ĐTC Phanxicô
: Dù bị bắt bớ và bách hại, Giáo Hội vẫn không mệt mỏi đón tiếp mọi người
Đức
Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần canh tân trong chúng ta
ơn gọi là các môn đệ truyền giáo can đảm và vui tươi của Chúa Kitô. Theo gương
thánh Phaolô, chúng ta sẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới và làm cho các cộng
đoàn của chúng ta trở thành nơi chốn của tình huynh đệ, nơi tất cả có thể gặp
Chúa Kitô Phục sinh.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ
Tư 15/01/2020, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ.
Ngài cho biết bài giáo lý kết thúc sách Công vụ Tông đồ hôm nay nói về bước
cuối cùng trong hành trình truyền giáo của thánh Phaolô, đó là tại Roma (Cv
28,14). Đức Thánh Cha lưu ý rằng tác giả Luca không kết thúc tác phẩm với cuộc
tử đạo của thánh Phaolô nhưng bằng việc mô tả việc loan báo Tin Mừng không mệt
mỏi của thánh nhân. Thánh Phaolô đến Roma với xiềng xích nhưng cho thấy sức
mạnh của ơn Chúa mở cửa các tâm hồn đến với ơn cứu độ.
Nếu được sống với đức tin, hành trình
của con người có thể dẫn đến ơn cứu độ
Hành trình của thánh Phaolô, là một
hành trình cùng với hành trình của Tin mừng, là bằng chứng cho thấy con đường
của con người, nếu được sống trong đức tin, có thể trở thành không gian trung
chuyển cho ơn cứu độ của Thiên Chúa, qua Lời của đức tin, là men nồng hoạt động
trong lịch sử, có khả năng biến đổi các tình huống và mở ra những con đường
mới.
Lời Chúa không thể bị ngăn cản
Tường thuật của sách Công vụ
Tông đồ kết thúc khi thánh Phaolô đến trung tâm của Đế quốc Roma, nhưng không
kết thúc với cuộc tử đạo của thánh nhân, mà với việc Lời Chúa được gieo rắc
khắp nơi. Phần kết thúc của câu chuyện của thánh Luca tập trung vào hành trình
Tin Mừng trên thế giới, chứa đựng và tóm tắt tất cả sự năng động của Lời Chúa,
là Lời không thể bị ngăn cản, Lời muốn loan đi để truyền đạt ơn cứu độ cho tất
cả mọi người.
Tin Mừng hoàn thành những lời Thiên Chúa hứa với dân Do Thái
Tại Roma, trước hết Phaolô gặp các
anh em của mình trong Chúa Kitô, những người chào đón ngài và bao bọc ngài với
lòng can đảm (x. Cv 28,15) và sự hiếu khách nồng hậu của họ cho thấy họ chờ đợi
và mong muốn ngài đến với họ tới mức nào. Sau đó, ngài được phép sống một mình
dưới sự canh gác của quân lính, nghĩa là với một người lính canh giữ ngài, ngài
bị quản thúc tại gia. Mặc dù là tù nhân, thánh Phaolô có thể gặp gỡ những người
Do Thái nổi tiếng để giải thích lý do tại sao ngài buộc phải kháng cáo lên
hoàng đế và nói với họ về vương quốc của Thiên Chúa. Thánh nhân cố gắng thuyết
phục họ về Chúa Giêsu, bắt đầu từ Kinh thánh và trình bày cho thấy sự liên tục
giữa Tin Mừng của Chúa Kitô và "niềm hy vọng của Israel" (Cv 28,20).
Thánh Phaolô nhìn nhận mình là người Do Thái tự thẳm sâu và thấy trong Tin Mừng
mà ngài rao giảng, nghĩa là trong lời loan báo Chúa Kitô chịu chết và sống lại,
sự hoàn thành những lời hứa cho những dân tộc được chọn.
Vương quốc Thiên Chúa
Sau cuộc gặp gỡ
không chính thức đầu tiên, khi thánh Phaolô gặp được những người Do Thái thật
sẵn sàng, một cuộc gặp gỡ chính thức hơn diễn ra trong suốt cả ngày, thánh
Phaolô loan báo về vương quốc của Thiên Chúa và cố gắng giúp những người đối
thoại của mình đến với đức tin vào Chúa Giêsu, bắt đầu từ "luật của Môsê
và các ngôn sứ " (Cv 28,23). Vì không phải mọi người đều bị thuyết phục,
thánh nhân tố cáo sự cứng lòng của dân Chúa, nguyên nhân sự kết án của họ (x.
Is 6,9-10), và cử hành ơn cứu độ của các vùng đất nhạy cảm với Chúa và có khả
năng lắng nghe Lời của Tin Mừng sự sống (x. Cv 28,28).
Giáo hội: ngôi nhà luôn mở cửa chào đón mọi người
Tại điểm này của câu chuyện,
thánh Luca kết thúc tác phẩm của mình bằng cách cho chúng ta thấy không phải
cái chết của thánh Phaolô nhưng là sự năng động của lời giảng dạy của ngài, về
một Lời "không bị xiềng xích" (2Tm 2.9) – thánh Phaolô không được tự
do đi lại nhưng được tự do nói bởi vì Lời không bị xiềng xích - đó là Lời đã
sẵn sàng để được thánh tông đồ gieo rắc khắp nơi. Thánh Phaolô làm điều đó
"với tất cả sự thẳng thắn và không bị cản trở" (Ac 28,31), trong một
ngôi nhà, nơi ngài chào đón những người muốn đón nhận lời loan báo về vương
quốc của Thiên Chúa và muốn biết Chúa Kitô. Ngôi nhà này mở ra cho tất cả các
trái tim đang tìm kiếm là hình ảnh của Giáo hội, mặc dù bị bắt bớ, hiểu lầm và
bị xiềng xích, không bao giờ mệt mỏi chào đón mọi người nam nữ với trái tim của
người mẹ để loan báo cho họ tình yêu của Chúa Cha, được thể hiện rõ nơi Chúa
Giêsu.
Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân
mến, vào cuối hành trình này, hành trình chúng ta đã trải qua với nhau khi theo
bước Tin Mừng trên thế giới, xin Chúa Thánh Thần làm sống lại trong mỗi người
chúng ta ơn gọi trở thành các nhà loan báo Tin Mừng can đảm và vui tươi. Ngài
làm cho chúng ta có thể như thánh Phaolô, làm cho ngôi nhà chúng ta thấm nhuần
Tin Mừng và làm cho các ngôi nhà trở thành nhà Tiệc Ly của tình huynh đệ, nơi
đón tiếp Chúa Kitô hằng sống, Đấng “đến gặp chúng ta trong mọi người và mọi
thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét