HIỆP SỐNG
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG B
Is
40,1-5.9-11 ; 2 Pr 3,8-14 ; Mc 1,1-8
DỌN TÂM HỒN ĐÓN ĐẤNG THIÊN SAI
GIÊ-SU
1.TIN MỪNG: Mc 1,1-8
(c 1)
Khởi đầu Tin mừng Đức Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa. (c 2-3) Chiếu theo
lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi
trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong
hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để
Người đi”. (c 4-5) Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao
giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha
tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến
với ông. Họ thú tội, và ông làm phép Rửa cho họ trong sông Gio-đan. (c
6) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu
và mật ong rừng. (c 7-8) Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn
tôi đang đến sau. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi
đã làm phép Rửa cho anh em nhờ nước. Còn Người, Người sẽ làm phép
Rửa cho anh em trong Thánh Thần.
2. Ý
CHÍNH:
Sách Tin
Mừng thứ hai bắt đầu với lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả.
Mác-cô giới thiệu Gio-an là vị tiền sứ của Đức Giê-su, có sứ mạng đi
trước để dọn đường cho Người (c 2-3). Gio-an thực hiện sứ mạng bằng
việc rao giảng để kêu gọi mọi người phải ăn năn sám hối và sẽ được thanh
tẩy nhờ phép rửa dìm mình trong nước sông Gio-đan. Cuối cùng chính Gio-an
đã giới thiệu về con người và sứ mạng của Đấng Thiên Sai sắp đến (x.
Mc 1,7-8).
3. CHÚ
THÍCH:
- (c 1) Tin
Mừng:
Một từ
ngữ Hy Lạp (Euaggelion) có nghĩa là Tin vui, Tin mừng.
Ta có thể hiểu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo hai nghĩa: Một là chính
Tin mừng đã được Đức Giê-su rao giảng. Hai là Tin mừng về Đức Giê-su
được Hội Thánh công bố. Như vậy, Đức Giê-su vừa là người rao giảng
Tin mừng, lại vừa là đối tượng của Tin mừng được rao giảng (x. Mc
8,38;10,29). + Giê-su: có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ (x. Mt
1,21). Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử có thật, quê tại làng
Na-gia-rét miền Ga-li-lê (x. Mc 1,9), làm nghề thợ mộc, là con của bà
Ma-ri-a, là anh em bà con với các ông Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon
(x. Mc 6,3). + Ki-tô: Ki-tô hay Mê-si-a có nghĩa là
Đấng được xức dầu hay được thánh hiến. Trong Cựu Ước có ba chức vị
được xức dầu tấn phong là: vua, tư tế và ngôn sứ. Chẳng hạn: Đa-vít
được ngôn sứ Sa-mu-en xức dầu phong làm vua (x. 1 Sm 16,13), A-a-ron được
Mô-sê xức dầu phong làm tư tế (x. Lv 8,12), Ê-li-sê được Ê-li-a xức dầu
phong làm ngôn sứ (x. 1 V 19,16). Qua câu này, Mác-cô quả quyết Đức
Giê-su chính là Đấng Thiên Sai hay Đấng Mê-si-a cũng gọi là Ki-tô mà
người Do-thái đang mong đợi (x. Cv 10,38; Lc 4,18-19). + Con Thiên
Chúa: Tước hiệu Con Thiên Chúa tương đương với tước hiệu Con Vua
Đa-vít (x. Mc 14,61-62a). Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, thời đại
hoàng kim của nhân loại đã khởi đầu: Từ đây nhân loại sẽ được giải
thoát khỏi ách nặng nề của lề luật, khỏi làm nô lệ cho ma quỉ,
nhưng được trở nên con cái của Thiên Chúa (x. Mt 5,9), được gọi
Chúa là “Áp-ba, Ba ơi ! ” (x.
Gl 4,6), được nên nghĩ̃a tử của Thiên Chúa nhờ tin yêu kết hiệp
với Đấng Ki-tô (x. Gl 3,26-28).
- (c 2-3)
Lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: Đây là một đoạn
Lời Chúa trích ra từ sách ngôn sứ I-sai-a (40,3). Qua câu này, Mác-cô
muốn ám chỉ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Người được Thiên Chúa trao
cho sứ mạng làm Mô-sê Mới của thời Tân Ước để thực hiện một cuộc
Xuất Hành Mới. Người sẽ dẫn đưa dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh vượt
qua sa mạc trần gian để về miền Đất Hứa là Nước Trời đời sau. +
Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con: Vị sứ giả đây
chính là Gio-an Tẩy giả. Ông đã được trao sứ mạng tiền hô, nghĩa là
công việc của người đi trước hô to lên cho mọi người biết và dẹp đường để đón
Đấng Thiên Sai sắp đến.
- (c 4-5)
Phép rửa của Gio-an Tẩy giả: Gio-an làm phép rửa để
giúp người ta tỏ lòng sám hối tội lỗi và cầu xin Chúa tha tội. Đồng
thời, cũng để chuẩn bị giúp họ đón nhận ơn cứu độ của Đấng Thiên
Sai. Nghi thức phép rửa của Gio-an gồm việc khiêm nhường xưng tội trước
khi được Gio-an dìm mình dưới nước sông Gio-đan.
- (c 7-8)
Bí tích Rửa tội của Đức Giê-su: Sau khi được Gio-an dìm
mình dưới nước sông Gio-đan, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần lấy hình
chim câu ngự xuống trên mình. Qua cuộc thần hiện này, Người đã thiết lập
bí tích rửa tội để ban cho những ai có lòng sám hối và có đức tin sẽ
được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa (x. Mt 28,19). Trong nghi lễ rửa tội,
sau khi tuyên bố từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin, người chịu phép
sẽ được vị chủ sự dìm mình trong giếng nước hay được dội nước trên
đầu, và còn được xức dầu thánh để nên dưỡng tử của Thiên Chúa.
4. CÂU
HỎI:
1) Tin
mừng Đức Giê-su Ki-tô có ý nghĩa thế nào?
2) Ý
nghĩa của hai từ Giê-su và Ki-tô khác nhau ra sao?
3) Phân
biệt giữa phép rửa do Gio-an thực hiện với phép rửa tội do Đức Giê-su
thiết lập giống và khác nhau như thế nào?
4) Người
giáo dân có được quyền ban phép rửa tội cho một người lương lớn tuổi
muốn theo đạo, hay cho một trẻ mới sinh sắp chết hay không và cách thức rửa
tội như thế nào?
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét