Hãy bán của cải mình đi mà bố thí.
Có một bà kia, khi đi tham dự thánh lễ, đã gặp một cô bé đang ngồi van xin bố thí. Em bé nói:
- Xin bà thương cho cháu một đôi giày vì chân cháu lạnh cóng.
Bà ấy hứa cho cô bé một đôi vào chiều ngày lễ Chúa Giáng sinh. Thế rồi bà ấy quên khuấy đi mất. Đúng hẹn, cô bé tìm hỏi và bà ấy chỉ biết mỉm cười xin lỗi rồi bước vào trong nhà thờ. Ngồi tham dự thánh lễ mà bà cảm thấy chẳng được an tâm chút nào. Thế là bà ấy đứng lên ra ngoài để gặp cô bé và rồi bà ấy đã nói với cô bé:
- Này nhé! chúng ta hãy trao đổi giày cho nhau. Em sẽ đi giày của tôi, còn tôi thì sẽ đi giày của em. Cô bé ngập ngừng trong giây lát rồi mới chấp nhận. Trên đường về nhà, đôi giày của cô bé làm cho đôi bàn chân của bà ấy vừa lạnh cóng vừa trầy xát vì đôi giày quá nhỏ. Thế nhưng, vừa về tới nhà thì một người đàn ông đang chờ bà. Ông này là thân nhân của một người bệnh mà bà từng chăm sóc; ông ta nói mấy lời cám ơn và trao cho bà một quà tặng và bảo:
- Đây là món quà tượng trưng nhân dịp lễ Giáng sinh để tỏ lòng biết ơn chị, đã vất vả chăm sóc cho mẹ tôi.
Món quà ấy là một đôi giày mới, rất hợp với đôi bàn chân của bà ấy. Xỏ thử đôi giàu mới này, bà ấy nhớ tới lời Chúa:
- Hãy cho thì sẽ được cho lại.
Từ mẩu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay và chúng ta nhận thấy lý luận của Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại với lý luận của loài người, như lời Kinh Thánh đã xác quyết:
- Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng vào đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.
Thực vậy, chúng ta thường ích kỷ, càng chiếm hữu, càng thâu lượm được bao nhiêu, hay bấy nhiêu. Nền kinh tế loài người được đặt trên căn bản của sự tích luỹ. Càng tích luỹ càng trở nên giàu có. Trong khi đó, nền kinh tế của Thiên Chúa lại đặt cơ sở trên sự cho đi, với một nguyên tắc hoàn toàn khác hẳn: Càng cho đi thì càng trở nên giàu có, càng chia sẻ thì càng dư dật, bởi vì điều chúng ta cho đi, điều chúng ta chia sẻ chính là cái chúng ta giữ được cho mình ở nơi Thiên Chúa.
Nói chung, chúng ta thường có khuynh hướng sống theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo đáp ứng những nhu cầu của riêng mình. Chẳng hạn, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn này ơn nọ cho bản thân. Thế nhưng cách nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác hẳn: Hãy chia sẻ, hãy bố thí tất cả những gì chúng ta có cho người khác.
Dĩ nhiên để thực hiện được điều này, đòi hỏi chúng ta phải có một tình yêu thương dạt dào. Tình yêu thương dạt dào ấy chúng ta phải tập luyện hằng ngày. Và đó chính là bổn phận, là ơn gọi của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì chúng ta được mời gọi để sống mối dây liên hệ yêu thương với Thiên Chúa và với những người chung quanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét