5 tháng 1, 2018

SỐNG HIỀN HÒA VÀ KHIÊM HẠ



HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B
Is 42,1-4.6-7; Cv 10.34-38; Mc 1,7-11

 NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU

1. TIN MỪNG: Mc 1,6b-11
Image result for SỐNG HIỀN HÒA VÀ KHIÊM HẠ(c 7) Khi ấy, Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Người: (c 8) Tôi làm phép rửa cho anh em nhờ nước; Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần. (c 9) Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. (c 10) Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. (c 11) Lại có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

2. Ý CHÍNH : ĐỨC GIÊ-SU ĐƯỢC TẤN PHONG LÀM VUA MÊ-SI-A

Tin mừng Mác-cô trình bày việc Đức Giê-su được tấn phong làm Vua Mê-si-a tương tự như một lễ phong vương gồm 3 nghi thức như sau :
- Một là thanh tẩy : Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả dìm trong nước sông Gio-đan.
- Hai là xức dầu : Đức Giê-su được Thần Khí, qua hình ảnh chim câu, từ trời đáp xuống trên mình để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Vua Mê-si-a.
- Ba là tung hô: Đức Giê-su cũng được Chúa Cha công khai thừa nhận là “Con rất yêu dấu” luôn làm mọi việc theo thánh ý Cha.

3. CHÚ THÍCH :

- C 7-8: +Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi : Gio-an là “Sứ giả của Giao Ước”, có nhiệm vụ như Ê-li-a ngày xưa : đến trước để chấn hưng mọi sự, hầu dọn đường cho Đức Chúa ngự đến (x. Ml 3,1-3.23-24). Mọi lời Gio-an rao giảng đều liên quan tới Đấng Thiên Sai. Tuy Đấng Thiên Sai đến sau Gio-an nhưng Người lại có đầy sức mạnh và Thần Khí của Đức Chúa để chiến thắng kẻ thù (x. Is 11,2), cụ thể là chiến thắng Xa-tan cám dỗ (x. Mc 1,12-13). 
+Tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Người : Cởi quai dép là việc làm của người nô lệ. Gio-an khiêm tốn nhận mình không đáng làm nô lệ cho Đấng Thiên Sai sắp đến. 
+Phép rửa nhờ nước: Khi chịu phép rửa này, người chịu phép được Gio-an dìm xuống sông Gio-đan như dấu hiệu“tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x. Mc 1,4). Từ đây họ được gia nhập vào nhóm những người chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a. 
+“Phép rửa trong Thánh Thần”: Phép Rửa này ám chỉ toàn bộ công trình cứu độ của Đức Giê-su. Những kẻ chịu phép rửa do Đức Giê-su thực hiện sẽ nhận được Thần Khí tuôn đổ vào lòng. Nhờ đó họ được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Họ sẽ được tặng một quả tim mới bằng thịt biết yêu thương, thay cho quả tim đã hóa ra chai đá (x. Is 44,3).

- C 9-10: +Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan : Đúng như lời Gio-an loan báo, Đức Giê-su đã xuất hiện và trước hết Người đến với ông Gio-an. Gio-an đã thi hành sứ mạng tiền hô khi làm phép rửa cho Người trong nước sông Gio-đan .
+Người liền thấy: Mác-cô tường thuật cuộc Thần Hiện của Đức Giê-su lúc chịu phép rửa như một thị kiến mà chỉ riêng mình Người trông thấy, đang khi các Tin Mừng còn lại như Mát-thêu, Lu-ca và Gio-an lại tường thuật đúng như đã xảy ra (x. Mt 3,13-17; Lc 3,21-22; Ga 1,32-34). 
+Các tầng trời xé ra: Đây là sự đáp ứng của Thiên Chúa cho lòng khát vọng của dân Ít-ra-en và của nhân loại. Người ta chờ mong “trời mở ra và Thiên Chúa sẽ xuống cứu độ dân Người”. Hôm nay qua hiện tượng các tầng trời xé ra, Thiên Chúa bắt đầu thực hiện những lời Ngài đã hứa qua các ngôn sứ (x. Is 63,19b). Ngài sai Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su, giống như Đức Chúa trong cuộc Xuất hành đã ngự xuống trên con dân Ít-ra-en (x. Xh 19,11.18). Với việc trời xé ra, Đức Giê-su bắt đầu ra khỏi Na-da-rét để công khai thi hành sứ mạng cứu độ loài người, đối lập với A-đam ngày xưa (x. Rm 5,12-19). 
+Người liền thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình: Câu này nhắc tới sự kiện Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước khi Chúa sáng tạo nên trời đất muôn vật (x. St 1,2), nhằm diễn tả một một cuộc sáng tạo mới được thực hiện nơi Đức Giê-su sau khi chịu phép Rửa. Thánh Thần xức dầu thiêng liêng tấn phong và giới thiệu Người là Đấng Thiên Sai, qua hình ảnh một con chim câu đậu xuống trên mình Người (x. Is 11,2 ; 42,1).

- C 11: +“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”: Qua câu này, Mác-cô muốn làm nổi bật dung mạo của Đức Giê-su : Người chính là Vua Thiên Sai, được xức dầu tấn phong để cai trị muôn dân (x. Tv 2,7) ; Người là Con Một yêu dấu của Chúa Cha, trở thành của lễ hiến tế trên bàn thờ thập giá (x. St 22,2);  Người là Tôi Trung của Thiên Chúa, được sai đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chịu chết để đền tội thay cho loài người và sống lại để phục hồi sự sống đời đời cho loài người (x. Is 42,1).

4. CÂU HỎI: 
Tại sao Đức Giê-su là “Đấng quyền thế hơn”  mà lại xuất hiện như một tội nhân đứng xếp hàng để được Gio-an làm phép rửa tại sông Gio-đan?

ĐÁP : Việc Đức Giê-su tự nguyện đến xin chịu phép Rửa của Gio-an không phải để sám hối tội lỗi như bao người khác, vì Người vô tội (x. Dt 5,15b; 7,26). Nhưng qua hành động này, Người muốn chia sẻ thân phận yếu hèn với các tội nhân và cảm thông với họ (x. Pl 2,6) và sau này Người sẽ còn chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho họ.


Đàng khác, việc toàn thân Đức Giê-su được Gio-an dìm xuống nước sông Gio-đan, chính là hình ảnh của phép rửa sẽ phải trải qua trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sau này (x. Rm 6,3-4). Từ mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giê-su sẽ thiết lập bí tích Rửa Tội, để tái sinh các tín hữu trở nên con Thiên Chúa và canh tân họ nhờ nước và Thần Khí. Đây là điều kiện cần có để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,3-6). Ngoài ra, đây còn là cơ hội để Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mạng tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng Người thực là Đấng Thiên Sai với dân Do thái. Cuối cùng, Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an để biến đổi phép rửa bằng nước trở thành bí tích Rửa Tội trong Thánh Thần (x Mc 1,8) và lửa (x Lc 3,16;Cv 2,3-4), để ban ơn cứu độ cho các tín hữu.

LM ĐAN VINH-HHTM

Không có nhận xét nào: