(Xh.24, 3-8; Dt.9, 11-15; Mc.14, 12-16. 22-26)
Chúa Nhật thứ hai sau lễ Hiện Xuống, Giáo Hội mừng lễ Mình Máu Thánh
Chúa Kitô. Đây là lễ rất quan trọng, vì nó diễn tả sự hiểu biết và niềm
tin của Kitô hữu vào Đức Yêsu Kitô.
Khi Thiên Chúa đưa dân Do Thái ra khỏi Aicập, dân đã phải đi trong
hoang địa bốn mươi năm trường. Giữa chốn hoang vu như vậy và không canh
tác, làm sao dân có lương thực để ăn?
Thiên Chúa đã cho Manna từ trời rơi xuống để nuôi dân. Đây là một điều rất lạ lùng trong lịch sử loài người. Dân Do Thái đã tưởng rằng Môsê là người đã cho dân Manna, nhưng Đức Yêsu đã đính chính: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi đã cho các ông ăn bánh bởi trời…” (Ga.6, 32).
Thiên Chúa đã cho Manna từ trời rơi xuống để nuôi dân. Đây là một điều rất lạ lùng trong lịch sử loài người. Dân Do Thái đã tưởng rằng Môsê là người đã cho dân Manna, nhưng Đức Yêsu đã đính chính: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi đã cho các ông ăn bánh bởi trời…” (Ga.6, 32).
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, cũng là bữa tiệc Đức Yêsu và
các môn đệ làm theo truyền thống Do Thái tưởng niêm lễ Vượt Qua, Đức
Yêsu cầm lấy bánh và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình thầy,
sẽ bị trao nộp vì anh em;” cũng tương tự vậy, Ngài cầm lấy chén rượu,
dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là chén máu
thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra vì anh em” (Mc.14,
23-24).
Bí tích Thánh Thể là sáng kiến tuyệt vời của Đức Yêsu. Bí tích Thánh
Thể là biểu tượng tình yêu của Đức Yêsu cho con người, cho thấy Đức Yêsu
đã tự nguyện chấp nhận cái chết, điều mà hôm sau như thể Đức Yêsu không
thể nào trốn thoát được. Đức Yêsu như tấm bánh được bẻ ra nuôi sống
nhiều người. Đức Yêsu là lương thực, là sự sống cho con người. “Ai không
ăn bánh này, sẽ không có sự sống nơi mình” (Ga.6, 53).
ii. Bí tích Thánh Thể hàm chứa một mặc khải sâu xa
“Làm sao một người lại có thể lấy máu thịt mình nuôi sống chúng ta?”
(Ga.6, 52). Người ta dùng cơm bánh để sống chứ không ai ăn thịt uống máu
người khác để sống. Quả thực lời nói của Đức Yêsu thật “khó nghe” đối
với không chỉ con người đương thời nhưng cả với con người của mọi thời
đại. Đứng trước người phát biểu lời này, người ta sẽ nghĩ, hoặc đây là
một người điên, hoặc đây là một người rất đặc biệt.
Đứng trước lời nói “sống sượng” của Đức Yêsu, một số đông dân chúng
đã bỏ không đi theo Đức Yêsu nữa. Cả một số môn đệ xưa nay đi theo Ngài,
cũng bỏ Ngài: “Lời chi mà sống sượng thế, ai nghe cho nổi” (Ga.6, 60).
Đức Yêsu cũng nhận ra điều đó; Ngài hỏi nhóm mười hai: “còn các anh, các
anh có muốn bỏ đi không?” (Ga.6, 67); và Phêrô đã có một câu trả lời
rất đặc biệt: “bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai, Thầy có lời ban sự
sống đời đời” (Ga.6, 68). Thật sự, không thể ngờ rằng Phêrô có câu trả
lời rất đặc biệt như vậy. Không có ơn từ trên, Phêrô không thể có câu
trả lời như vậy. Không có ơn từ trên, người ta không thể tin bí tích
Thánh Thể được.
Làm sao một người lại có thể là lương thực nuôi sống người khác? Nếu
không phải là người bị khùng điên, thì hẳn phải là một người rất đặc
biệt. Người này phải có một nguồn gốc thần linh. Những người chấp nhận
lời nói này của Đức Yêsu, phải là người được ơn như Phêrô và các môn đệ,
nhận ra nguồn gốc siêu vượt của Đức Yêsu. Nếu chỉ là phàm nhân, thì
không thể lấy thịt máu mình nuôi sống người khác. Đức Yêsu là người
thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn. Đức Yêsu là người thật và là Thiên Chúa
thật. Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể.
iii. Bí tích Thánh Thể quy tụ và phát triển Giáo Hội Chúa Kitô
Ngày xưa người Do Thái đã có thói quen tụ họp nhau vào ngày sabbát để
nghe đọc Lời Chúa. Chính thánh Phaolô cũng dùng những dịp người Do Thái
gặp nhau này để rao giảng Đức Yêsu phục sinh cho người Do Thái. Với
niềm tin vào Đức Yêsu phục sinh, Kitô hữu tụ họp nhau để lắng nghe Lời
Chúa và cử hành nghi thức bẻ bánh: “Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho
các môn đệ mà phán…” (Mc.14, 22). Kitô hữu không chỉ tụ họp nhau để lắng
nghe Lời Chúa, mà còn để ăn thịt và uống máu Chúa, để có sự sống đời
đời.
Ngày xưa khi nghệ thuật in ấn chưa phổ biến, việc tụ họp nhau để nghe
Lời Chúa và được nghe giải thích Lời Chúa là chuyện cần thiết. Ngày
nay, với phương tiện hiện đại người ta có thể có sách Lời Chúa để đọc
hằng ngày, được nghe diễn giải Lời Chúa bất cứ lúc nào người đó muốn,
nên nếu chỉ để nghe Lời Chúa, thì người ta không cần đến với nhau nữa.
Tuy nhiên, Kitô hữu vẫn tiếp tục tụ họp nhau, không chỉ để nghe Lời Chúa
nhưng còn để tham dự nghi thức bẻ bánh, để tham dự bí tích Thánh Thể.
Hiểu như trên, người ta nhận ra nét đặc biệt của giáo huấn về bí tích
tư tế thừa tác nơi Hội Thánh Công Giáo. Bí tích Thánh Thể qua thừa tác
viên tư tế mang tính xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô. Không phải tất cả mọi
người đều có thể cử hành bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể không chỉ
là dấu chỉ mình máu thánh Đức Yêsu Kitô, nhưng là biểu tượng, là dấu chỉ
thực, vừa là dấu chỉ vừa là thực tại, là chính mình máu Đức Kitô. Chức
vụ tư tế phổ quát, tư tế vương giả của mọi Kitô hữu, giúp Kitô hữu tham
dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Niềm tin vào bí tích Thánh
Thể diễn tả sự hiểu biết sâu xa của Kitô hữu về chính Đức Yêsu, đồng
thời củng cố nuôi dưỡng Hội Thánh. Đức Yêsu không chỉ là con người,
nhưng còn là Thiên Chúa nhập thể. Chính Thiên Chúa xây dựng và củng cố
Hội Thánh của Ngài qua bí tích Thánh Thể. Đức Yêsu Kitô củng cố và nuôi
dưỡng Hội Thánh Chúa mỗi ngày.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
- Bạn có bị khủng hoảng niềm tin vào bí tích Thánh Thể bao giờ chưa? Nếu được xin chia sẻ.
- Bí tích Thánh Thể có giúp bạn sống đức tin Kitô hữu không?
- Đức Yêsu Kitô hiện diện nơi cung lòng bạn và hiện diện nơi bí tích Thánh Thể khác nhau như thế nào? Xin giải thích theo sự hiểu biết của bạn.
Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét