CN
5 THƯỜNG NIÊN B
G
7,1-4.6-7 ; 1 Cr 9,16-19.22-23 ; Mc 1,29-39
1.
TIN MỪNG: Mc 1,29-39
(29) Vừa ra khỏi hội đường
Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đến nhà hai ông Si-mon và An-rê, có ông
Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. (30) Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-mon
đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình
trạng của bà. (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy. Cơn
sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. (32) Chiều đến, khi mặt trời
đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho
Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34) Đức Giê-su chữa nhiều
kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỉ, nhưng không cho
quỉ nói, vì chúng biết Người là ai. (35) Sáng sớm, lúc trời còn
tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.
(36) Ông Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông
thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (38) Người bảo các ông: “Chúng ta
hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng
ở đó nữa. Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. (39) Rồi Người đi khắp
miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỉ.
2. Ý CHÍNH:
Mác-cô tường thuật
một ngày làm việc tiêu biểu của Đức Giê-su ở thành Ca-phác-na-um:
Người giảng dạy trong hội đường vào ngày Sa-bát (c. 21) ; Chữa một
người bị thần ô uế nhập (c. 23-28) ; Đến thăm nhà hai anh em Si-mon và
An-rê và chữa bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ của ông Si-mon (c. 29-32);
Buổi chiều, Người tiếp tục chữa lành nhiều kẻ ốm đau và người bị
quỉ ám (c. 32-34). Sáng sớm Người đã thức dậy và đi đến một nơi
thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha (c.35). Người luôn ý thức chu
toàn sứ mệnh và đi khắp miền Ga-li-lê giảng đạo và trừ quỉ (c. 39).
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 29-30: + Nhà hai ông Si-mon và An-rê: Si-mon
và An-rê quê ở Bét-sai-đa (x. Ga 1,44), nhưng cư trú tại nhà ở thành
Ca-phác-na-um để hành nghề chài lưới. + Bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt nằm trên giường: Người
Do Thái thường cho bệnh tật là do ma quỉ gây ra và là dấu chỉ sự
trừng phạt tội nhân của Đức Chúa (x. Lv 26,16). Như thế, việc chữa lành
bà mẹ vợ của Si-mon Phê-rô cho thấy triều đại Thiên Sai được ngôn sứ
I-sai-a loan báo đã bắt đầu (x. Is 29,18).
-
C 31-32: + Cầm lấy tay bà mà đỡ dậy:
Cầm tay là cử chỉ Đức Giê-su thường làm khi phục sinh kẻ chết (x.
Mc 5,41), hay chữa lành kẻ bị quỉ ám (x. Mc 9,27). + Cơn sốt dứt ngay và
bà phục vụ các ngài: Phục vụ ở đây cụ thể là nấu
nướng, dọn bữa để tiếp đãi Đức Giê-su và các môn đệ. Qua đó, ta có
thể rút ra bài học: Con người vốn mỏng dòn yếu đuối. Nhưng nếu năng
lãnh nhận các bí tích, sẽ được Chúa ban sức khỏe để phục vụ tha nhân
(x. Ga 13,14-15). + Chiều đến, khi mặt trời
lặn: Tức khoảng 6 giờ chiều, hết thời gian hưu lễ
của ngày Sa-bát, để bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần.
-
C 33-34: + Người ta đem mọi kẻ
ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Người: Đây là kiểu nói phóng
đại để nhấn mạnh đến tính phổ quát của ơn cứu độ. +
Nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật: Đức Giê-su đến
để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân: Người không những
cứu chữa các bệnh tật về thể xác mà còn chữa cả những bệnh tinh
thần như xua trừ ma quỉ ra khỏi người bị chúng nhập vào. +
Không cho ma quỉ nói vì chúng biết Người là ai: Đức
Giê-su cấm quỷ không được tiết lộ về sứ vụ Thiên Sai của Người.
-
C 35-37: + Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi
hoang vắng và cầu nguyện: Trong thời gian giảng đạo, Tin
Mừng cho thấy Đức Giê-su năng cầu nguyện với Chúa Cha. Nhất là trong
những trường hợp quan trọng: Trong cuộc thần hiện sau khi chịu phép
Rửa (x. Lc 3,21) ; Trước khi tuyển chọn 12 tông đồ (x. Lc 6,12) ; Sau
phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Mc 6,46) ; Trước khi Phê-rô tuyên xưng Đức
Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa (x. Lc 9,18) ; Khi biến hình trên
núi (x. Lc 9,29) ; Trước giờ chịu khổ nạn (x. Mt 26,39)...
-
C 38-39: + Ông Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm Người: Đi tìm Chúa là thái
độ biểu lộ sự hâm mộ của các tông đồ đối với Thầy Giê-su. + “Mọi người đang tìm Thầy đấy”:
Dân chúng cũng hâm mộ và đi tìm gặp Đức Giê-su để nghe Người
giảng dạy và được Người chữa lành bệnh tật. + “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để
Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”:
Tin Mừng được rao giảng không chỉ cho một ít người hay cho dân Do
thái... nhưng cho mọi dân tộc trên thế giới (x. Mt 28,19 ; Cv 1,8).
4.
HỎI ĐÁP:
HỎI 1: Tại sao Đức Giê-su lại cấm ma quỉ nói
ra sự thật Người là Đấng Thiên Sai?
ĐÁP:
Vì người Do Thái lúc đó đang
trông chờ Đấng Thiên Sai đến để giải phóng họ thoát ách thống trị
của đế quốc Rô-ma, giống như Mô-sê đã từng ra tay cứu con cháu Gia-cóp
thoát ách nô lệ cho dân Ai Cập khi xưa. Nhưng sứ mệnh Thiên Sai của Đức
Giê-su theo ý Chúa Cha không chỉ nhằm đáp ứng ước mong của người Do
Thái. Sứ mệnh ấy đã được I-sai-a tuyên sấm là: rao giảng Tin Mừng cho
người khiêm hạ nghèo khó, công bố cho người đang bị đau khổ vì bệnh
tật, tù đày, áp bức bất công... một thời đại mới đầy niềm vui,
hạnh phúc, ân sủng và bình an (x. Lc 4,18-19). Do đó, Đức Giê-su không
muốn cho ma quỉ làm hỏng kế hoạch cứu thế mà Người đã lãnh nhận.
Nếu để ma quỷ nói ra sự thật Người là Đấng Thiên Sai trong khi dân chúng chưa
hiểu rõ sứ mệnh Thiên Sai thì họ sẽ bắt Người tôn lên làm Vua (x. Ga
6,15), và quân Rô-ma sẽ kéo đến phá hủy Đền Thờ và tiêu diệt toàn
dân (x. Ga 11,47-48). Thực tế đã chứng minh sự e ngại này có cơ sở:
Vào năm 70, khi dân Do Thái không chịu nổi sự áp bức, đã nổi dậy
chống lại nhà cầm quyền Rô-ma. Lập tức quân Rô-ma đã kéo đến vây hãm
thủ đô Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng họ đã chiếm được thành này. Họ phóng
lửa đốt cháy đền thờ, tàn sát quân lính còn sống và bắt mọi thành
phần dân Do Thái phải rời bỏ quê hương, phân tán đi khắp thế giới. Tai
họa này đã được Đức Giê-su tiên báo cho các môn đệ biết và dùng nó để
mặc khải về ngày tận thế. Người cũng dạy cho các môn đệ phải ứng xử
thế nào để có thể tồn tại trong những ngày ấy (x. Mt 24,15-21).
HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su là Chúa Con ngang
hàng với Chúa Cha, mà lại phải cầu xin với Chúa Cha?
ĐÁP:
Đức Giê-su
chỉ có một Ngôi là Ngôi Con hay Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Ga 1,14). Nhưng
Người lại có hai tính: Một là tính Thiên Chúa, hai là tính loài
người. Là “Con Thiên Chúa”, Đức Giê-su cầu nguyện để tâm sự với Chúa
Cha, biểu lộ sự hiệp nhất mật thiết giữa Cha và Con (x. Ga
17,1.11.21). Là “Con Người”, Đức Giê-su đại diện cho nhân loại để cầu
xin Chúa Cha tha tội và xin cho loài người giao hòa với Chúa Cha. Về
vấn đề này, Thánh Phaolô đã dạy như sau: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là
Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng
với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô
lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như một người trần thế. Người lại
còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây
thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh
hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh Giê-su,
cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì. Và
để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,8-11).
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét