HIỆP SỐNG
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT
30 THƯỜNG NIÊN A
Xh 22,20-26;
1 Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
SỐNG
TÌNH MẾN CHÚA VÀ YÊU THA NHÂN
1.
TIN MỪNG: Mt 22,34-40
(34) Khi
nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những
người Pha-ri-sêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm
hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: (36) “Thưa Thầy, trong sách Luật
Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?”. (37) Đức Giê-su đáp:
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh
hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. (39) Còn điều
răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận
như chính mình. (40) Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tùy
thuộc vào hai điều răn ấy”.
2.
Ý CHÍNH:
Câu hỏi của người thông luật
trong nhóm Pha-ri-sêu nêu ra với Đức Giê-su để thử Người vốn là một
trong những vấn đề lớn mà các Rá-bi Do Thái luôn bất đồng ý kiến và
không ngừng tranh cãi với nhau: “Trong sách Luật Mô-sê thì điều răn nào
là điều răn lớn nhất ?” Nhưng điều họ cho là khó thì trong Tin Mừng
hôm nay, Đức Giê-su đã giải đáp cách dễ dàng. Theo Người thì toàn bộ
sách Luật và các Ngôn sứ đều tóm gọn trong hai điều răn lớn nhất là
mến Chúa và yêu Người.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 34-35: + Đức Giê-su đã làm cho nhóm
Xa-đốc phải câm miệng: Trong dân Do Thái có nhiều phe nhóm khác nhau.
Phái Xa-đốc vì chỉ dựa trên Luật thành văn là bộ sách Ngũ Thư, nên
nghĩ rằng không có chuyện kẻ chết sống lại (x. Mt 22,23). Họ đã dựa
trên luật “thế huynh” (x. Đnl 25,5-10) để đặt vấn đề với Đức Giê-su.
Người đã trả lời bằng hai điểm: Một là khi sống lại, người ta sẽ
sống như các thiên thần (x. Mt 22,30). Hai là Người nhắc lại lời Thiên
Chúa phán với Mô-sê rằng Người là Thiên Chúa của các tổ phụ, ngầm
ám chỉ các tổ phụ ấy vẫn đang sống với Người (x. Xh 3,6). Trước
những bằng chứng rút từ Thánh Kinh ấy, họ đuối lý và đành phải câm
miệng. + Thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại: Họp nhau ở
đây nhằm đối phó với Đức Giê-su. Sau này các đầu mục Do Thái cũng
họp nhau để tìm cách giết hại Người (x. Mt 26,3-4). + Một người thông luật trong
nhóm: Đây là một kinh sư trong nhóm Pha-ri-sêu. Thời Đức Giê-su
có khoảng sáu ngàn người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay Biệt Phái. Cũng
như nhóm Ét-sê-ni, nhóm Pha-ri-sêu thường kết nạp những người có lòng
đạo đức muốn chống lại ảnh hưởng ngoại giáo. Nhóm gồm các kinh sư,
các tiến sĩ Luật và cả tư tế nữa. Họ tổ chức thành hội, nhằm
giúp nhau giữ đạo của cha ông và trung thành với Luật Mô-sê. + để
thử Người: Ở đây nhóm Pha-ri-sêu nêu câu hỏi để đưa Đức Giê-su
vào thế bí, xem Người sẽ giải quyết thế nào đối với vấn đề nan
giải, thường gây tranh cãi giữa các ráp-bi với nhau.
-
C 36-37: + Luật Mô-sê: Luật hay “Tô-ra” trong
tiếng Do Thái, ám chỉ giáo huấn mặc khải của Thiên Chúa nhằm hướng
dẫn nếp sống của con người về nhiều lãnh vực như: Luân lý, tổ chức
gia đình và xã hội, nghi thức phụng tự, các thừa tác viên và các
điều kiện cử hành… Đây là toàn bộ những điều luật ghi trong Ngũ Thư
và chi phối đời sống tôn giáo và trần thế của dân It-ra-en. Luật
Mô-sê gồm 613 điều khác nhau, trong đó có 246 điều luật truyền và 365
điều luật cấm. + Điều răn nào là điều răn lớn nhất: Lớn nhất tức là
quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Đức Giê-su, phần vì
không nhất trí được với nhau, phần vì muốn thử Đức Giê-su để mong
đặt người vào thế bí không thể giải đáp được. + Ngươi phải yêu mến Đức Chúa
hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: Lòng mến Chúa
phải toàn diện, liên quan đến trái tim, linh hồn và cả khối óc của
con người. Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt
động tinh thần cũng như thể xác. + Đó là điều răn lớn nhất và điều răn
đứng đầu: Đây là điều răn thứ nhất trong Thập Giới (x. Đnl
6,5). Tầm mức quan trọng của điều luật này không phải vì được xếp
đầu tiên, nhưng vì việc mến Chúa là điều quan trọng bậc nhất. Vì
thế mỗi người Ít-ra-en đều phải đọc đi đọc lại Luật này mỗi ngày
hai lần: lúc vừa thức giấc cũng như trước khi nghỉ đêm.
-
C 38-40: + Điều răn thứ hai cũng
giống điều thứ nhất: Điều răn thứ hai tuy về lòng yêu người, nhưng
cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa. Vì
lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như
lòng mến Chúa vậy. + Yêu người thân cận: Đối với
dân Ít-ra-en: người thân cận là những người đồng chủng tộc, cùng
huyết thống. Nhưng Đức Giê-su đã mở rộng tình yêu tha nhân đến hết mọi
người: Dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do… và yêu cả kẻ
thù của mình nữa (x. Mt 5,43-48). + như chính mình: Yêu kẻ khác
giống như yêu bản thân mình, là đặt mình vào hoàn cảnh của người
khác. Nói cách khác yêu người bằng mình là: “Muốn người ta làm gì
cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy” (x. Mt 7,12), và ngược lại
“Điều gì con không thích thì đừng làm cho ai” (Tb 4,15). +
Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ: Luật Mô-sê và các
sách Ngôn sứ là cách nói chỉ toàn bộ Cựu Ước. Luật Mô-sê gồm có
năm cuốn sách trong bộ Ngũ Thư. Còn sách các Ngôn sứ gồm hai loại:
sách các Ngôn sứ lớn như I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en và
sách các Ngôn sứ nhỏ như Ba-rúc, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Giô-na, Mi-kha,
Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. +
đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy: Thánh ý của Thiên Chúa
biểu lộ qua các giới răn, và qui về hai giới răn này là “Mến Chúa”
và “Yêu người”. Như vậy, Đức Giê-su đã gắn liền điều răn yêu người
với điều răn mến Chúa, bằng cách cho cả hai cùng quan trọng như nhau,
và tập trung tất cả lề luật vào hai điều răn này. Từ nay, người ta
không cần phải lo lắng chu toàn tất cả 613 điều khoản, với các chi
tiết khó nhớ và khó áp dụng. Nhưng họ chỉ cần giữ hai điều then
chốt là “Mến Chúa hết lòng hết sức” và “Yêu thương tha nhân như chính
mình”. Giữ hai điều này là đã giữ trọn Lề Luật và đã làm theo
thánh ý Thiên Chúa rồi. Sau này, Đức Giê-su còn thêm một điều răn mới
là: “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
4.
HỎI ĐÁP:
HỎI
1: Thái độ của nhóm Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su thế nào?
ĐÁP:
Trong nhóm Pha-ri-sêu, một số
người có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà (x. Lc
7,36;11,37), trong số đó cũng có người có chức vị thủ lãnh (x. Lc 14,1).
Có người đã bảo vệ Người tránh khỏi bị Hê-rô-đê bắt (x. Lc 13,31).
Ông Ni-cô-đê-mô một thành viên của nhóm Pha-ri-sêu cũng đã bí mật gặp
Đức Giê-su vào ban đêm (x. Ga 3,1-2), và sau đó đã công khai bênh vực
Người (x. Ga 7,50), và góp phần vào việc mai táng Người như một môn
đệ (x. Ga 19,39-40). Ông Ga-ma-li-ên, một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu
trong Thượng Hội Đồng có lần đã lên tiếng bênh vực các Tông đồ (x. Cv
5,34-39). Tông đồ Phao-lô trước khi theo Chúa đã từng là một thành viên
nhiệt thành nhất trong nhóm Pha-ri-sêu (x. Cv 26,4-5). Tuy nhiên, đại đa
số người Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên kịch
liệt chống lại con người và giáo lý của Người.
HỎI
2: Thái độ của Đức Giê-su đối với nhóm Pha-ri-sêu ra sao?
ĐÁP:
Về phần Đức Giê-su, tuy nhiều
lần nặng lời quở trách nhóm Pha-ri-sêu về lối sống vụ Lề Luật, giả
đạo đức, vụ lợi, nói mà không làm, kiêu căng, ưa xu nịnh, khinh thường
các tội nhân và dạy giáo lý sai lạc (x. Mt 9,10-11;23,1-7;16,5.12)…
Nhưng Người công nhận họ siêng năng cầu nguyện, bố thí và ăn chay (x.
Mt 6,1-18); nhiệt tâm truyền giáo (x. Mt 23,15), phần nào ăn ở công
chính (x. Mt 5,20), gắn bó với truyền thống của cha ông (x. Mt 6,16),
giữ Luật cách nghiêm nhặt (x. Mt 23,23). Riêng Đức Giê-su đã đến không
nhằm bãi bỏ, nhưng kiện toàn luật Mô-sê hay lời các ngôn sứ nói chung
(x. Mt 5,17-19), và Luật về ngày hưu lễ, về sự nhơ uế nói riêng (x Mt
12,2; 15,1-2).
LM ĐAN VINH
- HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét