THỨ TƯ LỄ TRO ABC
Ge 2,12-18 ; 2Cr 5,20-6,2 ; Mt 6,1-6,16-18
LÀM VIỆC LÀNH, CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY VỚI SỰ KHIÊM HẠ
(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô
trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh
em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua
chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội
đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em,
chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay
trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo.
Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho
anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả:
Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã
ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần
thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như
bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy
là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng
rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,
(18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện
diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả công cho anh.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi trình bày về sự công
chính mới trong việc tuân giữ các giới răn, Đức Giê-su đề cập tới
một nền đạo đức mới là phải làm các việc lành thế nào cho phù
hợp với tinh thần mới của Người. Điều cốt yếu khi làm các việc đạo
đức là phải khiêm tốn và theo thánh ý Chúa Cha: Tránh làm các việc
đạo đức như cầu nguyện để được người ta ca tụng; Tránh khua chiêng
đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen nơi người đời; Tránh làm bộ
mặt rầu rĩ khi ăn chay để mong được thiên hạ nể phục.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Khi làm việc lành phúc
đức, anh em phải coi chừng. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy: Đức
Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải tránh thói đạo đức giả
hình của các người Pha-ri-sêu (Biệt Phái), là những kẻ “nói mà không
làm”, “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (x Mt 23,3.5). + Bố
thí: Thời Đức Giê-su, bố thí là việc công chính bậc nhất (x
Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa
tới sự phô trương bề ngoài để được người khác ca tụng. +
Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người
Pha-ri-sêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin
nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào
nói đến việc này. Do đó, ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có
tính phóng đại để làm nổi bật đòi hỏi tinh thần khiêm tốn, mà Đức
Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có, khi làm các việc đạo đức.
+
Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời chính
là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm mục đích
tự nhiên. Do đó, họ sẽ không được hưởng công phúc thiêng liêng trước
mặt Chúa Cha trên trời.
- C 3-4: + Đừng “cho tay trái biết
việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là phải giữ kín,
đừng nói cho người khác biết việc mình đang làm. Người môn đệ Đức
Giê-su cần tránh cho mọi người biết việc bố thí của mình, nên phải thực
hiện trong sự âm thầm khiêm tốn.
- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính
Đức Giê-su đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt
14,23). Theo các huấn thị của Người rải rác trong các Tin Mừng thì
lời cầu nguyện phải như sau: Phải cầu nguyện cách khiêm tốn trước mặt
Thiên Chúa (x Lc 18,10-14) và người đời (x Mt 6,5-6); Phải chân thành,
phát xuất tự đáy lòng (x Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ
của Chúa Cha (x Mt 6,8; 7,7-11) và kiên trì nài xin (x Lc 11,5-8; 18,1-8).
Lời cầu nguyện sẽ chỉ được Chúa chấp nhận khi cầu nguyện với lòng
tin (x Mt 21,22); Khi cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20); và
khi xin Chúa ban những điều tốt lành (x Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu
nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta
thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai
và có tính cộng đồng (x Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ muốn tránh ý
đồ phô trương công đức để được ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa
lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách
thức của ngôn sứ Ê-li-a khi ông cầu nguyện để làm cho đứa bé mới
chết được sống lại (x 2 V 4,33). Cách thức cầu nguyện kín đáo này
trái với cách phô trương của những kẻ giả hình. Cầu nguyện là gặp
gỡ Thiên Chúa. “Vào phòng” là hồi tâm, đặt mình trước sự hiện diện
của Thiên Chúa nhờ đức tin. Thiếu điều này sẽ không còn là sự cầu
nguyện đích thực nữa.
- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ
rất lâu, dân Ít-ra-en có tục lệ ăn chay mỗi khi có tang chế (x 2 Sm
3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16). Ăn chay theo luật
Mô-sê là nhịn ăn uống vào lúc ban ngày. Sự nhịn ăn uống này sẽ kéo
dài trong một thời gian lâu hay mau tùy trường hợp. Trong thời gian ăn
chay, người ta sẽ không tắm rửa, để râu tóc mọc dài, và mặc một
loại quần áo vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do Thái chỉ buộc
phải ăn chay trong lễ Xá Tội vào mùng mười tháng Bảy, tức khoảng
cuối tháng Chín dương lịch (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), trong ngày kỷ niệm
Đền thờ bị tàn phá và những lúc gặp thiên tai. Riêng người Pha-ri-sêu
còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12), nhưng việc chay
tịnh chỉ mang tính bề ngoài nhằm phô trương (x Mc 2,18), nên Đức Giê-su
đã không chấp nhận sự khổ chế này của họ (x Mc 2,19-20). +
Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người
phải ăn chay trong sự kín đáo khiêm tốn: thay vì rắc tro lên mặt, để
râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn… thì họ phải rửa mặt, chải dầu thơm
giống như họ vẫn thường làm mỗi khi đi ra đường để người khác không biết
họ đang ăn chay.
4. HỎI ĐÁP:
1) Khi nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả công cho anh” (c. 4b.6b.18b), phải chăng Đức Giê-su cổ võ
một thứ luân lý vụ lợi: Cho đi để được nhận lại ?
Đức Giê-su không dạy chúng ta tìm lợi ích cho bản thân mình khi làm việc thiện để được Chúa trả công. Vì nếu như vậy thì Người đã hứa ban thưởng cho họ những gì thuộc về thế gian như tiền bạc, sức khỏe, thành công… Nhưng ở đây Người không nói rõ họ sẽ được Chúa Cha ban cho phần thưởng gì. Nơi nhiều đoạn khác, phần thưởng được hứa hầu như luôn là Nước Trời hay một trong những hoa trái thiêng liêng của nó là sự sống muôn đời (x. Mt 25,46; Mc 10,30). Các môn đệ sẽ được tham dự vào quyền bá chủ của Người (x. Lc 22,28-29), được xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en trong ngày tận thế (x. Mt 19,28). Như vậy, phần thưởng Đức Giê-su hứa cho những kẻ làm việc lành đều qui hướng về mầu nhiệm Cánh Chung sau này, và được Chúa ban cho không, không do việc làm của họ đáng được thưởng, mà chỉ vì tình thương và lòng nhân hậu vô biên của Người mà thôi (Dụ ngôn đầy tớ vô dụng: Lc 17,7-10). Hơn nữa, phần thưởng ở đây còn là chính Thiên Chúa. Những ai làm việc thiện trước mặt Thiên Chúa, với ý hướng làm vui lòng Ngài và nhằm tôn vinh Ngài, thì sẽ được gặp gỡ Ngài, được nhìn thấy nhan Ngài và sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.
2) Muốn có giá
trị trước mặt Thiên Chúa và đón nhận được nhiều ơn lành Chúa ban, thì trong
Mùa Chay này chúng ta cần tránh và cần làm những công việc gì ?
Muốn cho việc ăn chay có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì cần tránh cách ăn chay hình thức bề ngoài như dân Do thái đã bị Đức Chúa quở trách. Nhưng để xứng đáng được Chúa chấp nhận, việc ăn chay phải kèm theo các việc lành như I-sai-a tuyên sấm: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…”. Nào, cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích chẳng phải thế này đó sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu Người liền đáp: “Có Ta đây!” (Is 58,6b-9a).
3) Nguồn
gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro trong ngày lễ Tro ra sao ?
Về nguồn gốc và ý
nghĩa của nghi thức xức
tro: Lễ nghi xức tro đã thay đổi như sau: những ai phạm tội nặng công khai, như chối bỏ
đức tin, giết người, ngoại tình… sẽ bị
loại trừ ra khỏi cộng đoàn.
Để được hòa nhập trở lại, họ phải thi hành việc sám hối công khai trong Mùa
Chay như sau:
-
Đầu tiên vào Thứ Tư trước Chúa nhật I Mùa Chay, các tội nhân công khai sẽ phải tập
trung trong nhà thờ chính toà. Sau khi mỗi tội nhân lần lượt công khai xưng thú
các tội đã phạm, Đức Giám mục sẽ trao cho họ một chiếc áo nhặm để mặc vào và
rắc một ít tro trên đầu họ. Sau đó họ sẽ từ nhà thờ đi đến một tu viện để có
giờ hồi tâm sám hối. Đến sáng Thứ Năm Tuần thánh, họ sẽ lại đến nhà thờ chính
toà. Sau khi xem xét thái độ sám hối của hối nhân trong Mùa Chay, Đức giám mục
sẽ ban phép xá giải các tội lỗi cho họ và giao hoà họ lại với cộng đoàn. Từ
dây, họ sẽ được tham dự vào các buổi cử hành bí tích.
-
Khi xức tro trên đầu hối nhân, chủ sự sẽ đọc một trong hai câu: “Là thân cát bụi sẽ trở về với cát
bụi” (St 3,19); hoặc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Các Thừa Tác Viên
không có chức thánh cần phải được chuẩn bị nghi thức và học thuộc các câu nói
trên.
-
Tro dùng trong phụng tự từ thời Cựu Ước để biểu tượng cho u buồn, cái chết và
sự thống hối. Mordecai đã mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ tru diệt
dân Do Thái (x. Et 4,1). Ông Gióp cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối
(x. G 42, 6). Dân thành Ninivê ăn chay, mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro (x. Gn
3, 5-6) khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải.
Chúa
Giêsu nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang
áo nhặm và xức tro (x. Mt 11, 21). Từ thế kỷ thứ hai, Giáo Hội đã dùng tro
trong nghi thức Sám Hối. Nhiều Giáo Phụ nhắc đến việc thực hành này.
Lòng
sám hối sẽ thúc bách các tín hữu dấn thân sống Tin Mừng, bằng việc từ bỏ mọi xa
hoa không cần thiết và thể hiện tình liên đới với người đau khổ.
SỐNG LỜI CHÚA
“Khi bố thí đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm” (Mt 6,3).
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét