HIỆP SỐNG
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT
19 THƯỜNG NIÊN A
I.
HỌC LỜI CHÚA
(22)
Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước,
trong lúc Người giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông,
Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một
mình. (24) Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh
vì ngược gió. (25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến
với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt
bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên. (27) Đức Giê-su liền bảo các
ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. (28) Ông Phê-rô liền thưa
với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên
mặt nước mà đến với Ngài”. (29) Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông
Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.
(30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la
lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !”. (31) Đức Giê-su liền đưa tay nắm
lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”. (32)
Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong
thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”.
2.
Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU KHỐNG CHẾ BIỂN CẢ ĐỂ BÀY TỎ THIÊN TÍNH:
Sau phép lạ hóa bánh
ra nhiều (x. Mt 14,13-21), Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và thuyền các
môn đệ thì đã ra khơi và gặp khó khăn vì ngược gió. Khoảng 3 giờ
sáng, Người đã đi trên mặt biển mà đến với thuyền các ông. Người đã
trấn an khi các môn đệ sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Người cũng cho
phép Phê-rô được đi trên mặt nước và lập tức cứu ông khỏi bị chìm
và đưa ông lên thuyền bình an khi ông biết cậy trông kêu cầu Người.
Chứng kiến phép lạ này, các môn đệ đã tin người là Con Thiên Chúa.
3.
CHÚ THÍCH:
- C 22-24: + Đức Giê-su
liền bắt các môn đệ xuống thuyền: Sau phép lạ hóa bánh, dân chúng
phấn khởi đoi tôn Đức Giê-su lên làm Vua Thiên Sai trần thế và các môn
đệ cũng phấn khích không kém. Đức Giê-su đã giục các môn đệ xuống
thuyền sang bờ bên kia để tránh cho các ông ảo tưởng về sứ mệnh của
Người (x. Ga 6,14-15). + Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện:
Đức Giê-su thường dành thời gian yên tĩnh ban đêm để cầu nguyện với
Chúa Cha (x. Lc 6,12), nhất là trước khi phải giải quyết những việc
trọng đại (x. Mt 26,36; Lc 9,27). + Chiều đến, Người vẫn ở đó một
mình: Ở một mình là không có người khác bên cạnh, trừ một
mình Chúa Cha hằng ở với người (x. Ga 8,29). + Còn chiếc thuyền thì đã ra
xa bờ nhiều dặm: Bờ hồ đây là Biển hồ Giê-nê-sa-rét hay cũng
gọi là Ti-bê-ri-a hoặc Ga-li-lê (x. Ga 6,1). Biển Hồ này có hình bầu
dục dài 21 km, rộng 12 km, mực nước thấp hơn Địa Trung hải 208 mét.
Vì quá lớn, nên Biển Hồ thường có sóng to gió lớn (x. Mt 8,23). + bị
sóng đánh vì ngược gió: Bấy giờ thuyền các môn đệ đã ra
giữa biển và đang bị sóng đánh chập chờn không tiến xa được vì ngược
gió. Con thuyền tượng trưng cho Hội thánh ở trần gian phải đương đầu
với nhiều trở lực.
- C 25-27: + Khoảng canh
tư:
Vào thời Đức Giê-su, dân Do Thái cũng theo người Rô-ma, chia ngày thành
12 giờ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, và chia đêm thành 4 canh, mỗi
canh kéo dài 3 giờ. Canh tư tức là vào khoảng từ 3 đến 6 giờ sáng. +
Người đi trên mặt biển: Cựu Ước nhiều lần nói tới Thiên Chúa
đi trên biển (x. G 9,8; Tv 77,20). Người đã từng tỏ uy quyền trên sự
hỗn mang khi tạo dựng trời đất, và khống chế Biển Đỏ để giải thoát
dân Người. Ở đây Đức Giê-su muốn ám chỉ Thiên Chúa có quyền trên sức
mạnh của biển khơi. + Các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy
!” và sợ hãi la lên: Các môn đệ thấy bóng Đức Giê-su đi trên
mặt nước đến gần thuyền thì sợ hãi la lên vì tưởng mình thấy ma. +
“Cứ yên tâm, đừng sợ !”: Đức Giê-su đã trấn an các ông. +
Chính Thầy đây: Trong Cựu Ước Thiên Chúa hay tự xưng với các
tổ phụ Do Thái: “Chính là Ta”, “Ta là Gia-vê”, “Ta là Đấng Hiện Hữu”
(x. St 46,3 ; Xh 3,14). Ở đây, khi xưng mình: “Chính Thầy đây”, Đức Giê-su
ngầm mạc khải Người là Thiên Chúa.
- C 28-31: + “Nếu quả
là Ngài”:
Phê-rô vẫn còn nghi ngờ không biết có phải Thầy hay không. +
“Thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Câu
này cho thấy Phê-rô là một người tính khí bốc đồng thiếu chín chắn
vì “Mau nói mau lỗi!”. + “Cứ đến !”: Phê-rô được chia
sẻ quyền năng siêu nhiên là đi trên mặt nước giống như Thầy. Tuy nhiên
ông làm được là nhờ đặt trọn niềm tin và Đức Giê-su. +
Thấy có gió thổi thì ông đâm sợ: Đức Giê-su có lần đã ban
quyền chiến thắng sự dữ cho Phê-rô (x. Mt 16,18b), nhưng ông có nhận
được quyền năng ấy hay không tuỳ vào lòng tin mạnh hay yếu. Bao lâu
Phê-rô tập trung vào Đức Giê-su, thì ông còn khống chế được sức mạnh
của biển cả. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi, thì ông sợ hãi và bị chìm
xuống. + “Thưa Ngài, xin cứu con với”: Câu này tương tự như lời
các Tông đồ cầu cứu khi thuyền các ông sắp bị gió bão nhấn chìm (x.
Mt 8,25). Trong Thánh Vịnh cũng có nhiều lời cầu nguyện của dân Do
thái xin Chúa giúp họ vượt qua sức mạnh của nước biển đe dọa (Tv
69,15-16; 144,7). + Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông: Trước lời cầu xin
thiết tha của Phê-rô, Đức Giê-su đã mau mắn đáp lại bằng việc đưa tay
nắm lấy ông. + “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”: Lời
Người vừa trách yêu đức tin yếu kém của ông, lại vừa khích lệ ông
hãy kiên vững đức tin vào Người.
- C 32-33: + Gió lặng
ngay: Sự
hiện diện của Đức Giê-su đủ đánh tan cơn sóng gió và đem lại bình
yên cho con thuyền của các môn đệ. + Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !:
Lời tuyên xưng này mới chỉ nhìn nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa,
đồng nghĩa với Đấng Cứu thế. Tuy nhiên, Tin Mừng Mát-thêu lại muốn
mượn lời tuyên xưng này để trình bày đức tin của Hội thánh thời sơ
khai: “Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức
Chúa Cha !”.
4.
CÂU HỎI:
1)
Tại sao Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia ngay ?
2) Đức Giê-su lên núi làm gì ?
3) Bạn biết gì về Biển hồ được đề
cập trong Tin Mừng hôm nay ?
4) Tại sao con thuyền các môn đệ bị chập
chờn không tiến xa được ?
5) Canh tư tức là mấy giờ sáng ?
6) Ý nghĩa
của việc Đức Giê-su đi trên mặt biển là gì ?
7) Thái độ của các Tông
đồ ra sao khi thấy có bóng người đi trên mặt biển đến gần và Đức
Giê-su đã làm gì để trấn an các ông ?
8) Qua câu nói: "Chính Thầy
đây", Đức Giê-su đã ngầm mạc khải Người là ai ?
9) Khi xin được đi
trên mặt nước mà đến cùng Thầy, Phê-rô đã biểu lộ tính khí thế nào
?
10) Tại sao Phê-rô đang đi trên mặt biển lại bị chìm đắm và ông làm
gì để được Chúa cứu giúp ?
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét