm nay tôi có dịp ghé thăm một mái ấm BVSS dành cho những ngươi phụ nữ làm mẹ đơn thân trong hoàn cảnh khó khăn, mái ấm này được thiết lập vào năm 2.000, khi hoàn cảnh xã hội còn đang rất khó khăn, khi luật quy định “mỗi gia đình chỉ được có hai con” còn đang là quốc sách, đang là chương trình quốc gia, gầy dựng một mái ấm để các chị em tạm lánh và sinh nở trong tình trạng kín đáo là một việc làm táo bạo và nguy hiểm. Nguy hiểm vì chạm đến chương trình quốc gia, táo bạo vì vẫn luôn có những con người trong nhiều góc độ không chấp nhận những gì đe dọa đến lợi ích bản thân họ, cho dù họ vẫn luôn miệng nói về tình thương, người nghèo và người bị bỏ rơi. Họ vẫn luôn miệng hô khẩu hiệu nhưng không bao giờ chấp nhận dấn thân và để người khác dấn thân, họ sẵn sàng ghép tội người khác với nhiều mỹ từ dị nghĩa để che dấu sự ù lì của họ. 


Những người tham gia ban đầu xây dựng mái ấm gặp biết bao khó khăn. Nhờ ơn Chúa, sự kiên trì xác tín và sự nâng đỡ của nhiều người, mái ấm đã hiện diện gần 16 năm, có hơn 600 cháu được bảo bọc sinh nở nơi mái ấm này. Ngày họp mặt, có cháu đã “lớn tồng ngồng” theo mẹ về gặp gỡ nhau, con nít đủ mọi lứa tuổi chơi đùa, các bà mẹ nói cười rôm rả, tiếng khóc tiếng cười đan xen, ban tổ chức không chuẩn bị đủ đồ chơi khiến các quan tòa phải thi nhau phân xử.

Chúa nhật 5 tháng 6 này là Ngày Quốc Tế Môi Trường, ngoài các đường phố người ta giăng đầy các biểu ngữ nói về môi trường, kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một môi trường sạch và xanh thân thiện, hướng dẫn mọi người xử lý phân loại rác, thu gom rác và trồng cây xanh, đó là các việc làm cần thiết. Tuy nhiên cùng với các biểu ngữ cổ võ cho viêc bảo vệ môi trường, người ta vẫn chứng kiến các nhà máy tha hồ nhả khói vào bầu trời, tuôn chảy nước thải quá nhơ bẩn và độc hại vào sông ngòi, đốn hạ cậy xanh vốn quá quý hiếm trong thành phố, và nhất là đã tròn 60 ngày (6.4 – 5.6.2016) thảm họa Vũng Áng chưa có câu trả lời cho công chúng.

Laudato Si’ chỉ ra nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường là hậu quả của cách sống “văn hóa đào thải, văn hóa loại trừ” (số 22), mọi thứ đều có thể trở thành rác thải vì người ta đặt lợi nhuận (kinh tế, chính trị) của phe nhóm họ làm nền tảng hành xử. Laudato Si’ nói rằng: “…con người không thể phân tích vũ trụ khi tách từng phương diện một, vì quyển sách vạn vật chỉ có một và không thể chia cắt được, nối kết môi trường, sự sống, tính dục, gia đình và các liên hệ xã hội lại làm một” (số 6).

Điều đó cho ta hiểu tệ nạn phá thai liên kết với thảm họa môi trường như thế nào, vì cách hành xử với vạn vật biến thành cách hành xử với chính con người, mạng sống của người khác đã bị xem là rác thải khi không phục vụ cho lợi ích của họ. “Việc buôn bán hay sử dụng các bộ phẩn cơ thể của người nghèo, hoặc việc ‘quăng’ đi các em bé, chỉ vì không đáp ứng đươc các mong muốn của cha mẹ chúng. Đấy là cách suy nghĩ ‘sử dụng và quăng đi’, tạo quá nhiều rác thải, gây ra do khao khát vô độ, tiêu thụ nhiều hơn như con người cần thiết” (số 123).

Dưới cái nhìn của Laudato Si’, “…tất cả thọ tạo đều liên kết với nhau, cần phải nhìn nhận mọi sự với cái nhìn tình yêu và thán phục, tất cả như những hữu thể mà chúng ta đều cần đến” (số 42). Vậy Ông Trịnh Công Sơn có lý để viết rằng “sỏi đá cũng cần có nhau”. 

Thông điệp của Hội Thánh cần đưa ra mạnh mẽ trong ngày Quốc Tế về môi trường là: “Mỗi chính quyền mang trách nhiệm không thể chuyển nhượng để bảo vệ môi trường cũng như những tài nguyên khác của quốc gia mình, mà không bán cho những cơ quan chỉ tìm lợi lộc bất chính địa phương hay quốc tế” (số 38).

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 3.6.2016 (theo Ephata 696)

Không có nhận xét nào: