Một cuốn phim mang tựa đề “Thế giới trong tăm tối” kể chuyện một nhà khảo cổ danh tiếng, sau nhiều năm vất vả khai quật vùng đất gần nơi Đức Kitô (ĐKT) bị đóng đanh, tuyên bố ông đã tìm thấy xác ĐKT. Ông tổ chức một cuộc họp báo, và trong cuộc họp báo này ông trưng ra rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh cái xác mà ông tìm thấy chính là xác ĐKT, với những vết đanh ở tay chân, vết giáo đâm ở cạnh sườn, có cả vòng gai vẫn còn đội trên đầu. Và như vậy, chứng tỏ rằng ĐKT đã không sống lại, và tin đồn ĐKT phục sinh chỉ là một tin đồn nhảm, một sự lừa bịp!
Cả thế giới bàng hoàng và Giáo hội Công giáo sụp đổ. Người ta bắt đầu phá hủy các nhà thờ, nhà nguyện, các tu viện và các chủng viện, hoặc biến những nơi này thành chỗ ăn chơi, quán bar, quán cà phê. Chính những người công giáo đi lùng bắt các chức sắc trong Giáo hội, từ giáo hoàng, hồng y, giám mục cho đến các linh mục tu sĩ, nguyền rủa, đánh đập và nhốt tất cả vào một nơi cho đáng cái tội đã lừa dối họ trong bao nhiêu năm qua! Không ai còn nghe thấy tiếng chuông nhà thờ nữa, không ai còn đi tu nữa; các linh mục, các tu sĩ bỏ nhiệm sở ra lấy vợ; các nữ tu cởi áo dòng ra lấy chồng; không còn ai đi lễ đi nhà thờ nữa; không còn ai đọc kinh cầu nguyện gì nữa! Cả thế giới chìm trong nỗi hoang mang tuyệt vọng cùng cực!
Rất may, câu chuyện vừa kể chỉ là câu chuyện giả tưởng. Cuốn phim kết thúc bẳng cảnh nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta thú nhận : “Tôi đã đánh lừa thế giới, chính tôi đã làm một cái xác giả và bí mật đặt vào trong một ngôi mộ mấy năm trước khi tôi tung ra tin đã tìm thấy xác của ĐKT.” Sau lời tự thú của nhà khảo cổ, hàng ngàn người tuốn đến các nhà thờ, chuông các thánh đường lại vang lên, đèn trong nhà thờ được thắp sáng; các chủng viện mở cửa trở lại; người ta lại ùn ùn kéo nhau đi tu, số linh mục tu sĩ còn đông hơn trước. Người ta reo hò, ca hát, cầu nguyện thâu đêm suốt sáng, tiếng Halleluia! Halleluia! lại vang lên khắp nơi vì biết rằng ĐKT thực sự đã phục sinh, và niềm tin và hy vọng của họ vào Thiên Chúa, vào Giáo hội càng được củng cố thêm (Lẽ Sống 252 – Tủ sách Dân Chúa Úc Châu phát hành 1997 – Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu).
Quả thật, ĐKT phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo, là nguyên lý sống còn (raison d’être) của Giáo hội Chúa Kitô. Phủ nhận sự kiện ĐKT phục sinh không những sẽ làm cho tòa nhà Giáo hội lung lay, mà còn phá hủy tận gốc đức tin và niềm hy vọng được sống đời đời của người Công giáo và Kitô giáo. Nếu ĐKT không sống lại thì toàn bộ giáo lý của Ngài, những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, những phép lạ Ngài thực hiện, nói chung tất cả cuộc đời của Ngài, công cuộc nhập thể và cứu chuộc của Ngài đều trở thành vô nghĩa và dối trá!
Trong thư thứ nhất của ngài, thánh Phêrô viết : “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1, 3-4).
Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa trong thư gửi cho giáo đoàn Côrintô : “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê – pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, lả kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.
“Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế (về ĐKT phục sinh), và anh em đã tin như vậy. Nhưng nếu chúng tôi đã rao giảng rằng ĐKT đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì ĐKT đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Ki tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả dối của Thiên Chúa… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào ĐKT chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! ĐKT đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15, 3-21).
Trong Tân Ước, có bốn nhóm sự kiện, hay biến cố liên quan đến sự phục sinh của ĐKT, cũng là những sự kiện làm nền tảng của niềm tin và cốt lõi của thần học Kitô giáo về phục sinh, đó là : lời tiên báo và khẳng định của ĐKT, đóng đanh trên thập giá và an táng trong mồ, phát hiện ra ngôi mộ trống, và những lần Chúa Kitô hiện ra sau khi Ngài sống lại.
1/ Lời tiên báo và khẳng định của ĐKT. Theo các sách Tin Mừng nhất lãm, thì đã ba lần ĐKT nói trước về cuộc thương khó và cái chết của Ngài, và lần nào cũng vậy ĐKT đều kết thúc bằng lời khẳng định : “Và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy” Lần thứ nhất (Mt 16, 21; Mc 8, 31; Lc 9, 22) viết : “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kì mục, các thượng tế và kinh sư, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” Lần thứ hai (Mt 17, 22-23; Mc 9, 31) : “Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” Lần thứ ba (Mt 20, 17-19; Mc 10, 33-34; Lc 18, 31-33 ) : “Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông : “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.”
Lời tiên báo của ĐKT gây nên những phản ứng tức thời nơi chính các môn đệ của Chúa, lúc thì Phêrô can ngăn Ngài : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”; lúc thì các ông buồn vì lời tiên báo đó; lúc khác các ông lại hoang mang sợ hãi. Như vậy lời tiên báo của ĐKT là rất nghiêm túc, và các môn đệ cũng cảm thấy như vậy. Chính các thượng tế và người Pharisêu cũng coi những lời tiên báo của ĐKT là nghiêm túc và có trọng lượng, chứ không phải chỉ là chuyện các môn đệ nói thêm thắt hay bịa ra, cho nên các ông lo sợ và đến gặp tổng trấn Philatô : “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp ấy khi còn sống có nói : “Sau ba ngày, Ta sẽ chỗi dậy.” Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác hắn đi, rồi phao với dân chúng rằng hắn đã từ cõi chết chỗi dậy” (Mt 27, 62-64).
Sự lo sợ và cảnh giác của các thượng tế và người Pharisêu quả thực là có cơ sở, bởi vì họ đã từng chứng kiến ĐKT làm cho con gái viên sĩ quan sống lại (Mt 9, 23-25), làm cho thanh niên con bà góa thành Naim sống lại (Lc 7, 11-16), và nhất là làm cho Lazarô đã chết được bốn ngày, đã chôn trong mồ, đã có mùi, cũng được sống lại (Ga 11, 39-45), sự kiện đã làm cho những thượng tế và người Pharisêu hoảng hốt và mất đi nhiều đồ đệ, vì khi thấy Lazarô sống lại họ đã bỏ các thượng tế và người Pharisêu để đi theo ĐKT. Không ai có thể cho cái mình không có. Các thượng tế và người Pharisêu chắc là quá biết câu phương châm này. Nếu ĐKT không có khả năng tự mình phục sinh thì làm sao Ngài có thể làm cho người khác sống lại được?
2/ Chết và an táng trong mồ. Tất cả bốn Tin Mừng đều nói rằng vào buổi chiều sau khi ĐKT bị đóng đanh vào thập giá, ông Joseph Arimathea đến xin tổng trấn Philatô cho tháo đanh ĐKT xuống. Được tổng trấn cho phép, Joseph liệm xác ĐKT và đặt vào trong mồ đá. Tin Mừng Marcô còn thêm một chi tiết là khi Joseph đến gặp Philatô để xin xác ĐKT, Philatô ngỡ ngàng vì ĐKT đã chết, và ông cho gọi một viên sĩ quan đến để kiểm chứng tin này. Sau khi được viên sĩ quan xác nhận ĐKT đã chết, Philatô mới cho phép Joseph tháo xác ĐKT xuống và an táng. Tin Mừng Gioan nói, không chỉ một mình ông Joseph tháo đanh và an táng ĐKT, mà còn có sự trợ giúp của một người khác tên là Nicôđemô, ông này mang theo bình dầu thơm để xức xác ĐKT, như phong tục người Do thái thời đó.
3/ Phát hiện ngôi mộ trống. Nói về ngôi mộ trống, tất cả bốn Tin Mừng đều giống nhau trong những điểm sau đây : a/ Tương quan giữa ngôi mộ trống và việc ĐKT hiện ra với các phụ nữ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần; b/ ĐKT hiện ra đầu tiên với các phụ nữ và sai họ báo tin cho các môn đệ biết; c/ Vai trò nổi bật của Maria Madalena trong số những người phụ nữ này; d/ Các phụ nữ khi đến mộ thì phát hiện ngôi mộ trống. Họ biết là xác ĐKT không còn trong đó. Ban đầu họ tưởng là người ta đã đem xác ĐKT đi nơi khác, rồi ngay sau đó ĐKT hiện ra với các bà và cho các bà thấy là Ngài đã phục sinh [1]
Các sách Tin Mừng không nói đến cái “khoảnh khắc” ĐKT phục sinh như thế nào. Theo nhà thần học Peter Carnley, sự phục sinh của ĐKT hoàn toàn khác với sự sống lại của Lazarô. Trong trường hợp của Lazarô, tảng đá đã được lăn ra để Lazarô có thể từ từ bước ra, còn ĐKT không cần phải lăn tảng đá ra, vì thân xác Ngài đã biến đổi và có thể đi xuyên qua bất cứ không gian và bất cứ lúc nào. Giải thích này của Peter Carnley vô tình trùng khớp với thực trạng của tấm vải liệm thành Torino, bởi vì nếu ĐKT sống lại và đi ra một cách thể lý như khi Ngài còn sống trong thân xác, thì tấm khăn liệm sẽ không còn được nguyên vẹn như mọi người thấy ngày nay, mà nó sẽ bị rách nát! ĐGH Phaolô VI nói : “Tấm khăn liệm thành Torino là một tài liệu (chứng từ) tuyệt vời về cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của ĐKT, được viết cho chúng ta bằng chính máu của Người” [2].
Thực ra, việc các sách Tin Mừng không ghi lại được “khoảnh khắc” phục sinh của ĐKT không phải là vấn đề quá quan trọng, và cũng không vì thế mà làm mất tính xác thực của sự kiện phục sinh; vấn đề quan trọng là Ngài có thực sự phục sinh và có những bằng chứng xác thực, cụ thể về sự phục sinh hay không? Cũng như khi một bác sĩ xác nhận một bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, thì không cần ông phải nhìn tận mắt cái “giây phút” bệnh nhân bình phục (đêm qua lúc mấy giờ, mấy phút mấy giây), mà chỉ cần ông thấy rõ là thực tế bệnh nhân của ông hiện nay đã khỏi bệnh.
4/ Những lần ĐKT hiện ra sau khi Ngài sống lại. Sau khi tường thuật việc các bà và một số tông đồ phát hiện ra ngôi mộ trống, các sách Tin Mừng đều nói đến những lần ĐKT hiện ra sau đó với các môn đệ : trước hết, hiện ra với các ông trong phòng đóng kín mà không có Thomas ở đó (Ga 20, 19-23). Sau đó lại hiện ra với các môn đệ, có cả Thomas hiện diện. Chính Thomas đã tin khi nhìn thấy vết đinh ở chân tay Chúa, cũng như vết giáo đâm ở cạnh sườn Chúa (Ga 20, 24-29). Rồi hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus (Lc 24, 13-32), và bên biển hồ Galilê (Ga 21, 1-23). Lần hiện ra cuối cùng với các môn đệ là khoảng 40 ngày sau khi phục sinh khi ĐKT lên trời trước mắt các môn đệ (Lc 24, 44-49). Và sau này ĐKT hiện ra và cảm hóa Phaolô trên đường Damascus (1 Cr 15, 8).
Dĩ nhiên, bất chấp những chứng cứ rõ ràng về việc ĐKT phục sinh, vẫn có những người không tin đó là sự thật, và họ tìm mọi cách để bao biện cho lập trường của mình. Chẳng hạn Heirich Paulus, trong cuốn sách của ông tựa đề Cuộc đời Đức Giêsu (1828) ông viết : “Đức Giêsu chưa chết khi người ta tháo xuống từ cây thập giá. Rồi nhờ khí lạnh trong mồ làm cho Ngài hồi lại. Sau khi cởi áo liệm và mặc áo người làm vườn, Ngài đi ra và đến gặp các môn đệ…” Strauss phản bác ý kiến “ngây ngô” này của Heinrich Paulus và nói : “Làm sao mà một người vừa hồi tỉnh và ra khỏi mồ, nửa sống nửa chết, bước đi còn chưa nổi, còn cần đến sự chăm sóc đặc biệt của thuốc men, con người đã ngã quị trước đau khổ, lại có thể tạo ra ấn tượng với các môn đệ rằng Ngài hoàn toàn khỏe mạnh và đã chiến thắng cái chết và nấm mồ? [3]. Và nhất là một người yếu như thế làm sao có thể đẩy tảng đá chặn cửa mồ nặng cả tấn như vậy được?
Người khác lại không công nhận nấm mồ trống là minh chứng về sự phục sinh, vì xác ĐKT có thể đã bị ai đó đánh cắp. Nhưng nếu giả thiết xác ĐKT bị đánh cắp thì làm sao mà qua mặt được những người lính gác mộ? (Mt 28, 65-66). Chúng ta đặt câu hỏi : ai đã đánh cắp xác ĐKT và tại sao họ lại đánh cắp xác ĐKT, làm như vậy để làm gì? Những người lính La mã của tổng trấn Philatô chắc chẳng có lý do gì để ăn trộm xác ĐKT, vì trước đó họ đã trao xác ĐKT cho ông Joseph đem đi mai táng. Lại càng vô lý nếu cho rằng các thượng tế, kinh sư và người Pharisêu lấy xác ĐKT, bởi vì nếu đúng như vậy thì họ chỉ cần trưng ra xác ĐKT và nói rằng : “Hãy xem này, ông Giê-su không sống lại đâu, xác ông ta đây nè!” là đã có thể làm tan rã phong trào mới nhen nhúm của những người tin theo ĐKT [4].
Một số người lại vu cáo các môn đệ Chúa lấy xác ĐKT và giấu ở một nơi nào đó rồi tung tin ĐKT đã sống lại. Thực ra ý tưởng này không mới, cách đây hơn 2000 năm, chính các thượng tế và các kỳ mục đã bàn bạc và bảo các người lính canh mồ cứ nói rằng : ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác (Mt 28, 12-13). Bình luận về lời vu cáo “nực cười”này, Thánh Augustinô đã nói cách mỉa mai : “Có ai lại tin những lời chứng của người đang ngủ bao giờ? Nếu những người lính nói : đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ ĐKT đến lấy xác Người mang đi. Ngủ mà sao lại biết các môn đệ lấy xác, nếu người khác không phải môn đệ đến lấy xác thì sao? Mà nếu biết, tại sao không bắt? Cho nên càng cố lấp liếm che đậy sự thật thì sự thật càng lộ ra!
Cứ cho là những người lính gác mồ nói sự thật đi nữa, thì chuyện các môn đệ đến lấy xác có thể xảy ra được không? Với những con người hèn nhát, sợ sệt như các môn đệ, người Do thái chưa đả động gì đến mà đã sợ đến nỗi co cụm lại trong một căn nhà lúc nào cũng khóa trong khóa ngoài vì sợ người Do thái (Ga 20, 19), liệu họ còn hồn vía gì mà dám mạo hiểm đến lấy xác, phải nói là cướp xác ĐKT, rồi giấu ở một nơi nào đó? Giả thuyết này hoàn toàn phi lý, và về tâm lý, không thể tin được (psychologically incredible), vì nếu như vậy thì các môn đệ không những phạm tội lừa đảo, mà lại còn chết cho sự lừa dối điên rồ của mình! Có ai dại dột đến nỗi chết cho một sự lừa dối trắng trợn và có chủ ý không? Nguyên sự kiện tấm vải liệm và khăn trùm mặt ĐKT được gấp lại cẩn thận và để sang một bên (Ga 20, 7), chứng tỏ đây không phải là chuyện của những tên ăn trộm, vì những tên trộm chẳng rỗi hơi đâu mà mất giờ gấp những tấm vải đó lại làm gì, chúng sẽ tẩu thoát cho nhanh kẻo người ta phát hiện ra chúng! [5]
Một chi tiết đáng lưu ý nữa trong các tường thuật về sự phục sinh là ĐKT không hiện ra với các môn đệ, mà lại hiện ra với các người phụ nữ trước [6]. Điều này chứng minh việc ĐKT phục sinh không phải là chuyện Giáo hội bịa đặt ra sau này, như C.F.D. Moule nhận xét : “Thật khó mà lý giải làm sao mà câu chuyện về sự phục sinh của ĐKT lại được thêu dệt sau này, để phục vụ cho mục đích minh giáo, mà chủ yếu chỉ dựa trên những lời chứng của các người phụ nữ, vì theo quan niệm của người Do thái (Jewish principle of evidence), lời chứng của phụ nữ không được công nhận là lời chứng đáng tin cậy và có giá trị pháp lý? “(Moule, the Significance of the Message of the Resurrection for Faith in Jesus Christ, 1968, p. 9).
Dĩ nhiên, cho tới ngày hôm nay, vẫn còn một số người mạnh miệng rêu rao rằng biến cố PS là sự lừa bịp. Chúng ta hãy khách quan đặt vấn đề : một sự lừa bịp như thế có thể tồn tại được không? Người ta vẫn nói : ”Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người trong một thời gian ngắn, hoặc đánh lừa một số ít người trong thời gian lâu hơn, nhưng bạn không thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.” Trong suốt 20 thế kỷ qua, những người tin vào ĐKT phục sinh là những ai? Có phải chỉ toàn ông già bà lão lẩm cẩm, những trẻ em nhẹ dạ dễ tin, những người quê mùa ít học? Trái lại họ là những triết gia, những nhà bác học,(những Louis Pasteur, Einstein, Thomas Edison, Paul Claudel), những tiến sĩ, luật sư, những nhà trí thức. Làm sao xí gạt được những người như thế?
Hàng trăm ngàn, phải nói hàng triệu người trên khắp thế giới và qua mọi thời đại đã dám chết để làm chứng cho biến cố PS. Không lẽ họ ngu xuẩn đến nỗi chết cho một huyền thoại ảo? Không lẽ họ sẵn sàng từ bỏ danh vọng, địa vị, giàu sang, gia đình, vợ con để đổi lấy cái xác chết của một người họ không quen biết, một tên lừa bịp? Một xác chết không thể hấp dẫn đến thế được. Vậy thì chỉ có thể là một Thiên Chúa, một ĐKT còn đang sống, một ĐKT đã phục sinh vinh hiển mới có thể làm nên điều kỳ diệu như vậy được. Đúng như Ngài đã tiên báo : ”Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta.”
Chính những kẻ lì lợm nhất, cứng lòng nhất lại là những nhân chứng hùng hồn về biến cố PS. Những người lính gác mồ Chúa đâu có cảm tình gì với ĐKT, thậm chí họ ghét cay ghét đắng và nhục mạ Ngài, thế mà họ phải thú nhận : Ông Giêsu đã sống lại rồi (Mt 28, 11-15). Viên sĩ quan đứng dưới chân thập giá cũng phải thốt lên : “Đúng người này là con Thiên Chúa.” (Mt 27, 54). Thoma, người môn đệ đã từng vỗ ngực tuyên bố ông sẽ không bao giờ tin, nếu như ông không nhìn thấy lỗ đinh và những vết thương của Chúa cũng xúc động thưa : ”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
Rồi Phaolô, con hổ đói của Do thái giáo, chuyên đi săn lùng các tín hữu để bắt và giết cũng phải đầu hàng trên đường Damas : ” Thưa Ngài, Ngài muốn con làm gì?” Một phút bị lóa mắt vì mệt mỏi trên đường đi Damas (như một số tác giả nói) có thể làm cho Phaolô choáng váng trong chốc lát, nhưng không thể làm thay đổi một con người vốn cuồng tín với Do thái giáo, quyết đoán và mạnh mẽ, cứng đầu cứng cổ như Phaolô và thay đổi cả cuộc đời sau đó của Phaolô, đến nỗi ngài bỏ Do thái giáo, theo ĐKT, rao giảng về ĐKT, gắn bó và sống chết với ĐKT như ngài nói sau này : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô (Pl 3, 8). “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, cùng khốn, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo? (Rm 8, 35).
Chứng minh hùng hồn về sự phục sinh của ĐKT
Xin mượn lời thánh Gioan Kim Khẩu để kết thúc bài chia sẻ hôm nay : “Làm sao mà mười hai người dân chài dốt nát, sống trên ao hồ, sông lạch hay trong vùng hoang địa lại dám nghĩ đến chuyện toan tính những việc đại sự ấy? Làm sao những kẻ có lẽ chưa bao giờ đặt chân tới một vùng phố thị, chưa khi nào xuất hiện trước công chúng, lại dám tung ra một trận chiến chống lại cả thế giới? Làm sao một Phê-rô nhát như cáy, chỉ một câu nói lấp lửng của một người tớ gái mà ông đã sợ hết vía, chối Thầy lia lịa, mà bây giờ lại dám đứng ra trước công nghị và dõng dạc tuyên bố : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”?Làm sao mà những người môn đệ khi thấy Chúa bị bắt đã cao bay xa chạy, thậm chí không dám ra khỏi phòng vì sợ người Do thái, mà bây giờ dám mạnh dạn rao giảng về ĐKT phục sinh và sẵn sàng chết vì ĐKT?[7]
Vậy khi ĐKT còn sống, họ đã không chịu nổi sức tấn công của người Do thái, thì khi ĐKT đã chết làm sao họ dám tung ra một trận chiến chống lại cả địa cầu rộng lớn đến thế? Chính vì vậy mà nếu họ không thấy Chúa sống lại, nếu họ không có bằng chứng rõ ràng về quyền năng của Người, thì họ đã không dám liều đến thế!” (Thánh Gioan Kim Khẩu – Kinh Sách, lễ thánh Batôlômêo tông đồ, 24/8).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét