Trong cuộc đời, có những điều xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của
con người. Chẳng hạn, chúng ta không cắt nghĩa được sự sống, không giải
thích nổi đức tin; vì những điều này đến từ Thiên Chúa. Một ví dụ rõ
ràng hơn là sự thành hình của Giáo Hội Công Giáo. Đức Kitô đã thiết lập
Giáo Hội từ con số 12 các tông đồ, và Giáo Hội đã không ngừng phát triển
và tồn tại hơn 2,000 năm qua, cho dẫu phải đương đầu với biết bao những
bắt bớ và thăng trầm của lịch sử.
1/ Bài đọc I: Ed 17, 22-24
Thiên Chúa là tác nhân chính trong việc tìm ra, vun trồng, và làm cho cây hương bá lớn mạnh.
1.1/ Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng: Các
ngôn sứ, đặc biệt Isaiah và Ezekiel, muốn nhấn mạnh đến uy quyền tối
thượng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, điều khiển và cứu chuộc; con
người chỉ giữ một vai trò rất nhỏ là cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn
cứu độ đã có sẵn đến cho mình, và loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa
cho tha nhân.
Hình ảnh chồi non của cây hương bá mà Thiên Chúa chọn lựa và đem
trồng có thể so sánh với hình ảnh chồi non của gốc tổ Jesse trong Isaiah 11:1-10.
Chồi non này cách chính yếu là chính Đức Kitô, và cách thứ hai là Giáo
Hội mà Đức Kitô thiết lập. Theo Ezekiel, Đức Kitô sẽ trở thành cây hương
bá to lớn, thay thế các vua của dòng tộc David để cai trị không chỉ dân
Do-thái, nhưng còn mọi quốc gia trên thế giới. Đó chính là ý nghĩa của
câu “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.”
1.2/ Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện: Trong Kế Hoạch
Cứu Độ, Thiên Chúa là Người phác họa, thi hành, và mang nó đến chỗ
thành công. Một khi Thiên Chúa bắt đầu thi hành, không một uy quyền hay
chính thể nào trên thế giới có thể chống lại hay ngăn cản ý định của
Ngài. Thiên Chúa có toàn quyền chọn lựa và định đoạt: “Ta hạ thấp cây
cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây
khô héo được xanh tươi.” Con người thuộc mọi thời đại phải nhận ra và
phục tùng uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Đọc lại lịch sử Cứu Độ, một điều được các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ
lặp đi lặp lại sau các lời tuyên sấm cùa Thiên Chúa là “Đức Chúa sẽ
thực hiện những gì Ngài đã phán.” Lịch sử Cựu Ước chứng nhận những lời
này là trung thực: Thiên Chúa trung thành thực thi những gì Ngài đã hứa.
Ví dụ: lời hứa ban cho Abraham một dòng dõi, Đất Hứa; lời hứa ban cho
nhân loại Đấng Thiên Sai, lời hứa sẽ thiết lập một giao ước mới…
2/ Bài đọc II: Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin.
2.1/ Vai trò của đức tin trong cuộc đời của các tín hữu: Theo thánh
Phaolô, khi sống trong cuộc đời này, chúng ta không thấy Thiên Chúa;
nhưng chúng ta vẫn mạnh dạn tiến bước là nhờ niềm tin vào những lời Chúa
nói. Nhiều tác giả ví đức tin như ngọn hải đăng dẫn đường cho con
thuyền đời của mỗi người chúng ta trong đêm tăm tối. Trong lịch sử,
chúng ta có hàng ngàn hàng vạn những chứng nhân của niềm tin như :
Abraham, Isaac, Jacob, Moses, Joshua, Isaiah, Jeremiah, Thánh Giuse, Đức
Mẹ, các thánh… Họ can đảm bước đi không phải vì đã thấy; nhưng hoàn
toàn do bởi niềm tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Kinh Thánh chứng nhận:
họ đã không phải hổ thẹn, vì tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đã
làm.
Nhiều người phản kháng rằng họ chỉ tin và bước đi khi nhìn thấy kết
quả. Điều này khôi hài, vì biết bao lần trong cuộc đời, họ đã làm khi
chưa nhìn thấy hậu quả. Họ đã làm theo ý của cha mẹ, thầy cô, các nhà
lãnh đạo ngoài đời cũng như trong tôn giáo. Họ đã đặt niềm tin vào những
con người phàm này để tiến tới. Tại sao họ lại không đặt niềm tin vào
một Thiên Chúa uy quyền có khả năng biến đổi sự vật từ không ra có, và
chẳng gì là không thể đối với Người!
Quan niệm của thánh Phaolô về cuộc đời tương tự như truyền thống của
Việt-nam: Sống gởi, thác về. Còn sống trong thân xác là con người lưu
lạc xa Thiên Chúa; khi dứt bỏ thân xác là con người trở về với Thiên
Chúa. Làm sao chúng ta biết điều này là thật? Chúng ta phải tin tưởng
vào những gì Thiên Chúa mặc khải và sự suy luận của lý trí. Mặc khải về
sự sống lại và sự sống đời sau đã được chứng nhận bởi Đức Kitô trong
Kinh Thánh. Suy luận của lý trí về sự trường sinh bất tử của linh hồn
được chứng thực bởi các triết gia Hy-lạp.
2.2/ Mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu
đã làm. Tin tưởng và làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời là điều
mà một người khôn ngoan phải làm, chứ không phải là điều tùy thuộc; vì
sống làm sao, Thiên Chúa sẽ trả cho chúng ta như vậy.
(1) Nếu chúng ta cố gắng tìm ra và sống theo thánh ý của Thiên Chúa,
chứ không theo sở thích của chúng ta, Thiên Chúa chắc chắn sẽ cho chúng
ta sống lại và hưởng hạnh phúc bên Ngài.
(2) Nếu chúng ta chỉ sống theo ý riêng, chúng ta không đẹp lòng Thiên
Chúa. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá cho lối sống đó. Chúng ta sẽ
không được sống hạnh phúc với Thiên Chúa và sẽ bị tiêu diệt muôn đời.
3/ Phúc Âm: Con người không thể hiểu thấu công trình của Thiên Chúa.
Trong trình thuật của Marcô hôm nay, Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu
diễn giải qua 2 ví dụ. Mục đích của việc diễn giải là để nói lên: (1)
Nước Thiên Chúa lớn mạnh là do Thiên Chúa, không do công sức của con
người; và (2), Nước Thiên Chúa tuy bắt đầu bé nhỏ, nhưng có tiềm năng
lan rộng khắp thế giới.
3.1/ Nước Thiên Chúa được ví như một hạt giống chứa đựng tiềm năng
của sự sống. Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như
chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ
hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người
ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên,
rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa
chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” Qua ví dụ này, Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh đến 3 điều sau đây:
(1) Con người không phải là tác giả của sự sống: Sự sống đến từ Thiên
Chúa và được trao ban cho muôn vật. Trong sự tạo dựng của Thiên Chúa,
hạt giống tự nó đã có tiềm năng của sự sống. Con người không cho hạt
giống sự sống, nhưng có thể giúp nó tăng trưởng và cho kết quả tốt hơn.
Cũng vậy, Nước Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa và đã có tiềm năng phát
triển. Con người không tạo nên Nước Thiên Chúa, nhưng có thể giúp cho
Nước Thiên Chúa mau đến.
(2) Đặc điểm của Nước Thiên Chúa:
* Sự tăng trưởng của nó không hiểu được: Con người có thể nhìn thấy
sự tăng trưởng của hạt giống, nhưng không thể cắt nghĩa sự tăng trưởng
của nó. Cũng vậy, con người có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa lớn mạnh
dần, nhưng không thể cắt nghĩa lý do của sự lớn mạnh này.
* Sự tăng trưởng của nó cứ phát triển đều đặn: Không giống như sự
tiến bộ của con người, có lúc tăng trưởng có lúc suy thóai. Sự tăng
trưởng của hạt giống và của Nước Thiên Chúa cứ phát triển đều đặn và lớn
mạnh dần.
(3) Mùa màng sẽ tới: Khi gieo giống xuống, con người chờ đợi mùa màng
tới. Cũng vậy, khi Thiên Chúa bắt đầu triều đại của Ngài, là sẽ có ngày
vinh quang. Con người cần kiên nhẫn và chuẩn bị xứng đáng cho Ngày đó.
Đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn con người. Đức tin đến
từ Thiên Chúa, chứ không phải từ con người; nhưng con người có thể cộng
tác với Thiên Chúa để làm cho đức tin phát triển. Đức tin có tiềm năng
lớn mạnh để giúp con người luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa cho dù phải
đương đầu với bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.
3.2/ Tiềm năng của sự sống không lệ thuộc vào hình dạng bên ngoài:
Hạt cải là hạt bé nhỏ nhất nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn. Hạt cải
bên Palestine là hạt có thể trở thành cây, chứ không phải chỉ trở thành
rau như của chúng ta. Trong thế giới thời đó, các đế quốc thường được
ví như cây, và các nước chư hầu được ví như cành. Chúa Giêsu có ý muốn
nói: Nước Thiên Chúa bắt đầu với một nhóm người Do-Thái nhỏ; nhưng có
tiềm năng trở thành cây lớn, và tất cả con người thuộc mọi quốc gia đến
tìm chỗ nương tựa. Điều này đã được chứng minh bằng con số hơn một nửa
dân số của thế giới đã tin vào Ngài.
- Đức tin là quà tặng quí giá Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn con
người. Chúng ta phải biết quí trọng, phát triển, và giữ vững đức tin.
- Chúng ta sống là nhờ đức tin và hy vọng vào Đức Kitô. Nếu không đặt
niềm tin nơi Đức Kitô và thi hành những gì Ngài dạy bảo, chúng ta sẽ
không có hy vọng được sống muôn đời.
- Đức tin có tiềm năng lớn mạnh và thực hiện những chuyện vượt quá
sức con người. Vì thế, khi chúng ta chưa thực hiện được những gì Thiên
Chúa đòi, đức tin của chúng ta còn non nớt, yếu kém. Chúng ta cần xin
Thiên Chúa củng cố niềm tin cho chúng ta.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét