31 tháng 1, 2014

Dịp Tết Gặp Gỡ Chúa



Những ngày Tết, thường ai cũng bận rộn. Bận rộn lớn nhất là làm đẹp các liên hệ của mình. Đối với người Công giáo, thì liên hệ với Chúa dịp tết phải là ưu tiên số một. Làm đẹp liên hệ đó bằng nhiều cách. Cách tốt nhất là gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ thế nào ? Tôi xin phép gợi ý. Gợi ý này dựa theo Kinh Thánh và kinh nghiệm.

Cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót
 Tôi tạ ơn Chúa vì mọi ơn Chúa đã ban cho tôi, cho các người thân của tôi, cho cộng đoàn của tôi, cho Hội Thánh tôi và quê hương tôi.

 Để tạ ơn,trước hết tôi nhận ra các ơn lành. Không phải nhận ra cách chung chung, nhưng nhận ra từng loại, từng trường hợp, từng ơn riêng với tên của nó.
 Riêng tôi, tôi nhận ra mấy ơn sau đây là những hồng ân quý giá nhất.

 TRƯỚC HẾT LÀ ơn gắn bó với tình yêu Chúa Giêsu và luôn trung thành với tình yêu ấy.
 Gắn bó và trung thành với tình yêu Chúa Giêsu là một hành trình đầy chiến đấu cam go.
 Thánh Phaolô viết : “Tôi tin chắc rằng : Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,  trời cao hay vực thẳm, hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu cũa Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta“ (Rm 8, 38-39).

 Khi đọc đoạn thư trên, tôi nghĩ thánh Phaolô không những đã viết về Ngài và về cộng đoàn của Ngài, mà cũng viết về chúng  ta tại ViệtNamhôm nay.
 Chúng ta đã phải đối mặt với biết bao gian truân dưới nhiều hình thức. Có những thách đố, có những cám dỗ, có những vu khống, có những nhục mạ, có những cạm bẫy. Chúng đến từ ngoài và đến từ trong. Nhưng chúng ta vẫn gắn bó và trung thành với tình yêu Chúa Kitô Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Đó là một ơn trọng đại.

 Cùng với ơn gắn bó và trung thành với tình yêu Chúa là ơn cầu nguyện.
 Không phải cứ đọc kinh là cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn lời cầu. Thánh Phaolô viết : “Hơn nữa lại có Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng chính Thánh Thần cầu nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thánh Thần muốn nói gì, và Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).

 Tối ngày 20.1.2008 vừa qua, đài Truyền hình ViệtNamđã chiếu một cảnh cầu nguyện trên đường phố tại một nước xa ViệtNam. Quá khích, cực đoan, cuồng tín. Thấy mà ghê sợ. Rất may là cảnh đó không xảy ra ở ViệtNam. Nhưng chúng ta cũng phải luôn nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà cảnh giác. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng ta đến việc quan trọng thứ hai cần thực hiện trong dĩp Tết. Việc quan trọng đó là cầu xin ơn  bình an.

 Cầu xin ơn bình an
 Bình an là lời chúc truyền thống trong dịp Tết. Bình an là nhu cầu cần thiết nhất trong năm mới.
 Chúng ta gởi tới nhau lời chúc bình an. Chúng ta thực sự mong muốn bình an cho mình, cho mọi người thân, cho Hội Thánh và cho Quê Hương.
 Cùng với lời chúc bình an, chúng ta nhớ mình được Chúa sai vào năm mới như sứ giả hoà bình và như dụng cụ bình an.

 Nhận thức mình được sai đi như thế, ta hết lòng cầu nguyện với Chúa, xin Người ban cho chính mình ta được bình an. Tất nhiên đây là sự bình an của Chúa như lời Chúa đã phán : “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).

 Bình an của Chúa là thế nào ?
 Chúa sẽ soi sáng cho ta lời đáp, khi ta cầu nguyện và đọc Kinh Thánh .
 Ta sẽ dần dần nhận ra sự thực này : Bình an của Chúa được xây dựng trên tình yêu khó nghèo và khiêm tốn.

 Tình yêu khó nghèo và khiêm tốn, trước hết ở sự mỗi người chúng ta nhận ra chỗ đứng khiêm tốn của mình trong Hội Thánh.

 Hội Thánh là một thân thể nhiệm mầu. Thân thể đó có nhiều chi thể khác nhau. Mỗi chi thể có một vị trí riêng thích hợp. Mỗi chi thể được Chúa trao cho một trách nhiệm riêng, với sự sai đi khác nhau. Chấp nhận sự sắp xếp của Chúa rồi, mỗi người cố gắng chu toàn bổn phận Chúa trao với tất cả lương tâm vâng phục ý Chúa, đó là tình yêu khiêm tốn, khó nghèo.

 Khi cố gắng chu toàn bổn phận của mình, chúng ta luôn giữ lòng ta khó nghèo, tinh thần thơ ấu thiêng liêng phó thác trọn vẹn. Tình yêu khiêm tốn khó nghèo đó sẽ là nguồn bình an cho ta.
 Tình yêu khiêm tốn khó nghèo còn là một tình yêu theo sát tình hình và dấu chỉ thời đại.

 Người sứ giả hoà bình của Chúa không yêu thương phục vụ một cách xa rời thực tế. Nhưng họ  sẽ là người của lịch sử thể theo từng chặng đường thời cuộc. Lịch sử như một dòng sông. Nước chảy không quay trở lại. Mỗi chặng của dòng chảy có những chuyển biến riêng. Chuyển biến đó là những dấu chỉ. Cần phải theo sát những chuyển biến đó, để xây dựng hoà bình.

 Thí dụ : Sang năm mới này, ViệtNamsẽ có nhiều thay đổi. Thay đổi về thời tiết, thay đổi về giá cả, thay đổi về giáo dục, thay đổi về mức sống, thay đổi về bầu khí tôn giáo. Phải nghiên cứu những thay đổi đó, để đi vào lịch sử. Trước những thay đổi ấy, ta thấy có những việc cần làm ngay, cả những việc nên làm, nhưng chưa đến lúc  làm, có những việc lỗi thời nếu làm sẽ là phản chứng. Thiết tưởng đó là tình yêu khiêm tốn, khó nghèo.

 Với  chia sẻ  trên đây, tôi tin sẽ được sống trong bầu khí gia đình đầm ấm của  Chúa trong dịp Tết này. Một gia đình vui tươi, một gia đình cầu nguyện, một gia đình tạ ơn. Như lời thánh Phaolô viết : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi, và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (Tx 5, 16-18).

 Được sống trong một gia đình như thế sẽ là một hạnh phúc. Hạnh phúc này sẽ đưa tôi đến một hạnh phúc khác, đó là được thuộc trọn về Chúa. Nhờ vậy, tôi sẽ yêu thương và phục vụ trên đường vâng phục ý Chúa mãi mãi muôn đời.

+ĐC GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào: