Dư âm Tông Huấn mới của ĐTC Phanxicô về miền Amazon
Tông Huấn mới của ĐTC Phanxicô “Querida Amazonia” (Amazon yêu quý) tiếp tục tạo nên những phản ứng trái ngược. Nhiều người tỏ ra thất vọng vì nhắm đến những mục tiêu khác với những điều ĐTC nhắm tới cho miền Amazon.
Vậy là 10 ngày đã trôi qua từ sau khi Tông Huấn mới của ĐTC Phanxicô được công bố hôm 12-2-2020 với tựa đề “Querida Amazonia”, (Amazon yêu quý). Rất nhiều phản ứng và bình luận được báo chí nói đến. Người ta ghi nhận trước đó đã có sự chờ đợi rất lớn từ các phía, và nhiều người đã thất vọng, vì Tông Huấn không đáp ứng mong đợi theo ý họ.
Những người hài lòng
Hài lòng về Tông Huấn là những người thuộc khuynh hướng truyền thống: họ đã từng lo lắng, sợ rằng với Văn kiện mới của ĐTC, luật độc thân giáo sĩ sẽ không còn nữa, hay ít là sẽ bị suy yếu nhiều. Một sự kiện nổi bật trong khuynh hướng này được biểu lộ qua việc xuất bản cuốn sách của ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích, trong đó có bài của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức.
Những người thất vọng, bất mãn
Những người cấp tiến thì đã mong đợi rất nhiều, hy vọng có sự bãi bỏ điều mà, theo họ, chính là một “tàn tích vô lý” của quá khứ, là một yếu tố nòng cốt tạo nên cuộc khủng hoảng ơn gọi linh mục và những vụ xì căng đan lạm dụng tính dục và hư hỏng của hàng giáo sĩ. Một điều khác được những người thuộc xu hướng này chờ mong là việc truyền chức phó tế cho phụ nữ. Hai đối tượng này cũng là điều được Con đường Công nghị của Giáo Hội Công Giáo Đức.
Phải nhận rằng rất ít người từ Âu Mỹ hoặc châu lục khác quan tâm đến miền Amazon với những vấn đề về mặt xã hội, môi trường và văn hóa của các dân bản địa tại đây. Rất ít người ý thức rằng qua thực tại của miền Amazon, toàn thể Giáo Hội phải tái khám phá ơn gọi, căn tính và vai trò của mình trong thế giới ngày nay. Và đó là điều mà ĐTC Phanxicô đã nói đến trong Tông Huấn “Amazon yêu quý” qua việc trình bày 4 mơ ước.
Chủ đích của ĐTC Phanxicô
Thực vậy, đối với ĐTC, không phải sự độc thân linh mục hoặc chức phó tế hay LM cho phụ nữ là vấn đề thực sự. Điều làm cho ngài quan tâm là Giáo Hội không còn nói được với con người, không tôn trọng được qui luật lớn về sự nhập thể, và đây phải là căn tính, là DNA của Giáo Hội. Ngài viết trong đoạn 6 của Tông Huấn: “Việc rao giảng phải nhập thể, linh đạo nhập thể, các cơ cấu của Giáo Hội phải nhập thể” (QA 6). ĐTC mong rằng những điều ngài trình bày qua 4 mơ ước cũng được toàn thể cộng đồng dân Chúa và mọi người thiện chí quan tâm. Ngài viết:
“Một miền Amazon tranh đấu cho các quyền của những người nghèo nhất, của các thổ dân bản xứ và những người rốt cùng…, một miền Amazon bảo vệ sự phong phú văn hóa vốn là đặc tính của miền này,.. một miền Amazon quyết liệt gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên trổi vượt của mình… Các cộng đồng Kitô có khả năng dấn thân và nhập thể tại Amazon, đến độ mang lại cho Giáo Hội những khuôn mặt mới, với những nét của mình Amazon” (n.7).
Ước mơ xã hội
Ước mơ xã hội là ước mơ đầu tiên của ĐTC được trình bày trong Tông Huấn mới. Trong một thời kỳ đen tối, khắp nơi trên thế giới, người ta thấy một thái độ “sống chết mặc bay” của những kẻ mạnh, sự thụ động và nhiều khi đồng lõa của những người gọi là “lương thiện”, tiếng nói của ĐTC được gióng lên cao và mạnh mẽ tố giác một trào lưu tân thực dân, đang bảo vệ những luật lệ kinh tế và biến sự hoàn cầu hóa thành một chiến dịch mưu ích cho những người giàu và gây hại cho người nghèo.
Trong bối cảnh đó, ĐTC nhắc nhớ rằng “nhiều khi chính các linh mục đã là những người bảo vệ các thổ dân chống lại những kẻ tấn công và bóc lột”, và ngài nhấn mạnh “ngày nay, Giáo Hội càng không thể giảm bớt sự dấn thân và được kêu gọi lắng nghe tiếng kêu của các dân tộc miền Amazon” (nn.18-10).
Về ước mơ văn hóa
ĐTC tố giác trào lưu tân thực dân cũng biểu lộ qua sự xóa bỏ các nền văn hóa yếu thế nhất và biến trái đất thành một thứ văn hóa duy nhất của những người thống trị. Ngài viết: “Nhân sinh quan duy tiêu thụ, được nền kinh tế hoàn cầu hóa ngày nay ưu tiên cổ võ, nhắm làm cho các nền văn hóa trở nên thuần nhất và làm suy yếu sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau, vốn là một kho tàng của nhân loại” (n.33).
Ước mơ môi sinh
Về ước mơ môi sinh, Tông huấn của ĐTC khẳng định rằng “sự chăm sóc con người và các hệ thống môi sinh không thể tách biệt nhau” (n.42). Cần phải thay thế thứ văn hóa bóc lột vô độ bằng một nền văn hóa chiêm ngắm: “Chúng ta cần thức tỉnh cảm thức về vẻ đẹp và chiêm ngắm mà Thiên Chúa đặt nơi mỗi người chúng ta và nhiều khi chúng ta để cho cảm thức ấy bị suy tàn” (n.56).
Ước mơ về Giáo Hội
Sau cùng là ước mơ về Giáo Hội. Trong phần này, như đã nói, được dư luận quan tâm nhiều là tình trạng thiếu LM và độc thân LM. Trong văn kiện chung kết, 2 phần 3 các nghị phụ ủng hộ yêu cầu truyền chức LM cho những người có gia đình. Trong câu trả lời trình bày trong Tông Huấn, trước tiên ĐTC nhận xét rằng tình trạng thiếu LM không phải chỉ liên hệ tới Nam Mỹ: đại lục này “xuất khẩu” nhiều LM của mình, nhưng không phải tới miền Amazon đang cần, mà là tới những vùng có đời sống sung túc và dễ dàng. ĐTC viết: “Điều gây chú ý nhiều, đó là sự kiện tại một số nước vùng Amazon có nhiều thừa sai được gửi đi Âu châu hoặc Hoa Kỳ hơn là được gửi tới các địa phận vùng Amazon” (nota 132). Từ sự kiện đó, ĐTC mời gọi các GM “hãy quảng đại hơn, hướng dẫn những người tỏ ra có ơn gọi thừa sai, để họ chọn miền Amazon” (n.90)
Vượt lên quan niệm duy giáo sĩ
Điểm thứ hai trong ước mơ này được ĐTC nhấn manh là: “Vấn đề ở đây không phải chỉ cổ võ một sự hiện diện nhiều hơn của các thừa tác viên thánh chức, có thể cử hành Thánh Lễ. Mục tiêu này sẽ rất hạn hẹp nếu chúng ta không tìm cách khơi lên một cuộc sống mới trong các cộng đoàn” (n.93). Toàn thể cộng đoàn Kitô phải có khả năng linh hoạt đời sống Giáo Hội. “Dĩ nhiên là cần có các LM, nhưng điều này không loại bỏ sự kiện thông thường là các phó tế vĩnh viễn, các nữ tu và giáo dân đảm nhận những trách nhiệm quan trọng trong việc làm tăng trưởng các cộng đoàn và làm sao để họ trưởng thành trong việc thi hành các chức năng đó nhờ được huấn luyện thích hợp” (n.92).
Việc truyền chức cho phụ nữ
Về việc truyền chức cho phụ nữ, ĐTC chống lại chủ trương thu hẹp “sự hiểu biết của chúng ta về Giáo Hội vào những cơ cấu chức năng, quyền bính. Sự thu hẹp như thế khiến chúng ta nghĩ nên dành cho phụ nữ một qui chế và một sự tham dự nhiều hơn trong Giáo Hội bằng cách truyền chức cho họ. Nhưng trong thực tế quan niệm như vậy thu hẹp viễn tượng, và đưa chúng ta đến chỗ “giáo sĩ hóa” phụ nữ, giảm bớt giá trị lớn của những gì các phụ nữ đã cống hiến và như thế làm cho sự đóng góp không thể thiếu được của họ trở nên nghèo nàn hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét