Chúa nhật 11 Quanh Năm, C
2 Sam 12, 7-10.13; Gal 2, 16. 19-21; Lc 7, 36-8, 3
Truyện kể: Người cha rất đau khổ vì đứa con trai theo bạn bè ăn chơi phung phá hết tiền của. Cùng đường rơi vào túng quẫn, chàng ta viết thư thống thiết xin lỗi cha và ngỏ ý xin cha thương tha thứ. Người cha gởi cho cậu bức điện tín, chỉ có một chữ ‘Về’ và ký tên ‘Cha’.
Biết nhận lỗi và xin lỗi là khởi đầu cho hành trình trở về. Rất nhiều khi chúng ta phạm lỗi và sống trong lầm lạc nhưng không nhận ra lỗi mình. Cho đến một ngày, chợt nhận ra mình đã đi quá xa vào con đường lầm. Chúng ta cần lắng nghe những lời nhắc nhở, chỉ bảo và hướng dẫn của bề trên hay người khác để giúp giác ngộ.
Vua Đavít xưa sống sung sướng nơi cung điện ngọc ngà châu báu. Thiên Chúa đã ban cho vua đầy đủ mọi sự. Từ là chú chăn chiên trở thành thủ lãnh của dân Do-thái. Vua có gia tài kết xù là một xứ sở giầu có và con dân đông đúc, nhưng sự ham mê sắc dục dẫn ông đi vào đường lầm lạc tội lỗi. Ông dùng quyền để chiếm đoạt vợ của người. Lương tâm ông không cảm thấy cắn rứt về sự bất công, cho tới khi tiên tri Nathan nhắc nhở: Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Thiên Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Uria, người Hêthê; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết (2 Sam 12, 9).
Vua chợt nhận ra tội lỗi của mình và ngay lập tức vua ăn năn hối cải và xin ơn tha thứ. Với lòng thống hối khiêm cung, vua đã được Thiên Chúa tha tội chết: Bấy giờ vua Đavít nói với ông Nathan: “Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa.” Ông Nathan nói với vua Đavít: “Về phía Thiên Chúa, Người bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết (2 Sam 12, 13). Càng làm lớn cám dỗ càng nhiều: Cám dỗ về quyền bính, tiền tài và sắc dục. Chúng ta biết sự đòi hỏi ước muốn tham thân si của bản năng con người luôn khấy động. Cho nên chúng ta đều phải phấn đấu mỗi ngày để nên hoàn thiện hơn. Bất cứ ai giữ địa vị nào trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, đòi hỏi người lãnh đạo hay thủ lãnh phải biết tự kiềm chế và tránh làm gương mù, gương xấu. Cây cao gió cả. Ma quỉ cám dỗ không chừa một ai. Chúa Giêsu đã dậy chúng ta qua Kinh Lạy Cha: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ.
Truyện kể: Satan phàn nàn với Thiên Chúa rằng Chúa không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Chúa lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Chúa vẫn ban ơn tha thứ. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Chúa kết án tôi đời đời. Chúa nói: Đã bao giờ ngươi ăn năn xin tha thứ chưa?
Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu tha tội và bệnh vực người phụ nữ tội lỗi biết ăn năn hối cải. Dưới con mắt của những người Pharisêu, người phụ nữ này bị liệt vào hàng tội lỗi xấu xa và đáng phải tránh xa: Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu qủa thật ông này là ngôn sứ, thỉ hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi (Lc 7, 39). Chúa đã tỏ lòng ưu ái với cô. Chúa không kết án. Chúa nhìn thấu tỏ tận đáy tâm hồn của cô. Người phụ nữ đã dám công khai đến bên Chúa để xức dầu. Cô đã được tỉnh thức trong tâm trí và hành động. Mặc những lời dèm pha, chê bai, khinh miệt, cô đã dám quay về. Quay về với lòng mình. Nhận ra Chúa và trở về bên Chúa. Tình yêu đã thắng vượt. Cô ta đã chọn Chúa làm phần gia nghiệp. Nhiều người xung quanh còn sửng sốt và tò mò vì họ chưa nhận ra Chúa Kitô là ai. Ngài chính là ConThiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian.
Chúa biết tình yêu của cô dành cho Chúa thật nhiều. Tình yêu vượt trên lẽ thường tình, cô đã lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau. Cô đã giác ngộ và tỉnh thức cuộc đời: Vì thế, tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai, được tha ít, thì yêu mến ít”(Lc 7, 47). Bằng những giọt nước mắt ăn năn sám hối, tội lỗi của cô đã được xóa sạch. Chính Con Thiên Chúa đã tha tội cho cô. Lời Chúa có sức biến đổi và chữa lành con người cả tâm hồn lẫn thể xác. Một người tội lỗi nay trở thành môn đệ của Chúa: Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”(Lc 7, 48). Nhẹ tênh! Người phụ nữ đã trút bỏ được gánh nặng cuộc đời. Chúng ta biết người đời thường khinh chê và kết án người tội lỗi. Đôi khi phạm nhân bị bế tắc đóng khung trong cuộc sống mặc cảm. Họ không có lối thoát.
Chúa Giêsu đã mở cửa ngõ dẫn đưa những người lầm lạc trở về. Chúa đến để kêu gọi và cứu độ người tội lỗi chứ không phải người công chính. Chúa Giêsu nói: Người khỏe mạnh không cần thấy thuốc, người đau yếu mới cần. Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2, 17). Mỗi lần chúng ta đọc lời kinh: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Chúng ta có thực sự thú nhận hay chỉ đọc ruổi theo. Chúng ta có dám đứng trước nhóm hay cộng đoàn để xưng thú là mình đã phạm lỗi hay không? Đâu dễ. Khi phải xưng thú, chúng ta sẽ đổ quanh, lỗi tại tôi nhưng lôi thôi tại bà. Có rất nhiều khi đi xưng tội nhưng chúng ta nại cớ: Tại vì.., bởi vì… và đổ lỗi cho người khác chứ không phải lỗi của mình.
Khi chúng ta đã quá quen sống trong lầm lạc và chìm sâu trong vũng lầy tội lỗi, chúng ta không còn cảm nghiệm sự sai trái. Lương tâm của chúng ta không còn nhạy bén để phán đoán. Những lỗi chúng ta phạm thường ngày về vấn đề luân lý, khi soi mình qua 10 điều răn, nhất là về sự ăn gian, làm chứng dối, lừa đảo, bất công, liên hệ tình dục ngoài hôn nhân, ngoại tình và sống chung bất hợp pháp. Khai gian nói dối trong vấn đề thông tin và bá cáo. Chúng ta an vui tự tại vì mọi sự đã trở thành quá bình thường. Chúng ta không muốn xét mình kỹ lưỡng vì sợ lương tâm bị áy náy. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng chúng ta không thể là Kitô hữu nửa vời, bán thời gian hay chỉ là Kitô hữu trong một vài khoảnh khắc hay hoàn cảnh nào đó. Kitô hữu là Kitô hữu suốt đời. Mọi suy tư, lời nói, hành động đều phản ảnh tinh thần Kitô hữu.
Thánh Phaolô dậy: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân, trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Gal 2, 20). Chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta là Kitô hữu. Có Chúa hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không thể sống như những người dân ngoại, họ không nhìn biết Thiên Chúa. Chúng ta là môn đệ của Chúa. Môn đệ cần dõi theo lối bước của Thầy. Sống chứng nhân ngay thật giữa lòng đời. Đừng sợ bị thua thiệt vì sống lẽ công chính. Biết rằng nếu chúng ta được lời lãi cả thế gian mà mất phần phúc thiên đàng, thì nào có ích chi chứ!
Cuộc đời của mỗi người chúng ta đã lãnh nhận vô vàn ân sủng của Chúa như vua Đavít xưa. Chúa đã ban cho chúng ta có sự sống, được sinh ra làm con người, làm con Chúa, con của Giáo Hội và sống hạnh phúc an vui. Chúng ta được thừa hưởng một gia tài kếch xù của niềm tin và niềm hy vọng vào sự sống đời đời mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Chúng ta cần làm cho ân sủng sinh xôi nẩy nở trong tâm hồn. Giá máu châu báu của Chúa Kitô là nguồn mạch ban sự sống dồi dào. Phaolô đã chia sẻ: Tôi không làm cho ân sủng của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do lề luật, thì hóa ra Đức Kitô đã chết vô ích (Gal 2, 21).
Lạy Chúa, đã bao phen chúng con đã ngoảnh mặt làm ngơ và chối từ ơn Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con. Xin thương tha thứ những lỗi lầm chúng con đã xúc phạm đến trái tim Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét