Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A
Trang sách Xuất Hành hôm nay nhắc lại cơn khát nước của dân Chúa trong sa mạc. Họ kêu trách ông Môisê. Ông Môisê phải khẩn cầu Thiên Chúa và Ngài đã ban cho họ nước từ Tảng Đá vọt ra làm thỏa cơn khát. (x Xh. 17,3-7)
Tảng Đá ấy là hình ảnh được báo trước về Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu, Đấng sẽ ban Nước Trường Sinh cho nhân loại vọt ra từ cạnh sườn của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay, đã ứng nghiệm điều tiên báo ấy.
Người Giuđêa và Galilêa, Nam và Bắc Do Thái, xem người miền Trung – Samaria, là dân tứ chiếng, ngoại đạo, nên khinh miệt họ, và tuyệt giao.
Vậy mà hôm nay, một mình Chúa Giêsu đến gặp một phụ nữ Samaria đang kín nước bên giếng Giacop, và xin nước uống. Thật là bất ngờ!
Cái bất ngờ thứ nhất đối với chị người Samaria, là đã có một người vượt qua cái kỳ thị lâu đời về địa phương, cái khoảng cách về phái tính, để “xin nước uống”.
Chị chưa khám phá ra người ấy thế nào, nhưng hẳn phải là một người đặc biệt.
Bất ngờ thứ hai: Chúa Giêsu cho chị biết chính chị phải là người xin nước, và Chúa Giêsu, người xin nước, lại là người sẽ cho chị Nước Trường Sinh. “Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,13-14)
Và từ lòng chân thành đơn sơ, chị thưa: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga, 4,15).
Bất ngờ thứ ba, Chúa Giêsu cảm thông với chị khi hỏi đến đời tư của chị. Chị đã nói thật rằng chị không có chồng. Hiểu tốt cho chị là nói thật, Chúa Giêsu nói: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”
Chị Samaria đã xác nhận Chúa Giêsu là ngôn sứ. Từ chuyện đời tư đến chuyện tâm linh, chị sẻ chia với Chúa về việc bất đồng trong cách thờ phượng Thiên Chúa của người Samaria và của người Do thái. “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa” (Ga 4, 20).
Bất ngờ thứ tư là Chúa Giêsu đã không dài hơi bênh ai bỏ ai, nhưng qua cuộc gặp gỡ nầy, Ngài đã nhắn gửi tới người Samaria một cái nhìn tâm linh mới: “Hãy thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4, 21-24)
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay còn tiếp với bất ngờ thứ năm là người phụ nữ Samaria đã trở thành nhân chứng Đức Kitô, cho Nước Chúa, đúng như lời Chúa phán: “Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. -”Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (Ga 4,29).
Bất ngờ tiếp theo, một mùa gặt bội thu trên cánh đồng Samaria, và còn hứa hẹn nhiều bất ngờ nữa…..
-Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày (Ga4, 39-40).
Nhìn bước bứt phá ngoạn mục của Chúa Giêsu băng qua khung cửa vào nội thành rồi vào tận pháo đài lô cốt tâm hồn của người Samaria, các tông đồ sẽ hiểu ra điều Chúa Giêsu nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”.
Biết ý muốn của Chúa Cha là cứu độ, biết cơn khát của Chúa Cha là khát các linh hồn yêu mến, phụng thờ Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã vượt lằn ranh cục bộ kỳ thị Bắc Trung Nam, là vượt qua mức hạn phân biệt phái tính, tuổi tác, vượt cái định kiến về tôn giáo, vượt cái đề tài không đội trời chung: thánh nhân và tội lỗi, Ngài đem tin mừng cho người đang khao khát tin mừng, tin bình an.
Chắc chắn không có ai dám nghĩ tới người chồng thứ bảy hay tám chín mười của người phụ nữ Samaria kia. Nhưng ngược lại, tin rằng chị đã được Chúa Giêsu là tất cả bình an và hạnh phúc cho đời chị. Không còn cơn khát nào hơn nữa. Vì như Thánh Phaolô dạy: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”. (2Rm 5, 1-2).
Có những cơn khát trong đời người. Và có thể có nhiều cơn khát trong chỉ một con người. Có những cơn khát tầm thường, nhưng cũng có những cơn khát thật ý nghĩa.
Những cơn khát tình thật rực lửa. Có cơn khát tình vì muốn giải thoát nỗi cô đơn của phận người. Nỗi cô đơn không chỉ ám ảnh, mà còn bao trùm cả tâm hồn con người ta trong bóng tối, trong cái túi của một số phận nào đó thật nghiệt ngã. Cơn khát tình như những nỗi u uất trong trái tim ngục tù đòi chia sẻ, đòi nổ tung vòng giam hãm để mà ra với đời, ra với người.
Phổ biến hơn – có thể nói như vậy- có những cơn khát tình nhưng không phải là khát tình, mà là khát dục, như một thói quen hướng hạ thấp hèn, hay do một nhu cầu vô độ của một tình trạng tâm lý bệnh hoạn. Không kể phái tính. Không xếp thứ hạng phái tính nào mạnh hơn hay yếu hơn, nhưng kể từ ngày phụ nữ được giải phóng, nam nữ bình đẳng về mọi chuyện, trong đó cũng bình đẳng về chuyện khát dục cách vô độ.
Những cơn khát, vẫn thường âm ĩ trong cõi lòng, tưởng thành vô vọng, tưởng hóa đá ngàn thu, nhưng chỉ cần một cơ hội như đá chạm vào nhau thì phát hỏa rồi bùng lên thành đám cháy to, cháy nhà mình, cháy cả xóm làng, cháy cả một đất nước, một xã hội…không giập tắt nỗi. Ngoài cơn khát nhục dục, còn những cơn khát khủng khiếp hơn: cơn khát quyền lực, cơn khát của hận thù, cơn khát của lòng tham nhũng, cơn khát của thống trị, xâm lăng, bá chủ….
Quả thực, người ta đã và đang có thể làm mọi sự để thỏa cơn thèm khát quyền lực, kinh tế, cơn khát dầu lửa, cơn thèm khát bờ cõi, cơn thèm khát muôn năm, hoặc ít là, cơn thèm khát chỉ được một lần ngồi vào chiếc ngai vàng Bí Thư, Tổng Thống, ngồi vào chiếc xe sang trọng của tỷ phú thế giới, một lần có tên trong danh bạ những ông Vua, hoặc còn thấp kém hơn một chút: khát có tên trong danh sách những đảng viên, nhạc sĩ, thi sĩ miệt vườn!!!!
Không kể là thành phần nào, thượng lưu, trí thức hay dân quèn mù chữ, cũng đều có những cơn khát nghiệt ngã trong đời thường.
Ông B, bán vé số, ngủ ở vĩa hè, hay bị tổ dân phố đuổi. “tui giận thằng tổ trưởng dân phố quá lẽ. Tui chưa chết đâu ông à. Tui phải làm tổ trưởng dân phố đã, rồi chết cũng bằng lòng”.
Đến chuyện đạo đức, tâm linh, cũng chỉ là một cơn khát cái vỏ: Trên xe, ngồi bên một ông đứng… tuổi. Nhận ra tiếng nói của ông, có người hỏi: “Ông ở BN?” Ông trả lời một hơi: “Vâng, chị à, tôi ở BN, làm chủ tịch Hội Đồng GX 4 nhiệm kỳ rồi. Sắp bầu cử, thế nào tôi cũng trúng nữa. Họ chẳng chịu tha cho tôi đâu. Năm nay có mấy ông ra … ứng cử, nhưng chẳng ông nào ra… gì”.
Cháu dâu, sang nhà cậu hỏi ý kiến: “Cậu à, có người ở Long An muốn dạm hỏi con gái lớn nhà con. Họ nói tiền bạc họ không cần. Họ chỉ cần làm sui với nhà có đạo đức thôi. Nghe vậy, con mừng ghê. Nhà mình không có tiền, nhưng ai cũng biết là đạo đức thì dư rồi! Cho họ tới, cậu hỉ?”
Rõ ràng, là những cơn khát rất tầm thường trong đời người vẫn chiếm đa số.
Nhưng cũng không thiếu những cơn khát thật ý nghĩa, thật cảm động: cơn khát của những người hết lòng vì dân vì nước, cơn khát của trái tim mục tử, cơn khát của người làm cha làm mẹ, cơn khát của nỗi lòng dâng hiến, cơn khát khao nên hoàn thiện.
Về đến Qui Nhơn, có thể nói là Địa phận Mẹ của các Địa Phận mẹ, thăm lại những Giáo Xứ ngày xưa, có nhà thờ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, giáo dân di tản rồi định cư ở các Giáo phận phía Nam, hoặc xuất ngoại. Một số ít còn lại, họ khát linh mục, khát thánh lễ, khát bí tích. Các linh mục thì khát tìm lại được những con chiên, khát tái truyền giáo, khát xây lại nhà nguyện, nhà thờ…
Trong lòng những người làm Cha Mẹ, biết bao nỗi khát cho con cái, khát cái ăn, khát cái mặc, khát cái học hành, khát cái nên người con cái Chúa cho đàng hoàng trước hiểm họa tục hóa, đười ươi hóa, vô thần hóa cả một thế hệ trẻ…
Trong số những người lâm lụy vào cuộc kiếm sống bằng cách bán rẻ con người và nhân phẩm của mình, có biết bao người đang khát trở về, khát nên hoàn thiện, khát nỗi bình an thật, bình an mà thế gian, lạc thú, tiền bạc không mang lại được.
Những ngày nầy, còn phải kể đến cơn khát của cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, đi hết từ khu tạm trú này đến khu tạm trú khác để tìm kiếm gia đình của mình, cơn khát của bao người dân Nhật khát hạnh phúc trường sinh cho những người biền biệt hình dung trong cơn sóng kinh hoàng.
……
Lời Chúa chúa nhật thứ ba mùa Chay đang mời gọi tôi, mời gọi bạn kiểm tra lại những cơn khát trong lòng mình, để loại trừ ngay những cơn khát thấp hèn, để khởi đầu ngay hoặc tiếp tục những khát khao nên hoàn thiện. Cả việc loại trừ, khởi đầu hay tiếp tục, đều phải nhờ đến Chúa Giêsu qua các Bí Tích ban Nước Trường sinh cho tâm hồn. Hãy hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ: Hãy hưởng nguồn ơn Bí Tích từ cạnh sườn Chúa Kitô. Và khi gặp gỡ, khi chạm đến Chúa Kitô, chắc hẳn, chúng ta sẽ chấp nhận đinh, sắt, mão gai và cả cái chết cùng với Ngài, để được cùng Ngài hoàn thiện, bình an, và hạnh phúc thật.
Như đã tìm đến người phụ nữ Samaria, bất chấp mọi cách ngăn, Chúa Giêsu vẫn đang kiên trì tìm đến tôi, tìm đến bạn, bất chấp chúng ta tội lỗi đến mức nào, để chúng ta gặp được Ngài và xin Ngài ban nước trường sinh là bình an, hạnh phúc.
Xin chia sẻ chút tâm sự của một tác giả, trong nỗi cô đơn, đã ngộ ra sự hiện diện của Chúa Giêsu, vị Thượng Khách:
“Một mình ở mãi một mình
Vui thay có khách thương tình đến chơi
Sáng, trưa, chiều, tối… khuya rồi
Mời về chẳng chịu. Thì thôi, bằng lòng.
Thế là xong, quyết là xong
Một đời nặng nợ long đong với Ngài
…..
Tưởng là đinh, sắt, mão gai…
Nào ngờ, hạnh phúc trần ai không bằng”
(Tuyết Mai Texas)
Lạy Chúa, nếu chúng con không trải qua năm đời chồng như người phụ nữ Samaria, thì chúng con cũng đã trải qua năm bảy mươi lần thèm khát những thực tại thấp hèn, mà không có thực tại nào có thể làm thỏa cơn khát của chúng con. Xin cho chúng con chọn Chúa Giêsu, chọn và sống theo Lời Ngài, chọn sự thương khó và đi theo con đường tử nạn của Ngài, với niềm tin tưởng rằng: chúng con sẽ thỏa cơn khát hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho quyết định của chúng con. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng 24-3-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét