Hc
27,33-28,9 ; Rm 14,7-9 ; Mt 18,21-35
HÃY
SẴN SÀNG THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THỨ THA
1.
TIN MỪNG: Mt 18,21-35
(21) Bấy
giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em
con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy
lần không ? (22) Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng
là đến bảy mươi lần bảy”. (23) Vì thế, Nước Trời cũng giống như
chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ
sách. (24) Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc
nợ vua mười ngàn nén vàng. (25) Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra
lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. (26) Bấy giờ,
tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng
hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. (27) Tôn chủ của tên đầy tớ
liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. (28) Nhưng vừa ra
đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm
quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”. (29)
Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng
hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. (30) Nhưng y không chịu, cứ tống
anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. (31)Thấy sự việc xảy ra như
vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu
đuôi câu chuyện. (32) Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến vào bảo: “Tên đầy
tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin
Ta, (33) thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như
chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (34) Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ,
trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. (35) Ấy
vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế,
nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
2.
Ý CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su
không chấp nhận giới hạn tha thứ bẩy lần do Phê-rô đề nghị, nhưng
Người đòi môn đệ phải tha bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha luôn
luôn cho anh em mình.
Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải
sẵn lòng tha thứ những tội nợ của anh em mình vì ba lý do như sau:
- Một là vì ta đã được Thiên Chúa tha thứ vô điều kiện.
- Hai là vì số
nợ của anh em đối với ta chẳng là gì so với số nợ ta mắc đối với
Thiên Chúa.
- Ba là nếu ta đòi anh em tính sổ sòng phẳng thế nào, thì ta
cũng sẽ bị Thiên Chúa tính sổ nợ sòng phẳng như vậy.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 21-22: + Ông Phê-rô đến gần Đức
Giê-su mà hỏi…:
Phê-rô muốn biết phải xử trí thế nào đối với những kẻ đã xúc phạm
đến mình ? + Con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?:
Các Ráp-bi Do thái xưa dạy "quá tam ba bận" nghĩa là tha tối
đa 3 lần. Tông đồ Phê-rô thì đưa ra số 7 lần là một con số hoàn hảo.
Nhưng Đức Giê-su còn đòi các môn đệ phải đi xa hơn nhiều. +
Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy:
Có chỗ ghi là bảy mươi bảy lần bảy. Ông La-méc xưa đã đòi vợ con
phải trả thù cho ông: “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, còn La-méc
thì gấp bảy mươi bảy” (x. St 4,24). Ở đây, thay vì đòi báo thù, Đức
Giê-su lại đòi môn đệ phải tha thứ bảy mươi lần bảy, nghĩa là: Phải
tha luôn luôn, không giới hạn số lần và phải tha vô điều kiện. Lý do
để tha không phải do kẻ có lỗi đã biết ăn năn sám hối, cũng chẳng
phải vì kẻ bị xúc phạm muốn tỏ ra sự quảng đại của mình, nhưng
chỉ vì Thiên Chúa đã đối xử cách quảng đại và bao dung đối với mọi
con nợ của mình.
-
C 23-25: + Ông vua kia: Trong Kinh Thánh, vua
thường ám chỉ Thiên Chúa, Đấng có quyền tối thượng trên mọi phàm
nhân, là vị thẩm phán tối cao và có quyền ra án lệnh cuối cùng. +
Đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách: Ở đây là tính
sổ theo phép công bình. + Các đầy tớ: Trong Thánh Kinh,
đầy tớ vừa ám chỉ thuộc hạ hay nô lệ mà cũng ám chỉ bề tôi hay
cận thần của nhà vua, là những người có đầy thế lực (x. 1 Sm 8,14; 2
V 5,6). + Một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng: Mỗi nén vàng
thời đó giá sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công.
Mười ngàn nén vàng tương đương với 60.000.000 (sáu mươi triệu) quan tiền
+
Y không có gì để trả: Không trả được vì món nợ quá lớn.
Cũng vậy, tội lỗi của con người phạm đến Thiên Chúa nặng nề vô
cùng, không bao giờ người ta có thể trả hết được. + Chủ ra lệnh bán y cùng tất
cả vợ con, tài sản mà trả nợ: Trong Kinh Thánh có những
trường hợp người mắc nợ không trả được món nợ, nên đã bị chủ bắt
con cái người ấy phải làm nô lệ để trừ nợ (x. 2 V 4,1). Ở đây cho
thấy cả vợ con cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc trả
nợ. Như vậy tội lỗi gây ra hậu quả nghiêm trọng không những đối với
người phạm tội, mà còn đối với cả những người thân trong gia đình
nữa.
-
C 26-27: + Sấp mình xuống bái lạy: Người đầy tớ biểu lộ
thái độ khiêm nhường luỵ phục bằng việc sấp mình xuống trước tôn
chủ mà bái lạy. + Xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết: Anh
ta không dám xin tôn chủ tha nợ, vì anh biết số nợ kia quá lớn, và
anh không đáng được tha món nợ ấy. Anh chỉ dám xin thêm thời gian để
lo thu xếp trả nợ. Cũng giống như đứa con hoang đàng thấy mình không
còn đáng được Cha tiếp nhận làm con giống như trước đó, mà chỉ dám
xin cha cho anh được làm công cho cha để đền tội mà thôi (x. Lc 15,19). + Tôn
chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món
nợ: Cho dù món nợ quá lớn, nhưng thấy người đầy tớ có thái
độ khiêm nhường xin được khất nợ, thì tôn chủ đã động lòng thương.
Ông không những cho khất mà còn sẵn sàng tha hết số nợ lớn lao cho
anh ta. Cũng vậy, dù tội chúng ta phạm đến Chúa nặng đến đâu đi nữa,
nhưng nếu ta ăn năn và quyết tâm chừa cải, thì Thiên Chúa cũng sẽ tha
thứ cho ta tất cả, và còn ban thêm nhiều ơn hơn cả những điều ta dám
cầu xin Người.
-
C 28-30: + một người đồng bạn, mắc
nợ y một trăm quan tiền: Người bạn này chỉ mắc nợ y một trăm quan tiền,
tương đương với một trăm ngày công lao động. Ở đây so sánh hai món nợ
chênh lệch nhau quá nhiều nhằm diễn tả tội lỗi chúng ta xúc phạm
đến Thiên Chúa thật quá nặng nề, nếu so với tội anh em phạm đến ta.
Vì Thiên Chúa thánh thiện và uy quyền vô cùng, nên tội ta dù nhỏ bé,
cũng trở nên nặng hơn nhiều lần. Giống như khi ta dùng một lời nào
đó để chửi bạn bè nặng một, nhưng nếu ta cũng dùng lời đó để chửi
cha mẹ hay người bề trên thì sẽ thành nặng hơn gấp mười. + Y
túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”: Câu chuyện này
diễn tả thái độ khắc nghiệt của tên đầy tớ đối với một người bạn
là con nợ của hắn ta. Thái độ này tương phản với thái độ bao dung
độ lượng của tôn chủ đối với anh ta. + Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho
tôi, tôi sẽ lo trả anh: Thái độ và lời năn nỉ của người đồng
bạn cũng giống như thái độ và lời cầu xin của tên đầy tớ đối với
tôn chủ trước đó. Cả hai con nợ đều không dám xin tha nợ, mà chỉ xin
khất một kỳ hạn. Đức Giê-su cố ý trình bày sự tương đồng giữa thái
độ của hai con nợ, để làm nổi bật sự tương phản, một bên là lòng
quảng đại bao dung của Thiên Chúa tha nợ vô điều kiện, và bên kia là
sự hà khắc độc ác của phàm nhân chúng ta đòi xử lý tới cùng. +
Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ:
Khi bắt con nợ vào ngục, chủ nợ cưỡng bức lao động để trừ dần số
nợ, hoặc để người này phải nhờ thân nhân bán đồ đạc nhà cửa, hay đi
vay mượn để lấy tiền trả nợ. Ở đây cho thấy lòng dạ tên đầy tớ này
thật hẹp hòi và thiếu lòng khoan dung độ lượng.
-
C 31-33: + Các đồng bạn của y buồn
lắm, mới đi trình bày với tôn chủ: Họ bất mãn trước cách cư xử vô
nhân đạo và độc ác của tên đầy tớ với bạn hắn ta. Thái độ ấy trái
với lòng quảng đại bao dung mà hắn đã nhận được từ nơi tôn chủ. Vì
thế những người này đã đi tố cáo hành động bất nhân của hắn để yêu
cầu tôn chủ xử lý hắn. + Tên đầy tớ độc ác kia: Tôn
chủ la rầy sự độc ác mà hắn đã xử với con nợ của hắn, trái với
lòng khoan dung của ông đối với hắn. + Ngươi không phải thương xót đồng bạn,
như chính ta đã thương xót ngươi sao ?: Tôn chủ đã hạch tên đầy
tớ về thái độ thất nhân ác đức đối với đồng bạn của hắn. Trong
kinh Lạy Cha, Đức Giê-su cũng dạy các môn đệ phải tha thứ tội nợ cho
anh em để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội nợ cho mình.
-
C 34-35: + Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ: Việc tên đầy tớ không
chịu tha thứ cho đồng bạn khiến hắn đã bị tôn chủ nổi giận. Ông đã
xử lý với hắn theo phép công bình là giam hắn vào ngục tối cho đến
khi trả hết số nợ, đúng như hắn đã xử lý với người bạn là con nợ
của hắn trước đó. + Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ
đối xử với anh em như thế: Lời kết luận nhằm áp dụng cụ thể
bài học: Nếu các môn đệ muốn được Thiên Chúa đối xử khoan dung tha
thứ tội lỗi cho mình, thì cũng phải sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm
cho anh em.
4.
CÂU HỎI:
1) Phân biệt
về số lần đòi báo thù của ông La-merk thời các Tổ phụ, lời dạy về số lần tha
thứ của các rab-bi Do thái, lời đề nghị về số lần tha thứ cho anh em của Tông
đồ Phê-rô và lới dạy về số lần phải tha thứ của Chúa Giê-su khác nhau thế nào ?
2) Trong dụ ngôn về hai con nợ, kẻ mắc nợ mười ngàn nén vàng đã cư xử thế nào
đối với con nợ chỉ mắc nợ anh ta có một trăm quan tiền ?
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét