Một hôm, một họa sĩ
người Ý khá nổi tiếng đang đi bách bộ để tìm hứng sáng tác. Khi
đến một khúc cua đường, ông chợt thấy một bé trai có khuôn mặt hồn
nhiên dễ mến. Tự nhiên ông muốn vẽ lại vẻ mặt thiên thần của em. Ông
nói với cậu bé rằng: “Này em, em có muốn tôi vẽ chân dung của em
không?” Cậu bé gật đầu đồng ý và theo họa sĩ về xưởng vẽ của ông.
Mấy giờ sau, cậu ta rất ngạc nhiên và vui mừng nhìn thấy khuôn mặt của
em rạng rỡ trong bức tranh. Họa sĩ đặt tên cho bức tranh này là:
“Tuổi thơ trong trắng”. Ông treo nó nơi phòng khách, và mỗi khi gặp
điều gì bực mình, ông lại nhìn lên bức tranh kia và lập tức lấy lại
bình an. Một số người muốn mua bức tranh với giá cao, nhưng dù gặp
khó khăn về tài chính mà họa sĩ vẫn không bán.
Hai mươi năm sau. Một hôm
họa sĩ cũng đang đi dạo để tìm hứng vẽ tranh. Khi tới gần khu nhà ổ
chuột, tình cờ ông nhìn thấy một gã ăn xin, áo quần lôi thôi rách nát
và có khuôn mặt chai lì gian ác, trông như một tên quỉ sứ. Ông suy
nghĩ: “Sao trên đời này lại có người mang bộ mặt gian ác xấu xa đến
thế nhỉ? Phải chi ta vẽ được gương mặt quỉ sứ này để so sánh với
gương mặt thiên thần trong bức “Tuổi thơ trong trắng” đang treo trong phòng
khách nhà ta thì hay biết mấy!”
Bấy giờ gã ăn mày
chìa tay ra xin bố thí. Họa sĩ yêu cầu gã làm người mẫu cho ông vẽ
và hứa sẽ cho gã một số tiền khá lớn. Gã ăn xin lập tức đồng ý.
Khi bức tranh đã vẽ xong, gã nhận tiền và ra về. Nhưng khi đi ngang
phòng khách, gã trông thấy bức tranh “Tuổi thơ trong trắng” đang treo
trên tường, gã liền dừng lại nhìn một lúc, rồi hai dòng lệ từ từ
lăn trên gò má. Sau đó gã chỉ lên bức tranh và nói với họa sĩ rằng:
“Thưa ông, đây chính là khuôn mặt của tôi hồi còn bé mà tôi nhớ có lần
đã ngồi làm mẫu cho ông vẽ. Hôm nay ông lại vẽ khuôn mặt của tôi sau khi
nó đã biến dạng!” Rồi gã thuật lại cuộc đời bất hạnh của gã như
sau:
“Tôi vốn là một đứa
con trai, lại là con một, nên được cha mẹ rất mực cưng chiều. Nhưng
cũng vì thế mà tôi sinh ra hư hỏng. Khi cha mẹ tôi lần lượt qua đời,
tôi đã bán tất cả gia sản cha mẹ để lại để lao mình vào các đam mê trác
táng... Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã phung phí hết tiền bạc của
cha mẹ và phải nhập bọn với lũ bạn xấu đi trộm cướp. Rồi tôi bị bắt và
thụ án mười năm. Trong thời gian ở tù, tôi đã trải qua rất nhiều gian nan
tủi nhục: Bị đánh đập, ứng hiếp và bị bóc lột tàn nhẫn. Nhưng rồi
tôi cũng quen dần với cuộc sống đó. Cuối cùng chính tôi lại trở thành
kẻ bóc lột hành hạ các tù nhân mới nhập trại và các bạn tù khác yếu đuối
hơn tôi. Bây giờ sau khi mãn hạn tù, tôi đang ở trong tình trạng không
một đồng xu dính túi, lại còn mang thêm bệnh lao phổi thời kỳ thứ ba.
Tôi chẳng biết làm gì hơn là đi ăn xin như ông thấy đó”.
Trước tâm sự của một
người đã phung phí trót cả tuổi thanh xuân của mình, họa sĩ rất xúc
động. Nhưng ông cũng chỉ biết khuyên bảo gã ăn xin hãy cố ăn ở lương
thiện. Ít lâu sau, ông được tin gã đã nằm chết cô đơn tại một góc
phố. Họa sĩ đã treo bức tranh “Ác quỉ” mà ông mới vẽ bên cạnh bức
“Tuổi thơ trong trắng” trong phòng khách. Ông cũng thường giải thích cho
bạn bè và những người thắc mắc về sự xuất hiện của hai bức tranh như
sau: “Hai khuôn mặt trong hai bức tranh này thực ra chỉ là một con
người. Và sự khác biệt giữa hai khuôn mặt thiên thần và ác quỉ chỉ cách
20 năm sống phóng đãng mà thôi!”.
THẢO LUẬN:
1)
Hãy cho biết nguyên nhân nào đã biến một em bé có khuôn mặt trong
trắng như thiên thần lại biến thành khuôn mặt gian ác của quỉ dữ?
2)
Bạn sẽ thực tập nhân đức nào bằng những việc làm cụ thể để loại trừ một thói hư
quan trọng bạn đang mắc phải trong Mùa Chay này?
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét