16 tháng 1, 2020

Thánh kinh: 1. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, muôn vật.


Ta sống ở đời này để làm gì ? 
- Các em có bao giờ tự hỏi mình : Ta sống ở đời này để làm gì chưa? 
- Chúng ta được sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc để tìm kiếm cơm ăn, áo mặc, các tiện nghi…. để làm cho đời mình được hạnh phúc. Điều đó rất tốt nhưng đủ chưa ? (Chưa).

- Chắc chắn là chưa đủ vì những điều này chưa bảo đảm cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc thật, hạnh phúc mãi mãi. Vì sao ? Vì cái chết đến sẽ phá hủy tất cả những gì mình đã tìm kiếm, đã tích lũy được. Chúng ta phải tìm kiếm thứ hạnh phúc thật là được sống mãi mãi.
- Tự sức con người có thể làm cho mình sống mãi mãi được không? (Không).
- Vậy ai có thể làm cho ta được sống mãi mãi ? Chỉ có Đấng đã dựng nên ta mới có thể làm cho ta sống mãi mãi. Đấng ấy là ai? (Là Thiên Chúa).
- Như vậy ta sống ở đời này để làm gì ? (Để nhận biết Thiên Chúa để Ngài làm cho ta được sống mãi mãi).

Nhờ đâu ta có thể nhận biết Thiên Chúa ?
- Nhờ Lý trí. Lý trí là gì ? (Là khả năng suy nghĩ, suy luận, từ những cái trông thấy, cái đã biết tìm tòi những cái chưa biết, phân biệt cái đúng cái sai…).


- Ngoài ra, Chúa còn ban cho ta sự ước muốn, lòng khao khát. Thật vậy, mỗi người chúng ta đều có ước muốn và lòng ước muốn này không bao giờ dừng lại. 
- Như vậy, nhờ lòng ước muốn cái tốt, cái đẹp nhất, cái tốt cái đẹp tuyệt đối và nhờ lý trí Chúa ban cho ta, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa.

Với lý trí Chúa ban, ta dựa vào đâu mà nhận biết Thiên Chúa ?

Chúng ta có thể dựa vào 2 điều này để nhận biết Thiên Chúa : Thiên nhiên và tiếng nói lương tâm.
a/ Lý trí dựa vào thiên nhiên để nhận biết Thiên Chúa.
Trước hết các em nhìn vào bình bông
-Những bông hoa này có đẹp không ? Do đâu mà có? (Do người ta lấy hạt hoa gieo, hạt nảy mầm, lớn lên và cho bông).
-Người ta lấy hạt từ đâu ? (Từ những bông hoa đã già).
-Vậy hạt cây bông đầu tiên từ đâu mà có vì lúc đó chưa có cây bông ? Chắn chắn phải có ai đó tạo ra hạt hoa. Người đó là ai? (Là Thiên Chúa).
Cũng vậy, mọi vật mọi loài đều phải do ai đó dựng nên, làm ra mới có.



- Các em nhìn lên bầu trời vào một buổi sáng đẹp, các em thấy có mặt trời, ban đêm có mặt trăng, các ngôi sao. Các em thấy có đồi núi, biển cả mênh mông…Chắc chắn phải có ai làm ra chúng. Loài người có làm ra được không ? (Không). Vậy ai làm ra? (Thiên Chúa).
- Hơn nữa, các hành tinh đều chuyển động rất có trật tự. Chẳng hạn trái đất chúng ta quay chung quanh mặt trời, mặt trăng quay chung quanh trái đất. Nếu tất cả các hành tinh đứng yên hay di chuyển sai trật tự thì chúng ta sẽ chết hết. Vậy chắc chắn phải có người điều khiển chúng. Ai ? Loài người chúng ta ư? (Không, nhưng do Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng điều khiển).
Như vậy nhìn vào vũ trụ thiên nhiên, lý trí chúng ta có thể suy luận tìm hiểu để nhận ra có Thiên Chúa.

b/ Lý trí dựa vào tiếng nói của lương tâm để nhận biết Thiên Chúa.

-Khi các em làm được điều gì tốt như giúp đỡ người bạn nghèo nào đó, các em cảm thấy thế nào ? (Thấy tâm hồn reo vui).
-Hoặc khi các em có lỗi lầm, ví dụ ăn cắp của ai cái gì đó, các em có thấy có cảm thấy bứt rứt trong tâm hồn không ? (Có) 
- Hoặc khi các em định làm điều gì đó không tốt, các em có nghe thấy một tiếng nói nào bên trong nói với chúng ta đừng làm không? (Có).
- Những điều ta cảm thấy ấy : Vui tươi, bứt rứt, tiếng ngăn cản ta đừng làm điều không tốt đó được gọi là gì ? (Tiếng nói lương tâm).

Với lý trí ta suy luận ra rằng phải có người nói bên trong tâm hồn ta. Các em có biết người ấy là ai không ? (Là chính Thiên Chúa nói).
Như thế, lý trí của chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa dựa vào thiên nhiên và tiếng nói lương tâm.

Để nhận biết Thiên Chúa, ngoài lý trí ta có cần chính Thiên Chúa tỏ bày cho chúng ta biết không ?

- Dựa vào thiên nhiên, tiếng nói lương tâm, lý trí chúng ta chỉ nhận ra rằng có Thiên Chúa. Nhưng để biết rõ Ngài là ai, Ngài có chương trình gì cho ta, Ngài muốn ta làm gì thì lý trí hạn hẹp của chúng ta có biết được không ? (Không, vì Thiên Chúa thì vô hạn còn lý trí chúng ta thì có giới hạn).
- Vậy làm sao ta có thể biết nhiều hơn về bản thân, về dự tính của Ngài ? (Phải được chính Thiên Chúa cho biết).

Như vậy, để nhận biết Thiên Chúa rõ hơn, chúng ta cần phải được chính Thiên Chúa mạc khải cho, nghĩa là chính Thiên Chúa tỏ bầy cho chúng ta biết về Ngài.

Tóm lại, bài học Giáo lý hôm nay dạy chúng ta rằng với lý trí do Chúa ban, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua thiên nhiên và qua tiếng nói lương tâm.


Không có nhận xét nào: