1 tháng 1, 2014

Vai Trò của Đức Mẹ trong Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa


Thiên Chúa thực sự không cần Ðức Mẹ để cứu độ chúng ta cũng như Ðức Kitô không cần phải chết để chuộc tội chúng ta.  Ngài có thể chỉ phán một lời là chúng ta được cứu rỗi.  Nhưng với sự khôn ngoan và lòng thương yêu vô cùng, Thiên Chúa đã chọn cho Ngôi Lời nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria để cứu chuộc chúng ta.


Vậy theo ý định của Thiên Chúa ngay từ ban đầu là dùng Ðức Mẹ để giúp chúng ta đương đầu với ma quỷ như trong sách Sáng Thế Ký (STK 3:15), Chúa đã phán cùng ma quỷ rằng: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và Người Nữ, giữa con cháu ngươi và con bà, Người sẽ đạp dập đầu ngươi, và ngươi sẽ rình cắn gót chân Người.” Người Nữ này không phải là Evà mà là Ðức Mẹ.  Người Nữ này sẽ cầm đầu những người theo Chúa chống lại ma quỷ.  Người Nữ này sẽ là Tổng Tư Lệnh đạo binh con cái của Thiên Chúa. Rồi Chúa hứa cho Ðức Kitô xuống làm con Người Nữ này để đạp dập đầu ma quỷ.  Theo bản dịch Phổ Thông của Thánh Giêrômimô thì chính Ðức Mẹ là người đạp dập dầu con rắn, còn những bản dịch sau này dựa theo bản văn cổ Do Thái thì Ðức Kitô là Ðấng đạp dập đầu con rắn.  Dầu theo vản văn nào đi nữa, Ðức Mẹ cũng vẫn đóng vai trò rất quan trong trong công trình cứu chuộc nhân lọai và chống trả ma quỷ của Ngôi Lời Nhập Thể.  Vì vậy trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ðức Mẹ và Ðức Kitô như hình với bóng không thể tách nhau được.


Như thế, để được cứu độ chúng ta cần đến Ðức Mẹ vì đó là ý định của Thiên Chúa.  Như đã thấy ở trên, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã muốn Ðức Mẹ đóng vai trò tiên phong trong trận chiến chống lại ma quỷ.  Thánh Louis Maria đệ Montfort nói: “Thiên Chúa muốn dùng Ðức Mẹ để bắt đầu công việc của Ngài, thì dĩ nhiên tất cả lịch sử cứu độ sẽ mang dấu hợp tác của Mẹ”.  Muốn làm con cái Chúa thì chúng ta phải tuân theo Thánh Ý Chúa, như Chúa Giêsu đã làm và dạy chúng ta.  Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Philippians 2:8).  Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta theo chân Ðức Mẹ mà chúng ta từ chối thì chúng ta có thực sự là con cái Thiên Chúa không?  Sau đây là tóm tắt vai trò của Mẹ trong chương trình Cứu Ðộ của Thiên Chúa

1. Thiên Chúa muốn dùng Mẹ để ban Chúa Giêsu cho chúng ta.  Tháng Augustinô nói rằng “Thế gian không xứng đáng trực tiếp lãnh nhận Ðức Chúa Con từ tay Ðức Chúa Cha, vì thế Ngài ban Con Ngài cho Ðức Mẹ để thế gian nhận Người từ tay Mẹ.”  Ðể cho nhân lọai nhận thức được sự ghê tởm của tội lỗi, Thiên Chúa đã vì phép công bằng mà để cho Con Một Ngài xuống làm người để chịu chết mà đền tội cho chúng ta.  Ðể đền tội của con người thì một người phải chết, và để giao hoà con người lại với Thiên Chúa, thì chính Con Thiên Chúa phải chết mới có thể làm cho loài người trở nên nghiã tử của Thiên Chúa. Nhưng vì loài người quá tội lỗi nhơ nhớp vì tội tổ tông và tội riêng mình, Thiên Chúa phải sửa soạn cho Con Ngài một nơi xứng đáng để ngự xuống.  Nơi đó là cung lòng Ðức Trinh Nữ Maria.  Thiên Chúa muốn ban Thịt Máu Con Người làm của ăn cho chúng ta.  Thịt Máu này phải không tì ố.  Thịt Máu này phát sinh từ thịt và máu của Mẹ Vô Nhiễm Vẹn Tuyền.  Như thế ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã sửa sọan Ðức Mẹ một cách trọn vẹn để đóng vai trò Mẹ Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ.

2. Thiên Chúa muốn Mẹ là Thiên Ðàng của Thiên Chúa và con cái Ngài.  Trong tất cả các loài thụ tạo, không ai có liên hệ mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa hơn Ðức Mẹ.  Thánh Kinh và Hội Thánh gọi Ðức Mẹ là Con Gái Ðức Chúa Cha.  Hình ảnh người con gái Sion trong Cựu Ước là hình ảnh Ðức Mẹ.  Các bà đạo đức trong Cựu Ước như Sara, Rebecca, Rachel, Mariam, Debora, Hanna, Judith và Esther chỉ phản ảnh phần nào của Ðức Mẹ trong Tân Ước.  Ðức Mẹ lại là Mẹ thật của Ðức Chúa Con vì sau khi Ðức Kitô Nhập Thể thì bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người của Người không thể phân tách ra được (Một Ngôi Thiên Chúa với hai bản tính).  Tuy Mẹ chỉ sinh ra bản tính loài Người của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn là Mẹ Thiên Chúa vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa.  Việc này sẽ được bàn chi tiết ở bài Tín Ðiều về Ðức Mẹ tuần sau.  Ðức Mẹ là lại là hiền thê của Chúa Thánh Thần vì Mẹ đã cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc Ngôi Hai Nhập Thể (Matthew 1:18-23; Lc 1:26-38).  Thiên Ðàng là nơi Thiên Chúa ngự.  Mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị nơi Mẹ thì Mẹ chính là Thiên Ðàng của Thiên Chúa.  Mẹ chính là nơi phát sinh ơn Cứu Ðộ và ơn Thánh Hóa cho trần gian vì chính Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần ngự trong Mẹ.  Ai muốn đến với Thiên Chúa mà từ chối đến gần Mẹ thì làm sao gặp Chúa được?  Ai muốn được ơn Cứu Ðộ và ơn Thánh Hóa, mà không đến với Mẹ thì có thể sẽ không nhận được ơn Cứu Ðộ và ơn Thánh Hóa!

3. Thiên Chúa muốn Mẹ là Mẫu Gương của Hội Thánh và của những ai muốn theo Chúa.  Ðức Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.  Thánh Gia chính là tiền thân của Hội Thánh.  Mẹ đã sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục Chúa Giêsu trong Hội Thánh đầu tiên này.  Mẹ là nhà truyền giáo đầu tiên đem Chúa Giêsu đến với nhân loại.  Các tông đồ được Chúa truyền dạy có ba năm.  Mẹ được học cùng Chúa ba mươi ba năm.  Các tông đồ được Chúa Thánh Thần ngự xuống trong lễ Ngũ Tuần.  Mẹ được Chúa Thánh Thần bao phủ trong lúc truyền tin, và được Ðức Chúa Cha gìn giữ khỏi tay ma quỷ từ thủa đời đời.  Trong lúc mọi người nghi ngờ và bỏ Chúa, Mẹ vẫn vững niềm tin vào Chúa.  Dù không hiểu được thánh ý Chúa, Mẹ cũng vẫn một lòng cậy trông và phó thác như lời “xin vâng” của Mẹ.  Ðây chính là đức tin và sự tín thác mà Hội Thánh và con cái cần phải có.  Yêu mến Mẹ không chưa đủ, chúng ta cần phải noi gương Mẹ trên đường lữ thứ trần gian.  Phương thức dễ dàng nhất để nên thánh là tín thác vào Mẹ và noi gương Mẹ. Làm sao để nên giống Chúa Giêsu qua Mẹ sẽ là đề tài của tuần lễ sau cùng trong tháng này.

4. Thiên Chúa muốn Mẹ là Mẹ và là Ðấng Bầu Cử cho chúng ta. Do sự khôn ngoan của Ngài, Thiên Chúa biết rằng con người cần tình thương của một người Mẹ, vì thế mà Ngài ban cho chúng ta những người mẹ hiền.  Trên phương diện thiêng liêng, Thiên Chúa cũng muốn ban cho chúng ta một người Mẹ Thiêng Liêng.  Người Mẹ đó không ai ngoài Ðức Mẹ.  Mẹ là Mẹ Ðức Kitô, là đầu của Hội Thánh, mà mỗi Kitô hữu là chi thể của Nhiệm Thể này.  Vậy mọi Kitô hữu đích thực đều là con Mẹ.  Ai nhận mình là em Ðức Kitô mà không nhận Ðức Mẹ là Mẹ mình thì không chắc đã là em thật của Ðức Kitô, vì không ai chỉ sinh ra cái đầu mà không sinh ra cả thân thể của người con, trừ khi người con đó là quái vật. Ai yêu mến Ðức Kitô mà không yêu mến Mẹ thì chưa chắc đã thật sự yêu mến Ðức Kitô.  Các thánh dạy rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục làm việc với Ðức Mẹ để sinh ra các phần tử của Nhiệm Thể Ðức Kitô, là Hội Thánh.  Chạy đến cùng Mẹ chính là chạy đến cùng Thiên Chúa vì không thể tách rời Mẹ khỏi Thiên Chúa.  Mà Mẹ lại là Mẹ chúng ta.  Mẹ biết nhu cầu của chúng ta và xin cùng Chúa cho chúng ta những gì chúng ta thiếu thốn như Mẹ đã làm trong tiệc cưới Cana (Gioan 2:1-11).  Ðiều cần thiết là chúng ta làm theo lời Mẹ dạy.

5. Mẹ Là Ngôn Sứ của Thời Ðại chúng ta.  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dùng các tiên tri để loan báo những mệnh lệnh của Ngài.  Ngày nay, Thiên Chúa dùng Mẹ làm ngôn sứ cho Ngài.  Mẹ đã hiện ra ở nhiều nơi để kêu gọi con người trở về với Thiên Chúa.  Sứ mạng của Mẹ là đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu.  Trong lúc loài người đang coi thường Thiên Chúa và nghe theo ma quỷ, chúng ta là con cái Mẹ phải triệt để tuân hành những mệnh lệnh của Mẹ để chiến thắng ma quỷ.  Tại Fatima, Mẹ kêu gọi chúng ta ăn năn, cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi, tôn sùng Trái Tim Mẹ.  Gần đây, có tin đồn là Ðức Mẹ hiện ra ở Rôma và nhận mình là Mẹ Thánh Thể.  Toà Thánh đang điều tra sự kiện này, nhưng chưa rõ kết quả ra sao.  Tất cả các sứ điệp của Mẹ đều kêu gọi con người yêu mến Chúa.  Mẹ hiện ra không nhằm làm vinh danh Mẹ mà làm vinh danh Chúa.

Tóm lại, chúng ta không thể tách rời Ðức Mẹ ra khỏi Ðức Kitô trong công trình Cứu Ðộ của Người.  Thiên Chúa đã mở đầu Thánh Kinh bằng việc tiên báo sự chiến thắng ma quỷ của Ðức Mẹ và Ðức Kitô.  Ngài cũng kết thúc Thánh Kinh bằng cách cho chúng ta thấy vai trò Ðức Mẹ trong việc cưu mang và che chở Nhiệm Thể Ðức Kitô và đương đầu với thần dữ (KH 12:1-6). Vậy coi thường việc tôn sùng Ðức Mẹ chính là coi thường Thánh Ý Thiên Chúa.  Và không ai có hy vọng được cứu rỗi nếu không có sự che chở và can thiệp của Mẹ, vì Thiên Chúa đã trao Ðức Kitô là kho tàng ơn Cứu Ðộ cho Mẹ, và Chúa Thánh Thần, nguồn ơn Thánh Hóa luôn kết hợp cùng hiền thê của Ngài là Mẹ để thánh hóa các chi thể của Nhiệm Thể Ðức Kitô là Hội Thánh.

Xin kết thúc bằng cách mượn lời Thánh Bernađô: “Nếu một trong hai việc này là tội thì tội nào dễ được tha trước mặt Chúa hơn – Một là kính mến Ðức Mẹ quá nhiều, hai là kính mến Ðức Mẹ quá ít?”

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Không có nhận xét nào: