HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA
NHẬT II MÙA CHAY B
St
22,1-2.9a.10-13.15-18 ; Rm 8,31b-34 ; Mc 9,2-10
1. TIN MỪNG: Mc 9,2-10
(2) Sáu
ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình.
Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một
ngọn núi cao rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (3) Y
phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian
giặt trắng được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông
Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. (5) Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với
Đức Giê-su rằng: “Thưa thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con
xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a
một cái”. (6) Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh
hoàng. (7) Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có
tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. (8)
Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với
các ông mà thôi. (9) Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông
không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Người đã
từ cõi chết sống lại. (10) Các ông tuân lệnh đó, những vẫn bàn hỏi
nhau xem câu “Từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì?
2. Ý CHÍNH:
Sau khi cho các môn đệ
biết về việc Người sắp lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết và ngày thứ ba
sẽ sống lại, Đức Giê-su muốn củng cố lòng tin của các ông đang bị
giao động, bằng cách đưa 3 môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an
lên núi cao. Tại đây, Người biến hình trước mặt các ông, rồi có lời
Chúa Cha xác nhận Người là Con yêu dấu. Có Mô-sê và Ê-li-a hiện ra
đàm đạo về cuộc khổ nạn Người sắp trải qua. Như vậy, việc biến hình
cho thấy cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là do thánh ý của Chúa Cha và
cũng nhằm khích lệ tinh thần của các môn đệ, giúp các ông kiên vững lòng
tin khi phải chứng kiến cuộc khổ nạn của Người sau này.
3. CHÚ THÍCH:
- C 2-4: +
Các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an: Đây là ba môn đệ được
Chúa ưu ái. Người cho các ông nhìn thấy vinh quang Thiên tính của
Người, như chuẩn bị tinh thần trước để các ông khỏi bị vấp ngã khi
chứng kiến cảnh Người phải lo buồn sầu não trong vườn Cây Dầu trước
giờ chịu khổ nạn (x. Mc 14,33). +
Lên núi cao: Chưa xác
định là núi nào trong hai ngọn núi là Tha-bo và Héc-mon. Núi cao
thường được coi là nơi Đức Chúa ngự. Lên núi cao là để gặp gỡ Đức
Chúa, như Mô-sê gặp Đức Chúa trên núi Khô-rếp trong vùng Si-nai để đón
nhận mười điều răn được khắc trên hai tấm bia đá (x. Xh 24,12-18), còn
Ê-li-a là vị ngôn sứ thời kỳ Các Vua, ông phải chạy trốn cuộc truy bắt của
hoàng hậu I-de-ven bằng cách trốn lên “núi Thiên Chúa” (x. 1V 19,2.8).
Trong Tin mừng hôm nay, ba môn đệ đã được Đức Giê-su cho leo lên núi cao để
được Người mặc khải cho biết về Thiên tính của Người. + Người biến đổi hình dạng: Đức Giê-su tạm thời từ bỏ hình
dạng bình thường của phàm nhân, để mang một hình dạng khác của Con
Thiên Chúa. Y phục rực rỡ trắng tinh chiếu tỏa vinh quang thiên giới.
Trong đoạn này, Mác-cô cho thấy: Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a đang ẩn mình,
người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, giờ đây đã tỏ bày ra trước kỳ
hạn về vinh quang phục sinh sau này. +
Ông Ê-li-a và ông Mô-sê: Hai
vị này đều đã từng leo núi để tiếp nhận mặc khải của Đức Chúa.
Hai vị đều là nhân vật của thời cánh chung. Cả hai đều bước vào thế
giới bên kia cách bí nhiệm: Mô-sê thì bị chết ở miền đất Mô-áp trước
khi Gio-su-ê lãnh đạo dân Ít-ra-en tiến chiếm Hứa Địa, nhưng không ai biết mộ
phần của Mô-sê ở đâu (x. Đnl 34,6), còn Ê-li-a thì leo lên chiếc xe ngựa
rực lửa bay về trời trong cơn gió lốc (x. 2V 2,11). Ở đoạn này, sự
hiện diện của Mô-sê tượng trưng cho Lề Luật, và của Ê-li-a tượng trưng
cho các Ngôn sứ. Điều này chứng minh có sự liên tục giữa Cựu Ước
với Tân Ước. Nó cho thấy thời kỳ Cánh Chung và ban ơn Cứu Độ đã
khởi đầu. + Hiện ra đàm
đạo với Đức Giê-su: Mác-cô
không nói đến nội dung cuộc đàm đạo, đang khi Lu-ca cho biết: “Và nói
về cuộc xuất hành” (nghĩa là cuộc ra đi: chết, sống lại và lên trời
của Đức Giê-su) - mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (x Lc
9,29).
- C 5-8: +
Xin dựng ba cái lều: Lúc đó đang trong thời
gian dân Ít-ra-en mừng Lễ Lều kéo dài 7 ngày. Trong các ngày này, họ
phải đến ở tạm trong các lều trại làm bằng cành cây, để ôn lại công
ơn Đức Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ cho người Ai Cập và cha
ông họ đã từng phải ở trong các lều trại nơi sa mạc (x. Lv
23,34.42-43). Ở đây, Phê-rô xin dựng 3 lều trại nhằm kéo dài cuộc thần
hiện mà ông được chứng kiến. +
Có một đám mây bao phủ các ông: Đám
mây diễn tả sự hiện diện của Đức Chúa, giống như trong thời kỳ Xuất
Hành của dân Do Thái xưa (x. Xh 40,34-38) +
Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người: Lời Chúa Cha công nhận Đức Giê-su
là “Con” (x. Tv 2,7), giống như khi Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan
(x. Mc 1,11). Đức Giê-su cũng được giới thiệu như một Ngôn Sứ mà mọi
người phải nghe theo lời Người dạy (x. Mt 16,14 ; Cv 3,22-23).
- C 9-10: +
Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều
vừa thấy: Trong Tin Mừng Mác-cô, sau khi làm
phép lạ chữa bệnh hay trừ quỉ, Đức Giê-su thường đòi người vừa được
chữa lành phải giữ kín sự việc xảy ra, không được tiết lộ cho người
khác biết là chính Đức Giê-su đã làm phép lạ ấy. Đòi hỏi giữ kín được
gọi là “Bí Mật của Đấng Thiên Sai”. Sở dĩ Đức Giê-su không muốn cho
người ta biết Người là Đấng Thiên Sai vì cần có thời gian để Người
giảng dạy dân Do Thái hiểu đúng về sứ mệnh Thiên Sai của Người đúng theo
Ý muốn của Thiên Chúa. Nếu sớm nói ra sự thật này thì sẽ làm cho dân Do
thái bị tinh thần ái quốc cực đoan tác động, đang mong đợi một Ông Vua
Thiên Sai theo nghĩa trần tục, sẽ hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của
Đức Giê-su và sẽ gây ra bạo loạn, làm cớ cho quân Rô-ma đem quân đến tiêu
diệt dân Do Thái nhỏ bé, bất lợi cho sứ mệnh Thiên Sai về thiêng liêng
tinh thần của Đức Giê-su. Cuộc biến hình biểu lộ Thiên tính của Đức
Giê-su sẽ được các môn đệ chính thức công bố sau biến cố Tử Nạn và
Phục Sinh của Đức Giê-su, nghĩa là sau khi Người “từ cõi chết sống lại”. + Các ông tuân lệnh đó: Ba môn đệ đã vâng lời Đức Giê-su.
Các ông không nói gì về cuộc biến hình này, cho đến sau khi Người
chết và sống lại. Dù các ông không hiểu tại sao Người lại cấm như
vậy. + Từ cõi chết
sống lại nghĩa là gì? Cũng
như Phê-rô đã can trách Đức Giê-su đừng chấp nhận con đường cứu thế mà
phải qua đau khổ thập giá theo ý Chúa Cha, còn các môn đệ khác đều không
hiểu hay không muốn hiểu về con đường “Từ trong cõi chết sống lại”
hoặc “Qua đau khổ vào vinh quang” đã được Đức Giê-su công bố trước cuộc
biến hình (x Mc 8,31).
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Đức Giê-su lại hiển dung
biến hình trước mặt ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an?
2) Núi cao ở
đây là núi gì?
3) Đức Giê-su hiển dung nhằm mặc khải Người là ai?
4) Nội
dung cuộc đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a ra sao và nhằm mục đích gì?
5)
Tại sao ông Phê-rô lại xin Thầy Giê-su cho phép dựng 3 lều trại?
6) Đám
mây muốn diễn tả gì?
7) Qua lời phán từ trong đám mây, Thiên Chúa muốn
mặc khải điều gì về Đức Giê-su với 3 môn đệ thân tín của Người?
8) Bí
mật Đấng Thiên Sai nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su lại cấm ba môn đệ
không nói ra điều các ông vừa được chứng kiến?
9) Tại sao sau cuộc biến
hình các môn đệ lại thắc mắc về ý nghĩa của câu “Từ trong cõi chết
sống lại” của Đức Giê-su?
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét