28 tháng 5, 2012

Bình an và vui mừng

Từ nhỏ, tôi vẫn ước mong một cuộc sống an vui. Ước mong đó đã được đáp ứng một phần nhỏ. Bởi vì nhiều lúc, tôi đã nếm được những khoảnh khắc dạt dào an bình và vui sướng. Nhưng, khi những an bình và vui sướng ấy qua đi, tôi mới thấy rõ những cái an, những cái vui đó vẫn đan chen, pha trộn với những cái phù phiếm, cô đơn và bất hạnh. Chính bản thân những an vui đó cũng tầm thường và dễ tan vỡ.
Kinh nghiệm cay đắng như thế thúc đẩy tôi đi tìm một sự an vui khác. Tôi đã tìm được. Ít là phần nào. Và phần nào đó càng ngày càng hiện lên thành một sự thực cứu độ bao bọc tâm khảm tôi.

Sự bình an và sự vui mừng vừa nói đã đến với tôi từ Chúa Thánh Thần. Hay nói đúng hơn, sự bình an và vui mừng này chính là Chúa Thánh Thần. Người đến với tôi. Người ngự trong tôi. Nhờ Người mà tôi được tái sinh. Sự tái sinh này được coi là cần thiết. Chúa Giêsu quả quyết với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3,5).
Nhờ sự tái sinh này, tôi có một cái nhìn mới về bản thân mình và về nhân loại. Dưới đây, tôi xin phép chỉ kể ra vài cái nhìn mới đã góp phần đem lại cho tôi sự bình an và vui mừng.
Nhận biết mình được Chúa yêu thương.
Khi Chúa Thánh Thần đến trong tôi, Người đổi mới tâm hồn tôi. Một trong những đổi mới đáng kể là cho tôi một niềm tin mới về tình Chúa xót thương tôi. Không những Người cho tôi niềm tin, mà còn cho tôi một số hiểu biết và một số cảm nghiệm về tình xót thương Chúa dành cho tôi.
Người ban cho tôi tin và hiểu một cách cụ thể những lời Kinh Thánh nói xưa, nhưng nay thực sự là nói với riêng tôi. Như những lời sau đây: “Tình yêu Chúa cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa. Nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10).
Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn “Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta. Nên dẫu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,3-4).
Khi Chúa Thánh Thần đưa những lời Kinh Thánh trên đây vào tâm hồn tôi, tôi cảm thấy những lời đó là một Tin Mừng rất bất ngờ cho tôi.
Tôi bất ngờ nhìn thấy bẩm sinh tôi là rất yếu đuối.
Tôi bất ngờ nhận ra con người yếu đuối của tôi chứa nhiều xung đột kinh hoàng giữa các dục vọng. Tự sức mình, tôi đã không kiểm soát nổi chính mình. Tôi lúc lên lúc xuống. Vừa được chi phối bởi lý tưởng, vừa bị lừa dối bởi ảo tưởng. Có lúc hứng khởi vươn lên, có lúc an phận với tình trạng tầm thường. Tất cả những thăng trầm đó có lúc làm tôi bất an.
Tôi là thế. Nhưng Chúa vẫn thương tôi. Chúa thương tôi, dù tôi bất xứng. Niềm tin vào tình xót thương bao la của Chúa đã cho tôi sự bình an và vui mừng khôn tả.
Sự vui mừng và bình an này không cho phép tôi ỷ lại và lợi dụng. Trái lại càng giúp tôi phấn đấu.
Nhận biết mình được ơn Chúa giúp trong mọi phấn đấu theo ý Chúa.
Về điểm này, Chúa Thánh Thần nhắc cho tôi lời thánh Phaolô khuyên: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do, để sống theo xác thịt. Nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cấu xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy” (Gl 8,13-15).
Ngoài sự phấn đấu để thực hiện bác ái, thánh Phaolô còn mở rộng sự phấn đấu sang một mặt trận rộng hơn. Đó là đam mê xác thịt.
Ngài viết: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí. Và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của xác thịt nữa. Vì xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với xác thịt. Đôi bên kình địch  nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 8,16-18).
Phấn đấu chống thói quen chiều theo đam mê xác thịt là điều chắc chắn phải thực hiện. Nhưng còn phải làm hơn thế nữa, để Chúa Thánh Thần ban cho tôi sự bình an và vui mừng. Đó là phấn đấu làm cho mình có những giá trị cao hơn. Như hiểu biết Chúa Giêsu nhiều hơn. Ở lại trong lời Chúa Giêsu và tình yêu Chúa Giêsu lâu hơn và thân mật hơn. Rao giảng về Đức Kitô rộng khắp hơn. Giới thiệu dung mạo Đức Kitô qua đời sống tu trì của mình một cách tích cực hơn. Nhất là làm hết sức mình để chu toàn bổn phận được trao, đặc biệt là bổn phận yêu thương theo giới răn  mới của Chúa Giêsu (Ga 14,34).
Kinh nghiệm cho tôi thấy những phấn đấu như vậy đã đem lại cho tôi sự bình an và vui mừng khó tả. Do đó, tôi xác tín rằng: Một đời sống phấn đấu âm thầm, cho Nước Chúa ngự trị mỗi ngày mỗi sâu hơn, dù chỉ trong chính bản thân ta, cũng là một niềm vui lớn. Đây sẽ là một ơn quí trọng hơn bất cứ mọi an vui nào trong phạm vi thế tục. Tất nhiên, đó là kết quả của ơn Chúa Thánh Thần. Nhất là khi tất cả mọi phấn đấu ấy được thực hiện trong tinh thần thơ ấu thiêng liêng.
Nhận biết mình luôn phải trở về tinh thần thơ ấu.
Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 16,17).
Áp dụng Lời Chúa dạy trên đây vào đời sống chính mình,tôi thấy cần một tinh thần đơn sơ khiêm tốn, đồng thời với sự phó thác tuyệt đối.
Hiện giờ, một trong những thực hiện tinh thần trẻ thơ nơi tôi là chấp nhận những giới hạn trong mọi phương diện. Những giới hạn tới dần dần, và càng ngày càng tới rất gần. Tôi càng ngày càng trở thành người yếu đuối. Tôi xin chấp nhận và phó thác. Nhiều việc trước đây tự làm được, bây giờ phải nhờ người khác. Nhiều thời gian trước đây tự mình sống một mình được, bây giờ phải sống nương tựa vào sự đỡ nâng của cộng đoàn và của bất cứ ai.
Yếu đuối và phó thác trong khiêm nhường đơn sơ. Có thể sẽ đến giai đoạn hoàn toàn sống như trong đêm tối của thời trẻ thơ khởi sự sống, nhưng chưa ra đời. Lúc đó, phải thực bé nhỏ, phải thực âm thầm. Âm thầm và bé nhỏ, nhưng vẫn cố gắng phục vụ những gì là bé nhỏ lặng lẽ nhất, tuỳ khả năng của mình.
Tôi nghĩ tinh thần thơ ấu thiêng liêng đơn sơ là như thế. Nhưng sống được như vậy, phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
Nói tóm lại, sự bình an và vui mừng trong Chúa Thánh Thần là kết quả của sự sống theo thánh ý Chúa, tín thác tuyệt đối ở Chúa giàu lòng thương xót.
Sống theo thánh ý Chúa không luôn dễ dàng. Có những thánh giá. Có những tối tăm. Có những đau đớn. Nhưng, với Chúa Thánh Thần, linh hồn vẫn sống bình an và vui mừng, vì luôn luôn và tuyệt đối tin vào tình Chúa xót thương. Đó là một sự bình an và vui mừng sâu lắng. Cho dù giữa những đợt sóng thử thách, để thanh luyện chính sự bình an và vui mừng đó.
Điều sau cùng thiết tưởng nên nhắc tới ở đây là cần phân định thứ bình an và vui mừng nào mới thực sự của Chúa Thánh Thần. Bởi vì thực tế cho thấy có nhiều bình an và vui mừng giả hiệu, không thực sự của Chúa Thánh Thần và do Chúa Thánh Thần.
Tôi xin thưa vắn tắt: Để phân định đúng, chúng ta cần:
1-      Cầu nguyện nhiều một cách khiêm nhường với ý hướng ngay lành.
2-      Học hỏi các môn có liên quan, như Kinh Thánh, Giáo phụ học, Thần học, Triết học, Tu đức học, Tâm lý học.
3-      Bàn hỏi trao đổi với những cha linh hướng và các người có kinh nghiệm.
Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho nhau, để mỗi người chúng ta, nhất là các môn đệ Chúa, bất cứ ở địa vị nào, biết mang lại cho mọi người gần xa sự bình an và vui mừng thực sự và phong phú trong Chúa Thánh Thần.
Việc truyền giáo tại Việt Nam chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, nếu mỗi nhà truyền giáo biết nhạy bén và tích cực hơn trên mảnh đất Quê Hương này đang thực sự khát khao và đón chờ Tin Mừng: Bình an và Vui mừng trong Chúa Thánh Thần.
+ GM GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào: