Đọc Phúc Âm, tôi không thấy thánh Giuse để lại lời nào. Nhưng khi cầu nguyện cùng thánh Giuse trong bầu khí Phúc Âm, tôi nhận thấy thánh Giuse có một đặc điểm nổi bật. Đặc điểm đó là đón nhận thánh ý Chúa. Tôi có cảm tưởng, đặc điểm đó chính là lời Ngài muốn nói với tôi.
Tinh thần đón nhận thánh ý Chúa nơi Ngài được ghi lại trong bốn trường hợp:
Ngài vâng đón nhận cô Maria làm bạn đời của mình (Mt 1,18-24),
Ngài vâng đón nhận lệnh lên đường sang Ai Cập lánh nạn (Mt 2,13-19),
Ngài vâng đón nhận lời truyền bỏ Ai Cập, để trở vềIsrael(Mt 2,19-21),
Ngài vâng đón nhận ý kiến tránh vùng Giuđê, để đến lập cư tại Nagiarét, vùng Galilê (Mt 2,22-23).
Tất cả đều vì mục đích bảo vệ Đức Maria và Hài nhi Giêsu.
Phúc Âm đưa ra bốn trường hợp trên. Cả bốn trường hợp đó cũng đủ cho phép tôi nên tập trung bắt chước Ngài về điểm đón nhận ý Chúa.
Đi theo điểm này, tôi biết là không dễ. Không dễ về nhiều mặt. Nhưng khó nhất là cách đón nhận ý Chúa và sau đón nhận ý Chúa. Tôi nói sự thực trên đây với kinh nghiệm tu đức, mục vụ và truyền giáo.
Tôi xin phép chia sẻ phần nào. Trước hết về cách thánh Giuse đón nhận ý Chúa.
Cách đón nhận.
1/ Ngài đón nhận bằng đức tin đi với hành động.
Đón nhận bằng đức tin là điều không cần nói. Nhưng bằng một đức tin đi đôi với hành động mau mắn là điều rất đáng kính phục. Sau này, thánh Giacôbê đã viết: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17).
Khi tả hành động vâng lời của thánh Giuse, Phúc Âm dùng những từ nói lên tính dứt khoát và mau lẹ. Như Ngài lập tức, chỗi dậy, ngay đang đêm vội vã lên đường (Mt 2,14.21).
2/ Ngài đón nhận bằng đức mến thiết tha đối với Chúa và lòng yêu thương nồng nàn đối với Đức Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu.
Tôi hiểu lòng mến của Ngài rất đúng với lời Chúa dạy: “Mến yêu với hết lòng mình, hết linh hồn mình và hết trí khôn mình” (Mt 22,37-40). Có nghĩa là cả bằng tình yêu siêu nhiên lẫn với tình yêu tự nhiên.
3/ Ngài đón nhận với lòng phó thác tuyệt đối.
Khi đón nhận các lời thiên thần truyền, thánh Giuse biết sẽ có những rủi ro đến từ nhiều phía. Nhưng Ngài không từ chối. Thậm chí Ngài cũng không thắc mắc. Ngài đón nhận ý Chúa một cách bình tĩnh, nhưng thông minh, ở chỗ Ngài phó thác tuyệt đối nơi Đấng đã sai mình.
Cách Chúa trao trách nhiệm cho thánh Giuse rất là đơn giản. Cách thánh Giuse đón nhận trách nhiệm cũng rất âm thầm. Không lễ nghi. Không nghi thức. Không ồn ào. Không phô trương. Không rườm rà. Không màu mè. Không tổ chức linh đình, sang trọng. Điều trao ban, điều đón nhận thuộc loại thiêng liêng, quí giá, quan trọng. Thế mà lại đã diễn ra hết sức đơn sơ, cực kỳ vắn gọn, khiêm tốn, âm thầm.
Phải chăng đó cũng là một chi tiết Chúa muốn chọn cho chương trình cứu độ.
Cách đón nhận là thế. Còn sau đón nhận thì thế nào?
Sau đón nhận.
1/ Thánh Giuse sống điều đón nhận với những lựa chọn tự do trong tinh thần trách nhiệm.
Chúa trao cho Ngài trách nhiệm bảo vệ Đức Maria và Hài nhi Giêsu. Ngài đón nhận trách nhiệm đó. Nhưng, khi thực hành trách nhiệm đó trong từng giai đoạn cuộc sống, với những hoàn cảnh khác nhau, thì Ngài phải tự suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, rồi tự chọn lựa những gì mình nghĩ là tốt hơn. Như, khi ởBelem, Ngài nên có những giao tiếp thế nào với ba vua, các mục đồng, và những người đến thăm. Như, khi lên đường trốn sang Ai Cập, Ngài nên mang theo những gì, nên dùng phương tiện nào để di chuyển. Như, khi sống giữa những người Ai Cập, vừa khác tiếng nói, văn hoá, vừa khác tôn giáo, Ngài phải xử sự thế nào vv… Tất cả những chi tiết cụ thể đó, Ngài không thể đợi thiên thần đến chỉ dạy. Nhưng chính Ngài phải tự toan tính, phải có sáng kiến. Chúa để Ngài tự do. Và Ngài phải chịu trách nhiệm về sự tự do của mình.
2/ Ngài sống điều đón nhận với nhận thức một thực tế lẫn lộn ánh sáng và bóng tối.
Ánh sáng là những người lành, việc lành. Bóng tối là những người xấu, việc xấu.
Sự xấu là một sức mạnh lớn. Nhưng sự lành cũng là một lực lượng mạnh. Sự đấu tranh giữa Thiện và Ác là rất cam go. Tuy nhiên nhân loại rất cần ơn Chúa cứu độ, để đem sự thiện đến chiến thắng. Ơn cứu độ được ban cho nhân loại nơi Đức Kitô, mà thánh Giuse có sứ mệnh che giấu trong một thời gian Chúa muốn.
3/ Ngài sống điều đón nhận với lòng rất khiêm tốn và thái độ kín đáo, tỉnh thức, cầu nguyện.
Xem ra chính Chúa muốn điều đó. Phúc Âm nói quá ít về thánh Giuse. Kinh nguyện Thánh Thể, tức kinh Tạ Ơn, II, III, IV, trong thánh lễ, không nhắc đến tên Ngài. Cũng không nghe thấy chuyện Ngài đã hiện ra nơi này nơi nọ, để biến nơi đó thành nơi hành hương nổi tiếng. Đúng là Ngài luôn luôn sống lời ca tụng: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Ngài ẩn mình trong cảnh nghèo nàn khiêm tốn. Nhưng chính vì thế Ngài trở nên một chứng nhân Tin Mừng giàu sức lôi cuốn.
Trên đây là mấy điều thánh Giuse dạy tôi, để thánh hoá tôi, nhất là để tôi biết cộng tác với Ngài trong việc bênh vực Hội Thánh và loan báo Tin Mừng.
Thú thực là tôi còn rất xa những điều Ngài dạy. Với lòng sám hối, tôi cầu xin Chúa thứ tha cho tôi. Những khoảng cách đau buồn sẽ mãi còn, nếu không được Chúa thương tình cứu độ.
Nhưng tôi tin: Thánh Giuse đón nhận sẽ vui lòng đón nhận những ai chạy lại bên Ngài, xin Ngài cầu bầu cùng Chúa cho. Chúng ta đừng ngại đến với Ngài.
Hiện nay đang xảy ra nhiều thứ bất ổn, kể cả bất ổn về tôn giáo. Bất ổn tôn giáo sẽ không thể giải quyết đơn thuần bằng các cách tự nhiên. Nhất là khi bất ổn đó lại do ma quỉ chủ mưu. Cách đối phó hữu hiệu đối với các bất ổn tôn giáo là cầu nguyện, sám hối và sống noi gương thánh Giuse.
Thánh Giuse là Bổn Mạng Hội Thánh ViệtNam. Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện với Ngài. Tôi tin Ngài sẽ đón nhận lời cầu của ta.
+ ĐGM GB. BÙI TUẦN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét