Khi
nhìn thánh Gioan Baotixita, tôi thấy vẻ bề ngoài của Ngài không có gi
hấp dẫn cả. Y phục thì khó nghèo. Ăn uống thi khổ cực. Cách sống thi
khắc khổ. Cho ở thì thô sơ. Lúc thì ở rừng rú, lúc thì ở sa mạc, nay đây
mai đó.
Thế mà, con người như vậy lại được Phúc Âm gọi là đấng dọn đường cho
Chúa, là đấng làm phép rửa cho Đức Kitô, là đấng giới thiệu Chúa Cứu
thế, là đấng trọng hơn mọi người nam trên thế gian này.
Điều đó chứng tỏ nhưng vẻ đẹp bề ngoài chưa hẳn là thước đo giá tri
con người. Thước đo giá tri con người chính là cái đẹp bên trong, cái
đẹp nội tâm, cái đẹp phản ánh nhưng chân thiện mỹ vĩnh hằng.
Điểm thu hút thứ nhất là nếp sống tu thân. Việc tu
thân của Ngài không phải chỉ là từ bỏ đời sống sung túc, dễ chịu, để
chọn cuộc đời nghèo khó, khắc khổ. Nhưng nhất là ở chỗ Ngài rất khiêm
nhường. Ngài ví mình như tiếng kêu trong sa mạc. Ngài coi mình chỉ là kẻ
dọn đường cho Chúa. Ngài nhận mình hèn mọn thấp kém, đến nỗi không đáng
cởi dây giày cho Đấng Cứu thế. Ngài mong muốn bước xuống thực thấp thực
sâu, để Đấng Cứu thế được nổi lên thực cao, sao cho mọi người biết đến
mà tôn kính tôn thờ.
Nếp sống tu thân của thánh Gioan Baotixita rất xa lạ với lối tu thân
nơi một lớp người tôn giáo thời đó và thời nay. Họ tu thân, mà vẫn lo
tìm thăng tiến địa vịi, hưởng thụ quyền lợi, lạm dụng chức tước.
Khi phong hoá bi suy đồi, tôn giáo bị tha hoá, nhân tố có sức cải
cách sẽ phải là người tu thân đích thực ở trình độ cao. Thánh Gioan
Baotixita được đào tạo suốt mấy chục năm tu thân trong sa mạc. Với nét
tu thân dày dạn đó, Ngài vào đời với đầy ơn Chúa Thánh Thần và một uy
tín rất lớn. Chính nét tu thân đầy uy tín đó đã lôi cuốn những người
thiện chí, để họ sẵn sàng nghe lời Ngài giảng. Đề tài giảng của Ngài là
rất đơn sơ, nhưng rất căn bản. Đó cũng chính là một sức thu hút rất
mạnh.
Vì thế, đối với tôi,
Điểm thu hút thứ hai là đề tài giảng của Ngài.
Đề tài giảng của Gioan Baotixita được tóm lại trong một lời thôi.
“Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Có sám hối, thì mới
tránh được cơn thịnh nộ của Chúa (Mt 3,7). Có sám hối thì công việc ta
làm mới sinh được kết quả tốt (Mt 3,8). Sám hối là một cách rửa tâm hồn
cho sạch, để nên người tốt, để nên con Chúa, và để đón nhận Nước Trời
đang tới. Nước Trời chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại.
Khi thấy Chúa Giêsu đang tiến lại về phía mình, thánh Gioan Baotixita
nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian… Tôi đã thấy
Thánh Thần từ trời xuống ngự trên Ngài… Ngài là Đấng mà Thiên Chúa tuyển
chọn” (Ga 1,29-34).
Một điều đáng chú ý, là khi Đức Kitô đã xuất hiện công khai, thì
thánh Gioan Baotixita tìm cách lui vào bóng tối. Ngài muốn dồn hết danh
dự cho Đấng Cứu thế. Ngài như muốn mọi người quên Ngài đi, để tập trung
vào một Đức Giêsu Kitô thôi.
Tôi thấy sám hối và tập trung vào Đức Kitô là đề tài giảng rất cần
thiết, để cải cách tôn giáo thời đó. Thời nay thiết tưởng cũng rất cần
đề tài như vậy. Nhất là khi lương tâm nhiều người đang mất dần ý thức về
tội, và khi Công giáo nhiều nơi đang đặt trọng tâm vào quá nhiều thứ
cứu độ, còn chính Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, thì bị lu mờ. Các thứ
trung gian thi nhau che khuất Ngài. Sự kiện đáng buồn đó là một tiếng
báo động. Chúng ta nên thức tỉnh trở về với gương thánh Gioan Baotixita.
Điểm thu hút sau cùng nơi thánh Gioan Baotixita là sự vững vàng phó thác trong những thử thách.
Thánh Gioan Baotixita đã gặp nhiều thử thách nặng nề, nhất là về mặt
đức tin. Phúc Âm thánh Matthêu kể rằng: “Khi Gioan đang ngồi tù, nghe
biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa
Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi
ai khác?” (Mt 11,2-3). Chi tiết trên đây cho ta thấy: Có thể Gioan
Baotixita bị cám dỗ về con người của Đức Kitô cũng như về sứ mạng của
chính Gioan. Sứ mạng của mình là giới thiệu Đấng Cứu thế. Mình đã giới
thiệu Đấng đó. Nhưng Đấng đó có thực sự là Đấng Cứu thế không đây? Cơn
cám dỗ như vậy có thể xảy ra cho Gioan. Trong cảnh tù cô đơn, cơn cám dỗ
đó làm Gioan ray rứt, đắng cay. Nếu mình sai, thì mình sẽ bị coi như
giả dối và vô dụng.
Nhưng Gioan đã vững vàng phó thác vào Chúa. Phó thác bằng cách sai
môn đệ đến hỏi Đức Kitô. Phó thác bằng cách chấp nhận câu trả lời của
Đức Kitô. Phó thác bằng cách vui lòng chết trong tù, mà không xin Đức
Kitô làm phép lạ cứu Ngài ra khỏi cảnh bất công đó, để tiếp tục ra đi
dọn đường phục vụ Đấng Cứu thế. Ngài dâng mình làm của lễ cho chính tình
yêu.
Với ba nét thu hút trên đây, thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của
cõi vĩnh hằng. Ngài nhìn về phía trước. Ngài sống cho phía trước. Phía
trước có cõi đời đời. Trong cõi đời đời đó có Thiên Chúa hằng sống đang
chờ đợi các con cái Người. Con cái Người sẽ đến được với Người nhờ tu
thân, nhờ sám hối, nhờ tin cậy Đức Kitô, nhờ vững vàng vượt qua thử
thách. Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân như thánh Gioan
Baotixita, tại Việt Nam này, ở địa phương này, trong hoàn cảnh hiện nay.
Chúng ta rất yếu đuối, nhưng chính trong sự yếu đuối đầy khiêm nhường
và tin cậy, Chúa sẽ tỏ sức mạnh của Người.
Xin thánh Gioan Baotixita cầu bầu cho chúng ta.
ĐC. GB. Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét