HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN 26 TN A – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN
CÔI
Cv. 1,
12-14; Gl. 4, 4-7; Lc 1,26-38
CÙNG MẸ LẮNG NGHE LỜI CHÚA
VÀ XIN VÂNG Ý CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.
(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai
được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành
miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn
với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là
Ma-ri-a.
(c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi
Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
(c 29) Nghe lời ấy, bà rất
bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần
liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c
31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là
Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối
Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ
tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và
triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
(c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần:
“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”
(c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng
Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ
là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét,
người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một
người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có
thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là
không thể làm được”.
(c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là
nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi
sứ thần từ biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện
truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình
thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài
người.
Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin
Vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu cần học tập để
nhận được ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
3. CHÚ THÍCH:
- (c 26) + Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng
Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu
Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý
nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa
lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en
nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
- (c 27) + Trinh nữ: Từ
này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản
chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được
khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì
tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được
chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh
con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng
nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn:
Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là
vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính
thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì
việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón
rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít:
Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế
vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ
Giê-sê cha của Đa-vít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê
hương của vua Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay
Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân
biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn:
Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ
Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25);
Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv
1,14).
- (c 28) + “Mừng vui
lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân
bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người
được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước
hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài
đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân
Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.
- (c 29) + “Bà bối rối và
tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của
Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý
nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- (c 31) + Giê-su:
nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc
2,11).
- (c 32) + Con Đấng
Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua
dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc
nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ
vững bền mãi mãi.
- (c 34) + “Việc ấy
xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: “Biết”
theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”.
Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có
ý khấn giữ mình đồng trinh như có người lầm tưởng. Qua câu này,
Ma-ri-a chỉ thắc mắc làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc
này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về
luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức rước dâu về nhà.
- (c 35) + Sứ thần
đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà...”: Sứ thần giải
thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng
Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế
sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp
bóng: Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong
sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn
hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà
Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám
chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống như chim phượng hoàng sải cánh
bao phủ và che chở con dân Ít-ra-en của Người (x. Tv 17,8).
+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là
“thánh”:
“Thánh”
nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên
Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.
- (c 36) + Kìa bà
Ê-li-sa-bét...: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua
việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã
được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay bào thai đã
được sáu tháng tuổi.
- (c 38) +“Vâng, tôi đây
là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”,
Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên
Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”:
Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động
làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc
1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy
trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x.
Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai”
hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên
Chúa vừa là người phàm.
HỎI: Nội dung thắc mắc của Đức
Ma-ri-a với sứ thần (x. Lc 1,34) và của ông Da-ca-ri-a trong Đền Thờ (x. Lc
1,18) có giống nhau không?:
ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc
mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu
lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị
phạt cấm khẩu, bị câm không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu
chỉ cho thấy bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc
1,20).
Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin
tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ
đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng
Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và Mẹ đã được bà chị họ Ê-li-sa-bét khen ngợi
là “diễm phúc, vì đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện” (x. Lc
1,45).
4. CÂU
HỎI:
1) Thánh Kinh cho biết có mấy
Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là
những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì?
2) Tại sao
Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng
Cứu Thế?
3) Khi thưa “Xin vâng” và được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền
năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa?
4)
Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra
sao?
5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp
bóng trên bà”?
LM ĐAN VINH – HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét