1)
SO SÁNH NGƯỜI CON CẢ VÀ NHỮNG THỢ LÀM VƯỜN NHO ĐẦU TIÊN:
Trong dụ ngôn về người cha nhân
hậu, anh con cả đã bất mãn với người cha khi ông tỏ lòng bao dung tha
thứ đối với đứa em hư hỏng bỏ đi hoang trở về nhà. Không những ông
không trừng phạt tội bất hiếu của nó, mà còn truyền cho gia nhân
giết dê béo ăn mừng nó trở về. Người con cả đã bày tỏ thái độ ganh
ghét khi không thèm vào nhà và lên tiếng trách cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu
năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao
giờ cha cho lấy được một con dê con để con vui vẻ với bạn bè. Còn
thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn
đàng điếm, nay trở về, thì cha lai giết dê béo ăn mừng nó !” (Lc
15,28-30).
Trong Tin mừng hôm nay, những người đi làm từ sáng sớm cũng
cằn nhằn ông chủ vườn nho khi thấy ông trả lương cho người đi làm vào
giờ thứ mười một. Họ chỉ làm việc một tiếng đồng hồ cũng được trả lương một
quan tiền, bằng với những người làm từ giờ thứ nhất, phải chịu nắng nôi
khó nhọc suốt cả ngày.
Khi Đức Giê-su ra giảng đạo, các
kinh sư và người Pha-ri-sêu cũng tỏ thái độ khó chịu khi thấy Người đối xử
thân tình với bọn người thu thuế, gái điếm và những kẻ tội lỗi. Như một
mục tử tốt lành, Người đi tìm từng con chiên lạc, đem lại cho những
người bất hạnh niềm vui và hạnh phúc. Người mời họ ăn năn sám hối
và hứa ban Nước Trời cho họ. Như vậy, Đức Giê-su cho rằng người tội
lỗi cũng được hạnh phúc trong Nước Trời ngang với các kinh sư và người
Pha-ri-sêu, là những người tuân giữ từng điều khoản dù nhỏ mọn của
luật Mô-sê và tự liệt mình vào hàng ngũ những người công chính.
2)
THẾ NÀO LÀ THÓI XẤU ĐỐ KỴ GANH GHÉT ?
- Ngày từ thuở bình minh của nhân
loại, sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, sự dữ đã lọt vào thế
gian. Ca-in đã ganh tị khi thấy Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của A-ben
và bỏ qua lễ vật của mình. Do lòng đố kỵ, Ca-in coi A-ben em hắn là kẻ
thù và ra tay giết chết em, và cuối cùng hắn đã bị trừng phạt. Như
vậy kẻ ganh tị vừa huỷ diệt người khác, lại vừa tự hủy chính mình.
- Trong Tin Mừng hôm nay, những người
thợ làm việc từ sáng sớm cũng đã cằn nhằn ông chủ vì ông đã trả
lương cho người làm sau một quan tiền, ngang bằng với họ đã chịu nắng
nôi vất vả suốt cả ngày. Giả như ông trả cho người làm sau số tiền
ít hơn thì chắc họ đã không cảm thấy khó chịu như thế. Như vậy kẻ ganh
tị do thiếu tình thương nên không “vui với người vui, khóc với kẻ khóc”. Họ
không coi các người thợ làm việc sau kia là bạn, nhưng là đối thủ cạnh
tranh. Họ coi sự may lành của kẻ khác là mối họa cho mình.
3)
ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI CÓ LÒNG ĐỐ KỴ GANH GHÉT:
- Khó chịu khi
thấy bạn bè hơn mình :
Đặc điểm thứ nhất là cảm thấy khó chịu
khi thấy bạn bè hơn mình. Khi nghe một ai đó có thi đậu, có việc làm mới lương
cao, được thăng chức, mới sắm được chiếc xe mới hay tậu được nhà mới, … thì người
ganh tị thay vì “vui với người vui” để gửi lời chúc mừng, thì họ lại cảm thấy bực
bội khó chịu và tìm cách hạ giá trị của người đó. Trái lại, khi thấy bạn bè sa
cơ thất bại, thì người ganh tị lại thấy hả hê vui sướng trong lòng !
- Ưa so sánh
mình với người khác :
Đặc điểm thứ hai của người đố kỵ là thích
soi mói vào chuyện của người khác. Những người này hay “ngó nghiêng, ngó dọc”,
để ý đến từng lời nói hành động của người mà họ không ưa. Họ cũng thường hay
nhòm ngó sự thành đạt, hạnh phúc, nhan sắc của người khác rồi sinh ra tức tối
buồn bực, căm ghét...
- Hay nói hành
nói xấu những ai hơn mình :
Do thói đố kỵ làm mờ mắt, họ luôn nghĩ
mình hơn người khác, nên khi thấy có ai hơn mình, họ sẽ nói ra các thói hư của
người đó ra làm trò cười để thỏa mãn lòng ganh ghét. Nếu cần, họ sẵn sàng thêm
bớt thêu dệt, “ít xít ra nhiều” để hạ giá trị của người kia.
- Không thừa nhận
thành công của người khác
Người có lòng ganh tị thường không thừa
nhận thành quả của người khác, vì thành công của người khác cũng đồng nghĩa với
sự thất bại của mình. Vì vậy họ khinh thường người khác như lời một bài hát vui:
“Như hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ!”. Họ hay tự hỏi:
“Tại sao người kia không tài giỏi
bằng tôi, không thông minh như tôi mà lại được đặt làm sếp tôi?”
“Tại sao người kia không xinh đẹp
bằng tôi, nhưng lại có được một gia đình hạnh phúc như vậy?”
“Tại sao người kia lại có cha mẹ giàu
có sang trọng, đang khi tôi thì không”?...
- Không muốn kết
thân với những ai tài giỏi hơn mình
Trong một số trường hợp, khi phát hiện
đồng nghiệp, bạn bè có tài năng hơn mình, người đố kỵ sẽ xa lánh và không muốn
kết thân với họ vì mặc cảm bị thua kém họ.
Nhà văn Pháp De Balzac đã nói “Người ganh
tị khổ sở hơn bất cứ người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng
lớn thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ càng nhân lên gấp bội”.
4.
CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?
- Mỗi người chúng ta, đều ít nhiều có
tính xấu ganh ghét đố kỵ này. Điều cần làm là thay vì đố kỵ ganh tị với sự thành công
của người khác, chúng ta hãy coi sự thành công của người khác là động lực thúc
đẩy chúng ta phải cố gắng vươn lên bằng họ.
- Phải cố gắng « tranh đua nhưng
đừng ganh đua » : Chẳng hạn trong sân đá banh, bạn phải cố chạy nhanh
hơn để giành bóng đối thủ, thay vì ngáng chân cho họ té, hoặc thúc cùi chỏ vào
người họ hay dùng tay nắm áo họ lại, để giành bóng...
- Cách ứng xử của
ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn chính là cách ứng xử của Thiên Chúa muốn dạy
chúng ta hôm nay: Ngài mời gọi những người thu thuế bị loại trừ, những
người tội lỗi bị khinh dể vào Nước Trời, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Với những
ai hay so đo, tính toán với tha nhân, Thiên Chúa sẽ theo luật công bằng mà xét
xử họ; Còn với kẻ biết thương xót người, thì sẽ được Ngài xét xử theo lòng xót
thương. Ước gì trái tim chúng ta trở nên giống như trái tim của Thiên Chúa Tình
Thương.
- Ai cũng được Chúa ban cho những khả
năng khác nhau là những nén vàng... Trong ngày phán xét Chúa không hỏi: con đã
làm được những gì, đã giữ những chức vụ gì ? Mà Ngài chỉ hỏi về lòng mến Chúa yêu
người của chúng ta. Chính tình yêu Chúa thể hiện qua thái độ đối xứ với tha
nhân sẽ là thước đo hạnh phúc của chúng ta trên thiên đàng đời sau.
4. THẢO LUẬN:
1)Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường hay ganh ghét kẻ khác
vì những nguyên nhân nào ? Ta phải làm gì để bỏ đi thói ganh tị này
?
2) Lời dạy của thánh Phao-lô : “Vui với người vui, khóc với người
khóc” có thể thực hành được không ?
3) Bạn cần làm gì khi thấy người
khác hơn mình như họ thi đậu còn ta bị rớt, họ hát hay và được nhiều
người mến mộ còn ta thì không ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY THIÊN CHÚA CHA TỪ BI NHÂN HẬU.
Xin hãy ban cho chúng con trái tim bao dung dịu dàng của Chúa Giê-su và
trái tim đầy từ bi nhân ái của Mẹ Ma-ri-a.
Xin cho trái tim con không ích
kỷ khép lại cho bản thân, nhưng biết mở ra để đón nhận tha nhân.
Xin
cho trái tim con nên giống trái tim nhân hậu của Chúa Giê-su.
Xin cho
trái tim con vượt lên mọi tranh chấp nhỏ nhen và mọi trả thù ti tiện.
Xin cho tâm hồn con luôn được bình an, không giận hờn ganh ghét với những
ai hơn con.
Xin giúp tình cảm của con luôn quân bình: không quá vui khi
thành công, cũng chẳng chán nản khi thất bại.
Xin cho con biết khiêm
tốn và bình tĩnh đón nhận những lời phê bình xây dựng của kẻ khác. Xin
cho trái tim con đủ lớn để yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ
không ưa con và những người con không ưa họ.
Xin cho vòng tay con luôn
rộng mở để đón nhận cả thế giới, để không có ai là kẻ thù, nhưng
biến kẻ thù thành bạn con bằng tình thân ái bao dung.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét