Nhiều tác giả đã ví cuộc đời con người như một giao tranh giữa sự thiện và sự ác, giữa sự thật và sự gian manh, giữa ánh sáng và bóng tối, và giữa sự sống và sự chết. Điều quan trọng nhất là làm sao con người có thể chiến thắng trong cuộc chiến tại thế gian này?
Các Bài Đọc hôm nay muốn chúng ta học hỏi cẩn thận hai mẫu gương chiến bại và chiến thắng của các tiền nhân. Trong Bài Đọc I, ông Adong và bà Evà đã bị thảm bại vì những lời cám dỗ điêu ngoa của con rắn. Nó khơi dậy tính kiêu ngạo để ông bà bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Hậu quả là ông bà phải xa cách và lẩn trốn Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc II, nhờ sự khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, con người đã nhận được hết ơn này đến ơn khác: được tha tội, được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và được hưởng đầy tràn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, nhờ sự khiêm cung và vâng phục Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội, được làm Mẹ Thiên Chúa, và qua Mẹ, lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thành tựu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
1.1/ Tội của Adam và Eve làm con người xa cách Thiên Chúa: Khi con người chưa phạm tội, con người có mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật của Thiên Chúa. Khi con người phạm tội, các mối liên hệ này đều bị thiệt hại.
(1) Con người sợ hãi và lẩn tránh Thiên Chúa: Khi Ngài đi tìm con người sau khi họ đã phạm tội, Ngài hỏi họ: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần
truồng, nên con lẩn trốn.” Sự trần truồng làm cho con người bị xấu hổ và lẩn tránh Thiên Chúa; điều này đã không xảy ra trước khi con người phạm tội. Tội lỗi làm cho con người xấu hổ và sợ hãi khi phải đối diện với Thiên Chúa. Đức Chúa tiếp tục hỏi con người: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Tội nguyên tổ là tội kiêu ngạo và không vâng phục Thiên Chúa. Con người muốn được như Thiên Chúa để khỏi phải vâng phục những lệnh truyền của Ngài.
(2) Tội lỗi làm tổn thương đến mối liên hệ giữa con người với tha nhân: Trước khi phạm tội, con người yêu thương và tin tưởng lẫn nhau; nhưng sau khi phạm tội, con người nghi ngờ và đổ lỗi cho nhau. Con người thưa với Thiên Chúa lý do của sa ngã: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Điều này cũng bao gồm việc con người đổ lỗi cho Thiên Chúa: vì Ngài cho con người đàn bà, con đã nghe theo và phạm tội.
(3) Tội lỗi làm rạn nứt mối liên hệ giữa con người với các tạo vật của Thiên Chúa: Theo thánh Thomas Aquinas, trình thuật hôm nay giả định sự sa ngã của các thiên thần. Tác giả muốn dùng hình ảnh của rắn để tượng trưng cho Satan, vì những gian manh và lừa đảo của nó. Ngay từ đầu chương, tác giả đã nói lên điều này: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng” (Genesis 3:1). Sự gian manh này cũng được tỏ bày hai lần trong việc con rắn bẻ cong sự thật trong mẩu đối thoại với bà Evà: Lần thứ nhất, rắn hỏi thử người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không” (Genesis 3:2)? Tội lỗi bắt đầu bằng việc bẻ cong sự thật. Lần thứ hai, rắn thuyết phục người đàn bà bằng hai ngụy thuyết: thứ nhất, không có sự chết chóc; thứ hai, phần thưởng khi ăn được là sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện, ác, mà không cần tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Đây là cám dỗ muôn đời của nhiều người, họ không muốn nghe ai giảng về luân lý hay bắt họ phải làm gì, tránh gì; nhưng muốn tự họ có quyền xác định điều thiện ác, theo tiêu chuẩn và lề lối suy nghĩ của họ. Bà Evà bị xiêu lòng vì dáng vẻ bên ngoài hấp dẫn của trái cây và ước mong được biết thiện ác như Thiên Chúa, nên đã ăn và đưa cho ông Adong cùng ăn. Khi ông bà nhận ra đã bị rắn lừa dối thì đã quá muộn màng (Genesis 3:4-7). Khi Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà đổ lỗi cho rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”
1.2/ Mối thù giữa Satan và con người: Trước tiên, Thiên Chúa tuyên án phạt cho con rắn, vì nó là nguyên nhân của tội: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.” Sau đó, là án phạt cho con người, qua sự giao chiến liên tục giữa rắn và con người. Sự giao chiến này được xảy ra trong hai lãnh vực:
(1) Giữa rắn và Người Phụ Nữ: Trình thuật hôm nay có liên quan đến con Mãng Xà và Người Phụ Nữ trong Sách Khải Huyền (Revelation 12:1-18). Các học giả dễ đồng ý con Mãng Xà là hiện thân của Satan; nhưng bất đồng trong việc nhận diện Người Phụ Nữ, khi phân tích đoạn văn của Sách Khải Huyền. Một số cho Người Phụ Nữ là Đức Mẹ Maria, số khác cho là Mẹ Giáo Hội. Chúng tôi không thấy có gì mâu thuẫn cả, vì cả hai đều có thể chấp nhận được: Mẹ Maria luôn đồng hành với Giáo Hội trong việc giao chiến với quyền lực của Satan.
(2) Giữa dòng giống của rắn và dòng giống người ấy: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót
nó.” Tuy luôn phải giao chiến; nhưng Thiên Chúa đã ngụ ý phần chiến thắng sẽ về phía miêu duệ của Người Phụ Nữ qua việc ám chỉ “dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi;” và sự vô vọng của rắn “và mi sẽ cắn vào gót nó.” Miêu duệ của Người Phụ Nữ trước tiên ám chỉ Đức Kitô, và sau đó, những ai thuộc về Ngài.
2/ Bài đọc II: Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Đức Giêsu Kitô là Adam mới.
(1) Nguồn gốc của ơn thánh: Tác giả Thư Ephêsô cho chúng ta biết nguồn gốc và ý nghĩa của ơn thánh, khi ông tuyên xưng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” Ơn thánh phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua Đức Kitô, nhờ công nghiệp của Người. Ơn thánh cũng chính là muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần: ơn bảy nguồn là nguyên nhân sinh ra mười hai hoa quả của Thánh Thần.
(2) Những đặc quyền con người được thừa hưởng: Vì công nghiệp của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Người, con người được thừa hưởng những đặc ân như sau:
+ Được trở nên tinh tuyền, thánh thiện: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.”
+ Được trở nên các nghĩa tử của Thiên Chúa: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.”
+ Được ngợi khen Thiên Chúa: “Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.”
2.2/ Đức Kitô mang lại vinh quang cho con người: Vì sự sa ngã của ông Adong, con người bị luận phạt và bị chết; nhưng nhờ sự tuân phục của Đức Kitô vào Thiên Chúa, con người được tha thứ mọi tội, được hưởng tràn đầy ơn thánh, và được sống muôn đời. Đây là Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa có từ trước muôn đời, chỉ được mặc khải cho con người khi Đức Kitô xuống thế. Tác giả Thư Ephêsô diễn giải như sau: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.”
3/ Phúc Âm: Đức Kitô nhập thể nhờ lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria.
3.1/ Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế: Trước tiên, chúng ta cần xác định câu 26 trong trình thuật hôm nay là Lời Giới Thiệu tổng quát của Luca trước khi đi vào chi tiết của biến cố Truyền Tin. Điều này giúp chúng ta tránh được việc thắc mắc: Tại sao Mẹ trả lời “không biết đến chuyện vợ chồng” trong câu 34, lại còn “đã thành hôn với một người tên là Giuse” trong câu 26.
Có thể nói hầu hết các danh hiệu của Đức Mẹ mà Giáo Hội tuyên xưng qua các thời đại, có nguồn gốc trong các chi tiết của biến cố Truyền Tin:
(1) Mẹ Maria là Đấng đầy tràn ân sủng và Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ, như lời sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
(2) Mẹ Maria luôn đẹp lòng Thiên Chúa: Sứ thần nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” Điều này chứng tỏ Mẹ luôn sạch tội.
(3) Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” Hiển nhiên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa
Giêsu là Con Đấng Tối Cao.
(4) Mẹ là người đem lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ tới chỗ thành tựu: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
3.2/ Xung đột giữa ý của Thiên Chúa và của Maria: Khi được biết ý của Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ Maria cũng trình bày cho sứ thần ý muốn của Mẹ là muốn sống cuộc đời thánh hiến: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần mặc khải cho Mẹ Maria biết cuộc thụ thai kỳ diệu, không giống như bất cứ cuộc thụ thai nào trong lịch sử nhân loại: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”
Điều này có nghĩa Mẹ mang thai mà vẫn còn đồng trinh, như đã được tiên báo trước bởi tiên tri Isaiah 7:14, và được nhắc lại bởi Matthew 1:23. Thánh Luca xác định điều này bằng chứng từ của sứ thần Gabriel: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Nếu Thiên Chúa có thể cho một người sinh con trong lúc tuổi gìa như Abraham và Sarah, như mẹ của Thủ-lãnh Sampson, như mẹ của Tiên-tri Samuel, hay như Zachariah và Elisabeth trong trình thuật hôm nay, Ngài cũng có thể làm cho Mẹ Maria mang thai con của Ngài và vẫn đồng trinh.
3.3/ Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria: Câu trả lời của Mẹ dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất là thái độ khiêm nhường của Mẹ Maria khi nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa!” Thứ hai là thái
độ vâng lời làm theo ý Chúa của Mẹ Maria: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Với hai thái độ thích đáng này, Mẹ đã cưu mang Đức Kitô và khai mào kỷ nguyên cứu độ cho nhân loại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hậu quả của tội lỗi là do lòng kiêu ngạo và sự bất tuân lệnh Thiên Chúa của ông Adong và bà Evà. Chúng ta phải cố gắng hết sức khử trừ hai tội nguy hiểm này.
- Hiệu quả của ơn phúc tuôn tràn trên con người là do tình thương của Thiên Chúa, sự khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa của Đức Kitô và Mẹ Maria.
- Chúng ta vẫn còn đang phải chiến đấu với Satan và đồng bọn của hắn, vì đó là mối thù truyền kiếp; nhưng chúng ta được hứa sẽ chiến thắng, nếu chúng ta khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô và Mẹ Maria.
Lm Antôn Đinh Minh Tiên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét