CN IV THƯỜNG NIÊN B
Đnl 18,15-20; 1 Cr
7,32-35; Mc 1,21-28
1. TIN MỪNG: Mc 1,21-28.
(21) Đức
Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát,
Người vào hội đường giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng
dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ
không như các kinh sư. (23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một
người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: “Ông Giê-su Na-gia-rét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. (25) Nhưng Đức
Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (26) Thần ô
uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27)
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là
gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh
cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”. (28) Lập tức danh
tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giêsu chính là vị Ngôn Sứ ưu việt
đã được Mô-sê tiên báo sẽ đến. Tin mừng Mác-cô hôm nay trình bày Đức Giê-su
khởi đầu sứ mạng Thiên Sai vào một ngày Sa-bát tại một hội đường thành
Ca-phác-na-um miền Ga-li-lê. Lời giảng dạy và quyền uy của Đức Giê-su khiến
mọi người thán phục
3. CHÚ THÍCH:
- C
21-21: +Thành Ca-phác-na-um: Là một thành nằm về phía Tây
Bắc của biển hồ Ga-li-lê. Đức Giê-su chọn thành này làm trung tâm
truyền giảng Tin Mừng. Tại thành này, Người đã làm nhiều phép lạ
như: trừ quỉ (x. Mc 1,23-28), chữa bệnh (x. Mc 5,25-34), cho kẻ chết sống
lại (x. Mc 5,21-43)... Người cũng có lần quở trách thành này vì đã
cứng lòng tin (x. Mt 11,23-24). + Hội đường: Là một
ngôi nhà hình vuông gồm có ba gian, được xây hướng về Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem. Nơi gian giữa có đặt một tủ đựng Sách Thánh, và một
cái giá dành cho chủ sự. Hội đường là nơi người Do Thái trong làng
hội họp để nghe giảng Kinh Thánh và cầu nguyện. Chúa Giê-su thường
được mời giảng tại các hội đường khắp nước Do thái.
- C 23-24:
+Một người bị thần ô uế ám: Đây là một người bị
quỉ nhập vào. Ma quỉ hay Xa-tan có nhiều nghĩa: “kẻ hủy diệt”, “kẻ gian
ác”, “người cáo tội” (Tv 109,6)... Ở đây ma quỉ được gọi là “thần ô
uế” để đối lập với Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
- C
25-27: +“Câm đi, hãy xuất khỏi người này”: Việc Đức
Giê-su ra lệnh và ma quỷ đã phải im tiếng xuất ra khỏi người bị nó
ám, chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của Người trên ma quỷ.
4. CÂU HỎI:
1- Ma quỉ có thực hay
chỉ là tưởng tượng của những người mê tín dị đoan? Kinh Thánh nói
gì về sự hiện hữu của ma quỉ và các hoạt động của chúng? Đức
Giê-su và Giáo Hội sơ khai có thái độ thế nào đối với ma quỉ?
2- Khi
thấy một người có biểu hiện bất thường về tâm thần, ta có nên vội
kết luận họ bị quỉ ám và tìm cách trừ tà hay không? Ai có quyền
cử hành nghi lễ trừ tà?
3- Để có thể trục xuất ma quỉ ra khỏi
người bị nó ám thì người trừ quỉ cần có những điều kiện nào?
4-
Ngày nay, ngoài việc trừ ma quỉ, giải thoát những người đang bị đàn
áp khống chế, Giáo Hội còn có sứ mạng gì liên quan đến ma quỉ?
ĐÁP:
1. +Ngày nay, nhiều người không
tin có ma quỉ.
Họ
thường giải thích các hiện tượng siêu nhiên do ma quỉ làm nơi con
người thuần túy chỉ là những triệu chứng của bệnh thần kinh. Đang
khi Kinh Thánh lại luôn khẳng định về sự hiện hữu của ma quỉ..
+Trong Kinh Thánh, ma quỉ được
gọi là “Con Mãng Xà”, “Xa-tan” hay “Thần ô uế” (x. Kh 20,2 ; Mc 1,23).
Chúng vốn là thiên thần trên trời, nhưng do phản nghịch với Thiên Chúa
nên đã bị phạt xuống hỏa ngục (x. Gd 1,6 ; Kh 20,7-10); Chúng được
Thiên Chúa cho phép thử thách đức tin của người ta như trường hợp
ông Gióp (x. G 1,6-2,7); Chúng cám dỗ người ta phạm tội như cám
dỗ bà E-và (x. St 2,24), cám dỗ Đức Giê-su (x. Lc 4,2); Chúng ám hại
người ta như đã giết 7 người chồng của bà Xa-ra (x. Tb 3,8 ; 6,14);
Chúng trói buộc người ta bằng cách làm cho họ bị bệnh tật (x.
Lc 13,16)...
+Sứ mạng của Đức Giê-su là tiêu
diệt ma quỉ
(x. Mc
1,24). Người không nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ (x. Mc 3,22-26), nhưng nhờ
quyền năng Thiên Chúa (x. Mt 12,22tt). Kết quả là ma quỉ phải chịu
khuất phục (x. Ga 14,30). Người cũng ban cho các Tông đồ được quyền trừ
quỉ (x. Mc 6,7). Giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Người là lúc ma quỉ bị
tống ra ngoài và bị xét xử (x. Ga 12,31; 16,11).
+Đến
thời Giáo Hội Sơ Khai, Phi-líp-phê đã nhờ Thánh Thần mà trừ quỉ (x. Cv
8,7); Phao-lô cũng có khả năng trừ quỉ (x. Cv 19,11-12). Ngày nay ma quỉ
vẫn đang hoành hành bằng cách nhập vào những người yếu đức tin
(x. Mt 13,43-45); Chúng hành hạ người ta như sàng gạo vậy (x. Lc
22,31). Chúng giống như sư tử luôn rình mồi cắn xé người ta (x.
1 Pr 5,8). Hội Thánh vững tin sẽ toàn thắng ma quỉ khi đến ngày tận
thế. Bấy giờ ma quỉ cùng những kẻ đi theo chúng sẽ bị giam phạt trong
hoả ngục đời đời (x. Mt 25,41; Lc 10,18).
2. +Không nên vội xác định bệnh
nhân đã bị quỉ ám,
nhưng trước tiên cần đem đến bác sĩ thần kinh hay bác sĩ phân tâm học
để được khám và điều trị bằng thuốc men hay các phương pháp tâm lý
tự nhiên. Nếu bệnh không thuyên giảm và có những bằng chứng do ma quỉ
làm thực sự, thì phải nhờ Cha Sở hay Linh Mục đặc trách trừ quỉ điều
tra xem xét. Các vị này sẽ tiến hành việc trừ quỉ dưới sự chỉ đạo
của Đấng Bản Quyền Giáo phận.
+Theo kết quả điều tra thì phần
lớn các trường hợp nạn nhân tưởng là bị quỉ ám, thư ếm hay bùa
ngải... Thực ra chỉ là hiện tượng suy nhược thần kinh hoặc do ảo giác
tưởng tượng mà thôi.
Riêng các hiện tượng lạ như bàn ghế tự nhiên xê dịch, giường nằm của
bệnh nhân có ai đó dựng lên, hoặc bệnh nhân tự nhiên được nâng cao lên
khỏi giường, hoặc có những tiếng gõ bàn hay tiếng nói mỗi khi thày
ngải tra hỏi bệnh nhân... có thể do ma quỉ gây ra, mà cũng có thể
chỉ là ảo thuật do các thầy pháp hay thầy phù thủy thực hiện, nhằm
đánh lừa để người ta tin theo.
+Trong trường hợp chắc chắn các
hiện tượng trên do ma quỉ nhập vào và khống chế làm hại một người nào
đó, thì Đấng Bản Quyền sẽ chỉ định các linh mục chuyên viên đủ kinh
nghiệm chính thức cử hành nghi lễ trừ quỉ.
3. +Nếu bệnh nhân thực sự bị
quỉ ám,
thì các chuyên gia chỉ trừ được ma quỉ nếu có đức tin vững mạnh và
ý chí kiên quyết (x. Mt 17,20). Phải ăn chay và cầu nguyện trong suốt
thời gian trừ quỉ (x. Mt 4,5) ; Phải kết hiệp mật thiết với Chúa
Giê-su để nhờ quyền năng của Người mà trừ quỉ (x. Ga 15,5). Họ cũng
phải nhờ Thần Khí của Chúa Giê-su (x. Mt 12,28) và nhân danh Người mà
trừ quỉ (Mc 9,38). Cuối cùng họ còn phải là người từng trải và có
kinh nghiệm để có thể đối phó hữu hiệu với ma quỉ và tránh bị
chúng làm hại (x. Cv 19,11-19).
4. +Hiện nay, ngoài việc trừ
quỉ, Hội Thánh còn có sứ mạng chống lại những sự dữ thuộc về ma
quỉ
như: ma thuật, đồng bóng và mê tín dị đoan (x. Cv 13,9-11). Bài trừ
tận gốc các tệ nạn xã hội như: Sì-ke ma túy, mãi dâm, rượu chè, cờ
bạc, sách báo phim ảnh khiêu dâm bạo lực (x. Mt 19,16-18); Hội Thánh
cũng phải hòa giải các tranh chấp, đấu tranh chống lại bất công bóc
lột. Cuối cùng Hội Thánh còn phải cộng tác với chính quyền và các
tổ chức nhân đạo bài trừ các thứ giặc như: nghèo đói, dốt nát và
mê tín (x. 1 Cr 10,20).
+Ngoài ra, Hội Thánh cũng khuyên
các tín hữu phải phòng tránh sự khôn ngoan giả dối của thế gian và
ma quỉ (x. Gc 4.14-15), đề phòng các tiên tri giả là tay sai của ma quỉ
gửi các thư nặc danh, các tin nhắn mạo danh “Sứ điệp từ trời” để đả kích Đức
Thánh Cha, truyền bá một thứ giáo lý sai lạc ngược lại giáo lý tông truyền của
Hội Thánh (x. Tm 4,1 ; Kh 16,14).
LM ĐAN VINH-
HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét