HIỆP SỐNG
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 25
THƯỜNG NIÊN A
Is 55,6-9 ; Pl
1,20c-24.27a ; Mt 20,1-16a
NOI GƯƠNG THIÊN
CHÚA
1.
TIN MỪNG: Mt 20,1-16a
(1) Nước
Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào
làm việc trong vuờn nho nhà mình. (2) Sau khi đã thỏa thuận với thợ
là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.
(3)
Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không,
đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi
vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (5) Họ liền
đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng
làm y như vậy”.
(6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có
những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt
ngày không làm gì hết? “ (7) Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông
bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”.
(8) Chiều đến, ông
chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho
họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót cho tới những người
vào làm trước nhất”.
(9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một
tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt
những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn.
Thế nhưng cũng chỉ được lãnh một người một quan tiền.
(11) Họ vừa
lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12)“Mấy người sau chót này chỉ làm có
một giờ. Thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những
người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu
đốt”. (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi
đâu có đối xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là
một quan tiền hay sao ? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi. Còn tôi, tôi
muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15)
Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là
của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bung, mà bạn đâm ra ghen tức ?
(16a)
Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. Còn những kẻ đứng
đầu sẽ phải xuống hàng chót.
2.
Ý CHÍNH: DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO
Bài Tin Mừng hôm nay ví Nước Trời
Đức Giê-su thiết lập giống như câu chuyện một ông chủ vườn nho đi kêu
người làm vườn nho cho mình. Có 4 tốp người được kêu làm vào 4 thời
điểm khác nhau trong ngày: giờ thứ nhất, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, và
cả giờ thứ mười một. Khi trả lương, chủ vườn lại trả lương từ người
làm giờ thứ mười một tới người làm từ giờ thứ nhất. Mỗi người
đều được trả lương bằng nhau là một quan tiền. Khi có người thắc mắc
ông chủ đã cho biết ông không bất công khi trả lương sòng phẳng theo
thỏa thuận ban đầu là một đồng. Còn việc ông trả cho người sau bằng
người đầu là do lòng nhân hậu của ông. Cũng vậy, sau này Thiên Chúa
sẽ ban ơn cứu độ cho mọi người gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh.
Dù là dân ngoại vào trễ hay dân Do Thái vào từ ban đầu, đều được
hưởng ơn cứu độ như nhau, miễn có đức tin là đủ.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 1-2: + Nước Trời giống như chuyện
gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc: Bên Do Thái vào mùa hái
nho, ngay từ sáng sớm, các chủ vườn thường ra ngã ba đường hay ra chợ
người để thuê người đi làm công cho mình. Chủ vườn nho tượng trưng
Thiên Chúa muốn mời gọi tất cả mọi dân tộc đều được đi làm vườn nho
tức là được gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh. + thỏa thuận với thợ là mỗi
ngày một quan tiền: Vào thời Đức Giê-su, chủ vườn nho thường
trả lương công nhật cho thợ làm vườn là một quan tiền. Ở đây ông chủ
đã hứa trả lương công nhật là một quan tiền ngay từ khi thuê họ vào
làm việc.
-
C 3-7: + Giờ thứ ba: Thời bấy giờ thời gian
một ngày được tính từ lúc mặt trời lặn. Vì thế luật qui đình ngày
Sa-bát bắt đầu từ 18g00 chiều thứ sáu. Nhưng khi tính giờ, người Do
Thái lại tính từ lúc mặt trời mọc vào buổi sáng. Thời gian từ mặt
trời mọc đến mặt trời lặn được chia làm 12 giờ. Vậy giờ thứ nhất,
thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một tương đương với 6 giờ, 9
giờ, 15 giờ và 17 giờ như ngày nay. Giờ lao động của người Do thái
mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 18 giờ chiều. + Ông
chủ vườn mời người đi làm vườn nho: Thiên Chúa muốn cho mọi
người đều được ơn cưu độ, và người ta có thể được gia nhập vào Nước
Trời là Hội Thánh trong nhiều thời điểm khác nhau. + Tôi sẽ trả công cho các anh
hợp lẽ công bằng: Trả lương công bằng, nghĩa là người làm thuê
sẽ không bị thiệt thòi về tiền công. + Khoảng giờ thứ sáu rồi giờ thứ
chín, ông lại ra và cũng làm y như vậy: Ông chủ nôn nóng đi kêu
thợ làm trong nhiều thời điểm khác nhau trong ngày mà không tính toán
thiệt hơn, cho thấy lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa. Người không
muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được
sống. + Khoảng giờ mười một: Giờ thứ mười một tương đương
với 17 giờ chiều, là giờ cuối trong ngày làm việc. Thợ chỉ phải
làm một tiếng nữa là hết giờ lao động. + Vì không ai mướn chúng tôi:
Những người này đứng không suốt ngày do không được ai thuê mướn cả. + Cả
các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !: Ông chủ kêu thợ vào làm
vườn nho vào giờ cuối cùng là do lòng thương muốn giúp những người
thất nghiệp, chứ không do nhu cầu công việc đòi hỏi. Điều này cho
thấy ơn cứu độ là một ơn ban không, hoàn toàn do tình thương của Thiên
Chúa, chứ không phải do công khó của con người.
-
C 8-10: + Anh gọi thợ lại mà trả
công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót cho tới những
người vào làm trước nhất: Việc trả lương mang tính cách khác
thường vì bị đảo lộn thứ tự trước sau và vì số lương được trả
bằng nhau là một quan tiền cho các người thợ làm việc nhiều ít khác
nhau. Khi sắp xếp việc trả lương như vậy, ông chủ muốn tạo cho người
làm việc từ sáng sớm tưởng rằng mình sẽ được trả nhiều hơn. Vì
thế họ đã thắc mắc khi được lãnh một quan tiền bằng với người vào
làm vào từ giờ thứ mười một. Điều này cho thấy tình thương của
Thiên Chúa đối với hết mọi người. Bất cứ ai dù là Do thái hay dân
ngoại, dù theo đạo từ khi mới sinh hay trước khi chết, nếu thành tâm
tin yêu Thiên Chúa thì đều được Người cho hưởng hồng ân cứu độ.
-
C 11-13: + Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn
gia chủ:
Họ trách móc ông chủ hai điều: Một là họ phải làm việc vất vả
suốt từ sáng sớm đến chiều tối, đang khi những người làm vào giờ
thứ mười một chỉ phải làm có một giờ. Hai là họ phải chịu sự
nắng nôi khó nhọc, đang khi những người làm sau vào lúc ban chiều
không chịu sự nắng gắt nóng bức. Họ muốn được chủ trả lương cao hơn
những người vào làm việc sau. + Này bạn: Đây là kiểu xưng hô
của ông chủ với những người thợ chưa rõ tên. Kiểu xưng hô này vừa
khoan dung vừa trách móc nhẹ nhàng để mong họ nghĩ lại. Giống như
Đức Giê-su đã nói với Giu-đa khi anh ta dẫn dân quân Đền thờ đến bắt Người
trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mt 26,50). + Tôi đâu có xứ bất công với bạn ?:
Việc trả lương một quan tiền cho những người thợ đến sau không gây
thiệt hại gì cho những người làm trước. Những người làm từ giờ thứ
nhất đã nhận đủ một quan tiền, theo đúng thỏa thuận trước lúc vào
làm việc.
-
C 14-16b: + Chẳng lẽ tôi lại không có
quyền tùy ý định đoạt: Việc trả lương cho người đến làm sau cũng được
một quan tiền là do lòng tốt của ông chủ, chứ không phải do công lao
của họ. Qua đó Đức Giê-su muốn dạy: Dân Do thái đừng ganh tị với lương
dân khi Thiên Chúa cũng ban cho lương dân được thừa hưởng lời hứa cứu
độ như họ. Người tín hữu đạo đức cũng đừng ganh tị với các tội
nhân hay người lương khi thấy Chúa đối xử nhân từ với những người này
khi họ được ơn gia nhập đạo vào giờ phút cuối cuộc đời. + Hay
vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức: Ông chủ vạch rõ
tâm địa ganh ghét xấu xa của nhóm thợ làm sáng sớm. Họ không muốn người
làm sau được trả lương bằng hay hơn họ. Đức Giê-su muốn chúng ta hãy
đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa chứ đừng suy nghĩ theo kiểu
loài người mà phê phán công việc của Người. + Thế là những kẻ đứng chót
sẽ được lên hàng đầu. Còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng
chót: Theo Thánh Gio-an Kim Ngôn thì câu này không bắt nguồn
trực tiếp từ dụ ngôn, cũng như không phải là câu tóm kết bài học
của dụ ngôn. Nó được thêm vào, vì có một sự tương tự nào đó xét
theo câu chuyện. Câu này nói đến sự đảo lộn về việc phát lương trước
sau, đang khi trọng tâm của dụ ngôn nhấn mạnh đến việc trả lương đồng
đều giữa những người thợ làm trong thời gian dài ngắn khác nhau. Có
lẽ tác giả khi viết thêm câu này chỉ nhằm đóng khung dụ ngôn mà thôi.
4.
CÂU HỎI:
1) Ông chủ
vườn nho trong dụ ngôn ám chỉ ai ? Việc ông chủ vườn nho đi kêu mời
người đi làm vườn nho cho ông trong nhiều thời điểm khác nhau có ý
nghĩa gì?
2) Người Do thái thời xưa tính ngày mới bắt đầu từ khi
nào ? Mỗi ngày có bao nhiêu giờ lao động và thời giờ ấy tương đương
với giờ hiện nay ra sao ? Giờ thứ mười một hiện nay là mấy giờ
chiều ?
3) Ông chủ hứa trả lương công nhật là bao nhiêu và hứa trả
lương hợp lẽ công bằng nghĩa là gì ?
4) Việc ông chủ đi kêu thợ làm
vườn nho vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, nhất là vào giờ
thứ mười một cho thấy ông là người thế nào ?
5) Việc trả lương thợ
của ông chủ vườn nho khác thường ở điềm nào ? Điều này nhằm nói lên
điều gì về tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người
chúng ta ?
6) Những người làm từ giờ thứ nhất trách móc ông chủ
những gì ?
7) Qua câu trả lời, ông chủ cho thấy việc ông trả lương
bằng nhau cho những người làm trong thời gian nhiều ít khác nhau có
bất công như họ kêu trách không?
8) Ông chủ phê phán thế nào về thái
độ của bọn thợ vào làm vườn nho từ giờ đầu tiên ?
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét