1 tháng 11, 2014

Thông điệp Humanae Vitae - Các chống đối



Các chống đối Thông điệp Humanae Vitae từ bên trong và bên ngoài Giáo hội.
Sự bất tương hợp giữa giáo lý về Quyền truyền sinh của Giáo hội với quan điểm về kế hoạch hóa gia đình trong thế giới hiện đại.
***
phát biểu Lm.Roberto Regoli thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriô:
- “Ngài đã quyết định viết Humanae Vitae. Tài liệu làm sáng tỏ trách nhiệm của những bậc cha mẹ và đề cập đến các vấn đề đạo đức như việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, trong đó, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng " hành động hôn nhân phải gắn liền với ý nghĩa của sự hiệp nhất và sinh sản."
- Giáo Hội đã dự kiến sẽ vấp phải những chống đối từ các thành phần không phải là người Công Giáo trong xã hội, nhưng điều gây kinh ngạc là những chống báng đã đến từ ngay cả nhiều người Công Giáo. "Đó là một điều chưa từng xảy ra trong Giáo Hội. Nhiều thông điệp bị chỉ trích trong thập kỷ 1800 từ các thành phần cấp tiến, nhưng chưa bao giờ có những chống đối lan rộng bên trong Giáo Hội như vào năm 1968. Các nhà thần học, dân Chúa, và ngay cả một số giám mục từ chối Huấn Quyền của ngài."
- "Đối với ngài, cuộc tranh luận dữ dội về tài liệu này khiến ngài bị sửng sốt đến mức từ năm 1968 cho đến khi qua đời, ngài không công bố một thông điệp nào khác. Ngài đã viết các tài liệu khác, những tông huấn, tông thư, tông hiến, nhưng không có một thông điệp nào khác."
Các câu nói có tính đánh gía tổng quát về tác động của Thông điệp HV nói trên của Lm.Roberto Regoli không thể nói là không có cơ sở và thiếu chính xác khi nó được đăng trên Bản tin Giáo hội và dựa vào các thông tin tiếp theo sau đây.
* Lưu ý ở đây chỉ xem xét phiến diện về các ý kiến phản đối, không nói về các ý kiến ủng hộ đối với Thông điệp HV đã có nhiều ở các website Công giáo:

Quả thật, có thể nói trong lược sử 327 Thông điệp của các triều đại Giáo hoàng từ cổ chí kim (nếu tôi không thống kê lầm), từ Thông điệp đầu tiên Ubi Primum của ĐGH Bênêđicto (1740-1758) cho đến Thông điệp gần đây nhất: Urbi Et Orbi của ĐGH Phanxico (sau Thông điệp Lumen Fidei), chỉ có Thông điệp HV là gây tranh cãi gay gắt và vấp phải sự chống đối mạnh mẽ nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
Nghiên cứu lại lịch sử từ khi ra đời của Thông điệp HV cho đến nay ta thấy có nhiều điều băn khoăn lẫn bất ngờ và thú vị:

1. Ngay từ khi soạn thảo, Thông điệp HV đã không được sự đồng thuận của đa số các nhà thần học:
- Tháng 3/1963, Đức Gioan XXIII đã thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng nghiên cứu về dân số, gia đình và mức sinh sản để giúp Công Đồng Vatican II xúc tiến. Ủy ban bao gồm các tôn giáo khác nhau, các thần học gia, các cặp hôn nhân cũng như tu sĩ, các khoa học gia và xã hội học.
- Sau đó, vào thời của Ngài, Đức Phaolô VI còn mời thêm một số các Giám Mục cộng tác. Sau những ngày tháng nghiên cứu về đề tài này, trong nội bộ của UB với 72 người đã có hai lối nhìn khác nhau. Nhóm “đa số” (dovish) viết bản phúc trình, soạn thảo bởi 6 thần học gia nổi tiếng và với 13 chữ ký của các thần học gia khác, đề nghị GH nên thay đổi giáo lý liên quan đến điều hòa sinh sản. Nói cách khác, bản phúc trình này muốn GH thừa nhận phương pháp ngừa thai nhân tạo (artificial contraception) không là tội ác tự bản chất như những cách ngừa thai khác (chẳng hạn như phá thai và triệt sản). Nói chung, với vai trò “trách nhiệm phụ huynh” và tùy theo hoàn cảnh địa phương và kinh tế, nhóm đa số kết luận rằng các cặp vợ chồng Công Giáo cần có sự linh hoạt để sử dụng các phương tiện ngừa thai khi điều hoà sinh sản ngoài phương pháp tự nhiên (theo chu kỳ người nữ) mà không trái với luân lý.
- Nhóm “thiểu số” (hawkish) dẫn đầu bởi LM John Ford, dòng Tên, nộp bản phúc trình với 3 thần học gia khác, thì đối ngược với bản phúc trình kia. Qua lăng kính “tông truyền”, nhóm thiểu số đề nghị bất cứ cách ngừa thai nào cũng đều là sai lầm, dựa theo Thông Điệp “Casti Connubii” (1930) của Đức Piô XI. Thêm nữa, nếu làm theo đề nghị của nhóm đa số, đối nghịch lại những giáo huấn của các vị GH trước, thì sẽ gây mâu thuẫn về quyền giảng dạy (ơn bất khả ngộ) của các vị Giáo Hoàng.
- Cuối cùng thì Đức Phaolô VI đã không chấp nhận những đề nghị của nhóm đa số. Lý do là vì “các nhân viên trong Ủy ban không hoàn toàn đồng ý về các định luật luân lý”, và ngài cũng không chấp nhận vì “một số tiêu chuẩn của các biện pháp đề nghị đã đối nghịch lại học thuyết luân lý về hôn nhân” của GH.
- Cũng trong thời gian trước khi xuất bản Humanae Vitae này, bản phúc trình của nhóm đa số bị lộ ra ngoài, và báo chí thế giới đã lợi dụng để tấn công sự cổ hủ của các tín lý CG hôn nhân và gây bất đồng về quyền bất khả ngộ của Vị Đại Diện Chúa Kitô nơi trần thế. Việc này đã làm cho Đ Phaolô VI đau khổ nhiều, và có lẽ vì vậy mà Humanae Vitae đã trở thành thông điệp cuối cùng của giáo triều ngài.
Bởi vậy, ĐGH Phanxicô nói rằng Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có "can đảm đi ngược lại với đa số" là vì vậy.

2. Thuyết tiệm tiến (Gradualism) ra đời là xuất phát từ mong muốn làm giảm nhẹ hậu quả của Thông điệp HV:
Như ta đã biết Thuyết tiệm tiến khởi nguồn từ Thượng Hội Đồng Giám  Mục thường kỳ (THĐGM) thế giới về gia đình nhóm tại Roma vào  tháng 10/1980. Thuyết này cho đến nay không được Giáo hội chính thức công nhận. Trong kỳ họp THĐGM ngoại thường vừa qua, lý thuyết này được nhắc lại trong Bản đúc kết sau thảo luận và bị các nghị phụ theo khuynh hướng hawkish chỉ trích đòi xét lại
Sở dĩ các nghị phụ giám mục lúc bấy giờ đề ra thuyết này vào năm 1980 là do... Ta hãy xem nội dung đánh giá này tại Thần học hợp tuyển như sau:
- Trên bình diện hoàn vũ, có một ví dụ thật đau lòng  về tình trạng phân cách giữa lý thuyết và thực hành  như vừa nói, đã xảy ra sau vụ thông điệp Humanae  vitae lên án việc dùng các phương tiện ngừa thai nhân tạo.
- Ai cũng biết là nhiều mục tử và thần học  gia đã tỏ ra bất đồng quan điểm với thông điệp HV. Nhưng đồng thời, nhiều người khác lại coi giáo huấn  can đảm của Đức Phaolô VI là một sứ điệp tiên  tri cho thời đại chúng ta, nhưng dù sao đi nữa khó  khăn vẫn còn: làm sao dung hòa những đòi  hỏi của tình yêu chân thật và vẹn toàn với  sự yếu đuối của con người và của các đôi  vợ chồng, sự yếu đuối mà Mẹ Giáo Hội không thể không  biết đến trong vai trò giáo dục của mình?
- Một trong những mục tiêu mà THĐGM luôn nhắm tới, là làm sao hủy  bỏ được sự cách biệt nói trên giữa lý thuyết và  thực tế, vì sự cách biệt này vừa gây đau khổ cho  mọi người vừa làm cho giáo huấn luân lý của  Hội Thánh bị mất tín nhiệm. Vì thế các nghị phụ đã đi  tới chỗ xác định sự hiện hữu của một thứluật  tiệm tiến: luật này nhìn nhận rằng sự hoán cải  đòi hỏi thời gian. Đứng trước một quy luật chưa  thể áp dụng ngay được trong lúc này, vì có một số giá  trị khác cũng bị đe dọa, thì đôi khi người ta có thể  chấp nhận một thời hạn nào đó với một số điều kiện.

3. Nhiều giáo hội địa phương đã cố giải thích làm giảm nhẹ giáo huấn tại Thông điệp HV:
Mặc dù Thuyết tiệm tiến không được công nhận, nhưng đứng trước nhiều giáo huấn quá bất hợp lý, đi ngược với thời đại tại Thông điệp HV (như cấm sử dụng BCS, cấm giao hợp ngưng ngang, cấm uống ngừa thai...), một số chức sắc giáo hội địa phương đã cố ý làm giảm nhẹ tội trạng tại Thông điệp HV:
- Một số nhà thần học và Giám mục giải nghĩa, cũng không kết thành tội trọng cho những ai "có thiện chí, nhưng gặp trường hợp khó khăn không thể thi hành những điều Thông điệp dạy".
- Hội đồng Giám mục các nước Áo, Anh, Brazil, Nhật, Ý cho rằng vì thông điệp không kết án là mắc tội trọng, nên những đôi vợ chồng gặp "những trường hợp khó khăn" (có thể hiểu là vợ chồng còn trẻ mà đã có nhiều con, gia đình không mấy khá giả…), thì không bị loại khỏi việc lãnh nhận các Bí tích, mà còn được mời đón nhận thường xuyên. Nếu các đôi vợ chồng dù có thiện chí, nhưng không theo được những chỉ dạy trong thông điệp, vì những hoàn cảnh không thể tránh, thì họ không bao giờ nên nghĩ rằng mình đã tách rời khỏi tình yêu và ơn thánh Chúa.
- Theo Karl H. Peschke, SVD, Christian Ethics II, Goodlife Neale, 1985, ấn bản thứ 5, năm 1986 p.476: Các linh mục giải tội không nên loại trừ không cho rước lễ, những ai chưa hiểu rõ ràng giáo huấn của thông điệp, hoặc những ai thấy khó khăn vì bệnh nạn hay những lí do quan trọng khác.
- Các Giám mục Pháp viết: "Ngừa thai (Contraception) không bao giờ là điều tốt, nó luôn là điều mất trật tự, nhưng điều mất trật tự này không luôn luôn đáng tội (culpable)".

4. Một điều trái ngược là Thông điệp HV có mục tiêu bênh vực cho vai trò của người PN nhưng chính PN lại biểu tình rầm rộ nhất để chống lại Thông điệp này:
(Phần này lấy từ website ngoài đạo Công giáo):
- Giới truyền thông Mỹ cho rằng Thông điệp Humanae Vitae là một sự sỉ nhục một cách nhẫn tâm đối với phụ nữ, đặc biệt là đối với phụ nữ trong thế giới thứ ba.
- Ở khắp nơi, mỗi khi Giáo hoàng đi đến đâu, Mỹ hay trong thế giới thứ ba, cũng bị một số giáo dân biểu tình phản đối, mang những biểu ngữ với nhiều lời lẽ rất cực đoan như.  “Hãy để  chuỗi hạt mân côi của ông ở  ngoài buồng trứng của chúng tôi” (Keep your rosaries off our ovaries)...
- Những người chống đối lệnh cấm giáo dân dùng thuốc ngừa thai đã chỉ trích Hồng Y O’Connor là “Từ bục giảng ở nhà thờ St.Patrick, O’Connor đã góp phần trong sự truyền bệnh AIDS đưa đến diệt chủng”
Và nhiều vụ biểu tình khác, nhiều biểu ngữ phản đối ghê hồn khác, tôi không tiện nêu ra ở đây.
- Theo ACT UP (tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống bệnh AIDS): “Chính Giáo hội đã làm cho những cuộc phản đối này xảy ra khi giáo hội quyết định “xía vào những vấn đề công cộng"”

5. Thông điệp HV mâu thuẩn với chủ trương của LHQ về sức khỏe sinh sản và đe dọa vai trò của Vatican tại LHQ:
Do quan điểm sai biệt quá khác nhau nên giữa Tòa Thánh và LHQ là một chuỗi dài các mâu thuẩn xung đột về vấn đề dân số và gia đình:
1/ Vào năm 1969, LHQ thành lập và tài trợ Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các hoạt động về dân số đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Đại hội đồng LHQ. Viện trợ của UNFPA tập trung vào 3 lĩnh vực chương trình chính mà 1/3 lĩnh vực đó là Chương trình Sức khoẻ sinh sản: hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản bao gồm việc đưa ra nhiều lựa chọn hơn về các biện pháp kế hoạch hoá gia đình và cung cấp thông tin. Theo định nghĩa của UNFPA, chăm sóc sức khoẻ sinh sản bao gồm: KHH GĐ gia đình (khuyến khích ngừa thai); làm mẹ an toàn; tư vấn và phòng ngừa vô sinh; ngăn ngừa và chữa trị viêm nhiễm đường sinh sản và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bao gồm HIV/AIDS (khuyến khích sử dụng bao cao su);
2/ Có nhiều Tuyên bố của LHQ về vấn đề này mâu thuẩn với Thông điệp HV:
- Tuyên bố tại Hội quốc tế về nhân quyền họp tại Áo năm 1993, trong đó nhấn mạnh quyền được lựa chọn các biện pháp tránh thai và hưởng các dịch vụ về KHH GĐ
- Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo vào tháng 9/1994. Lúc đó nhiều quốc gia, trong đó có chính quyền Clinton, muốn hợp thức hóa vấn đề toàn cầu hóa phá thai. ĐTC GP II đã viết thư cho từng vị lãnh đạo trên thế giới và được sự hỗ trợ của các phái đoàn Phi Châu, Mỹ Châu La Tinh, Đức HY Martino lúc ấy là đại diện Vatican, đã lên tiếng đề nghị rằng không nên coi phá thai là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Nhờ sự lên tiếng này, Chương Trình Hành Động, do Hội Nghị Cairo biểu quyết, có đoạn viết:“Bất luận trong trường hợp nào, cũng không nên cổ vũ phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình”
- Tuyên bố tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995, trong đó có nêu: Quyền con người của phụ nữ bao gồm quyền được kiểm soát và quyết định một các tự do và có trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến tình dục của họ, bao gồm sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Lúc đó nhiều quốc đã kết hợp với nhau và làm mọi cách để loại bỏ câu trên, nhưng không thành công.
3/ Như quý vị trong EG này đã có lần đàm luận về phong trào “Defend Vatican”, kêu gọi ký thỉnh nguyện thư ủng hộ để Bảo vệ Tòa Thánh trước sự dữ.
Đã hai lần Vatican bị sự dữ tấn công là bị vận động tẩy chay ra khỏi vai trò quan sát viên tại LHQ:
Lần 1: vào năm 1999, thời của ĐTC Gioan Phaolô II, Vatican bị một số quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc muốn tẩy chay nhưng không thành công. Lần đó xuất phát từ tổ chức Catholics for Choice (ở Mỹ, không được Giáo hội công nhận) nại cớ “Tòa Thánh Vatican áp đặt các quan điểm truyền thống Công giáo về vấn đề sức khỏe sinh sản (reproductive health)” để vận động tẩy chay.
Lần 2: vào ngày 16/1/2014, trong cuộc điều trần ở LHQ về vấn đề bênh vực trẻ em trên thế giới, Chủ tịch của tổ chức Catholics for Choice là John O'Brien, lợi dụng dịp may hiếm có liên quan đến tình trạng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội Công giáo, đã tấn công Tòa Thánh rằng: "Tòa Thánh không có quyền có chân trong LHQ và không được ký vào những văn bản hiệp ước cũng như những văn bản thỏa thuận này
- Sau đó, Tòa Thánh nhận được bản tường trình của Tiểu Ban LHQ về Quyền Lợi Trẻ Em thì thấy rằng: ngoài việc tố cáo về việc trẻ em đã bị linh mục Công giáo lạm dụng tình dục và các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội bao che nội bộ, còn có vấn đề Giáo Hội cần phải chỉnh lại giáo huấn về vấn đề ngừa thai và phá thai.

***
Thay lời kết

1/ Hiệu quả tránh thai của các biện pháp cổ điển mà Thông điệp HV cho phép và Giáo hội quảng bá khá thấp và không bảo đảm an toàn. Thống kê cho thấy:
- Phương pháp kiêng giao hợp định kỳ (Ogino-Knauss): là phương pháp thông dụng nhất. Theo thống kê từ nguồn của đạo Công giáo: nếu theo dõi tính chính xác và chu kỳ tương đối đều: thất bại khoảng 9%; nếu chu kỳ kinh nguyệt thất thường: thất bại từ 13 đến 20%. Thống kê từ nguồn khác: thất bại 25%, thậm chí có tài liệu nói thất bại từ 58-62%.
- Phương pháp coi chất nhờn (Billings): thất bại trung bình 22-25%
- Phương pháp do nhiệt độ (Ferin): thất bại 20%
Do hiệu quả tránh thai thấp, tính chất phức tạp khi áp dụng và các yếu tố tình dục khác (ham muốn bất thường...) các biện pháp nói trên chỉ còn giá trị khi...muốn có con
2/ Không nói lý thuyết đâu sâu xa, từ nhưng con số thống kê trên đi vào thực tiển đời sống, ta thấy: Tại sao những gia đình người công giáo vẫn không có nhiều con hơn như các gia đình khác. Phải chăng họ đã từng vi phạm giáo huấn của Hội Thánh về các biện pháp hạn chế sinh sản? (có ai trong quý đảm bảo rằng trong đời mình chưa hề phạm phải trọng tội về áp dụng các biên pháp hạn chế sinh sản ngược lại với giáo điều của Giáo hội?). Phải chăng Thông điệp HV đã đẩy nhiều tín hữu Công giáo thành người có tội vì mong muốn kế hoạch hóa gia đình của mình theo chiều hướng tích cực.
3/ Như tôi đã có lần đề cập, 1 nhà xã hội học công giáo đã chia người công giáo ra làm 3 nhóm tùy theo thái độ tín lý của họ:
Nhóm thủ cựu: chấp hành những tín điều của Giáo hội đề ra mà không bàn cãi gì, chống lại các canh tân được cho là trái thánh ý Thiên Chúa
Nhóm hoài nghi: thực hiện bổn phận trọn vẹn của con chiên nhưng không hoài nghi về 1 số giáo điều xa rời thực tế, không phù hợp với xã hội hiện đại. Khi gặp các nố lương tâm không thế vượt qua, họ nhắm mắc tắc lưỡi vi phạm nhưng lương tâm vẫn cảm thấy cắn rứt, áy náy.
Nhóm bất chấp: khi thấy giáo điều quá xa rời thực tế, không thể thực hiện được, họ thoải mái vi phạm vì cho rằng mình đã làm đúng với lương tâm và tự cảm thấy mình trong sạch trước mặt Chúa
Có e rằng Thông điệp HV và học thuyết truyền sinh của Giáo hội có đẩy nhóm 2 sang nhóm 3, làm tăng nhóm 3 hay không?

MS (tháng 12/2014)

Không có nhận xét nào: