Năm Mục vụ Gia đình 2017: - Gặp gỡ IX: TRONG XÃ HỘI
“Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, thương tích và vấy bẩn vì ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn kín cổng và an nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình” (Evangelii Gaudium 49).
Mục đích:
Giúp đôi bạn hiểu việc lựa chọn hôn nhân có một giá trị xã hội và đồng thời học biết quý trọng mối quan hệ xây dựng với các định chế và tổ chức xã hội hầu mở ra sống liên đới với mọi người.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Gia đình, được khai sinh với hôn nhân, là “hạt nhân tự nhiên và cơ bản của xã hội con người”. Bởi thế, xã hội và nhà nước phải bảo vệ gia đình và tạo ra những điều kiện để gia đình có thể phát triển trọn vẹn và hoàn tất các nhiệm vụ của mình.
Đàng khác cũng vì thế, cả anh chị nữa, trong khi cố vượt qua một cái nhìn hạn hẹp xem gia đình chỉ là thế giới “riêng tư”, anh chị phải khám phá lại vai trò và nhiệm vụ xã hội của gia đình. Quả thật, ngay cả gia đình của anh chị cũng sẽ có thể và phải đóng góp cho sự phát triển xã hội, không chỉ bằng cách sống yêu thương cụ thể, cởi mở với sự sống và giáo dục con cái trong nhà, mà còn qua thực hành cởi mở tiếp đón khách lạ và sống liên đới, và cùng với các gia đình khác, gia đình anh chị hãy góp phần chủ động để có một chính sách về gia đình tốt hơn.
Lời Chúa: trong Tin Mừng theo thánh Matthêu
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,31-40).
Tất cả: Lạy Chúa, xin cho gia đình chúng con trở nên hiếu khách và biết tiếp rước mọi người, để loan báo cho thế giới về tình phụ tử của Thiên Chúa, tình mẫu tử của Hội thánh. Xin cho chúng con biết mở lòng ra với những người nghèo khổ nhất để họ cảm nghiệm được tình thương của Ngài. Xin cho chúng con biết lưu tâm đến các đôi vợ chồng đang gặp khó khăn. Cho chúng con dấn thân làm thay đổi hoàn cảnh xã hội bất cập qua việc làm phục vụ cho công lý và bác ái. Amen.
Câu hỏi giúp suy tư:
– Theo anh chị nghĩ, gia đình và xã hội có mối tương quan như thế nào?
– Cho rằng hôn nhân là chuyện riêng tư và nghĩ rằng xã hội chỉ như là một thứ sở dịch vụ cung ứng an sinh, có đúng hay không?
– Anh chị có biết những hậu quả dân sự của cuộc hôn nhân mà anh chị đang chuẩn bị cử hành hay không?
Suy tư:
Hoàn cảnh hiện nay
Trong nền văn minh kỹ nghệ hiện nay dường như người ta không còn thấy tỏ hiện bao nhiêu ý thức về vai trò xã hội của gia đình nữa. Đàng khác, tình trạng bất ổn phổ biến với bao hình thái bệnh hoạn của các gia đình lại quay lại tác động lên xã hội. Bởi thế, đôi bạn đính hôn nghĩ về gia đình tương lai của mình thường dễ nhìn gia đình như một thực tại đóng kín và thờ ơ với mọi nhiệm vụ xã hội. Hậu quả là họ rất ít ý thức về trách nhiệm xã hội vốn cũng là đặc trưng của nhiều gia đình Kitô hữu. Đồng thời, khi nghĩ đến gia đình tương lai của mình, một số người dễ nghĩ đến nó với một thái độ tự vệ trước xã hội và các guồng máy xã hội hiện nay.
“Ngày nay chủ nghĩa cá nhân đôi khi dẫn ta đến lối sống khép kín trong sự an toàn của một tổ ấm bé nhỏ và cảm thấy tha nhân như một phiền toái nguy hiểm. Thế nhưng, sự cô lập này không đem lại niềm an bình và hạnh phúc, mà khép kín con tim của gia đình và làm cho gia đình mất đi tầm nhìn rộng lớn của cuộc sống” (Amoris Laetitia 187)
Hôn nhân trong xã hội
Khi hai người kết hôn một thực tại mới được sinh ra: hai người không còn là hai nữa nhưng đã trở thành một xương một thịt (cf. St 2,24). Trên bình diện xã hội, thực tại mới này có một cấu hình chính xác của nó: đó là các “đôi vợ chồng”, các “cặp phối ngẫu”. Khi kết hôn dân sự, trước khi ký giấy hôn thú, đôi bạn sắp cưới cũng thường được người chủ lễ nhắc nhở về đặc tính xã hội này của chọn lựa của họ (cf. điều 1-5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nước CHXHCN VN). Chiều kích xã hội này của đôi hôn phối liên hệ đến toàn thể gia đình sinh ra từ cuộc hôn nhân. Thật vậy, gia đình có những mối dây liên kết sống động và hữu cơ với xã hội, bởi lẽ cũng chính hành động tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng vốn “đã thiết lập hôn nhân như là khởi nguyên và nền tảng của xã hội loài người”, đã đóng ấn trong mỗi gia đình “sứ mạng làm tế bào đầu tiên và sống động của xã hội” (FC 42) . Quả thật, gia đình sinh hạ các thành viên mới; hình thành nên nhân cách của chúng; chuyển giao các giá trị cốt yếu của cộng đồng xã hội dân sự, như là phẩm giá của nhân vị, sự tin tưởng lẫn nhau, sử dụng tự do đúng đắn, đối thoại, tình liên đới, vâng phục quyền bính. Chính bởi là nền móng xã hội đó, mà gia đình có một nhiệm vụ xã hội tự bản sắc là độc đáo, không thể thay thế và bất khả chuyển nhượng. Như thế,
“Vì bản chất và ơn gọi của nó, thay vì đóng khung trên chính mình, gia đình rộng mở đến những gia đình khác và mở ra với xã hội, và chu toàn vai trò xã hội của mình” (FC 42)
Gia đình Kitô hữu trong xã hội
Ngoài ra, đối với gia đình Kitô hữu, còn có những lý do khác để lý giải và đòi hỏi gia đình phải dấn thân vào xã hội và cho xã hội. Lý do thứ nhất là, bí tích hôn phối, khi đảm nhận trọn vẹn thực tại nhân linh là tình yêu phu thê, làm cho các bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu có khả năng và thúc đẩy họ sống ơn gọi Kitô hữu giáo dân ở giữa đời của họ, và như thế thúc đẩy họ “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (Lumen Gentium 31). Từ tính cách trần thế đặc thù của ơn gọi Kitô hữu giáo dân đó, gia đình thấy phải đảm nhận nhiệm vụ xã hội và chính trị như một khía cạnh không thể bỏ qua của ơn gọi Kitô hữu giáo dân của mình. Một lý do khác là, gia đình Kitô hữu với tư cách là “Hội thánh tại gia” hay là “Hội thánh thu nhỏ”, được kêu gọi, như “Hội thánh lớn”, phục vụ xã hội để giúp xã hội thể hiện chính mình như là nền văn minh tình thương.
Nội dung đặc biệt và những cách thức cơ bản của nhiệm vụ xã hội của gia đình
Người ta có thể tập hợp nhiệm vụ xã hội của gia đình lại quanh ba lãnh vực hay mức độ sau đây: phạm vi bao quanh chính đời sống gia đình; sống tình liên đới; can thiệp trong lãnh vực chính trị xã hội.
Điều đầu tiên qua đó gia đình đóng góp phần mình cho xã hội và cho sự phát triển xã hội là tình thương, được sống dưới nhãn hiệu “cho không biếu không” nghĩa là một tình yêu thương vô cầu! Tình thương ấy được học sống từ trong gia đình, thể hiện cụ thể qua lối sống biết “nhẫn nhục, nhân hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không khiếm nhã, quảng đại, không nóng giận, không nuôi hận thù, dung thứ, biết vui với người khác, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7; cf. AL 90-119). Đây là một tiềm lực rất to lớn của gia đình, vừa như là một lời tố giác xã hội muốn xây dựng chủ yếu (nếu không muốn nói là duy chỉ) dựa trên tương quan nhắm đến hiệu năng và thực dụng, vừa như một lực thúc đẩy nhân bản hóa và nhân vị hóa chính xã hội.
Điều đặc biệt thứ hai gia đình phục vụ cho xã hội là: sinh hạ những công dân mới. Sinh sản và giáo dục con cái, vốn là hoa quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là điều kiện thiết yếu và nhân tố đệ nhất của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Nhưng có điều còn sâu xa hơn thế nữa, việc sinh sản của con người là một cuộc sinh hạ con người, một hành vi nhân bản đích thật bởi lẽ đó là một hành động “trao hiến sự sống”. Nói cách khác, gia đình phục vụ xã hội qua việc truyền sinh, theo nghĩa là thông truyền thực tại nhân vị sâu xa chứ không chỉ thuần túy là một sự kiện sinh học. Đây quả thực là một hành động dâng hiến, vốn là hoa quả và dấu chỉ của tình yêu liên vị (giữa người với người) và trọn vẹn của hai vợ chồng. Cũng nên quan tâm đến những khía cạnh khác của chiều kích xã hội của việc truyền sinh, chẳng hạn như giá trị xã hội nội tại của (đạo lý của Hội thánh về) việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Đây là một giá trị đã có mặt sẵn rồi từ trong nội dung của việc sinh sản có trách nhiệm. Thật vậy, sinh sản có trách nhiệm không hề được hiểu chỉ theo một chiều, theo nghĩa kiểm soát việc “sinh đẻ” (tức là chỉ nhằm hạn chế sinh sản), nhưng theo hai chiều, nghĩa là còn cởi mở đón nhận quảng đại sự sống mới. Và với quyết định này, đôi bạn còn phải biết đến các nghĩa vụ đối với xã hội. Còn về các phương thế để thực hiện việc truyền sinh có trách nhiệm, quan điểm của Hội thánh (vốn từ chối quyết liệt và coi phá thai, triệt sản, chống thụ thai là những hành vi bất hợp pháp nghiêm trọng) có một ý nghĩa xã hội rất lớn. Hội thánh chối bỏ mọi não trạng chống lại sự sống vì rốt cuộc đó không gì khác hơn là một cuộc tự sát tiềm ẩn của xã hội. Nếu nhìn vào con người chủ thể chịu trách nhiệm truyền sinh, ta sẽ thấy rằng Hội thánh muốn cứu lấy một lối đường đúng đắn cho các mối quan hệ trong xã hội qua việc bảo vệ quyền của đôi vợ chồng tự quyết định về số con sinh ra, chống lại mọi can thiệp phi lý.
“Mỗi đứa trẻ có quyền được hưởng tình yêu của một người mẹ và một người cha, cả hai tình yêu này đều cần thiết cho trẻ để được trưởng thành toàn diện và hài hòa. Như các Giám mục Úc châu đã khẳng định, cả hai “đóng góp, mỗi người một cách khác nhau, cho sự tăng trưởng của trẻ. Tôn trọng phẩm giá của một đứa trẻ có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó là có một người mẹ và một người cha”[1]. Vấn đề không chỉ là tình yêu của người cha và của người mẹ xét cách riêng rẽ, mà còn là tình yêu của họ dành cho nhau, vốn được coi như nguồn mạch của chính sự hiện hữu, như tổ ấm tiếp nhận và như nền tảng của gia đình” (AL 172).
Một điều đặc biệt thứ ba của chiều kích xã hội của gia đình liên hệ đến giáo dục. Mọi nền giáo dục, quả thực, bởi bản tính của nó, đều có mục đích hàng đầu là làm tăng trưởng tự do và trách nhiệm. Đó là những tiền đề thiết yếu để con người có thể đảm nhận các nhiệm vụ của mình trong xã hội. Hơn nữa, giáo dục có nghĩa là thông truyền một số các giá trị cơ bản như tự do thực sự trước các sức mạnh của cải vật chất, sự kính trọng tha nhân, nhạy cảm với công lý, thái độ tiếp đón chân thành, tinh thần đối thoại, sẵn sàng phục vụ quảng đại vô vị lợi, sự liên đới sâu xa với người nghèo khổ… Chỉ những giá trị này mới có thể làm tăng trưởng những con người đích thực, công chính tạo nên kho tàng quý giá nhất và là bảo đảm đích thật nhất cho mọi xã hội.
Kế đến, việc gia đình phục vụ cho xã hội còn vượt quá những công trình nội bộ gia đình và thực thi qua những liên đới cụ thể. Những sự liên đới này diễn đạt qua những cách thức và nhiều hình thức phục vụ khác nhau của gia đình cho các gia đình khác, bắt đầu từ những gì trong đời thường nhất và bình thường nhất hằng ngày, ở những việc làm nhỏ bé và khiêm tốn hằng ngày “đặc biệt ưu tiên cho người nghèo, trẻ em mồ côi, những người khuyết tật, những người bệnh hoạn, người già yếu, những người đang sầu buồn đau khổ, những người đang sống trong hoài nghi, trong cô đơn hay bị bỏ rơi và những người nghiện ngập hoặc không có gia đình”.
Một lãnh vực cuối cùng trong đó gia đình được mời gọi thực thi trách nhiệm là dấn thân trực tiếp vào các việc xã hội và chính trị. Giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II nói rõ:
“Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả dưới hình thức, can thiệp chính trị: chính các gia đình là những kẻ đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng còn nâng đỡ và bảo vệ chúng một cách tích cực. Về điểm này, gia đình cần có một ý thức càng lúc càng mạnh mẽ rằng, mình là những người đi đầu của điều gọi là “chính sách gia đình”, và mình phải lãnh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội; nếu không chính gia đình sẽ là nạn nhân đầu tiên của những điều xấu vì đã thụ động và lãnh đạm đứng nhìn” (FC 44)
Cũng cần nhắc đến tầm quan trọng của các hiệp hội hay phong trào gia đình trong vai trò xã hội của gia đình:
“Vai trò của những hiệp hội này là làm dấy lên nơi các tín hữu một ý thức bén nhạy về sự liên đới, là tạo điều kiện thuận lợi cho một nếp sống được gợi hứng do Tin Mừng và do đức tin của Hội Thánh, là đào tạo cho lương tâm của mọi người biết theo giá trị Kitô giáo chứ không theo các tiêu chuẩn của ý kiến đám đông, là khuyến khích các công cuộc bác ái đang hướng về việc giúp đỡ lẫn nhau hay hướng về người khác với một tinh thần cởi mở có sức làm cho các gia đình Kitô hữu trở thành thật sự là nguồn sáng đích thực và là men lành mạnh cho các gia đình khác” (FC 72).
Thảo luận theo nhóm:
– Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
– Đâu là những đóng góp cụ thể và hữu hiệu mà một gia đình có thể mang lại trong lãnh vực xã hội và chính trị?
– Chỗ nào trong đời sống gia đình có thể góp phần sống tình liên đới với người khác?
– Anh chị có ý kiến gì về việc nhận con nuôi hay nhận ủy thác nuôi con trẻ?
––––––––––––––––––––––
[1] HĐGM Úc Châu Thư mục vụ Don’t Mess with Marriage (24.11.2015), 11.
Văn phòng HĐGMVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét