8 tháng 9, 2017

SỬA LỖI TRONG BÁC ÁI



Image result for GẶP GỠ SỬA LỖI CHO ANH CHỊ EM MÌNHHội thánh gồm các tín hữu có đức tin và đã được thánh hóa nhờ các bí tích. Nhưng bao lâu còn ở trần gian, các tín hữu vẫn có nhiều sai lỗi giống như bao người khác. Họ có thể sai lầm và phạm phải nhiều tội lỗi, gây gương mù gương xấu và nên cớ vấp phạm cho người lương. 
Tuy nhiên, không phải bề trên hễ thấy người dưới sai lỗi là xử phạt ngay. Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta thái độ phải có đối với những kẻ sai lỗi trong Cộng đoàn thế nào, để vừa giữ được đức bác ái lại vừa giúp tội nhân nhận ra lỗi lầm mà sám hối.

1) CÓ CẦN PHẢI SỬA LỖI CHO THA NHÂN KHÔNG? 

- Cần sửa lỗi cho tha nhân vì đây là một hành vi bác ái : Một số người không dám lên tiếng sửa lỗi khi thấy kẻ khác làm sai vì sợ bị cho là kẻ hay gây chuyện : “Ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng !”; Hoặc sợ bị kẻ ác trả thù. Nhưng Đức Giê-su dạy các môn đệ không được im lặng khi thấy anh chị em mình sai lỗi vì khi ấy “im lặng là đồng lõa !”, và cũng là lỗi đức bác ái như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm : “Đức Chúa phán : Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23).  

- Cần sửa lỗi cho tha nhân vì là trách nhiệm của người trên: cha mẹ trong gia đình, thầy dạy ở học đường, các mục tử trong Hội Thánh có trách nhiệm dạy dỗ người dưới quyền như người xưa dạy : “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”.

- Cần sửa lỗi cho tha nhân để tránh phạm tội “thiếu sót bổn phận”gây hậu quả nghiêm trọng: Thấy một người đang đi vào đường đến đầm lầy có nguy cơ bị sụt lún mà không lên tiếng cảnh báo, thì đó chính là một tội ác. Thấy một người làm sai, có thể gây thiệt hại lớn cho bản thân, gia đình và tập thể mà không can ngăn thì cũng là tội thiếu sót bổn phận: Thấy một đứa trẻ chơi đùa với diêm quẹt gần bình ga trong bếp hay gần bình xăng xe mà không can ngăn là đã gián tiếp phạm tội ác nếu chẳng may sự cố cháy nổ xảy ra.

2) PHẢI SỬA LỖI CHO THA NHÂN THẾ NÀO ? 

Sửa lỗi cho anh em là một nghệ thuật, đòi người sửa lỗi phải khéo léo thực hiện : Cũng giống như việc giải phẫu một khối u ác tính : Nếu bác sĩ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm, thao tác không đúng kỹ thuật, thì không những không chữa lành được bệnh mà có thể còn gây ra thiệt hại lớn lao hơn cho bệnh nhân. Tin Mừng hôm nay đề ra ba điều kiện ta phải có khi sửa lỗi cho anh em :  

+ Một là phải sửa lỗi cách tế nhị : Tự đặt mình vào hoàn cảnh của người có lỗi, để biết khi nào nên gặp gỡ nói chuyện và nên nói cách nào để người bị sửa lỗi dễ dàng chấp nhận.

+ Hai là phải sửa lỗi cách kín đáo : Tránh để cho người ngoài biết chuyện sửa lỗi để người có lỗi không bị mất thể diện và khỏi mang mặc cảm.

+ Ba là sửa lỗi với sự kiên nhẫn: Tránh sự nóng vội và đừng đòi đạt kết quả ngay, nhưng cần biết kiên nhẫn chờ đợi để kẻ có lỗi có đủ thời gian suy nghĩ và quyết định đổi mới cuộc sống.   

3) BỐN BƯỚC CẦN THEO KHI SỬA LỖI THA NHÂN :
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ bốn bước phải theo khi sửa lỗi tha nhân:

+ Một là hãy gặp gỡ riêng giữa ta và họ.

+ Hai là nếu họ không sửa lỗi thì sẽ mang theo một hoặc hai nhân chứng, không phải để làm áp lực mà để mọi việc được sáng tỏ nhờ lời của các nhân chứng. Người ta thường gọi bước này là “ba mặt một lời”.

+ Nếu họ vẫn cố chấp không nghe, thì sang bước thứ ba là đưa họ ra Cộng đoàn. Không phải để bị kết án, nhưng nhờ thế giá của tập thể mà kẻ có lỗi sẽ hồi tâm sửa mình (x. Mt 18,20).

+ Nếu họ vẫn cố chấp không nghe Cộng đoàn, thì tức là họ đã tự loại mình ra khỏi Hội thánh. Từ đây họ không còn là thành viên của Hội thánh nữa. Những tội nhân cố chấp trong sự sai lạc về đức tin sẽ bị liệt vào thành phần “dân ngoại và người thu thuế”, nghĩa là không còn thuộc về Hội thánh nữa. Từ đây Hội thánh chỉ còn biết phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

4) THÀNH TÂM SÁM HỐI KHI LỠ XÚC PHẠM ĐẾN THA NHÂN ?

Khi “trót dại gây tổn thương đến danh dự và xúc phạm đến tự ái của anh em, chúng ta thường e ngại khi phải công khai xin lỗi. Bấy giờ chúng ta nên thực hành theo lời trong kinh cáo mình :

- Khiêm tốn và thành tâm nhận lỗi : Đầu tiên hãy ý thức sự sai lỗi là của mình chứ không đổ lỗi cho người khác, như kinh Cáo mình : “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Hoặc kinh Ăn Năn Tội : “Mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự”.

- Rồi quyết tâm sửa chữa lỗi lầm: Điều quan trọng là chúng ta cần thành tâm khắc phục hậu quả : Nếu làm hư hỏng tài sản của ai đó, chúng ta hãy đề nghị sửa chữa hoặc thay mới cho người bị hại. Điều quan trọng của việc sám hối là : Phải quyết tâm xa lánh dịp tội nghĩa là không gặp gỡ tiếp xúc với người hay đến nơi khiến ta dễ phạm tội lại. Rồi còn phải bồi thường thiệt hại cách tương xứng như kinh Ăn Năn Tội : “Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen”.

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn cảm thấy thế nào và nên làm gì khi nghe người khác nói hành hay công khai phê bình về các sai lỗi của mình? 

2) Ta nên góp ý sửa lỗi cho cấp trên thế nào để vừa đạt được hiệu quả, lại vừa tránh gây căng thẳng trong quan hệ với cấp trên về sau ? 

3) Khi phát hiện có thâm lạm công quỹ trong tập thể, là nhân viên ta nên làm gì ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Dù giữa chúng con có những khác biệt, nhưng xin Chúa ban cho chúng con hiệp nhất nên một trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết thật tình yêu thương nhau, biết chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn, biết nâng đỡ an ủi nhau mỗi khi bị thất bại, biết động viên khen ngợi nhau trong những thành công, luôn khích lệ nhau cố gắng vươn lên, và nhất là sẵn sàng góp ý xây dựng để cùng thăng tiến. Xin cho chúng con năng học hỏi suy niệm và sống Lời Chúa, để trở nên bạn hữu nghĩa thiết của Chúa và của anh em.


X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -  HHTM

Không có nhận xét nào: