Chúa Nhật XI Thường Niên Năm C
Bữa tiệc hôm nay diễn ra trong một khung cảnh đầy mâu thuẫn. Một bên là căn nhà sang trọng của thủ lĩnh biệt phái, một bên là Chúa Giêsu ăn mặc đơn sơ trong bộ quần áo của dân nghèo. Một bên là ông Simon người được coi là đạo cao đức trọng, một bên là người phụ nữ bị coi là đại tội nhân. Một bên là mâm cao cỗ đầy, mọi người vui tươi ăn uống, một bên là người phụ nữ quì mọp sát đất, không dám ngẩng mặt lên, gục đầu khóc lóc. Chính trong khung cảnh đầy mâu thuẫn, trái ngược ấy, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương bao la của Người.
Đó là tình yêu bao dung chấp nhận mọi người. Chúa chấp nhận ông Simon dù Chúa không ưa lối sống của ông và của những người biệt phái, vì họ tự tôn cho rằng mình đạo đức mà khinh miệt những người khác. Hơn nữa, lối sống đạo của họ chỉ là hình thức giả dối bề ngoài. Thế nhưng Chúa vẫn chấp nhận ông, chấp nhận lời mời của ông, đến dự tiệc với ông, ngồi đồng bàn với ông, chia sẻ món ăn và câu chuyện với ông. Không chỉ chấp nhận ông Simon, Chúa còn chấp nhận người phụ nữ bị coi là tội lỗi công khai. Chị vào nhà trong ánh mắt khinh thị của mọi người. Nhưng Chúa vẫn điềm nhiên để chị khóc ướt chân mình. Chúa đã để chị hôn chân mình. Chúa đã để chị lấy tóc lau chân mình. Chúa đã để chị xức dầu tràn đầy trên chân mình. Còn hơn thế nữa, Chúa lên tiếng công khai bênh vực chị. Nếu Chúa công khai bày tỏ thịnh tình với ông Simon khi đến nhà ông dự tiệc thì Chúa cũng công khai bày tỏ thịnh tình với người phụ nữ khi lên tiếng bênh vực chị. Chúa chấp nhận tất cả mọi người.
Đó là tình yêu bao dung tha thứ mọi tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ tội lỗi là thái độ bao dung tha thứ. Chúa để cho chị vào nhà. Hơn thế nữa, Chúa để cho chị gục đầu vào chân Chúa, khóc ướt chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Chúa. Chị làm điều ấy ở nơi kín đáo còn đỡ gây chống đối, đằng này chị làm điều ấy công khai trước mắt mọi người, mà lại là những người ghen ghét, chống đối và kết án chị. Ánh mắt và thái độ của những người chung quanh, đặc biệt là của ông Simon không lọt ngoài tầm mắt Chúa. Nhưng Chúa vẫn để chị làm những gì biểu lộ lòng thống hối, lòng yêu mến của Chị. Sau đó Chúa còn công khai lên tiếng ca ngợi tình yêu và niềm tin của Chị và công khai tha thứ cho chị.
Đó là tình yêu bao dung hoán cải. Chúa không ưa thói hợm hĩnh, giả hình của người biệt phái. Nhưng Chúa vẫn tìm cách hoán cải họ. Vì thế hôm nay Chúa nhận lời đến nhà ông Simon dự tiệc. Thấy thái độ của ông đối với người phụ nữ và những ý nghĩ thầm kín của ông phê phán Chúa, Chúa không để ông trong lầm lạc, nhưng đã lên tiếng giải thích cho ông hiểu những điều then chốt trong đời sống đạo và những gì có giá trị thực sự trước mặt Chúa. Chúa phải tốn công giải thích cặn kẽ vì Chúa yêu thương ông, muốn ông hiểu và hoán cải tâm hồn.
Đó là tình yêu ban ơn cứu độ. Tất cả những gì Chúa làm là mong đem ơn cứu độ cho loài người, cho tất cả mọi người không loại trừ một ai. Chúa muốn cứu độ cả ông Simon là người tưởng lầm mình đạo đức nhưng chỉ là đạo đức bên ngoài. Chúa muốn cứu độ cả người phụ nữ bị mang tiếng tội lỗi, bị mọi người khinh miệt, loại trừ. Tình yêu của Chúa không phải là thứ cảm tính nhất thời, đem đến an ủi nhất thời. Đó là tình yêu đem đến ơn cứu độ, đem đến hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu cho con người.
Lạy Chúa, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Lạy Chúa, xin cứu độ con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Bạn có thường xét đoán và khinh miệt, loại trừ người khác như ông Simon biệt phái
- Bạn có thái độ khiêm nhường thống hối, tha thiết yêu mến như người phụ nữ tội lỗi không?
- Chúa Giêsu nêu gương gì cho bạn trong cách đối xử với mọi người, người tội lỗi cũng như người tự xưng mình công chính?
- Khi yêu thương người khác, bạn có dẫn người khác đến ơn cứu độ không?
+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét