Sau khi mùa Phục Sinh chấm dứt với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong
lịch sử nhân loại và nhận ra rằng : nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa
Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày
Chúa nhật mùa Thường Niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được
Giáo hội dành riêng để mời gọi người Kitô hữu suy niệm về mầu nhiệm Chúa
Ba Ngôi.
Trước hết, chúng ta có thể quả quyết : chúng ta không thể biết gì về
Chúa Ba Ngôi nếu chính Chúa Giêsu không dạy bảo cho chúng ta. Tuy nhiên,
Chúa Giêsu đã không giảng bài nào, cũng không dùng hình ảnh nào để giải
nghĩa cho chúng ta về đời sống hiệp thông giữa ba ngôi, nhưng có những
sự việc và hoạt động cụ thể bày tỏ cho chúng ta biết có ba ngôi, hoạt
động của từng ngôi và đời sống hiệp thông giữa ba ngôi, dựa theo diễn
tiến cuộc đời Chúa Giêsu.
Công việc đầu tiên trong Tin Mừng cho biết về Chúa Ba Ngôi là khi sứ
thần Gáp-ri-en đến báo tin cho Đức Ma-ri-a : “Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp
sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Những lời đó cho chúng
ta biết : Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho
Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan thì trời mở ra, Thánh
Thần như chim bồ câu đậu xuống trên Ngài và có tiếng từ trời phán :
“Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,16-17). Chim bồ câu chính Kinh Thánh
đã cho biết là Chúa Thánh Thần, còn tiếng từ trời cao là tiếng Chúa Cha
xác nhận và giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Trong hội đường ở Na-da-rét, Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh : “Thần Khí
của Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi…” (Lc 4,18). Thần Khí là Chúa Thánh
Thần, còn tiếng “của Chúa” là Chúa Cha, cả hai sai Đức Giêsu đi loan báo
Tin Mừng.
Khi 72 môn đệ đi truyền giáo về vui mừng báo cáo kết quả, thì Chúa
Giêsu được Thánh Thần tác động, nên phấn khởi thưa với Chúa Cha : “Lạy
Cha, là Chúa tể trời đất…” (Lc 10,21), có đầy đủ ba ngôi.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ : “Thầy sẽ xin Chúa
Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí
sự thật…” (Gio 14,16). Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần
Khi sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ : “Rửa tội cho
muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19),
nghĩa là làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, để được hiệp thông với sự
sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ngoài ra, sách Tin Mừng còn nói đến sự hiệp thông giữa Chúa Giêsu với
Chúa Cha trong việc cầu nguyện và thi hành ý Chúa Cha, và sự hiệp thông
giữa Chúa Giêsu với Chúa Thánh Thần như : “Đức Giêsu được đầy Thánh
Thần… và Thánh Thần dẫn vào hoang địa (Lc 4,1), hoặc Chúa Giêsu thổi hơi
vào các môn đệ và nói : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Gio 20,22).
Qua những sự việc và hoạt động diễn tả mối hiệp thông giữa ba ngôi
như trưng dẫn trên, Chúa Giêsu cho chúng ta biết : có ba ngôi, ba ngôi
cùng một bản tính, mỗi ngôi có tương giao khác nhau với hai ngôi kia và
có sứ mệnh riêng biệt, nhưng ba ngôi không tách rời nhau trong bản tính
cũng như trong hoạt động, nên ba ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất chứ
không phải ba Chúa. Như vậy, chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa trong
ba ngôi, và ba ngôi chỉ là một Thiên Chúa, và có cùng một bản tính,
nhưng ba ngôi khác biệt nhau thực sự chứ không phải chỉ là ba danh hiệu.
Mỗi ngôi có tương giao với hai ngôi kia cùng thực hiện những công trình
sáng tạo và cứu độ, nhưng Ngôi Con là Đức Giêsu thì nhập thể cứu chuộc,
và ngôi Thánh Thần thì nối tiếp công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, để
đem mọi người về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những điều trên đây là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm về bản
tính của Thiên Chúa và cũng là tâm điểm của đức tin và đời sống người
Kitô hữu. Quả thực, chúng ta đã được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi; tội
lỗi chúng ta được tha thứ nhân danh Chúa Ba ngôi; Vợ chồng kết hôn do
sự chúc phúc của Chúa Ba ngôi; Chúa Ba Ngôi hiện diện trong hình bánh
khi chúng ta rước lễ, vì ở đâu có Chúa Con thì ở đấy cũng có Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần; chúng ta đón nhận sức mạnh của Chúa Ba Ngôi khi chịu
phép Thêm sức; linh mục ban phép lành cho chúng ta cũng nhân danh Chúa
Ba Ngôi; trên giường chờ đợi sự chết đến, linh mục phó linh hồn chúng ta
cho Chúa Ba Ngôi. Ngoài ra, Giáo hội còn dạy chúng ta trước khi làm hay
sau khi làm một công việc gì chúng ta hãy làm nhân danh Chúa Ba Ngôi,
để cầu xin, chúc tụng hay cảm tạ Chúa. Vì thế, Giáo hội tập họp chúng ta
nhân danh Chúa Ba Ngôi, Giáo hội khởi đầu và kết thúc mọi kinh nguyện
nhân danh Chúa Ba Ngôi, hoặc như ông Te-tu-liên nói : “Dầu khi thức dậy
hay đi ngủ, dầu khi ăn hay làm một việc gì, anh em hãy bắt đầu bằng dấu
Thánh giá”. Dấu Thánh giá là biểu hiệu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bất cứ điều gì đã gọi là mầu nhiệm, tức là đã khó hiểu rồi, về mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi lại càng khó hiểu hơn. Nhưng khó hiểu mà chúng ta vẫn
tin, tin vững chắc vì chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta, và cũng vì
thế mà mọi việc làm của chúng ta và cả cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và
có giá trị. Xin Chúa cho chúng ta luôn tin vững chắc mọi điều Chúa và
Giáo hội dạy.
Lm. Phạm Văn Phượng, op
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét