Hội Thánh được xây dựng vững chắc trên hai cột trụ; vì nếu chỉ xây trên một cột trụ, sẽ không đứng vững, giống như người chỉ có một chân. Phêrô rao giảng cho dân Do-thái, Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại. Phêrô lo tổ chức và bảo vệ Hội Thánh, Phaolô lo phát triển và bành trướng Hội Thánh.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sự lựa chọn, bảo vệ, và ban ơn của Thiên Chúa dành cho hai ông. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật việc thiên sứ giải thoát Phêrô khỏi ngục tù. Trong Bài Đọc II, Phaolô xác quyết nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, ông đã chiến đấu một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã trung thành giữ vững đức tin. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô được Thiên Chúa soi sáng để nhận ra và tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Ngài đã chính thức thiết lập Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô; và Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực của thế gian và ma quỉ.
1/ Bài đọc I: Ông Phêrô được thiên sứ giải thoát khỏi ngục tù.
1.1/ Giáo Hội bị bách hại: Chúa Giêsu đã báo trước cho các tông-đồ: "Tôi tớ không trọng hơn chủ và môn đệ không hơn Thầy. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em." Sau khi Chúa Giêsu về trời, Giáo Hội tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội, bắt đầu bằng cuộc tử đạo tiên khởi của phó tế Stephanô. Trình thuật hôm nay liệt kê cuộc bắt bớ của vua Herode: "Thời kỳ ấy, vua Herode ra tay ngược đãi một số người trong Giáo Hội. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng."
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ giết chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Phêrô, Giacôbê, và Gioan được coi như những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu; giờ đây Giacôbê đã bị giết, Phêrô bị cầm tù. Vì thế, Giáo Hội không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.
1.2/ Thiên sứ giải thoát Phêrô: Đức Kitô biết đau khổ do bắt bớ và tù đày cần thiết để tôi luyện niềm tin của các tông-đồ và để bành trướng đức tin; nên Ngài để cuộc bách hại xảy ra. Nhưng Ngài cũng biết Giáo Hội của Ngài cần sự lãnh đạo của Phêrô, nên Ngài sai một thiên sứ tới để giải thoát ông khỏi ngục tù, như Ngài sẽ làm tương tự với Phaolô sau này.
- Xiềng xích và lính canh trở nên vô hiệu trước quyền lực của Thiên Chúa: Trình thuật kể: "Trong đêm trước ngày bị vua Herode đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo: "Đứng dậy mau đi!" Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông."
- Phêrô làm theo lệnh thiên sứ một cách vô thức: "Thiên sứ nói tiếp: "Thắt lưng lại và xỏ dép vào!" Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông: "Khoác áo choàng vào và đi theo tôi!" Ông liền theo ra, mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến. Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, thì bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi." Tất cả những việc này xảy ra khi lính vẫn canh và cửa tù vẫn khóa.
- Phêrô ý thức mình đã được cứu thoát: "Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói: "Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Herode, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu."" Khi Thiên Chúa muốn, Ngài vô hiệu hóa mọi quyền lực thế gian.
2/ Bài đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.
2.1/ Chiến đấu cho chính nghĩa: Giống như Chúa Giêsu khi sắp rời bỏ thế gian để về cùng Thiên Chúa, Ngài dành thời gian để kiểm điểm những gì Ngài đã làm, những gì sắp xảy đến, và vinh quang Ngài sẽ được hưởng trong tương lai; Phaolô cũng thế.
(1) Nhìn lại quá khứ: "Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin."
+ Cuộc thi đấu cao đẹp: Thế gian là một bãi chiến trường để Thiên Chúa thử luyện đức tin của con người. Nhìn lại quá khứ, Phaolô biết mình đã cố gắng hết sức vượt qua các gian khổ để chu toàn sứ vụ Đức Kitô đã trao phó cho ngài.
+ Đã chạy hết chặng đường: Cuộc đời con người có thể ví như một cuộc chạy Marathon , có nguồn gốc từ quốc gia Hy-lạp. Đây là một cuộc chạy đường dài rất gian khổ, đòi người chạy phải có sức khỏe dẻo dai để chịu đựng. Nhiều người ghi danh, không nhằm chạy nhanh để đạt đích trước, nhưng chỉ cần thử xem mình có thể dẻo dai để về tới đích hay không. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ cuộc dọc đường.
+ Đã giữ vững niềm tin: Đây là điều tối quan trọng để lãnh phần thưởng từ Đức Kitô. Nếu ai chạy đến đích mà đánh mất niềm tin ở dọc đường, người ấy sẽ không được lãnh nhận phần thưởng từ Đức Kitô.
(2) Kiểm điểm hiện tại: "Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi." Thánh Phaolô được Đức Kitô hiện ra cho biết trước: ông sẽ bị bắt ở Jerusalem để làm chứng cho Ngài; không những thế, ông sẽ còn làm chứng cho Đức Kitô tại Rôma nữa. Nhiều tín hữu khóc thương ngăn cản; nhưng ông vẫn quyết chí lênJerusalem để chịu bắt bớ như Đức Kitô đã từng trải qua.
(3) Hy vọng tương lai: Con người chiến đấu là cho một mục đích. Giống như lực sĩ thắng giải được khoác vòng hoa chiến thắng, Phaolô biết rõ mình cũng sẽ được Đức Kitô đeo vòng hoa chiến thắng cho như vậy. Ngài nói: "Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy." Phaolô dùng kinh nghiệm cá nhân để động viên tinh thần các môn đệ: "Và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện." Nếu Timothy, Titô, hay bất cứ một tín hữu nào trung thành giao chiến tới cùng, họ cũng sẽ lãnh nhận phần thưởng của các chứng nhân từ Đức Kitô.
2.2/ Phaolô chiến thắng là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa: Ông biết rõ con người yếu đuối của mình, nhất là qua biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus; nhưng ông cũng biết sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động để nâng đỡ các yếu đuối của ông. Ông xác tín niềm tin này nhiều lần, và trong trình thuật hôm nay: "Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. "
3/ Phúc Âm: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"
3.1/ Người môn đệ phải biết Thầy của mình là ai:
(1) Kiến thức về Đức Kitô: Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ." Vua Herode đã từng nghĩ Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết. Elijah là một tiên tri làm nhiều phép lạ như Chúa Giêsu; truyền thống tin ông sẽ trở lại trước thời Đấng Thiên Sai, vì ông chưa chết. Jeremiah là tiên tri rất khí khái dám nói và làm chứng cho sự thật, mà không lui bước trước bất cứ quyền lực nào của vua chúa. Tất cả các nhận định này chỉ nói lên một khía cạnh của Đức Kitô, nhưng chưa nói lên được căn tính của Ngài.
(2) Mối liên hệ của người môn đệ với Đức Kitô: Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với những gì các môn đệ biết về Ngài qua người khác; nhưng Ngài muốn các ông nghĩ sao về Ngài, nên Ngài hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô, đại diện cho các tông đồ, tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu muốn nghe: Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã nói tới; đồng thời, Ngài cũng là Người Con Một của Thiên Chúa hằng sống. Chỉ khi nghe được lời tuyên xưng này từ miệng các môn đệ, Chúa Giêsu mới hoàn thành sứ mệnh mặc khải của Ngài.
3.2/ Hội Thánh được xây dựng trên Tảng Đá là Phêrô: Đức Giêsu nói với ông Phêrô: "Này anh Simon, con ông Jonas, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời." Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ ràng điều này hơn: Không ai tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần soi sáng. Thánh Thần được gởi tới cho các tông-đồ là do sự can thiệp của Chúa Giêsu với Chúa Cha.
Nhận ra niềm tin xác thực của Phêrô, Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội khi Ngài nói với Phêrô: "Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa đổi tên cho ai, Ngài tin tưởng và trao sứ vụ cho người ấy. Ví dụ, Abraham từ Abram, Phaolô từ Saul, và Phêrô từ Simon ... Chúa Giêsu muốn trao quyền điều khiển Giáo Hội vào tay Phêrô và các người kế vị ông. Tảng Đá đây không phải là con người yếu đuối của Phêrô với ba lần chối Thầy; nhưng là đức tin của ông vào Đức Kitô sau nhiều lần sa ngã và chịu gian khổ.
Đức tin của Giáo Hội được đặt trên niềm tin nền tảng của các tông-đồ. Đức tin này được ví như "đá," có nghĩa vững chắc và không thay đổi với thời gian. Nhiều người chỉ trích Giáo Hội cổ hủ, cứng nhắc, không chịu theo thời ... nhưng cũng chính vì điều này mà Giáo Hội được thiết lập. Nếu Giáo Hội cũng thay đổi để được con người chấp nhận, hòa giải nhượng bộ trước áp lực của ma quỉ và thế gian, Giáo Hội sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay.
Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời để nói lên quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Công dụng của chìa khóa là để mở ra và đóng lại, cho phép vào và từ chối không cho vào. Giáo Hội dùng quyền này để tha thứ hay cầm buộc hối nhân nơi tòa cáo giải.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô cần cả Phêrô lẫn Phaolô. Ngài muốn hai ông hợp tác để củng cố, bảo vệ, và phát triển Giáo Hội. Chúng ta cũng phải biết cộng tác với nhau trong việc mở mang Nước Chúa.
- Để có thể làm việc cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội, chúng ta không chỉ cần biết về Đức Kitô, nhưng phải sống mối liên hệ với Ngài.
- Giáo Hội không phải chỉ là Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm; nhưng là tất cả các tín hữu ở khắp nơi. Tất cả đều có bổn phận trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét