18 tháng 4, 2014

Vinh quang tuyệt đỉnh qua đau khổ tột cùng



Thứ Sáu Tuần Thánh
Bài đọc: Isaiah 52:13 – 53:12; Hebrews 4:14-16,5:7-9; Jn 18-19.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung trong những đau khổ của Đức Kitô và lý do tại sao Ngài phải chịu những đau khổ này.
Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah nói rõ lý do tại sao Người Tôi Trung của Thiên Chúa chịu đau khổ: Ngài mang lấy thương tích của chúng ta. Ngài đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Ngài đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Trong Bài Đọc II, tác-giả Thư Do Thái chứng minh Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế tuyệt hảo, vì Ngài vừa biết những gì nơi Thiên Chúa, vừa biết những gì nơi con người; nên Ngài có thể cầu bầu với Thiên Chúa một cách hiệu quả cho con người. Hơn nữa, vì sự vâng phục Thiên Chúa và những đau khổ Chúa Giêsu chịu, Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn người. Trong Phúc Âm, thánh-sử Gioan tường thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, từ khi Ngài bị phản bội bởi Judah cho tới khi ông Joseph Arithmatha và Nicodemus an táng Ngài trong huyệt mộ, Chúa Giêsu biết tất cả những đau khổ xảy đến cho Ngài, và Ngài luôn can đảm đối phó và chịu đựng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa

Trong Bài ca thứ tư, Thiên Chúa cho biết lý do tại sao Người Tôi Trung phải chịu đau khổ: (1) để gánh chịu hình phạt cho nhân lọai, và (2) để đạt được vinh quang tuyệt đỉnh.

1.1/ Người Tôi Trung được vinh quang tuyệt đỉnh qua đau khổ tột cùng: Tiên tri Isaiah muốn nhấn mạnh đến cách thức được vinh quang: “qua đau khổ tột cùng.” Cần chú ý đến 4 động từ dùng trong câu này: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ cư xử khôn ngoan (sakal), sẽ được vươn cao (rum), được tuyên dương (nasa), và được suy tôn đến tuyệt đỉnh (gabah meod). Vì Người Tôi Trung biết hành động khôn ngoan và hiệu quả, nên Người được vươn cao, được tuyên dương, và đạt tới vinh quang tuyệt đỉnh. Một người không thể đọc câu này mà không suy nghĩ đến (Philippians 2:6-11, Acts 2:33, vàActs 3:13,26). Tác giả Stier so sánh 3 giai đọan được nâng cao của Người với 3 giai đọan sống lại, lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa (Psalm 110:1). Ai là Người Tôi Trung biết cư xử khôn ngoan để đạt được vinh quang tuyệt đỉnh như thế? Vua David? dân Israel? tiên tri? Chỉ có Đức Kitô mà thôi.
Đau khổ mà Người Tôi Trung phải chịu vượt quá đau khổ con người có thể tưởng tượng được: “bao kẻ đã sửng sốt khi thấy người tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ con người nữa.” Điều này tác giả muốn nhấn mạnh đến hậu quả của hình phạt: Vì chịu quá nhiều đau khổ nơi thân xác, Người Tôi Trung không còn giữ được dáng vẻ con người nữa.
Có một sự khác biệt giữa Bản Bảy Mươi và Bản Do Thái trong câu 52:15: Nhóm PVCGK dịch theo Bản Bảy Mươi: “Nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ…” Theo Bản Do-thái: “Nó sẽ rẩy (yazah) trên các dân tộc …” E.J. Young cắt nghĩa: Động từ yazah là một động từ đặc biệt, dùng trong luật Moses cho việc rẩy dầu, nước, hay máu như một lễ nghi thanh tẩy bởi các tư tế (Leviticus 4:6,8:11, 14:7a). Chúa Giêsu rẩy máu của người trên các dân tộc để thanh tẩy tội lỗi của họ như lời người Do-thái nói: “Máu của nó sẽ đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Matthew 27:25).

1.2/ Phản ứng của con người khi nhìn thấy Người Tôi Trung.
(1) Phản ứng của các vua chúa: Khi được chứng kiến tòan bộ: vinh quang tuyệt đỉnh cũng như đau khổ tột cùng của Người Tôi Trung, “các vua chúa sẽ phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.”

(2) Phản ứng của dân Chúa: “Ai mà tin được điều chúng ta đã tường thuật? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được mặc khải cho ai?” Vì điều Thiên Chúa làm quá cao siêu, vượt quá trí hiểu biết của con người; hậu quả là con người sẽ khó lòng tin được. Thánh Phaolô gọi Thập Giá là một điên rồ với người Hy-lạp, và sự sỉ nhục với người Do-thái. Họ không thể nào hiểu được một Thiên Chúa uy quyền muốn con mình chấp nhận điều đó. Nhưng Thiên Chúa uy quyền sẽ làm cho con người hiểu được Mầu Nhiệm Thập Giá và tin vào Đức Kitô, đó là Tin Mừng mà chúng ta rao giảng.
Tiên-tri tường thuật về cuộc đời của Người Tôi Trung với các động từ ở thời quá khứ tiên tri: “Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi non trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn (Isaiah 11:1). Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.”

1.3/ Lý do tại sao Người phải chịu đau khổ: Người Tôi Trung chịu đau khổ vì con người.
* Lý do đúng: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.”
* Lý do sai: “Còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.”
“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.”

1.4/ Những thắng lợi của Người Tôi Trung được hưởng.
(1) Ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện: Người Tôi Trung là nhân vật chính trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ đưa kế hoạch này tới chỗ thành tựu và hòan hảo: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.”

(2) Ức triệu sinh linh được cứu độ: Mục đích của Kế Hoạch Cứu Độ là giải thóat con người khỏi quyền lực của tội lỗi và mang lại ơn cứu độ cho muôn người: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.”

2/ Bài đọc II: Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.

2.1/ Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Hebrews 4:14-16): “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”
- Vai trò của vị Thượng Tế: mang những gì Thiên Chúa nói cho dân và hướng dẫn dân ra trước sự hiện diện của Ngài. Vị Thượng Tế hòan hảo là người vừa biết Thiên Chúa vừa biết dân. Vai trò này chỉ Chúa Giêsu mới có thể hòan thành.

(1) Chúa Giêsu biết Thiên Chúa: vì bản chất của Ngài là Thiên Chúa. Tác giả Thư Do-thái xác tín: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.”

(2) Chúa Giêsu biết con người: vì Ngài mang thân xác con người. Hơn nữa, “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”
- Chúa Giêsu biết, chịu, và thắng cám dỗ hơn ai hết: Lý do, chúng ta sa chước cám dỗ trước khi ma quỉ dùng hết thủ đoạn của nó; Chúa Giêsu biết, chịu, và thắng vượt tất cả thủ đoạn của ma quỉ. Ví dụ, khi gián điệp tra tấn, họ sẽ dùng các tra tấn từ nhẹ tới nặng. Tra tấn nặng nhất chỉ dành cho con người can đảm nhất. Một người yếu bóng vía sẽ không biết mọi thủ đọan tra tấn.
- Ngài muốn chịu khổ đau của con người: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta.” Người Hy-lạp và Do-thái không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa chịu đau khổ; họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa chết treo trên Thập Giá. Đây là một ý tưởng hay quan niệm hoàn toàn mới. Họ tin một Thiên Chúa vô cảm (apatheia); vì một Thiên Chúa nhạy cảm sẽ thay đổi trước những đau khổ của con người; và nếu Thiên Chúa thay đổi, Ngài không còn là Thiên Chúa nữa. Người nào làm Thiên Chúa phải thay đổi, người đó sẽ lớn hơn Thiên Chúa. Họ không thể tưởng tượng một Thiên Chúa muốn liên quan với thế giới vật chất này.
- Ngài hiểu biết sự đau khổ con người phải trải qua: “Có đau mắt mới biết thương người mù.” Ngài có thể giúp đỡ con người cách hiệu quả: Vì đã trải qua tất cả, Ngài có kinh nghiệm tất cả. Vì thế, không ai có thể giúp con người hiệu quả hơn người đi trước đã có kinh nghiệm về điều đó.

2.2/ Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Hebrews 5:7-9). Tác giả Thư Do Thái tóm tắt công trình cứu độ của Đức Kitô như sau:

(1) Chúa Giêsu biết những gì sẽ xảy đến cho Ngài trong Cuộc Thương Khó: Ngài đã khóc trong vườn Ghetsemane vì sắp phải đương đầu với chúng. Trong giây phút sợ hãi, Ngài đã cầu nguyện để xin Thiên Chúa chọn cho Ngài một con đường khác, nếu có thể: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.”

(2) Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha cho đết chết: Dẫu vậy, Ngài vẫn xin vâng theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Hậu quả của sự vâng phục là Ngài đã phải chết trên Thập Giá.

(3) Chúa Giêsu trở nên nguồn cứu độ: Vì sự vâng phục qua những đau khổ Ngài chịu, Chúa Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

3/ Phúc Âm: Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu theo thánh Gioan


3.1/ Judah bán Chúa Giêsu: “Sau khi nói những lời đó, Đức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kedron. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. Judah, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. Vậy, Judah tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisees; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nazareth.” Người nói: “Chính tôi đây.” Judah, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây!” thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nazareth.””
- Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài: Đức Giêsu nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.” Ông Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?”

3.2/ Chúa Giêsu trước dinh Thượng Tế: “Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giêsu và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Đức Giêsu đến ông Hannah là nhạc phụ ông Caiaphas. Ông Caiaphas làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.”

(1) Thẩm vấn Chúa Giêsu:
- Vị thượng tế tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người.
- Đức Giêsu trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.”
- Đức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?”
- Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”
Ông Hannah cho giải Người đến thượng tế Caiaphas, Người vẫn bị trói.

(2) Phêrô chối Chúa Giêsu 3 lần: “Ông Simon Phêrô và một môn đệ khác đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào.”
- Lần thứ nhất: Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phêrô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Ông liền đáp: “Đâu phải.”
- Lần thứ hai: Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Người ta nói với ông: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” Ông liền chối: “Đâu phải.”
- Lần thứ ba: Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

3.3/ Chúa Giêsu trước tòa Philatô: Vậy, người Do-thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caiaphas đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được.

(1) Quan Philatô từ chối không xử Chúa Giêsu:
- Tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi: “Các người tố cáo ông này về tội gì?”
- Họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.”
- Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người.”
- Người Do-thái đáp: “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả.”
Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
* Kiểu Do-thái: ném đá cho tới chết. Người Do-thái từ chối không xử tử Chúa Giêsu.
* Kiểu Rôma: đóng đinh vào thập giá. Chúa Giêsu bị xử tử theo kiểu Rôma.

(2) Quan Philatô thẩm vấn Chúa Giêsu:
- Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”
- Đức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”
- Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”
- Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”
- Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?”
- Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
- Ông Philatô nói với Người: “Sự thật là gì?”
- Chúa Giêsu không trả lời. Một người không biết sự thật, làm sao có thể sống và làm chứng cho sự thật như tổng trấn Philatô?

(3) Philatô muốn tha Chúa Giêsu:
- Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không?
- Họ la lên rằng: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Barabba!” Mà Barabba là một tên cướp.

(4) Philatô cho quân lính đánh đòn Chúa Giêsu: “Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do-thái!” rồi vả vào mặt Người.”

(5) Philatô không tìm ra lý do để kết tội Chúa Giêsu:
- Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” Vậy, Đức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Đây là Người!”
- Khi vừa thấy Đức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!”
- Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.”
- Người Do-thái đáp lại: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.” Nghe lời đó, ông Philatô càng sợ hơn nữa.

(6) Philatô tìm cách tha Chúa Giêsu:
- Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giêsu: “Ông từ đâu đến?”
- Nhưng Đức Giêsu không trả lời.
- Ông Philatô nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?”
- Đức Giêsu đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”
Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Caesar. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Caesar.”

(7) Philatô trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh: Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Do-thái là Gabbatha.
Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa.
- Ông Philatô nói với người Do-thái: “Đây là vua các người!”
- Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”
- Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?”
- Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Caesar.”
Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.
- Người Do-thái phạm thượng khi họ nói: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Caesar.” Họ chỉ có một vua là Thiên Chúa.

3.4/ Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thập Giá: Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Do-thái là Golgotha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa.

(1) Người Do-thái xin sửa bảng viết: “Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do-thái.” Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Do-thái, La-tinh và Hy-lạp.”
- Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Philatô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do-thái;” nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái.””
- Ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!”

(2) Chia nhau áo của Chúa Giêsu: “Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.”

3.5/ Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cleopas, cùng với bà Maria Magdala.”

(1) Chúa Giêsu trối Đức Mẹ cho Gioan: Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(2) Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng: “Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.
Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.”

3.6/ Táng xác Chúa Giêsu:
(1) Chúa Giêsu bị đâm thâu: “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.”

(2) Tháo đanh và táng xác Chúa Giêsu: “Sau đó, ông Joseph, người Arithmatha, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Joseph này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Joseph đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicodemus cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.
Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi khi đọc lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta phải nhận thức: lẽ ra chúng ta là người phải ngang qua những đau khổ này, chứ không phải là Con Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu chấp nhận vâng phục Thiên Chúa và tất cả các đau khổ là để cứu chuộc con người. Chúng ta đã làm gì để đáp lại tình thương của Thiên Chúa?
- Nếu Chúa Giêsu chấp nhận vâng phục và đau khổ để chứng tỏ tình thương cho Thiên Chúa và cho con người; chúng ta cũng phải làm tương tự để đền bù lại tình thương Thiên Chúa và mang sự sống cho tha nhân.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào: